TÔI MÊ SÁCH...
Tôi là người mê sách, sách đẹp, sách bìa cứng, sách
hay, sách dể chưng...và để đọc...nghiền ngẫm...
Tôi không biết mình mê sách từ hồi nào, nhưng trí nhớ ở
vào tuổi gần đất xa trời thì những quyển sách đầu tiên tôi tiếp cận là sách của
Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ nhà tôi ở số 8 Quang Trung, Quảng Trị. Đó là một căn
nhà hộp như hộp diêm quẹt mà ba tôi, một
"kiến trúc sư vườn" vẽ kiểu, ở trên mái phẳng xây có một cái am để
thờ một cặp chị em bị mẹ ghẻ đánh chết trong xóm. Tôi sẽ kể chuyện này.
Ba tôi không muốn tôi quá mất thì giờ về sách, cho nên
ông hạn chế không cho tôi đọc nhiều về Tự Lực Văn Đoàn mà ông bảo là sách người
lớn, nhưng tôi vẫn lén đọc. Thích nhất là đu theo ống dẫn nước máy lên trên trần
nhà nằm dưới tàn cây trồng to cao ngoài đường vắt vẻo trước am thờ anh chị bị
dì ghẻ đánh chết, và đọc cho tới chiều, khi nghe chuông xe đạp ba tôi về, vội
vàng leo xuống có khi quên cả sách.Tôi nhớ có lần trời mưa, những sách tôi để
quên ướt sủng nước và tôi bị Mạ tôi đánh cho một trận đáng kể. Ba tôi hiền
không không nói gì nhiều, chỉ buồn, và chắc ông thầm thất vọng...Cha làm thầy,
con làm...ướt sách
Mặc dù vậy, dù với đồng lương ba cọc ba đồng, nhà tôi
nghèo rớt mồng tơi nhưng một hôm, ba tôi bảo tôi mặc quần áo chỉnh tề (tôi đã học
lớp Năm), rồi dẫn tôi ra nhà sách Văn Hóa xin cho tôi hoàn toàn tự do mua sách,
mua lửa - mua ký sổ (mua chịu) và cuối tháng ba tôi lãnh lương ra trả tiền tôi
mua thiếu. (viết đến đây, tôi rất bùi
ngùi, ba tôi đã hiểu thằng con trai mình là mê sách hơn mê ăn). Thực tế tôi
chỉ mua các báo và bán Nguyệt San Thời Nay của thầy tôi, Giáo Sư Nguyễn Văn
Thái (để xem những bài viết về thế giới)
và Phổ Thông (để xem mục Mình Ơi và Tuấn
Chàng Trai Nước Việt của bác Nguyễn Vỹ). Năm 1973, sau khi học xong năm hai
cao học ở Saigon thì được thầy Thái dẫn đi ăn trưa với Vĩnh Hoành và thầy bỏ một
bọc giấy báo trên bàn, đó là lương tháng đầu và tôi phải trả bữa cơm trưa thầy
đãi; thầy kêu cho làm Thư Ký Toàn Soạn Thời Nay. Thật sự dù có nằm mơ cũng
không dám xin, nhưng tôi cũng vinh dự học Thầy Thái hai năm cùng với Thầy Phạm
Việt Tuyền báo Tự Do, và Thầy để "mắt xanh", cho cậu sinh viên nhỏ
người bé tí, nhưng đam mê sách vở thay thầy ở chức vụ này, cho thầy
semi-retired đi du lịch. Tôi xem bài vở, Vĩnh Hoành, Hoành học Khoá 5 Chính Trị
Kinh Doanh, khóa 2 Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Đại Học Đà Lạt trông lo tài
chánh. Đây là hai năm đẹp nhất đời, Hoành và tôi gần gũi làm việc hợp tính hợp
tình. Hoành, cao lớn, đẹp trai, hào sảng, Thắng nhỏ con, xấu xí nhưng láu lĩnh.
Thình thoảng tôi giao căn phòng tôi mướn cho Hoành và cả anh Nguyễn VC (chủ nhiệm một tờ báo Nhà Nước VNCH) khi
cần chỗ nghỉ (trưa) hay nghỉ (tối) với "bè bạn" mà không sợ ai làm
phiền. Tôi vẫn đùa với Hoành..."Mày
là Lennie to lớn, đẹp trai, thông minh, còn tao là George, nhỏ con, xấu xí, láu
lĩnh." Hoành cười ..."Mày
ngạo tao hả?." Thực tế trong câu chuyện Of Mice and Men (John
Steinbeck, giải Nobel), Lennie rất trì độn. Nhưng Hoành cười, Hoành biết tôi
đùa vì ngoài đẹp trai, hào hùng, thông minh, Hoành là niềm mơ ước của bao nhiêu
người đẹp sắc nước hương trời !
Trở
Lại Chuyện Mê Sách....
Năm 1965, Mỹ đã có mặt ở Nam Việt Nam. Anh tôi, Hoàng
Ngân Hà, kềm cặp tôi rất kỹ về tiếng Anh nên tôi đã bắt đầu vỏ vẻ tiếng Anh,
nói cơ bản nhưng không hiểu được khi Mỹ nói gì. Nhờ lập hội English- Speaking
Club với bạn học người Tàu Hoàng Trường Tiết, hai đứa tập tành nói tiếng Anh mỗi
ngày, nên nói khá nhanh, nhưng gặp Mỹ là nói một chiều. May mắn một hôm, một
chàng lính Mỹ độ tuổi 20 mặc đồ trận đi ngang nhà, tôi nói," Hello
!", anh ta nói lại, "Hello!", thế là hai đứa quen nhau. Người
lính Mỹ đó là lính gác ở MACV và thường gác ở tòa nhà Mỹ ngoài bờ sông Thạch
Hãn. Bob trẻ người, gốc Texas, và anh mê một cô bé hàng xóm nhà tôi, Đại Kiều.
Anh nhờ tôi môi giới. Anh làm quen được với Đại Kiều nhưng chỉ vài câu"
Hello, how are you?" vớ vẩn. Anh nói với tôi, mãn nhiệm làm lính anh sẽ từ
Mỹ trở qua Việt Nam xin cưới Đại Kiều làm vợ. Nhờ Bob mà tôi vỏ vẻ nghe được tiếng
Anh và accent của tôi là accent của người ở xứ Một Sao Texas.
Tôi
Đi Làm Thông Dịch Viên
Không biết Bob báo với cấp trên làm sao mà một buổi
sáng Thứ Bảy, có một xe jeep Mỹ đổ trước nhà, ba ông Sĩ Quan Mỹ sao bạc chấp chới
trên cầu vai lừng lững đi vào nhà tôi ở số 22 Lê Thái Tổ, đường Bờ Hồ Quảng Trị,
Ba tôi vẫn mặc pyjamas, ra tiếp. Một trong sĩ quan đó nói được tiếng Pháp và
tôi hiểu lỏm bỏm là họ muốn tôi làm thông dịch viên cho USAID (United States
Agency for International Development)… Thuở đó chiến tranh chỉ ở mức độ bắn sẻ.
Ba tôi hỏi ý kiến tôi, tôi nghĩ bụng, “Có
tiền mua sách, có tiền cho Mạ và có tiền đi ăn bún thịt nướng với ban T.và bạn
Cửu” . Thế là tôi nhận lời ngay, không kịp hỏi là lương tiền bao nhiêu và
làm việc như thế nào.
Bob vẫn đến nhà tôi và tôi hỏi có phải anh giới thiệu
không thì anh không nói gì cả. Anh đẩy tôi vào bên trong giường và lăn đùng ra
ngù khò. Anh xem tôi như em anh và Mạ tôi như Mạ anh. Nhà có gì ăn nấy, anh ăn
được cả nước mắm và khen ngon đào để. Giống như tôi, anh rất sợ ruốc, nhưng lại
mê mứt gừng dù bữa đầu anh phải chạy đi kiếm Coca Cola lạnh để uống chữa cháy.
Ngày thứ Hai, sau giờ học, tội được điều lên Văn Phòng
Trường Nguyễn Hoàng, vào văn phòng, tôi thấy có một ông Mỹ dân sự da trắng ngồi
đó với thầy Hồ Ngọc Thanh, Giám Thị Trường. Thầy nhìn tôi dò hỏi. Tôi nghĩ chắc
ông Mỹ này đón tôi đi làm việc. Quả đúng như vậy. Tôi được điều vào làm ở
USAID, văn phòng đóng ờ Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị. Sếp lớn của tôi là ông
John Brown và sếp bé của tôi là ông John H. Clary, người đến từ Philadelphia và
một đám lau nhau công chức đánh thuê Philiipines mà cho đến giờ này tôi vẫn
không có cảm tình mấy (nhắn với bác Nguyễn Phú Trọng và chú Nguyễn Xuân Phúc là
chớ bao giờ tin mấy ông lãnh đạo ở điện Malacanang, Manilla, Philippines nhé,
coi chừng bị đâm sau lưng và bị Tàu Phù lấy hết nước Việt Yêu Quí đấy).
Công việc của tôi là...thông dịch. Thông dịch cho các
chương trình Self-Help (tự túc) cho làng quê Việt Nam như cấp xi măng, tôn, sắt....để
đào giếng, xây trường, đê đập…và cả thông dịch đỡ đẻ, mổ xẻ vì vết đạn, đủ thứ
linh tinh trên đời....vv.....Nhớ có một lần một chị bạn học bị thương mìn nổ
khi đi xe hàng từ Đông Hà vào Quảng Trị học, tôi năn nỉ xin Thông Dịch Viên bệnh
viện Quảng Trị thông dịch thay tôi vì chị phải lộ thể khi mổ. Theo chỗ tội biết
chị được tháp một đùi thép trong chân. Khi đi học lại chị đã cám ơn tôi là đã lịch
sự đi ra khỏi phòng mổ khi mà tiến trình chuẩn bị mổ bắt đầu. Nếu tôi nhớ không
lầm thì trong phòng USAID, tôi làm việc với chi Hồ Thị T. và tôi kéo theo hai
anh Đỗ Tư N, và Nguyễn T. N nay là học giả tu tiên ở Đàlạt và T, nay là một bác
sĩ nổi danh ở Huế, vào làm luôn.
Tôi đi làm như thế, sáng đi học, chiều đi làm, ngày
nào khẩn cấp thì làm cả ngày, còn mùa hè làm tuốt. Ở cái tuổi 15, 16 đây là một
cơ hội thực tập tiếng Anh, dọn đường hoàn thành giấc mơ làm Thông Tín Viên Quốc
Tế, vừa được đi du lịch miễn phí...vừa có tiền còm… Nhờ những năm làm thông dịch
viên, tôi có cơ hội đi khắp Quảng Trị: Đông Hà, Gio Linh, Triệu Phong, Bến Hải,
Hải Lăng, Cam Lo và những chiến trường đẫm máu nơi mà hai bên quân sĩ Việt Nam
Cộng Hòa và bộ độ Bắc Việt chết hay bị thương còn nằm lênh láng trên trận địa...
Nhờ làm thông dịch viên, tôi đã có kinh nghiệm đi máy bay C45, C 46, C47, C123,
và cả C130, Cesna và xe Bronco Ford chuyển hàng đến Khe Sanh, Lao Bảo, rất tiếc
chưa được bao giờ đi trực thăng. Tôi cũng ra vào Đà nẵng thường xuyên theo sếp.
Tôi may mắn có thể nhìn rõ quê hương miền Trung ở tuổi 15, 17 và xây dựng một nền
tảng yêu thương nước thương nòi, hầu mong một ngày nào đền đáp Me Việt Nam bằng
những công việc rất nhỏ. Mờ ngoặc -Tôi
có lần phải lên Cam Lộ, trời đã xế chiều, để thông dịch và đón một em gái 10 tuổi
bị Mỹ đen hiếp. Tôi đã tiếp cận cả hai, em bé sợ hãi và lính Mỹ đen mắt trắng
dã ngồi khóc khi bị hỏi cung bởi M.P. Mỹ (quân cảnh Mỹ) từ đàng xa.
Hàng tháng tôi đươc lãnh 400 đô-la, qui ra tiền VNCH.
Tôi tặng ngay Mạ 200 (dù bà cằn nhằn phải
là 300). Tôi trình bày là tôi sẽ dùng 100 đô (quy ra tiền VNCH, dĩ nhiên) để (đi Huế - dấu Mạ) hàng tháng mua sách báo, 100 đô còn lại là để rủ bạn
T. và Cữu đi ăn bún thịt nướng. Mỗi đứa sẽ ăn nhiều tô vì bún thịt nướng Quảng
Trị, tuy rất ngon nhưng tô nhỏ tí.
Và cứ thế, hàng tháng tôi chọn một ngày cuối tuần, lặng
lẽ đi xe traction vào Huế đi bộ ngay đến nhà sách Ưng Hạ, tha thẩn ở đó suốt
ngày và sau khi mua đủ sách, xin mấy tờ báo cũ, gói lại sách mới và chạy bay ra
nến xe vội vàng lên xe về Quảng Trị, không thèm ăn bún Huế hay bánh bèo, bánh nậm
danh tiếng. Về đến nhà là xem qua sách và đem chất vào tủ kiếng, ngắm nghía. Mạ
có hỏi thì trả lời là, "Con ra nhà
sách ngoài chợ Quảng Trị mua sách". Tôi hay đi chơi ở nhà bạn tôi, Cao
Thi Nhàn (qua đời hai tháng trước), cho nên Mạ tôi không thắc mắc, nếu tôi nói
là tôi đi Huế qua đoạn đường Đại Lộ Kinh Hoàng Quảng Trị, có lẽ bà sẽ trói tay
chân tôi buộc vào chân giường mỗi weekend.
Tôi
Không Còn Làm Thông Dịch Viên: Định Mệnh Hay May Rủi?
Cuộc chiến Việt Nam leo thang. "Anh em bộ đội miền Bắc" bắt đầu mở những trận đánh lớn
và tôi đã hai lần bị bắn sẻ. Một lần đi với ông John Clary từ Đông Hà về gần tới
Nhan Biều. Bỗng dưng tôi nghe tiếng đạn cheo chéo và ông Clary nhấn ga chạy hết
cỡ, ông bảo tôi thụp đầu xuống. Tôi cũng nghe lời, nhưng qua khúc quanh thì
không còn nghe tiếng đạn. Đến Toà Hành Chánh khi bước vào văn phòng USAID, ông
Clary đến ngay bàn làm việc của sếp Brown và báo cáo. Lần thứ hai, khi đi làm dự
án Self-Help với Sếp Phi Tanny G. trên một giòng sông, tôi nghe tài công bảo phải
tấp vào bờ lên bộ vì VC ở bên kia bắn súng xuống sông. May mà họ chỉ dọa, không
thôi mạng vong. Một lần nữa khiến tôi suy nghĩ. Độc giả biết rằng nếu Thông Dịch
Viên Việt nam bị bắt, họ sẽ gặp cái chết thảm. Họ -VC- đem người Mỹ đi làm tù
nhưng sẽ cắt dương vật của Thông Dịch Viên, nạn nhân chỉ nằm đau đớn chờ chết
vì hết máu. Một trong chuyến đi làm việc Đông Hà, chị T. bí thư của ông Brown
đã bị bắn bị thương nhưng được cứu sống. Tôi không thấy chị đi làm sau biến cố ấy.
Có môt lần, ông Clary và tôi lái một chiếc xe tải bự
vào Huế lãnh một chiếc đò (thuyền gỗ), từ sông Hương. Thuyền đã được buộc cẩn
thận nhưng giữa đường thì sút dây. Thật ra nếu an toàn thì hai thầy trò vẫn có
thể buộc lại dây, nhưng trời đã chạng vạng và bên đường đã lố nhố người ra xem,
toàn thanh niên, thanh nữ (du kích?), tôi không dám chắc, nhưng răng tôi đã
đánh bò cạp rồi. Ông Clary bảo tôi lên ngồi trong xe. Ông thò tay lay chiếc
phone Motorola và bật máy gọi. Chừng vài phút sau chúng tôi an toàn lái xe về
Quảng Trị sau khi buộc xong đò. Chiếc máy bay trực thăng màu bạc, loại quăng lưới
bắt du kích hay cứu phi công bay rà rà theo hộ tống. Dĩ nhiên họ chỉ quan tâm tới
ông Clary.
Tanny
G. ông sếp Phi của tôi
Khi ông Clary thuyên chuyền thì Tanny G. va Sammy S.,
hai kiều dân Phi công chức đánh thuê, đến làm việc. Không một ai ưa hai ông Phi
này. Cười nhất là anh Hoàng Ngọc H. thỉnh thoảng lại nói một tràng tiếng "cao
nguyên" chọc quê hai ông Phi này. Có một dạo, hai tên này khoác lác khoe rằng
mỗi lần đi Huê vacation đều được gái chào mừng đưa đón. Tôi cười sằng săc, Tôi
hỏi, "Aboard the Perfume River
Cruise?", hai tên cười “Yes,
yes...” không hề biết thằng bé thông dịch viên này chơi kháy....Pefume
River Cruise la Đò Sông Hương đấy các bạn ạ, chuyên chở gái làng chơi tối bốn
phương về đóng đô đó. Tôi đã làm việc với tên Phi này một thời gian dài. Và chắc
anh ta cũng chẳng ưa tôi. Suốt ngày tôi chỉ dịch và không bao giờ nói thêm bớt
một câu nào với hắn. Đi như thế rất dễ ăn hối lộ. Làng xã được cấp vật liệu
luôn luôn hỏi nhỏ là cho sếp tiền nhậm xà, tôi từ chối. Đãi cơm thì tôi sẵn
sàng ngồi và ăn cho đồng bào mình đỡ tủi. Mỗi lần như thế Tanny đưa mắt dò hỏi
tôi: “Go ahead ...ăn đ”i là hắn ngồi
xuống ăn ngay, còn tôi giả bộ nhìn quanh và nói “...At your own risk...tùy ăn thì chết ráng chịu” Thế là hắn buông
đũa.
Sau gần hai năm làm việc lao tâm lao lực, một ngày tôi
phát bệnh nằm liệt giường, Tanny lái xe đến đón khi thấy tôi không đi làm việc
(thuở đó, nhà tôi làm gì có điện thoại), hắn thấy tôi bệnh quá lắc đầu bỏ đi. Đến
chiều, anh Hoàng C. nay ở Oakland, Cali, là thông dịch viên ở gần nhà, báo tin
là xe Tanny G, trúng mìn, Tanny cụt hai tay một chân, người thông dịch viên chết
banh xác. Khi về tới bệnh viện Quảng Tri trước khi ra hạm đội, hắn ré lên chưởi
tôi, hắn bảo vì tôi không đi làm nên hắn hết vận may. Trời đất ! Nghe được
không?
Ba mạ tôi tuyên bố: Không đi làm nữa. Tôi mất 400 USD
nhưng tiếc nhất là không có tiền rung rỉnh mua sách. Về sau tôi nghe vợ Tanny
có đến thăm chồng, nhìn thật nhanh ông chồng tàn tật và vội vàng ra về và lên
máy bay về Phi..
Tủ
Sách Của Tôi Lớn Dần Theo Năm Tháng
Theo năm tháng và túi tiền, tủ sách tôi lớn dần. Nhìn
tủ sách mỗi ngày mỗi nhiều hơn, lòng tôi vui vẻ. Mặc dù chưng nhiều hơn đọc, những
quyển sách giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống vốn bề ngoài nhỏ tí, tôi không
tranh đua được với ai về thể lý nhưng về tâm linh và kiến thức tôi khá tự tin
nhờ tủ sách tôi chịu khó tìm tòi đi mua, đọc và lưu trữ. Dĩ nhiên lúc bấy giờ
sách của tôi là sách tiếng Việt. Thảng hoặc là vài tờ Time and Newsweek cũ Bob
đem cho mà tôi đọc chỉ lỏm bỏm hiểu. Tôi đọc bộ hết Nhận Định của Giáo Sư Nguyễn
Văn Trung (thầy yêu quí của tôi sau này
trong năm 1968 khi tôi học Dự Bị Văn Khoa Anh ở Đại Học Dalat). Mở ngoặc - Tôi
vô cùng phẩn uất khi sau này Phạm Công Thiện mà tôi xem là “triết gia sao chép tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức”..., đã mắng mỏ
thầy tôi là anh ta ... “muốn quên Nguyễn
Văn Trung như quên một thói xấu trong đời..”.-Đóng ngoặc. Hồi ở Dalat có một
nhóm thanh niên trốn lính, đi đâu cũng lè kè sách triết của Phạm Công Thiện với
những “hiếp dâm mặt trời”... mà không
hiểu chưa lại gần mặt trời đã bị mặt trời đốt cháy rồi (do thiếu kiến thức khoa
học). Cho đến bây giờ bộ sách Nhận Định của Thầy tôi đã là kim chỉ nam của tôi
trong suốt cuộc sống.
Tôi vẫn thu thập sách đọc. Tôi không còn chỗ chứa
sách, đành để sách khắp nơi trong phòng ngủ. Năm 1967, tôi rời Quảng Trị vào học
Quốc Học Huế. Ra đi tôi dặn dò Ba tôi là không cho ai mở tủ sách. Từ 1967, qua
1968, thoát chết năm Mậu Thân 1968, tôi lên Dalat, học Đại Học Dalat, nhưng
không quên thâu thập sách, mua sách. Sách là bạn hữu, không bao giờ bội phản.
Tình yêu đối với sách vở còn có một lý do riêng... Sự thật về đời sống khoa học,
thể lý và cả tâm linh tôi hi vọng sẽ tìm được trong sách vở, không ở nơi giảng
đường hay kinh viện, vốn dĩ mình phải tuân theo luật lệ trường thi, đôi khi cứng
nhắc và không cần thiết.
Tủ sách của tôi để dành ở Quảng Trị tồn tại cho đến
năm 1972 thì tủ sách của tôi "qua đời". Năm 1972, tôi từ Huế (sau khi
học xong ở Dalat) vào Danang sau khi kéo dài hoãn dịch học vấn thêm một năm, học
chứng chỉ Văn Minh Việt Nam, thì bom đạn ập đến. Khi đón gia đình tôi vào
Danang tị nạn, tôi nhìn ba tôi. Ông lắc đầu, tôi hiểu tủ sách tôi đã "mệnh
chung" trong biển lửa. Tôi ngậm ngùi, biết bao giờ mới gầy dựng đươc môt tủ
sách như vậy? (Tôi về Huế, với mội lá thư
của Cha Hoàng Kim Đạt, ngài là thầy tôi, dạy tôi Văn Phạm Anh Văn, Giáo Sư tốt
nghiệp tại Cambridge, Anh Quốc (giới thiệu tôi với một Giáo Sư Tiến Sĩ ở Huế
xin làm Giáo Sư bảo trợ cho tiểu luận Cao Học Anh Văn, nhưng Giáo Sư Huế lạnh
lùng, sau khi đọc xong thư, chỉ trả lời một câu cụt ngủn, "Tôi rất bận".
Ngài không buồn nhìn lên và để tôi đứng tần ngần rồi lặng lẽ ra khỏi văn phòng
tráng lệ của Viện Đại Học Huế của ngài, tôi thề rắng nếu một ngày tôi đi dạy học,
tôi sẽ không bao giờ từ chối giúp ai và sẽ luôn khích lệ đàn em tiến lên, và
tôi đã làm được như vây trong suốt hơn 30 năm hoạt động trong ngành giáo dục tư
tiểu học đến đại học tại Mỹ dù có khi tôi bận rộn phải dạy đêm, dạy ngày và dạy
cả thứ Bảy).
Mất tủ sách nhưng không mất phương hướng. Sau năm 1975
khi những người anh em ruột thịt miền Bắc quyết thực thi chính sách "đốt
sách cải tạo người miền Nam" thì tôi hăng hái đi lùng tìm mua lại những
quyển sách đã mất. Dĩ nhiên làm sao tìm lại được, nhưng có một niềm an ủi là tội
mua được một số sách Nga Văn và tự học tiếng Nga vì học ngoại ngữ nào tôi cũng
thích. Nhưng chính vì lầm lỗi này mà suýt chút nữa người anh em miền Bắc bỏ tù
tôi rục xương, sẽ viết sau. Sách vở cũ sau 1975 bắt đầu tràn ra ngoài lề đường
và Sở Văn Hóa Thông Tin chế độ mới bận rộn đánh tư sản mại bản, đâu có thì giờ
để ý đến mấy quyển sách "phản động" này.
Tôi vẫn chí thú đọc sách. Tôi nghĩ rằng một quyển sách
tốt là một thầy giáo hiền từ, tốt bụng. Sách vở là bạn thiết nếu mình biết chọn
sách. Ngoại trừ bộ sách của thầy Nguyễn Văn Trung, sau này tôi không còn đọc
sách triết lý. Tôi nhất định từ chối không đọc. Với tôi, nếu triết gia đó có
căn bản toán học thì tôi còn đọc, còn không chỉ là ý kiến cá nhân, một thời để
yêu và một thời để quên của tác giả. Trong quyển sách The Grand Design của nhà
vật lý học danh tiếng Stephen Hawking, trang 5, ông viết..."Traditionally these are questions for philosophy, but
philosophy is dead". Theo truyền thống, những câu hỏi (về vũ trụ quan)
là dành cho triết học nhưng triết học đã chết, Quyển sách này xuất bản do nhà
sách Bantam Books năm 2010, tôi đã khai tử triết lý từ hồi tôi 18 tuổi. Xin các
bạn đừng cười chế nhạo. Bạn đi học triết đi để xem thị trường lao động từ Mỹ
hay Việt Nam đối xứ bạn như thế nào, ngoại trừ bạn tốt nghiệp trường
Marxist-Leninist ngoài Hanoi.
Sách
Hay Trường Đại Học?
Lúc tôi còn bé, gia đình chạy ăn từng bữa toát mồ hôi,
nhất là khị bị chủ nhà đuổi đi không chứa, tôi nguyện lớn lên tôi sẽ học vừa đủ
để kiếm ăn, không cần học vị, những học vị sẽ làm tôi xa cách với mọi người. Kiến
thức thật sự quan trọng hơn là học vị, lý do vì bạn có thể lê la ngoài đường uống
bia (ở Việt Nam nhé), hay mày tao chi tớ với bè bạn không mặc cảm tự ti hay tự
tôn, và tôi quyết tậm thiết lập trường đại học tại gia. Mấy tấm hình vừa post
là từ trường Thầy Đồ ra nhà kho (shed) và nơi tôi xây dựng trường Thầy Đồ là
trường" đại học" của tôi đó.
Tôi may mắn nhận chân ra kiến thức tuy không giúp tôi
làm ra nhiều tiền, thực tế tôi vẫn nghèo như con chuột nhà thờ (as poor as a
church mouse), con chuột nhà thờ thì làm gì có đồ ăn, là phải nghèo thôi, nhưng
tôi đã qua nhiều tình huống thoát nạn nhờ kiến thức, và có một niềm vui khôn tả
khi tìm ra được những gì thao thức muốn biết nhờ sách vở.
Coi như sau năm, thời kinh tế mới khốn đốn tôi không
thể mua sách lưu trũ. Gạo không có mà ăn, bụng đói lép kẹp, lấy tiền đâu mà mua
sách. Khi đi kiếm ăn bằng cách bán thuốc tây, chợ trời, nuôi thỏ bán, tôi thường
la cà các quán lộ thiên bán sách ngoài đường. Nói là lộ thiên vì chỉ là sách nằm
ngổn ngang trên lề đường. Người bán thường là một người chủ sách hay một trí
thưc tiểu tư sản mà nhà nước bần cố nông không thèm "trọng dụng". Nếu
bài thơ Ông Đồ Vũ Đình Liên có tác dụng mạnh mẽ về sự suy tàn của chữ Hán và sự
trổi dậy của chữ Tây, thì tôi cũng hi vọng có một nhà thơ nào đó làm một bài
thơ nói lên sự suy tàn của văn hóa tư sản và sư trổi dậy của văn hóa ba đời bần
cố nông. Tôi vẫn chờ. Nếu không có ai thì tôi sẽ cố gắng làm.
Con người là một thực thể tự do. Họ đã sinh ra với những
quyền bất khả xâm phạm, một kiến thức khoa học đúng nghĩa sẽ giải phóng bạn.
Tôi nói điều này không phải là chia sẻ với lớp tuổi như tôi mà với giới trẻ. Nhớ
là tôi dùng chữ chia sẻ nhé.
Kiến
Thức Giải Phóng Con Người
Mãi cho đến khi đầu bạc răng long, tôi mới nghiệm ra
vì sao tôi mê sách. Tôi muốn biết mỗi thứ một chút, biết chính xác, biết khoa
hoc, khong cộng nhận triết lý hư ảo. Đành rằng ai cũng đến chỗ chết ở cuối đời,
nhưng tôi muốn biết chắc là khi tôi sống, tội sống một đời đang sống, là bất cứ
một quyết định nào trong đời sống, tôi sẽ cân nhắc theo lý luận khoa học. Có thể
tôi sai, nhưng ít ra tội làm quyết định dựa trên những luận cứ khoa học mà tôi
thâu thập được.
HOÀNG THẮNG
Còn
tiếp
(Đại Học Nhà Hay Đại Học Trường-Niềm Vui Cho Tôi - Sẽ
Xin Chia Sẻ Với Bạn)
2 nhận xét:
anh Hoang Thang noi chuyen rat chan tinh va thanh thuc rat nguong mo Khi nao se cung bia voi anh (DHL)
Sẵn sàng !
Đăng nhận xét