BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA VIỆT NAM - Hoàng Đằng


                
                                    Tác giả Hoàng Đằng


          TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA VIỆT NAM
                                    (Ngôn ngữ và văn tự)
                                                                               Hoàng Đằng

Thời gian này, có ý kiến trái chiều về việc lấy tên giáo sĩ Francisco De Pina và giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đặt tên cho hai con đường nào đó tại Đà Nẵng.
Qua những ý kiến đưa ra, tôi thấy đang có sự lẫn lộn giữa TIẾNG NÓI và CHỮ VIẾT (Ngôn ngữ và văn tự) ngay cả trong giới trí thức.

Vì vậy, tôi xin lên tiếng!

Từ khi có người Việt trên trái đất này, chắc chắn đã có tiếng nói để giao tiếp với nhau, ấy là tiếng Việt - Việt ngữ. Lẽ dĩ nhiên, qua quá trình lịch sử, tiếp xúc với những ngôn ngữ khác, đụng chạm với thực tế cuộc sống, tiếng Việt đã tiến hoá, đã có ít nhiều biến đổi về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, số lượng ngữ vựng... Điều đó không thể nào tránh khỏi.

Tôi chỉ muốn nói người Việt từ xưa đến giờ chỉ có một tiếng nói.
Còn về chữ Viết (văn tự) thì khác.
Tôi có đọc tài liệu nói rằng thời xa xưa, người Việt đã có chữ viết - Việt tự.
Do thời gian Bắc thuộc quá dài, dân ta sống kiếp nô lệ, không có điều kiện dùng và phát triển chữ Việt xưa ấy, nên nó yểu mệnh, ngày nay, di chỉ không đủ để nghiên cứu tử tế.
Đến thời Bắc thuộc, giới trí thức học chữ Hán - Hán tự, dùng chữ Hán trong việc công.
Giáo dục chưa mở mang, số người mù chữ chiếm đại đa số; vì vậy, công văn ít người Việt đọc và viết được. Oái oăm thay! Do chữ viết không thể hiện tiếng nói, công văn ngay cả đem đọc, quần chúng cũng không hiểu được, nếu không có người diễn giải.
Khi nước ta giành được độc lập rồi, suốt cả chiều dài lịch sử, qua các triều đại tự chủ, chữ Hán vẫn được dùng trong việc công - công quyền và công chúng.
Nòi giống Việt có bản tính tự chủ, chữ Hán ở Việt Nam đã không đọc âm như bên Tàu, người Việt có cách đọc riêng, gọi là “âm Hán Việt”; dù vậy, văn bản Hán văn, vẫn như thời Bắc thuộc, cũng chỉ một ít người có học mới viết được, đọc được, hiểu được.
Hán tự đóng vai trò như thử là “quốc gia văn tự” của nước ta; tình trạng ấy đã làm cho mọi công việc ở tầm quốc gia, tầm xã hội, tầm gia đình rất khó khăn vì tiếng nói và chữ viết không đi đôi với nhau. Đó chắc cũng là một trong những lý do khiến nước ta, dân ta chậm tiến.

Trước tình trạng tréo ngoe đó, một số trí thức (nho sĩ) Việt nghĩ ra chữ Việt, gọi là chữ Nôm – “Nôm” là Nam nói trại.
Chữ Nôm là loại chữ bắt chước cách viết của chữ Hán để ký âm tiếng Việt.
Những ai đã sáng chế ra chữ Nôm và việc sáng chế khởi sự từ lúc nào; câu trả lời cho câu hỏi ấy bây giờ còn bỏ ngõ. Chỉ biết đời nhà Trần, đã có cụ Nguyễn Thuyên dùng chữ Nôm để viết văn bản.
Văn bản bằng chữ Nôm đọc lên, hễ là người Việt, ai cũng hiểu. Vì vậy, chữ Nôm có thể gọi là chữ Quốc Ngữ đầu tiên của nước ta - “Quốc Ngữ hệ chữ Hán”.
Tiếc là chữ Nôm không được đem dùng trong công quyền (triều nhà Hồ và triều Tây Sơn có dùng nhưng không đáng kể) để có thể trở thành “quốc gia văn tự”; ấy có lẽ do óc bảo thủ của vua quan qua các triều đại – họ quá tôn sùng chữ Hán, không muốn chữ Nôm phổ biến, sợ mất địa vị, uy quyền độc tôn của họ trong chính quyền và trong đời sống xã hội.
Giá như chữ Nôm được dùng trong công quyền, thành “quốc gia văn tự” qua các triều đại thì nó đã tiến hoá như chữ Nhật hay chữ Hàn, và biết đâu bây giờ nó vẫn được dùng như người Nhật, người Hàn đã dùng chữ Nhật, chữ Hàn tại nước của họ!  Và nếu được dùng chính thức, hình thái của nó ngày nay chắc chắn không còn rườm rà như ngày xưa mà đã được đơn giản hoá để dễ dàng phổ cập. Như vậy, tôi nghĩ rằng chữ “Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh” không còn chỗ để chiếm lĩnh vị trí “quốc gia văn tự” như hiện nay.
Do chữ Nôm không được vua quan xem trọng, chỗ trống “quốc gia văn tự” mới được chữ “Quốc Ngữ hệ La Tinh” trám vào.

Chữ “Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh” do các cố đạo Tây Phương đến truyền đạo Ki-Tô vào thế kỷ 16, 17 nghĩ ra – dùng mẫu tự La Tinh ghép vần để ký âm tiếng Việt. Sáng kiến của họ là để dễ dàng việc truyền giáo. Ban đầu, nó chỉ sử dụng trong mục đích ấy.
Qua thế kỷ 19, Pháp bắt đầu bảo hộ Việt Nam, nó đi vào học đường, công quyền bảo hộ, rồi đi vào sinh hoạt văn học, nghệ thuật, được giới nho sĩ tiến bộ đánh giá cao, được nhân dân đồng tình vì việc học dễ dàng. Nó khoác lên mình tên chữ Quốc Ngữ, nhưng nếu xếp đúng, nó là chữ Quốc Ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Từ năm 1945 – khi Việt Nam độc lập - đến giờ, nó trở thành “quốc gia văn tự” không kèn không trống.

Mấy giáo sĩ Tây Phương đặt nền móng cho “chữ Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh” đang được dùng chẳng bao giờ nghĩ đến sau này sẽ được Việt Nam vinh danh đặt tên đường, dựng tượng đồng, bia đá ... Họ, vì đức tin, hiến mình cho Chúa và tìm mọi phương tiện để hoàn thành sứ mạng và chữ Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh cũng là một phương tiện.
Nước Việt Nam bây giờ muốn vinh danh họ vì đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” - họ đã cho mình một công cụ văn hoá để sử dụng.

Theo tôi, người có công với đất nước Việt Nam không phải chỉ những người xông pha trận mạc mà còn có những người dựng xây, bảo vệ văn hoá, những người đưa ra kế hay, mưu giỏi để phát triển đất nước, không kể họ là người Việt Nam hay người nước ngoài.

                                                                             Hoàng Đằng
                                                                 01/12/2019 (06/11/Kỷ Hợi)

6 nhận xét:

tieng thoi gian nói...

Cám ơn bài viết của thầy HOàng Đằng tuy ngắn nhưng đã đầy đủ ý nghĩa

ĐHL

Bâng Khuâng nói...

Theo từ điển wikipedia:
Chữ Nôm (字喃), còn gọi là Quốc âm (chữ Hán: 國音), là một hệ chữ ngữ tố từng được dùng để viết tiếng Việt. Nó bao gồm bộ chữ Hán phồn thể để viết các từ Hán-Việt và dựa theo quy tắc ký âm của chữ Hán phồn thể để tạo ra các ký tự mới để viết các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán phồn thể.
Từ Nôm bắt nguồn từ cách phát âm miền Trong của chữ Hán Việt “Nam” 南 (có nghĩa là phía nam). Ý của tên gọi chữ Nôm là đây là thứ chữ dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam (tức người Việt, xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, còn người Trung Quốc là người phương Bắc).

Bâng Khuâng nói...

Không có chữ Nôm thì các áng văn chương bất hủ mà chúng ta đang thưởng thức như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần..., thơ văn của Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh lưu truyền trong văn học sẽ bị mai một.
Những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như Thạch Sanh, Trê Cóc, Nhị độ mai, Phan Trần, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Nữ tú tài, Tô Công phụng sứ, tất cả được phổ biến rộng rãi

Bâng Khuâng nói...

Dưới triều đại nhà Tây Sơn, do sự hậu thuẫn của Quang Trung hoàng đế, toàn bộ các văn kiện hành chính bắt buộc phải viết bằng chữ Nôm trong 14 năm, từ 1788 đến 1802.
Thời kỳ cuối của chữ Nôm xuất hiện nhiều tác phẩm thi ca theo thể hát nói như của Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương v.v. Những thể cũ song thất lục bát và lục bát (các truyện Nôm) vẫn góp mặt song thêm vào đó là những vở tuồng hoặc chèo dân gian cũng được soạn bằng chữ Nôm như Kim Thạch kỳ duyên, Chàng Lía (Văn Doan diễn ca), Quan Âm Thị Kính.
Đối ngược lại tài liệu văn học thì triết học, sử học, luật pháp, y khoa và ngữ học tuy có được ghi lại bằng chữ Nôm nhưng tương đối ít. Văn vần thì có Đại Nam Quốc sử Diễn ca (thời Nguyễn). Đặc biệt là cuốn từ điển song ngữ Hán Nôm Đại Nam Quốc ngữ do Văn Đa Nguyễn Văn San soạn năm Tự Đức thứ 30 (1877).[13] Trong những văn bản hành chính thường nhật như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi xen chữ Nôm nếu không thể tìm được một chữ Hán đồng nghĩa để chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt.

Bâng Khuâng nói...

- Hồ Quý Ly - vị vua nổi tiếng với những cải cách tiến bộ vượt thời đại - dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1400-1407), ông cũng kịp đưa chữ Nôm vào nội dung thi cử, cho dịch một số sách ra chữ Nôm. Nhà Hồ sớm bị đánh bại nên những cải cách của Hồ Quý Ly mãi chỉ là giấc mơ dang dở.
- Vua Quang Trung chính là người đầu tiên trong lịch sử đưa chữ Nôm vào các văn bản hành chính của nhà nước. Nhờ sự khuyến khích của vua Quang Trung, văn chương chữ Nôm thời kỳ này phát triển mạnh, khẳng định được vị thế của mình. Tiếc là, sự ra đi của vua Quang Trung kéo theo sụp đổ của vương triều Tây Sơn, khiến chữ Nôm không còn giữ được vị thế của mình.
CHỮ NÔM cùng song hành với chữ Hán và có nhiều khả năng thay thế chữ Hán để là chữ QUỐC NGỮ nếu các triều đại Hồ Qúy Ly và Quang Trung (cùng con cháu) trị vì lâu dài...
Nếu các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... sử dụng chữ NÔM làm chữ viết chính thức trong các văn bản của quốc gia như các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao... và trong các khoa thi như ở triều Tây Sơn thì chữ Nôm không bị mai một. Các sĩ phu triều Hậu Lê ra sức chống phá việc dùng chữ Nôm của triều Tây Sơn. Họ buông lời "nôm na là cha mách qué".
Đến thời Nguyễn, Nhà nước lại quay lại với việc sử dụng chữ Hán trong các văn bản hành chính nhà nước. Chữ Nôm thất thế ngay trong lòng dân tộc từ đây...

Bâng Khuâng nói...


Trong lịch sử thì người Triều Tiên sử dụng "Hanja" hay Hán tự để ký âm cho ngôn ngữ của mình (chữ tượng hình)
Vào thế kỷ 15, vua Triều Tiên Thế Tông phát minh ra chữ Hàn Chosŏn'gŭl (hay Hangul), có thể kết hợp với hanja để viết các từ Hán-Triều. Tại Hàn Quốc hiện nay vẫn dạy 1800 ký tự Hanja (Hán tự) cho trẻ em, trong khi đó CHDCND Triều Tiên đã hủy bỏ việc sử dụng Hán tự trong hệ thống văn nói và viết này từ cách đây hàng thập kỷ.
Chosŏn'gŭl hay Hangeul là bảng chữ cái TƯỢNG THANH của người Triều Tiên dùng để viết tiếng Triều Tiên, khác với hệ thống chữ tượng hình Hanja (Hán tự) mượn từ chữ Hán.
Thoạt nhìn, Chosŏn'gŭl trông có vẻ như kiểu chữ BIỂU Ý (hay có thể xem là tượng hình), thực sự nó là chữ BIỂU ÂM.
Trước đây, chữ Triều Tiên được viết theo cột từ trên xuống dưới, phải sang trái, nhưng bây giờ cũng được viết từ trái sang phải, trên xuống dưới giống như cách người Việt viết chữ quốc ngữ.
Chosŏn'gŭl – tiếng Triều Tiên: Latinh cải tiến.
Hangeul – tiếng Hàn: Latinh cải tiến.