BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

“NHÀ TÔI”, CHIÊU ĐẸP CỦA YÊN THAO - Nguyễn Khôi


            
                                Nhà thơ Yên Thao


Yên Thao (Nguyễn Bảo Thịnh), sinh năm 1927, quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1946, anh đi Bộ đội, có Thơ nổi tiếng cùng thời với Quang Dũng, Tất Vinh, Hồng Nguyên...

Năm 1949, anh công tác ở Văn nghệ Liên khu 3, trong một lần cùng đơn vị tham gia đánh  một "đồn" quân Pháp ven sông ở một Làng Đồi; trong lúc chờ nổ súng, anh trò chuyện với một Chiến sĩ quê ở ngay Làng Đồi (địch đang chiếm đóng), mà phía bên ấy còn có mẹ già, vợ trẻ cùng giàn hoa Thiên lý... Qua câu chuyện của đồng đội kể, Yên Thao rất xúc động, đồng cảm liên tưởng cứ như câu chuyện của chính mình, thế là trong đầu anh cảm hứng xuất thần một "tứ thơ" vụt hiện : NHÀ TÔI... Bài thơ được mọi người chép tay, thuộc lòng, nhanh chóng truyền bá vào tới tận Nam Bộ kháng chiến, không chỉ với lính xuất thân nông thôn mà cả với lính thành phố cũng thấy thấp thoáng trong bài thơ những nét hợp với mình.

Bài thơ được Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc "chắp cánh bay" dưới tiêu đề "Chuyện giàn Thiên Lý", rồi được các  Ca sĩ Mạnh Đình, Như Quỳnh, Duy Khánh thể hiện đã được thính giả Người Việt trong, ngoài nước nhiệt tình đón nhận, bài thơ nguyên gốc như sau :

        NHÀ TÔI
                         
        Tôi đứng bên này sông
        Bên kia vùng giặc đóng
        Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
        Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
        Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
        Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không  ?
                            
        Tôi là anh lính chiến
        Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
        Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
        Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
        Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm
        Áo nào phai không sót chút màu xưa
        Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
        Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
                             
        Tôi có người vợ trẻ
        Đẹp như thơ
        Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
        Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
        Ai ra đi mà không từng bịn rịn
        Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
        Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
        Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.
                               
        Tôi còn người mẹ
        Tóc đã ngả màu bông
        Tuổi già non thế kỷ
        Lưng gày uốn nặng kiếp long đong
        Nắng mưa từ buổi tang chồng
        Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
        ÔI, xa rồi, mẹ tôi
        Lệ nhòa mi mắt
        Mong con phương trời
        Có từng chợt tỉnh đêm vơi
        Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly :
        - Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
        Bao giờ hết giặc con về mẹ vui.
                         
        Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
        Sông sâu mừng, lấp lánh sao lưa thưa
        Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
        Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
        Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
        Trông im lìm như một nấm mồ ma
        Có còn không, em hỡi ! mẹ tôi già !
        Những người thân yêu khóc buổi tôi xa ?
        Tôi là anh lính chiến
        Theo quân về giải phóng quê hương
        Mái đầu xanh bụi viễn phương
        Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.
                                 
        - Này, anh đồng chí
        Người bạn pháo binh
        Đã đến giờ chưa nhỉ
        Mà tôi nghe như trại giặc tan tành ?
        Anh rót cho khéo nhé
        Kẻo lại nhầm nhà tôi !
        Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
        Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.

                                                    Yên Thao
                                                      (1949)


            
                          Nhà thơ Nguyễn Khôi 


          “NHÀ TÔI” - CHIÊU ĐẸP CỦA YÊN THAO
                                                                           Nguyễn Khôi

 Bài thơ NHÀ TÔI cuả Yên Thao ra đời cùng thời với "Màu tím Hoa sim", "Bên kia sông Đuống", "Đôi mắt người Sơn Tây", "Tây Tiến", "Bầm ơi"... cái độc đáo là (sự truyền cảm) không chỉ được "thích" ở bên ta mà ở cả bên kia chiến tuyến (vùng Tề lúc bấy giờ) họ cũng ngâm nga, ca hát...? ! Có cái gì đó (như tâm tư) mà  con người ta thời đó không công khai thổ lộ, đã được Thi sĩ (nói hộ họ) trong những vần thơ chứa đựng tâm tình của những người đi xa , của nhũng người đang cầm súng... sự hòa quyện lòng yêu nước với nỗi thương nhà cùng tình cảm nhớ nhung tha thiết... Cái độc đáo nữa : là ở đây Người chiến sĩ (không phải là "Lính đánh thuê" - cái mẫu người sắt đá không tim chỉ biết có làm theo mệnh lệnh "giết giết"...) mà là : ngay trong giờ phút xung trận nã pháo vào đầu thù, các anh còn lo ngại đồng đội bắn nhầm vào nhà mình (nhà dân) : "anh rót cho khéo nhé / kẻo lại nhầm nhà tôi..."

"Tây Tiến" là diễn tả cái bi hùng của người chiến sĩ.
"Bên kia sông Đuống" là tình quê hương nung nấu tâm hồn.
Còn ở "Nhà Tôi" thì Người chiến sĩ -Thi sĩ ở đây hình như "tỉnh táo" hơn :

    - Tôi là anh lính chiến
    Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
    Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông

    - Áo quần nâu đã vá mụn giang hồ
    Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ.

Cái HAY của bài thơ để cho người đọc bị hớp hồn (thời bấy giờ) là ở những câu viết về người Vợ trẻ, mẹ già với hình tượng thơ tươi mới (lạ) ĐẸP một cách sống động, gần gũi với
tâm hồn Việt. "Nhà tôi" là một bài thơ HAY của một thời (1949-1952...), chưa phải là "tuyệt tác" bởi lối viết kể lể dài dòng, ngôn ngữ sáo mòn nên theo thời gian bài thơ cũng đi vào quên lãng...
Dẫu sao đi nữa, ai đó nếu còn nhớ Yên Thao thì chắc là cũng không thể quên 2 câu kết :

    Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
    Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.

Chao ôi, thơ là vậy mà, nỗi nhớ ấy hôm nay xem ra cũng là "xưa" lắm rồi ? !

                                                  Góc thành nam Hà Nội, 7-11-2012
                                                                    Nguyễn Khôi

Không có nhận xét nào: