BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

NGHI THỨC DÂNG HƯƠNG LỄ PHẬT, LỄ MẪU - Đặng Xuân Xuyến



Không ít người vào chùa lễ Phật thường sửa lễ nào hoa, quả, xôi, giò, bia, rượu, vàng mã... rồi khấn khứa cầu xin đấng Thế Tôn ban tài tiếp lộc cho gia đình được an khang thịnh vượng. Họ mặc nhiên cho rằng, đó là sự thành tâm của họ nhưng họ đâu có nghĩ đến câu dân gian thường nói: “Ăn chay niệm Phật” nên việc dâng lễ bằng rượu, bia, giò, chả... cúng dường Chư Phật là không đúng với giáo lý nhà Phật.

Vậy cúng dường phật như thế nào?

Đến dâng lễ Phật tại các chùa chỉ sửa lễ chay như: Hương, hoa, quả tươi, xôi, oản…, cũng không dùng vàng mã, tiền âm phủ dâng lên cúng Phật. Việc sửa lễ mặn, vàng mã... chỉ được dâng ở ban thờ tự các vị Thánh, Mẫu. Ngay cả tiền thật cũng không nên đặt ở chính điện, mà chỉ nên để vào hòm công đức đặt tại các ban thờ.
Hoa lễ Phật phải là hoa thật, hoa tươi, chủ yếu là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa hồng… không được dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Thường thì Phật tử cúng dường Phật Theo lệ thường, phải lễ thần thổ địa, thủ Đền trước, gọi là lễ trình, cáo lễ với Thần linh cho phép được tiến hành lễ tại đền, chùa, miếu, phủ. Sau đó, bày lễ vật ra các mâm, khay chuyên dùng vào việc cúng lễ... rồi đặt lễ vật vào các ban.
Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay và cẩn trọng đặt lên bàn thờ. Cần đặt lễ vật lên ban chính rồi mới trở ra ban ngoài cùng. Chỉ sau khi đã đặt xong lễ vật lên các ban mới được thắp hương.

Đến Chùa hành lễ cần theo thứ tự như sau:

1. Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông (Đức Chúa) trước.
2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Chúa (Đức Ông) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu)
5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ các ban thờ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Khi thắp hương cần thắp số lẻ: 1, 3, 5, 7 nén, không thắp số chẵn...
Sau khi hương được châm thì dùng hai tay dâng lên ngang trán, vái ba vái rồi kính cẩn cắm hương vào bình trên ban thờ. Nếu có sớ tâu trình thì kẹp sớ vào giữa bàn tay hoặc đặt lên 1 cái đĩa nhỏ, dùng hai tay nâng đĩa sớ lên ngang mày rồi vái 3 lần.
Trước khi khấn nên thỉnh 3 hồi chuông, thỉnh chuông xong thì mới khấn lễ.
Sau khi đợi hết một tuần nhang, vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi hạ tiền, vàng để đem đi hóa. Khi hóa tiền, vàng cần hóa từng lễ một, từ lễ ở ban thờ chính cho tới lễ ở các ban khác, cuối cùng là lễ ở ban thờ cô thờ cậu. Hóa tiền vàng xong mới hạ lễ dâng cúng.
Khi hạ lễ, phải hạ ban ngoài cùng đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở ban thờ cô, thờ cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ.
Sau buổi lễ, người đi lễ thường dành một phần lộc nhỏ đặt vào khay cúng với một số tiền tùy tâm để biếu người thủ đền, thủ chùa...
Giáo lý nhà Phật cho rằng: Phật tại tâm nên việc dâng lễ cốt yếu là ở tâm thành chứ không phải là giá trị của những vật lễ.

Ngày còn bé, tôi được mẹ tôi kể:
Có hai bố con người hành khất, đúng ngày Mồng Một nọ đi qua một ngôi chùa. Nhìn cảnh du khách thập phương đang náo nức sửa lễ dâng Phật, cô bé tủi thân vì không có đồ lễ dâng Phật, liền quỳ xuống nức nở khóc. Vái lạy từ xa Đức Phật từ bi bằng lòng thành kính, cô tiếp tục dắt người cha mù lòa đi ăn xin độ nhật.
Đến một ngày nọ, do đói lả lâu ngày, người cha kiệt sức qua đời, cô bé gào khóc thảm thiết. Khi nước mắt đã cạn thì đôi mắt của cô trở thành tàn phế. Mò mẫm dọc đường, cô lạc vào một khu rừng đầy thú dữ, ma quỷ.
Đúng lúc lũ quỷ dữ định ăn thịt cô bé thì bỗng xuất hiện một vầng hào quang chói sáng làm thú dữ, ma quỷ bỏ chạy, cô bé như được phép màu làm sáng trong đôi mắt trở lại và kỳ lạ hơn, cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp kiều diễm.
Ngước mắt nhìn lên không trung, cô thấy Phật Bà Quan Thế Âm đang nhìn cô trìu mến. Cô vội quỳ xuống tạ ơn thì Bồ Tát dịu dàng nói: - Những giọt nước mắt thành tâm của con cúng ta năm xưa, giờ giúp con, ta vẫn còn nợ con nhiều lắm.
Nói xong, Bồ Tát mỉm cười rồi biến mất, để lại một mùi hương thơm thoảng nhẹ giữa rừng.

Như vậy, đâu cứ phải là mâm cao cỗ đầy, là những món ăn cao sang mỹ vị sẽ được Phật chứng. Cô gái hành khất kia làm gì có xôi, giò, gà, rượu để cúng dường Phật mà vẫn được Phật thương, Phật giúp. Những giọt lệ thành tâm của cô cao hơn tất cả những đồ lễ của khách thập phương vì những mâm sang cỗ quý ấy người ta đến cửa chùa để cầu xin phú quý chứ đâu có thành tâm thờ Phật.

Không ít người ăn chay trường niệm Phật, sớm sớm gõ mõ tụng kinh, tưởng như là người rất thành tâm mộ đạo, dốc lòng hướng thiện, quy y Tam bảo sẽ được Phật độ để hưởng phúc lộc ở đời nhưng vì “tu” theo kiểu “tu hú”, “miệng nam mô bụng bồ dao găm” nên đời họ, con họ đâu có được bằng người. Nếu theo quan điểm duy vật, do họ sống thiếu chữ tâm, chữ đức mà con họ theo “tấm gương” của họ trở nên hư hỏng, đời họ vì thế mà chịu đắng cay khi tuổi xế chiều. Nếu theo quan điểm của Phật giáo thì do “gieo nhân nào gặt quả ấy”, nên đời họ phải chịu quả báo vì nghiệp ác đã gây ra.

Tóm lại: Phật giáo luôn để cao chữ Tâm, chữ Thiện nên việc dâng hương cúng Phật cốt yếu ở tâm thành và lòng hướng thiện. Đã là phật tử, khi vào chùa lễ Phật nên hiểu qua nghi thức dâng hương cúng Phật để thực hành và quan điểm sống hướng thiện của Phật giáo để “đẹp đạo tốt đời” là việc nên làm với các phật tử.

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

                                                                            Đặng Xuân Xuyến

Không có nhận xét nào: