CHÂU
SA
Nguyễn Thị Giáng Hương
Châu Sa là nước mắt rơi hay ngọc châu từ trời rơi xuống?
Từ ngày ly hôn với chồng Châu Sa cứ thắc mắc với cái tên của mình. Ngày chia
tay Hải - chồng nàng - quá buồn khổ Châu Sa mới hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao ba mẹ đặt tên con là Châu Sa?”
Mẹ nhẹ nhàng giải thích : “Theo ba mẹ nghĩ: Châu Sa là viên ngọc châu từ trời sa xuống.”
Nàng cười buồn: “Thế
mà con cứ nghĩ Châu Sa là dòng lệ rơi - châu sa vắn dài - nên đời con mới gian
truân thế này”.
Dù mẹ đã giảng giải cặn kẽ như thế nhưng qua những lần
thất bại trên đường đời, Châu Sa cứ đinh ninh tên mình có nghĩa là nước mắt
rơi. Ba mẹ có 3 gái và 4 trai, nhưng sao chị Thiên Ngọc và em Kim Cương có đời
sống gia đình hạnh phúc vẹn toàn, còn nàng thì không. Trong gia đình, ai cũng bảo
so với chị em thì Châu Sa trội hơn hẳn về nhan sắc lẫn tài năng, thế nhưng sao
cuộc đời nàng chẳng thể bằng chị em? Phải chăng lại thuyết tài mệnh tương đố? Từ
nhỏ, bé Châu Sa đã gan lì hơn chị em trong nhà. Mới học mẫu giáo, bé đã dám
chui qua hàng rào nhà trường trốn học chỉ vì thèm sữa. Hôm đó ba đến đón không
thấy bé, các cô giáo bị một phen hoảng vía vì không ngờ bé đã trốn về nhà trong
giờ ra chơi. Khi ba về nhà thì thấy bé Tí - tên gọi ở nhà của Châu Sa - đang nằm
lăn trên sàn nhà với bình sữa đã cạn bên cạnh.
Đến năm lớp 9, Châu Sa tự tập đi xe đạp mặc dầu ba mẹ
đã cấm. Sau nhiều lần ngã xước tay, trầy chân rốt cuộc cũng đi được - thế là
nàng ta mượn xe của anh đi học. Chiều tan học, Châu Sa đạp xe qua bên kia cầu
Tràng Tiền chơi. Một hôm, nhằm ngày lễ Phật Đản xe cộ nườm nượp. Tuy tay lái có
hơi run nhưng vui quá nên Châu Sa đạp xe một mạch lên đến chùa Từ Đàm. Lúc quay
về, ống quần rộng vướng vào xe thế nào mà kéo rách cả một đường từ cổ chân đến
tận đùi non, cũng may nhờ mặc áo dài, trời lại sập tối nên che bớt chỗ rách. Về
đến nhà gặp chị Ngọc, cô nàng hiếu động bị bà chị la cho một trận:
“Mi
to gan hỉ? Ba mạ hỏi mi đi mô mà chừ chưa về. Mới tập xe mà dám đi lên thấu
chùa Từ Đàm? May ba mạ đi chùa chưa về, chớ không thì mi chết đó nghe!”
Châu Sa chưa hoàn hồn còn đưa chân với ống quần rách
ra méc làm bà chị nhăn mặt: “Lo giấu cái
quần đó đi! Chừ mau ăn cơm để cho O Hối còn dọn dẹp nì”.
O Hối là người giúp việc từ hồi chị Ngọc còn nhỏ. Mọi
việc trong nhà đều một tay O làm, mẹ nàng suốt ngày bận buôn bán ở chợ Đông Ba.
Châu Sa biết chị Ngọc la vậy nhưng chắc chị cũng “phục” mình lắm vì chị đã là
sinh viên mà chưa đi xe đạp được. Chị nhát gan lắm! Con thằn lằn cũng sợ, con
chuột con, con gián đều sợ tuốt. Hơn nữa chị biết nghe lời ba mạ, ba mẹ bảo gì
chị đều nghe theo răm rắp chứ không bướng bỉnh như nàng, thích đi xe đạp là cứ
lén mượn xe người lớn để tập cho bằng được - mặc nghiêm cấm của ba mẹ. Nghĩ vậy,
Châu Sa lại bật cười khi nhớ lại lời phê của cô giáo hồi học lớp 6 “Học được nhưng chậm chạp, lì lì”. Bây
giờ thì Châu Sa không chậm chạp nữa. Có vậy mới theo kịp với nếp sống của một
đô thị lớn như Saigon.
Mối tình đầu đẹp như mơ đến với Châu Sa vào năm nàng học
lớp 12 trường Nữ Thành Nội - Huế. Trong một chuyến đi ủy lạo các chiến sĩ trung
đoàn nhảy dù đóng quân tại An Lỗ - nằm ở ranh giới Huế và Quảng Trị. Hôm đó,
Châu Sa hát bài Mưa Hồng và Trường làng tôi. Tiếng hát học trò dễ thương của
Châu Sa đã làm nao lòng những thiên thần mũ đỏ - trong đó có trung uý Bảo Minh
- anh đến làm quen và xin địa chỉ nhà. Châu Sa không dám chỉ nhà vì biết ba
mình rất nghiêm khắc với con gái, nhất là năm nay là năm thi quan trọng để quyết
định tương lai cho một đời người. Nhưng Bảo Minh đã nhờ cô bạn thân của nàng
làm chim xanh. Anh viết thư tình rất hay và còn làm thơ nữa - có lẽ bởi anh là
sinh viên đại học Văn khoa bị gọi nhập ngũ. Châu Sa trả lời thư anh nhưng vẫn
không xao lãng việc học. Nàng hẹn anh rằng nàng sẽ xin ba mạ cho anh đến thăm
nhà sau khi nàng thi đỗ đại học. Những kỳ nghỉ phép về thành phố, anh thường
mang theo những loài hoa rừng màu tím thật dễ thương như hoa sim, hoa bằng
lăng…để tặng nàng. Mỗi lần hết phép, chàng trở về mặt trận, hai người thường hẹn
nhau vào một giờ thuận tiện nào đó, nàng ra đứng ở cửa sổ để nhìn chàng đi
ngang qua nhà; chỉ nhìn nhau thôi rồi người ra trận, kẻ vào nhà học thi. Châu
Sa lo học để đạt kết quả với lòng thầm mong có ngày sẽ đường đường chính chính
tiếp anh tại nhà. Thế nhưng, ngày Châu Sa đỗ đại học cũng là ngày nàng được tin
anh tử trận ở chiến trường Khe Sanh. Thương tiếc anh, đau xót cho mối tình đầu
nàng lén vào phòng khóc một mình. Chị Ngọc biết, chị an ủi Châu Sa, còn dặn
nàng phải làm mặt vui kẻo ba mẹ biết. Và lần đầu Châu đã Sa như thế đó.
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, Châu Sa vào Quy
Nhơn dạy học để gần gia đình chị Ngọc. Hai năm sau, Châu Sa lập gia đình với Hải
- một giáo viên dạy môn Thể dục và Vẽ cùng trường. Hải là chàng trai đẹp mã nên
được nhiều cô gái yêu thầm nhớ trộm và ao ước nhưng Hải lại chọn Châu Sa, có lẽ
vì nàng hiền lành, nết na. Còn Châu Sa, nàng chọn Hải vì thấy anh ân cần, tốt bụng
với mình. Hơn nữa dù được nhiều cô gái đẹp vây quanh nhưng Hải luôn tỏ ra đứng
đắn. Nàng nghĩ bên Hải, nàng sẽ có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Thế nhưng, mới sống
với nhau chưa bao lâu thì hắn ta trở mặt.
Châu Sa đau đớn nhớ lại cảnh vừa mới sinh con xong,
người chưa lại sức sau lần vượt cạn thì Hải từ Saigon trở về. Hắn ta la mắng
nàng vì cái tội tính ngày sinh sai, để gã vừa mới đi chưa được một tuần đã phải
trở về. Sau này Châu Sa mới biết là gã đã chung sống với một người đàn bà khác ở
Saigon. Thời gian mang thai, nàng “ốm nghén” đến 5 tháng - không ăn được, chỉ uống
nước mía - vì vậy người mệt nên Hải thường đi chơi một mình. Lúc ấy Hải thường
lui tới quán cà phê của một người phụ nữ đã có 2 con nhưng chồng đi tu nghiệp ở
Liên Xô. Ai hay “lửa gần rơm lâu ngày
cũng bén”, Hải đã sa ngã sau 3 tháng làm trang trí nội thất cho người đàn
bà này. Hai kẻ tội lỗi đã dẫn nhau vào Saigon sinh sống để tránh lời đàm tiếu.
Hải nói dối Châu Sa là vào Nam kiếm tiền dễ hơn để lo cho tương lai gia đình.
Chỉ cần vài năm, khi có cơ ngơi sẽ đón mẹ con nàng vào. Lúc ấy Châu Sa chưa biết
chuyện nên ưng thuận vì cứ nghĩ còn hơn tháng nữa mới sinh. Thế nhưng sinh con
so thường sớm hơn nên Hải vừa đi mấy ngày thì nàng sinh. May có chị Ngọc ở gần
chăm em gái, sau đó phải nhờ mẹ vào nuôi. Ngay hôm đầu tiên Hải về, Châu Sa còn
nằm ở bệnh viện thế mà gã đã la mắng ỏm tỏi, chị Ngọc nhìn em xót xa, chị nhẹ
nhàng nói:: “Sao chú giận dữ vậy? Sinh
con so thường sinh sớm, vợ chú còn đang yếu, coi chừng nó uất ức bị sản giật (sản
hậu) đó!” Bản tính chị Ngọc lúc nào cũng dịu dàng nhưng thực ra lúc ấy chị
giận lắm. Sau này chị bảo chị phải nuốt giận, không dám mắng thằng em rể bất
nhơn vì sợ em gái mình lên cơn uất rồi hậu quả khó lường.
Đến khi con nàng được hai tuổi, Châu Sa mới biết sự
gian dối của chồng. Lúc ấy người đàn bà kia cũng đã có con với Hải. Châu Sa đau
khổ, tủi cho thân phận mình, nàng cương quyết làm đơn ly hôn vì thấy Hải không
còn xứng đáng làm chồng của nàng nữa. Châu Sa đặt tên con là Xuân Mai với hy vọng
đời con sẽ như đóa mai vàng, mãi tươi tắn, hân hoan chào đón chúa xuân. Nàng cố
sống vui vì bên cạnh nàng còn có con gái xinh xắn; ba mẹ và chị em luôn yêu thương,
chia sẻ. Một thời gian sau, nàng chuyển vào Saigon sinh sống. Còn Hải, hắn ta
không hề quan tâm gì đến mẹ con nàng; chỉ có bên nội bé Xuân Mai vẫn thương mến
mẹ con nàng nên Châu Sa vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với gia đình chồng.
Là một phụ nữ có nhan sắc sống giữa Saigon hoa lệ
nhưng Châu Sa không màng đến bản thân, nàng chỉ chăm chú dạy học: vừa dạy ở trường
vừa làm gia sư để lo cho cuộc sống của con đầy đủ. Vào Saigon, nàng phải bôn ba
nhiều hơn vì mức sống nơi đô thị cao hơn. Cũng lắm người đàng hoàng đến cầu
thân nhưng Châu Sa từ chối, nàng không muốn con khổ. Vả lại, cuộc chia tay với
Hải là một cú “shock” quá lớn trong đời khiến nàng trở nên lãnh đạm với nam giới
và sinh ra đa nghi với họ. Hai mươi năm đã trôi qua, Châu Sa vẫn dạy học kiếm
tiền nuôi con một mình.
Bé Xuân Mai lớn dần theo năm tháng, giờ đây đã là cô
sinh viên 22 tuổi duyên dáng, đáng yêu. Nhìn con gái lớn khôn, nàng quên hết muộn
phiền. Khi Xuân Mai có bạn trai, Châu Sa mới nhìn lại mình để rồi xót xa. Ngày
mai, nhà trai sẽ đến “bỏ trầu” để xin
sang năm - khi Xuân Mai tốt nghiệp đại học - sẽ tổ chức đám cưới. Con gái về
nhà chồng, chỉ còn lại mình nàng trong căn nhà cô quạnh, đi về thui thủi một
mình, không ai bầu bạn, không người tri âm tri kỷ… Phải chăng: Còn duyên kẻ đón
người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
Mơ ước của nàng đơn sơ biết bao! Một mái ấm gia đình
nho nhỏ bên người bạn đường thủy chung, son sắt… Nhưng hình như tạo hóa cố tình
trêu ngươi, gần đây người thân khuyên mãi nàng cũng xiêu lòng nên cũng định đi
bước nữa để có người cùng chia sẻ, bầu bạn khi con gái theo chồng. Nhưng rồi
chuyện vẫn không thành vì chưa kịp về Việt Nam để cưới nàng thì người ấy đã qua
đời trong một tai nạn xe hơi. Nước mắt lưng tròng, Châu Sa tâm sự với chị Ngọc:
“Chị ơi! Ước gì anh ấy đừng mất đi. Cho
dù anh ấy có bị thương tàn phế nằm một chỗ em vẫn đến và nguyện chăm sóc anh trọn
đời”. Chị Ngọc cảm thương cho số phận hẩm hiu và lời tâm sự chân thật tận
đáy lòng của em gái nên an ủi: “Thôi em ạ!
Anh ấy mất đi như thế đôi khi là phúc đấy, chứ sống mà tật nguyền nằm một chỗ
thì khổ thân lắm. Hơn nữa vợ chồng là duyên nợ. Hữu duyên mà vô nợ thì cũng
không thể đến với nhau được”.
Duyên nợ Châu Sa buồn như thế đó. Đôi lúc nàng lại
nghĩ đến tên mình và lời nói của bà tướng số: “Cô có người âm đeo đuổi, họ không muốn cô sống với người đàn ông nào
khác trên dương thế. Sao cô cứ giữ thư từ của họ làm gì?” Châu Sa giật
mình, cho đến bây giờ nàng vẫn còn giữ lá thư tỏ tình cũng như những bài thơ
tình nồng nàn thắm thiết của của Bảo Minh. Đã 36 năm rồi, mối tình đầu không
phai mờ theo năm tháng nên nàng vẫn không thể xóa bỏ kỷ niệm trân quý ấy. Nàng
lắc đầu, không tin lời bà tướng số. Bảo Minh thương nàng, yêu nàng thì không thể
làm nàng đau khổ mà chỉ mong muốn nàng hạnh phúc. Còn lại thì chỉ vì cái tên của
nàng - Châu Sa!!!
Đêm nay là đêm Giáng Sinh, Xuân Mai đã đi chơi với bạn
trai. Ngoài đường thiên hạ tấp nập đi lễ nhà thờ; trai gái từng cặp chở nhau đi
dạo phố. Châu Sa mở nhạc nghe “Bài Thánh Ca Buồn” với giọng ca trầm ấm của ca
sĩ Elvis Phương:…Rồi những đêm thánh đường
đón Noel. Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu. Vang trong đêm lạnh bài ca
thiên chúa. Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn. Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn
tôi….
Trời về khuya se se lạnh, tiếng chuông giáo đường
gióng từng hồi thánh thót giữa không trung. Châu Sa cảm thấy cái lạnh không phải
vì khí trời mà vì cái cô đơn, trống vắng tận hồn. Từng giọt nước mắt lăn dài
trên má, trên môi. Nàng đã khóc lúc nào không hay…
Viết
giữa Mùa Giáng Sinh
Giáng Hương
(CGS/NH 73-75)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét