Một chai rượu Thiêu Tửu Chamisul
cùng với loại ly của cùng hãng sản xuất.
RƯỢU
SOJU - THIÊU TỬU BÀI
Phạm Đình Khuê
Có một điều gằn như chắc chắn rằng là khi nền kinh tế
của một quốc gia phát triển, vươn ra khỏi giới hạn biên giới của chính nó, thì
đi liền với cái sức mạnh kinh tế đó chính là những ảnh hưởng tác động trực tiếp
của văn hóa sẽ theo bước chưn tiếp theo sau mà ra ngoài. Hàn Quốc, thực sự chỉ là phần đất Nam Hàn
ngày nay, đang là một ngôi sao sáng về phát triển kinh tế trên vòm trời quốc tế,
và do đó những ảnh hưởng văn hóa của họ cũng đã và đang phát triển mạnh ra thế
giới bên ngoài.
Ngày nay thì ảnh hưởng văn hóa của Hàn Quốc đã ngày
càng lớn mạnh hơn. Ảnh hưởng này có lẽ
có tác động lớn từ các phim ảnh của Hàn Quốc.
Ngay bản thân tôi, khi so sánh các phim làm từ Thái Lan, Đại Hàn, Hương
Cảng, Đài Loan, và Trung Hoa Lục Địa thì tôi có nhận xét như thế này: Người Trung Hoa Lục Địa làm phim chưởng hay
hơn và thực hơn so với người Hương Cảng và Đài Loan bởi phần ngoại cảnh quá hay
và quá đẹp, nhưng về các phim tâm lý tình cảm xã hội thì có lẽ không ai vượt
qua mặt được người Đại Hàn. Họ làm phim,
với các lời đối thoại rất thực, những tình cảnh rất gần với đời sống thực tại
chứ không xô bồ như kiểu các phim xã hội của Hương Cảng, hay nàng dâu, Mẹ chồng,
trâm anh thế phiệt, quan quyền kiểu Đài Loan.
Lồng trong khung cảnh phim đó, có một loại rượu với
cái vỏ chai màu xanh lá cây đặc biệt mà người Đại Hàn vẫn thường hay uống. Đó chính là loại rượu Soju, hay theo âm tiếng
Hán Việt là Thiêu Tửu, và người Nhật Bản gọi là Shochu hay Thiêu Trữu, cũng là một
hạng rượu của loại rượu này.
Tôi cũng vậy, qua việc xem các phim ảnh Đại Hàn mà biết
đến loại rượu này. Và cũng may mắn là
các tiệm bán rượu LCBO của tỉnh bang nơi tôi đang cư ngụ cũng có bán một số loại
rượu Soju phổ biến của Đại Hàn như Jinro, Chum-Churum, và Chamisul, nên tôi
cũng có dịp thưởng ngoạn qua loại rượu mà người Đại Hàn hay uống.
Mỗi chai rượu Soju này bán ra không mắc lắm, chỉ từ 5
cho đến 7 đồng Gia Kim theo thời giá hiện nay.
Loại rượu này uống lạnh ở nhiệt độ phòng hay hâm ấm lên đều được. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, các loại rượu làm từ
trái nho thì nên uống lạnh, và các loại rượu làm từ gạo thì nên uống nóng đối với
các loại rượu có độ cồn rượu từ 12 cho đến 20 theo thể tích nước rượu. Các loại rượu mạnh từ 40 độ cồn rượu thì
không thể uống ở dạng hâm nóng được.
Dường như ở nồng độ rượu này, mùi thơm và vị của loại
rượu làm từ nho được lột toát hoàn toàn qua cái vị ngậm trong miệng và mùi thơm
rượu nhẹ nhàng, thoang thoảng trong mũi.
Trong khi đó, đối với các loại rượu làm bằng gạo thì mùi thơm bốc lên
qua hơi rượu ấm rất nồng nàn từ bên ngoài, qua khứu giác đưa vào trong não bộ,
và đầy quyến rũ như mùi thơm da ngực của các cô gái trẻ tuổi trăng tròn, căng cứng,
đầy nhựa sống …
Và rượu Soju của Hàn Quốc cũng vậy, nên được uống ấm mới
thưởng thức được hết cái ngon của vị và cái hương của rượu…
Vài
Nét Về Rượu Soju
Rượu Soju là loại rượu chưng cất của Đại Hàn. Mùi vị của rượu Soju có thể ví như rượu
Vodka, dù rằng ngọt hơn chút đỉnh vì được bỏ thêm đường vào trong quy trình sản
xuất, và thường được uống thẳng rượu nguyên chất.
Hầu hết mọi loại rượu Soju ngày nay đều được sản xuất
từ Nam Hàn. Dù rằng, theo phương thức cổ
truyền thì rượu Soju được làm ra từ gạo, nhưng ngày nay hầu hết mọi tên rượu
Soju đề có các sản phẩm làm từ các loại vật liệu khác hay ngay cả thay thế gạo
với các loại tinh bột khác như khoai tây, lúa mì, lúa mạch, khoai lang, hay bột
năng. Rượu Soju là loại rượu trắng không
màu và có nồng độ rượu thay đổi từ 20% cho đến 45% theo thể tích, và thường là
20%. Rượu Soju được uống nhiều bởi vì
giá cả tương đối rẻ tại Đại Hàn. Ở đó, một
chai rượu Soju giá vào khoảng 1,000 cho đến 3,000 Won tiền Nam Hàn [hay vào khoảng
1 cho đến 3 Gia Kim].
Tên
Gọi Rượu Soju
Trong ngôn ngữ học, chữ Soju trong tiếng Đại Hàn có
nghĩa, theo tiếng Hán Việt, là Thiêu Tửu [燒酒]. Thiêu có nghĩa là Đốt và Tửu có nghĩa là Rượu. Hay diễn dịch nôm na có nghĩa là loại rượu
khi uống vào sẽ thiêu đốt tâm can. Tương
tự, chữ tiếng Anh trích từ chữ Hòa Lan cho chữ rượu Brandy cũng có nghĩa là
“Thiêu Tửu”. Và âm chữ Thiêu Tửu trong
tiếng Hán được viết theo mẫu tự Latin là Shaojiu, và tiếng Nhật Bản âm là
Shōchū. Tất cả các tên trên, ngoại trừ
loại rượu Brandy, đều nói về loại rượu được chưng cất tương tự như loại rượu
Soju của Đại Hàn.
RƯỢU SOJU TẠI ĐẠI HÀN
LỊCH SỬ
Nồi
chưng rượu Soju, Soju Gori, 소주고리
nằm ở giữa,
và các loại nồi Hangari khác kiểu 항아리 sử dụng cho
việc sản xuất rượu Soju.
việc sản xuất rượu Soju.
Rượu Soju lần đầu được chưng cất vào khoảng thế kỷ thứ
13 trong thời quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Hàn.
Người Mông Cổ đã học được kỹ thuật chưng cất rượu Arak từ người Persia
[người Iran/Iraq ngày nay] trong thời gian xâm chiếm Trung Á và Trung Đông vào
khoảng năm 1256, và sau đó được đưa vào Đại Hàn với các lò chưng cất rượu được
xây dựng ở thành phố Khai Thành [Kaesong – 開城市]. Trên thực tế, tại các khu vực quanh thành phố
Khai Thành, rượu Soju còn được gọi là Arak-Ju [rượu Arak].
Từ năm 1965 cho mãi đến năm 1999, để giúp giảm thiểu
việc thiếu gạo, chính quyền Đại Hàn nghiêm cấm việc sản xuất rượu Soju theo
phương pháp cổ truyền từ gạo. Thay vào
đó, cồn Ethanol chưng cất từ khoai lang và bột năng được hòa trộn vào với nước,
thêm mùi vị và đường vào để tạo ra rượu Soju.
Ngày nay, dù việc nghiêm cấm đã được bãi bỏ, nhưng những loại rượu Soju
rẻ tiền vẫn còn được sản xuất theo phương pháp này. Chính quyền Đại Hàn đặt ra nguyên tắc rượu
Soju pha phải có nồng độ cồn thấp hơn 35%, nhưng nồng độ cồn trong rượu tiếp tục
xuống thấp do người tiêu thụ thích loại rượu Soju có nồng độ rượu thấp.
Nhiều khu vực đã lập lại việc sản xuất rượu Soju theo
phương pháp cổ truyền bằng cách chưng cất các loại ngũ cốc và tạo rượu
Soju. Rượu Soju từ thành phố An Đông
[Andong – 安東市] là loại rượu Soju nổi
tiếng nhứt Đại Hàn, với nồng độ rượu vào khoảng 45%.
CÁC
TÊN RƯỢU SOJU
Một
chai rượu Soju của công ty Jinro.
Jinro là nhà sản xuất rượu Soju lớn nhứt Đại Hàn [vào
năm 2008, họ bán ra 76 triệu thùng rượu Soju].
Loại rượu Soju nhiều người uống nhứt là loại rượu Soju có tên Chamisul,
một loại rượu Soju được lọc 4 lần. Nhưng
mới đây, rượu Soju có tên là Chum-Churum của công ty Lotte BG đang phát triển mạnh
lên. Tuy nhiên, mỗi vùng người dân Đại
Hàn chuộng một loại rượu khác nhau. Tại
Phủ Sơn [Busan – 釜山],
rượu C1 Soju là loại rượu người dân địa phương ưa thích nhứt. Thành phố Đại Khâu [Daegu – 大邱市] có nhà máy sản xuất rượu Soju là
Kumbokju với loại rượu nổi danh là Cham.
Trên đảo Tể Châu [Jeju-do – 濟州],
rượu Hala Soju là tên rượu quen thuộc nhứt với mọi người; và tên rượu là tên của
hòn núi chính tại đảo Mt. Hala. Tại
Khánh Thượng Nam [Gyeongsangnam-do – 慶尙南] và Ủy Sơn [Ulsan – 蔚山], rượu Soju trắng do Muhak tại Mã Sơn
[Masan – 馬山] sản xuất là được ưa chuộng
nhứt. Tuy nhiên, khi vượt biên giới từ
vù Ủy Sơ tới Khánh Châu [Gyeongju – 慶州]
tại Khánh Thượng Nam, thì gần như không thể nào mua được loại rượu trắng Soju
và thay vào đó là loại rượu Chamisul và Cham.
Có một cách giải thích cho vấn đề địa phương hóa loại rượu Soju mà người
Đại Hàn uống là do hệ thống tái sử dụng vỏ chai đã uống xong. Để giữ giá thấp, các chai sử dụng xong thường
được người bán rượu giữ lại và trả về cho hãng sản xuất rượu để làm sạch và sử
dụng lại. Một mạng lưới phân phối một sản
phẩm rượu Soju duy nhứt sẽ tạo ra tình trạng giá rượu cao hơn từ giá thành đóng
chai, và làm giảm giá cạnh tranh của loại rượu đó.
CÁCH THỨC UỐNG RƯỢU SOJU
Rượu Soju thường được uống trong các dịp tụ họp bạn bè
để ăn uống, không pha trộn và được rót ra ly riêng biệt. Việc tự mình rót rượu vào ly của mình là đi
ngược lại phong tục tập quán của người Đại Hàn.
Thay vào đó, rượu phải được người khác rót cho mình. Việc làm này nhằm nâng cao sự cảm thông và
tình bạn với nhau giữa những người trong bàn rượu.
Theo phong tục Đại Hàn, việc cầm hai tay để đưa hay nhận
một vật gì đó được xem là một hành động bày tỏ lòng kính trọng. Và theo đó, nếu ly của một người được một người
ở vai bậc cao hơn chế rượu cho, thì người đó nên giữ ly bằng cả 2 tay. Và cũng vậy, nếu người trẻ rót rượu cho người
lớn hơn, thì người rót rượu cũng phải cầm bình rượu bằng 2 tay. Phong tục này gần như có mặt tại mọi xã hội
phương Đông không kể gì chỉ riêng ở người Đại Hàn.
Khi rót rượu, tay phải giữ lấy bình rượu và tay trái đụng
vào cổ tay phải; cách giữ bình rượu kiểu này nhằm giữ cho tay áo khỏi chạm bàn
hay thức ăn trên bàn.
Tương tự, khi nhận ly rượu, để ly rượu nằm trong lòng
bàn tay trái và dùng tay phải để giữ ly, có lẽ cúi đầu xuống chút đỉnh để tỏ
lòng kính trọng. Bạn cũng có thể giữ ly
rượu theo cùng cách khi chế rượu. Chế và
nhận chỉ bằng tay phải thường được người lớn hơn, hay những người bằng nhau, tiếp
đãi người khác trong các tình huống bình thường.
Người Đại Hàn thường nói “uống hết một hớp”, đây là
cách thách thức mọi người trong bàn uống hết ly rượu của họ bằng một hớp duy nhứt.
Phạm Đình Khuê
1 nhận xét:
Rượu Soju Chamisul
Đăng nhận xét