Tác giả Quang Tuyết
MỘT
GIẤC MƠ HOA
Sinh ra làm người ai mà không có ít nhất một lần mơ.
Đó là nói bằng sự khiêm tốn thế thôi, chứ thật ra mơ nhiều lắm đó chứ, không đếm
được nữa là khác. Mơ không mất tiền mua, không phải cân đo đong đếm và hầu như
không lệ thuộc điều gì. Nhưng cần mơ đúng lúc, đúng thời điểm, và quan trọng nhất
là đừng bao giờ đang làm việc... lại đắm chìm trong mơ. Kinh nghiệm xương máu của
tôi đấy nhé. Biết rõ cái tính hay mơ màng đoản hậu của tôi... nên bạn thân nhắc
nhở hoài:
“Lái
xe cẩn thận nghe QT, đang tham gia giao thông mà hồn bay lên mây, phiêu du cùng
gió thì sẽ không phản ứng kịp khi gặp tình huống nguy hiểm đó”.
Trong nhà thì rành quá cái bệnh mơ màng của tôi. Có lần
tụi nhỏ đi làm về, ngồi vào bàn ăn tối. Bỗng nhiên nhìn nhau rồi quay qua hỏi:
“Hôm
nay không có cô, chú nào gọi điện thoại cho me à?”.
Tôi vô tình lắc đầu thay câu trả lời. Nó tiếp:
“Chắc
me không làm được bài thơ nào vì thiếu đề tài phải không me?”.
Tôi ngạc nhiên buông đũa nhìn, nó tiếp:
“Vậy
là một ngày trôi qua me không hề có một giấc mơ đẹp nào. Buồn quá me của con hè…”
Tôi ngớ người ra vì chưa kịp hiểu mô tê. Chỉ mấy giây
thôi nhé, khi thấy nàng dâu yêu quý nhìn bà mẹ chồng tủm tỉm, còn thằng con
trai thì cười phá lên, tôi biết ngay là mình vừa bị tụi nhỏ xỏ lá.
Các bạn có biết vì sao không? Vì hôm nay cơm dẻo ngon
tuyệt vời, nồi cá kho không bị cháy, canh bí bùi bùi vừa miệng, chẳng bị tai nạn
chế biến hai lần nêm muối, và khô cạn nước vì quên tắt bếp... hì hì. Nó còn bồi
thêm một câu ngọt lịm, khi biết Me đã hiểu lý do:
“Chà!
Bà Me mình già rồi mà lợi hại thật, chưa bị lẫn chút nào”.
Cái sự cố lỡ khóc lỡ cười ấy tụi nó nhớ hoài, bỡi tôi
mãi hầm xương điện thoại đó quý vị (Người
ta hầm cháo, còn tui hầm xương luôn mới ngon chứ). Rồi lãng đãng ngồi mơ về
nơi xa lắm, nhìn ra cửa sổ nhớ thương về khung trời Quảng Trị có mây bay, lá rụng.
Nhớ nắng sân trường của một thời áo trắng ngây thơ... Quên hết mọi chuyện trên
đời, chẳng quan tâm thời gian đang dần qua... Đến khi tụi nhỏ về mở cửa lẻng kẻng,
mới chợt hoàn hồn tỉnh giấc mơ hoa. Than ôi!... Mọi người dư hiểu chuyện gì xảy
ra rồi chứ? Vâng... Kết quả là tối ấy cả nhà phải ăn Cơm Tấm Bụi Sài Gòn. Cô
con dâu của tôi có quyền tự hào rằng mình có bà mẹ chồng độc đáo hiếm hoi.
Chiếc xe car đời mới, có máy lạnh nổ máy sẵn sàng chờ
đợi tại điểm đón, chiếc ghế bật ra dựa lưng êm ái khởi hành từ Sài Gòn lúc 6g
sáng... Trên xe có vợ chồng Nguyễn Văn Trị, Minh Diệu, Lê Thị Thương, Nguyễn Đức
Thính, Nguyễn Đặng Mừng, Lê Bá Điểm, Lê Đăng Châm và tôi. Những người bạn cùng
lớp luôn như bóng với hình tại phương Nam nắng ấm.
Tiếc thay Mỹ Hóa lỡ hẹn mất tiêu vì anh Nhân bị bệnh bất
ngờ. Hoàng Đình Việt gọi cáo lỗi bạn bè không đi được vì bãi giữ xe không ai
trông. Lê Đình Thị Thành thì vẫn hát bài tình ca: Em cứ hẹn nhưng em hoài không
đến. Tiếc cho Nguyễn Đức Thịnh, lần nào cũng bận chuyện nầy chuyện kia nên gặp
được bạn phải chờ cơ hội. Nguyễn Trọng thì ôi thôi say mèm vì độ nhậu suốt chiều
qua, đến giờ đi mà nghe giọng còn lè nhè nhừa nhựa như gà bắt nước lên. Kế hoạch
đã định và liên kết thành dây chuyền các tỉnh nên chúng tôi đành lên đường cho
kịp giờ “họp chợ”.
Xe bon ra xa lộ. Xôi, bánh mì đã chuẩn bị đầy đủ no bụng.
Cafe đen, sữa đá... mát ruột, tỉnh người, Minh Diệu chu đáo thay Lưu Ánh dậy
pha chế từ sáng sớm đó. Thẳng một lèo ra Dầu Giây. Lê Thị Hoa, Tịnh, Thanh Sơn
và Nguyễn Văn Tường đứng đợi sẵn bên đường, xe vừa dừng là nhảy lên. Tay lễ mễ
xách thêm một bọc bánh lọc gói, món ăn quê hương của người đồng hương cung cấp
theo đơn đặt hàng. Lương thực quá dồi dào bà con ơi.
Tịnh bây giờ trông khỏe như voi. Những cơn khò khè khó
thở biến đi không để lại dấu vết, kể từ hôm nghe Trị báo sẽ tổ chức HÀNH TRÌNH
TÌM, GẶP BẠN. Mầu nhiệm thật. Ghế trống rồi sẽ từ từ lấp đầy, không khí bắt đầu
sôi nổi nhờ tài dẫn chuyện tiếu lâm của Nguyễn văn Trị.
Không bao lâu, xe rẽ vào con đường thẳng tắp giữa rừng
cao su. Kho sách kiến thức chuẩn bị sẵn sàng trong trí, tin tức nội ngoại cũng
thu thập cập nhật để chia sẻ cùng bạn bè. Những đề tài dù thế nào đi nữa, mà
qua sự diễn tả của Trị thì luôn luôn hấp dẫn người nghe... nên đến Ngãi Giao Bà
Rịa, lúc nào chẳng ai hay biết. Trị hướng dẫn bác tài dừng lại quán cafe
Lavender như đã hẹn để chờ một số bạn trong khu vực... Cả bọn lục đục kéo nhau
xuống, quây quần dưới bóng cây sanh cổ thụ. Cảnh trí ban ngày mà cũng lảng mạn
ghê gớm. Mặn mà những chùm hoa thật, giả chen nhau, dây trang hoàng quấn quanh
thân và cành lá toàn màu tím. Tím nhẹ nhàng mát mắt nên lòng chúng tôi thư thái
lạ. Vừa uống nước vừa lao xao bàn tính và ngắm nghía.
Chiếc xe ôm dừng lại trước cổng, Lê Văn Diện đến thật
đúng giờ, bạn bước từng bước vững như thanh niên, tay xách túi du lịch mặt còn ửng
đỏ vì đường xa. Ai kia? Ồ Hoàng Thị Sò, mái tóc buộc gọn gàng, y phục tươm tất
trông rạng ngời sức sống, không còn nét buồn cỗi như lần đầu mới gặp nhau. Chiếc
máy trợ thính Mỹ Hòa tặng đeo lủng lẳng trên ngực điệu đàng. Cô bạn cùng lớp nầy
ai cũng ngỡ là đã nằm yên nghỉ trên mảnh đất quê hương, vì súng đạn vô tình của
mùa hè đỏ lửa. Tìm lại được cũng là duyên may mắn. Vừa bắt tay và kéo hai bạn
ngồi vào ghế thì một anh chàng gầy gầy, đen đen đi vào. Mọi người ngờ ngợ nhìn.
Tiếng Tịnh kêu: Phan Chánh Tâm đó... Trị ngạc nhiên... Tôi cũng bất ngờ vì sự
có mặt của bạn. Cả bọn đứng lên ôm chầm, bắt tay nhau thân thiết. Anh chàng chớp
đôi mắt như muốn khóc khi thấy các bạn cũ đón chào mình quá nhiệt tình. Hàng mi
không còn cong cong như trước, mái tóc quăn đà điểm xuyết “Sương Trắng Miền Quê
Ngoại”. Con Cóc rụt rè, tự ti nhảy ra khỏi hang tìm đến bạn bè rồi... Cách xa
lâu nên làm sao nhận được nhau, khi thời gian làm thay đổi gần như hoàn toàn diện
mạo. Tịnh phải đứng ra giới thiệu tên các bạn cho Tâm biết. Niềm vui Thất 1 dậy
sóng, lao xao thăm hỏi đủ mọi chuyện trên đời. Công đầu là nhờ Tịnh động viên,
thuyết phục cả tuần Phan Chánh Tâm mới quyết định ra khỏi cốc. Ôi! Gần 50 năm rồi
còn chi. Những điều cần biết về nhau, thì giờ bao nhiêu mới nói hết đây? Thôi
thì chặng đường còn lại từ từ ta rù rì tâm sự.
Chuông reo tới tấp, từ điện thoại của Trị và cả tôi
báo rằng: Nguyễn Trọng sau khi dội vào người mấy xô nước lạnh đã tỉnh táo hẳn,
nhớ lại hôm nay có chương trình đi xa đặc biệt nên vội đón xe đò chạy theo, vừa
qua cao tốc gọi liền cho Trị. Hoàng Đình Việt có cậu trai út thương ba tình
nguyện coi bãi xe 1 tuần cho ba đi chơi. Việt trên đường ra bằng Honda theo lối
tắt về Ngãi Giao. Quá tuyệt... Chúng ta hãy chờ bạn thôi nhé.... Chẳng có gì phải
gấp rút, tuy thời gian không đứng lại, và phải luôn tranh thủ từng cơ hội, từng
ngày giờ nhưng cũng có thể chủ động sắp xếp thôi, để niềm vui đầy lên trọn vẹn
bên nhau.
“Tụi
mình sẽ chờ các bạn cho đến khi nào có mặt. Đừng vội vàng nghe. Cẩn thận để đi
đến nơi về đến chốn”... Trị nhắn nhủ.
Cứ thế... lần lượt từng người, từng bạn đến.... Một
nhóm anh chị em Nguyễn Hoàng BRVT do anh Bành Phi Lân hướng dẫn cũng vừa đến.
Anh chàng cao to luôn nói giọng thiệt to Lê Thiên đi đầu, Cao Mừng 68 -75 nổi bật
với cái áo sọc ngang màu đỏ. Đôi vợ chồng đẹp trai, xinh gái Lộc Dung, Lưu Bê rồi
em Loan... có cả anh chị Minh Đạo, Xuân Hòa, anh Lộc.. anh Lê cao Đảm, và một số
anh chị em nữa. Chao ôi là vui. Chờ hai bạn đến là tất cả chúng tôi kéo nhau đến
quán Bằng Hữu dùng cơm trưa. Bữa cơm kết nối tình thân với những món ăn đậm đà
Quảng Trị: Dưa môn kho, dưa quả nấu canh tôm, rau muống luộc chấm nước ruốc, mắm
cà và cá rô kho tộ... Người ta thường cho rằng men rượu vừa đủ, sẽ là xúc tác
cho người phá bỏ sự e ngại với người, để than mật và cởi mở chuyện trò. Nhưng
hôm nay lại chính nhờ mùi vị món ăn Quảng Trị kéo anh chị em chúng tôi đến gần
nhau, thân thiết hơn bao giờ hết. Có lẽ từ một nguyên nhân đẹp là ai sinh ra ở
Quảng Trị, ai yêu mến quê hương đều ghiền mùi mắm ruốc, thích ăn cay và nhiều
nhiều những món ăn dân dã khác. Gắp một đũa. Bỏ vào miệng. Hít hà, chảy nước mắt
nhìn nhau mà cười. Rồi chép miệng với giọng đặc sệt âm xưa: chà chà dưa môn hết
sẩy, nỏ ngá mẹng như môn chúm tí mô... Nước mắm Mỹ Thủy đậm đà thơm phức... Rất
Quảng Trị, trên cả tuyệt vời. Người Quảng Trị đi mô cũng rứa thê. Vị Quảng Trị
mần răng mà quên được, tình Quảng Trị thì thôi đừng nói nữa: luôn chân thành mộc
mạc...
Một vài anh chị Bà Rịa xuýt xoa lấy làm tiếc vì không
biết trước có chuyến đi nầy, nên không thể sắp xếp để cùng tham gia được. NV Trị
nói: Trị sẽ tham khảo ý TBLL các nơi, hội ý xem có thể tổ chức chuyến đi quy mô
hơn không, để cùng nhau chia sẻ niềm vui của những tháng ngày còn lại.
Tạm biệt nhé những người anh em NH ở BRVT, những trái
tim luôn ấm nồng tình ĐỒNG MÔN.
Xe bon bon lên đường. Cả bọn no say nên lim dim thả hồn
vào cảnh mộng xưa... Đêm nay chúng tôi sẽ dừng chân tại Bình Thuận. Trên xe, tiếng
ngáy đồng thanh vang lên như bản giao hưởng cuộc đời, say sưa quá nên nghe vui
tai vô cùng. Tôi nằm nhắm mắt nghe hồn bồng bềnh như đang bay trên mây, cho đến
khi xe dừng lại.
Đó là một đêm không ai muốn ngủ, bên bờ biển huyền hoặc
ánh trăng. Một đêm nhớ đời cùng nhóm Nguyễn Hoàng La Gi. Tôi không nhớ hết tên
của quý anh chị, chỉ biết có anh Trương Tuyến xông xáo, anh Thái Mạnh Hoài điềm
tỉnh, chừng mực như nghiệp dĩ thầy giáo, thầy đồ Đoàn Phú lãng đãng với những vần
thơ ca. Có cả anh Lê Núng, bạn chúng tôi Thu Trang...Quảng Trung - người con
gái nhỏ nhắn, dễ thương một thời làm lao xao những vần thơ của một anh bạn cùng
lớp... và một số người quen mặt quên tên...
Đêm thật mát bởi gió biển lồng lộng. Khu resort yên vắng
như dành riêng không gian cho chúng tôi. Biển rì rào trổi tiếng tiêu nhịp sóng,
hòa cùng giọng ngâm thơ bổng trầm của nhà thơ Phú Đoàn. Lê Thương chìu ý các bạn
hát lại bài hát ngày xưa, tên bài hát ấy đã trở thành biệt hiệu mỗi khi nhắc đến
bạn, đó là Đa Tạ.
Những giây phút trầm lắng nhẹ nhàng, thiên về ký ức.
Gió thổi mạnh vào, than hồng lách tách và ngọn lửa bùng lên reo ca. Lưu Ánh nhảy
ra giữa vòng bày cuộc. Chiếc loa cá nhân kết nối youtube điện thoại. Nhạc vang
lên, dồn dập rộn ràng. Phải vậy chứ. Thay đổi không khí nhẹ nhàng bằng sôi động
yêu đời đi anh chị em ơi. Trị xung phong vào tâm điểm, bên cạnh ngọn lửa hồng
ngoáy mông biểu diễn một điệu nhảy... Điệu nhảy của bạn đã kéo chúng tôi vào cuộc,
tất cả như say men không hẹn chạy vào kết thành một đoàn tàu chuyển động...
Chao ôi! Cái đôi vợ chồng ni đúng là trời sinh kết đôi: “Phu xướng thì phụ
tùy”. Luôn là lực cuốn hút mọi người trong các cuộc sinh hoạt. Những thanh niên
nam nữ cao tuổi cười nghiêng ngã như chưa bao giờ được vui. Đêm dần tàn...
Trăng đà chếch bóng... Lửa trại bắt đầu nhỏ dần… nhỏ dần để lại những đóm than
hồng, thỉnh thoảng sáng lóe như ánh sao băng, mà cớ sao niềm vui cứ mãi dâng
trào, bắt ngọn vậy nhỉ...
Thôi, cũng đến lúc phải nói lời tạm biệt. Thời gian
qua nhanh như gió, hơn 23g khuya rồi còn gì, các anh chị phải về nhà và chúng
tôi thì cần thẳng lưng, giữ sức khỏe cho ngày mai tiếp nối chuyến đi...
Bịn
rịn ôm nhau bịn rịn xa-
Nghĩa
tình mãi thắm ở lòng ta-
Gởi
lại nơi đây miền biển gió
Giọng
cười điệu hát một thời qua
Đêm tiếp đến theo dự tính chúng ta sẽ ở lại Dốc Lết
Nha Trang... Nhưng theo lời đề nghị của cả đoàn, xe chuyển hướng ghé vào Thành
Phố Biển. Nhận phòng, cất hành lý tắm táp xong, Cả bọn kéo nhau đi dọc theo đường
Trần Phú. Con đường thật nên thơ với hàng dừa xanh xõa tóc.
Ôi! Nha Trang ngày về... Không phải là những bước chân
lạc loài trên bãi khuya, bâng khuâng niềm nuối tiếc đi tìm kỷ niệm, mà là âm
thanh rộn rã, thấm đậm men say tình bạn cùng gió biển đậm hương của miền thùy
dương xinh đẹp. Có thể vài năm sau, tôi hoặc bạn nào đó đến đây, lòng sẽ chùng
xuống mang tâm trạng của một loài Ốc mượn hồn, nhớ nhung về kỷ niệm của đêm
lang thang hôm nay: Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya. Tôi đi vào
thương nhớ. Tôi đi tìm cơn gió. Tôi xây lại mộng mơ năm nào...
Mai mơ tiếp...
Định lòng mai Mơ tiếp, nhưng nghe các bạn lao xao muốn
giấc mơ dài nên... ráng dỗ giấc ngủ để dệt nì.
(Hơi
tỉ mỉ chỉ hợp với người trên xe...kkkaa)
Trở về khách sạn ai cũng thấm mệt. Nhưng chỉ nghỉ ngơi
giây lát cả bọn kéo nhau đi ăn và ngắm Thành Phố Du Lịch biển về đêm. Phạm Thị
Đức từ Cam Ranh đã đến chờ chúng tôi từ chiều. Chúng ta đi thôi. Ra đây đâu phải
để nằm dài? Phải cùng nhau đi chứ.
Đêm ấy ngủ say một mạch đến sáng. Trưởng đoàn đánh thức
chúng tôi dậy lên xe trực chỉ Đà Nẳng. Vì đã có hẹn với các bạn ở đó chiều nay
sẽ gặp mặt, nên không thể ghé Dốc Lết, bỏ qua luôn ghềnh đá đĩa cũng như viếng
mộ chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử. Trên xe hết Trị, đến tôi rồi Ánh, Mừng... thi nhau
khuấy động không khí. Minh Diệu thì cứ cười duyên e lệ do bản tính rụt rè ít
nói. Theo sự động viên của Trị, từng bạn lên kể chuyện về mình để tạo nên sự
thân mật.
- Trị là người đầu tiên tâm sự những biến chuyển theo
thời cuộc từ lúc còn sinh viên đến khi ra trường đi làm. Bị thất tình nhưng được
cơ duyên gặp Ánh. Cuộc sống gia đình bạn lúc nhặt khi khoan, khó khăn rồi đến
thành tựu. Ánh chính là dòng nước mát dịu ngọn lửa Trị mỗi khi bùng cháy, là hậu
phương vững chắc cùng chồng nuôi dạy hai cháu thành nhân, thành tài. Bây giờ ra
lão làng rồi, thời gian còn lại thủng thỉnh vui thú sinh hoạt cùng gia đình
Nguyễn Hoàng, lâu lâu làm công nhân hái tiêu, hứng nhựa...cao su kiếm tiền đổ
xăng, mời bạn bè cafe....
- Tịnh trải lòng về cảnh gà trống nuôi con vò vỏ bao
năm bằng nghề thợ mộc. May mắn chuyển từ cưa tay qua cưa máy, tiết kiệm được sức
lực mà thời gian lại hoàn thành công việc rất tốt. Chiếc cưa máy là tấm lòng
yêu thương của các bạn Thất 1 và anh chị NH trao tặng đó quý vị. Lê Thị Hoa thì
chỉ phát biểu vài ba câu chung chung về gia đình mình, cuộc đời bạn êm đềm chẳng
gặp nhiều sóng gió thăng trầm.
- Hoàng Đình Việt dạt dào tâm trạng về thời gian nặng
phận Phạm Công, tay dắt lưng cõng con trai, đi từ địa phương nầy qua xã khác để
làm thuê. Chúng tôi rưng rưng với hình ảnh bạn mình dừng xe bên đường, nước mắt
người đàn ông chảy dài dưới ánh đèn, chiều về đã muộn mà vẫn chưa biết tìm đâu,
mượn đâu ra tiền để đóng học phí cho con, khi ngày mai đã là hạn chót...
- Nguyễn Đặng Mừng bước lên tựa người vào giữa hai
hàng ghế như cần chổ dựa vì cảm xúc, để kể về câu chuyện đôi dép tình bạn. Giọng
nghẹn ngào dâng trào nước mắt khi nhớ đến cái thời mang trên người bộ đồ sọc tù
nhân thời cuộc. Cái thời mà bạn bè quay lưng, người thân cúi mặt vì sợ liên
quan... Cái thời mà chúng ta nhìn nhau chỉ biết thở dài. Nhưng may thay đôi dép
Lào xuất hiện cho bạn một niềm tin yêu rằng: đâu đó vẫn còn người sống với
nghĩa TÌNH BẠN, TÌNH NGƯỜI dù vật chứng chỉ là đôi dép vô tri, nhưng lại là
hình ảnh đẹp cùng màu tóc râu ngô hoe vàng trong ánh hoàng hôn đọng hoài trong
ký ức của Mừng...
- Anh chàng vừa trôi vừa nở của miền Tây sông nước: Lê
Đăng Châm thì tâm sự thay lời tri ân đến thầy cô bạn bè đồng môn. Bàn tay đã kết
nối bàn tay tạo dựng cho gia đình bạn một căn nhà cao ráo, không còn chịu tình
trạng ngâm nước dài ngày, suốt tháng đến nổi chân tay lở loét khi mùa đến nước
lên. Cũng từ đó Châm mới nhận ra tình cảm thầy xưa bạn cũ Nguyễn Hoàng thâm sâu
quá, vượt qua sự tính toán thường tình, nên năm nào đến kỳ họp mặt, dù bận gì
Châm cũng sắp xếp tham gia, ngay cả khi vừa qua cơn nguy hiểm xuất huyết dạ
dày, sức khỏe chưa hồi phục bạn cũng lên tàu cùng chúng tôi tìm về Quảng Trị.
Tôi nhớ lắm hình ảnh mái tranh nghèo do anh thợ mộc Lê Quang Tịnh thiết kế bằng
rơm rạ miền Tây, Châm đã lễ mễ mang lên để minh họa cho bài Xuân Ca của nhóm 66
nhân ngày họp mặt đầu năm...Mái tranh ấy đâu chỉ là cảnh trang trí trên sân khấu,
mà đó là hình ảnh mái nhà thân yêu của khối lớp mình, đẹp tuyệt thay sự gắn bó
thân tình của một tình bạn bất diệt....
Bức tường e ngại không chắn nữa, khi nghe các bạn
trang trải từng hoàn cảnh, mỗi phận đời, những nốt thăng trầm đã đi sâu vào
lòng nhau. Phan Chánh Tâm đứng lên kể về mình. Cũng cách nói nhanh lắp bắp như
ngày nào, cũng lóc chóc khãy các móng tay vào nhau. Chao ôi, chẳng thay đổi gì,
cứ như là một PCT của những năm Trung Học Đệ Nhất Cấp. Cuộc đời bạn lao đao
quá. Hèn gì bạn thu mình trong vỏ ốc. Sợ gặp người quen, sợ luôn những cuộc điện
thoại nên thay sim đổi số. Tôi hy vọng sau chuyến đi nầy, bạn sẽ nhận ra tình bạn
xưa không hề ngăn cách, không phân biệt nghèo hèn hay danh vọng, địa vị. Bạn sẽ
bước ra khỏi cổng nhà tìm đến thầy xưa, bạn cũ. Thời gian đâu còn nhiều nữa để
mãi bó ro trong cả nghĩ, mình hãy sống với những gì mình trân quý đi nhé Tâm
ơi.
Minh Diệu không kể chuyện nhiều, chỉ nhẹ nhàng báo tin
để các bạn chia vui cùng mình:
Sau nhiều lần thất vọng, tháng nầy cả hai cô con dâu rủ
nhau lâm bồn, tặng cho Bố Mẹ hai thiên thần vô cùng dễ thương. Một trai và một
gái. Tiếng vỗ tay như pháo, chúng tôi gởi lời chúc lành đến các cháu. Tin vui nầy
đã làm cho không khí đang chùng bỗng trở nên rộn rã. . Hạnh phúc của gia đình bạn
là niềm vui chung của Thất 1, 10C.
- Bá Điểm, rồi Tường, Diện .v.v. thay nhau kể vài câu
chuyện đời chìm có, nổi cũng có.
- Thương tâm sự đời mình từ hương vị thơm ngon của
gánh sữa đậu nành, vất vả từ cối xay tay đến xay bằng mô-tơ điện nuôi hai con
ăn học thành tài. Phần thưởng cho sự khổ nhọc ấy là hai cháu rất ngoan chăm học
thành tài, gia đình viên mãn ngày nay.
- Nguyễn Trọng rút ngắn chuyện mình bằng câu nói rất
đơn giản: Tui thì ai cũng biết rồi nói chi nữa hè. Tối ngủ, sáng dậy. Ngày hai
bữa Vợ lo. Rứa là hết một ngày... Bộ dạng rất tiếu lâm làm ai cũng thấy tức cười.
Hành trình ngắn dần, đi qua cùng những cảm xúc đối nghịch.
Cười nghiêng ngã như vỡ tung cả xe, rồi bâng khuâng xúc động, còn có cả những
dòng nước mắt ngậm ngùi thương cảm.. từ mỗi bạn, qua mỗi thân phận cuộc đời.
May mắn cho tụi mình một điều là hầu hết gia đình ai cũng đều qua được cơn bỉ cực.
Mình hy sinh đời bố mẹ, để củng cố đời con phải không các bạn.
Không để mọi người chùng lòng mãi. Trọng và Tâm thay
nhau ôm guitar vuốt phím. Tay đàn Chánh Tâm vẫn rất mượt mà điệu nghệ. Hai ngón
đàn khác biệt hoàn toàn, gộp lại lại thành một sự hòa âm tuyệt vời. Trọng dồn dập
bốc lửa, Tâm nhẹ nhàng lảng tử... Không hề tập dợt mà chơi hay quá. Tiếng đàn
và niềm vui thúc dục Minh Diệu cầm Mic hát đầu tiên... Chà ! Thêm một sự bất ngờ
thú vị. Trị trố mắt ngạc nhiên nói nhỏ với tôi: “Mong sao trời im. Biển lặng. Đừng
gió bão vì sự bất ngờ nầy”. hehehe
Có rứa chứ. Tịnh và Việt né gì mà không tham gia phong
trào: Cùng hát cho nhau hè? Sẵn sàng thôi. Giọng cả hai trầm và ngọt lắm, không
thể chê vào đâu được. Phạm Thị Đức chẳng thua gì, đứng trên xe biểu diễn luôn.
Đức hát múa những bài hát tuổi thơ rất chuyên nghiệp ...Ồ! Tôi quên rằng Đức vốn
là giáo viên mầm non kia mà. Thích quá Tôi phát biểu: Các bạn ơi! Sao Thất 1
không tập một bài thật nhuyển để lên sân khấu Nguyễn Hoàng ta, kết luôn khối 66
càng tốt... Cả bọn đồng thanh hô to rất nhịp nhàng:”Hãy đợi đấy”.
Tôi hứng chí xung phong hát bài Mưa Hồng của cố NS Trịnh
Công Sơn. Giọng hát lắc lư theo vòng quay bánh xe. Lời ca đi vào lòng tôi và
các bạn, vì đó là bài hát mà người thầy quá cố Phan Văn Cẩn, tập cho tôi trong
ngày Tất Niên của lớp Đệ Ngũ 1. Cũng chính Phan Chánh Tâm và anh Đỗ Thanh Long
đệm đàn... Tôi đắm chìm trong khung cảnh cũ, kỷ niệm xưa. Chiếc bảng đen được bạn
Nguyễn Phú Cường tô đậm những nét chữ bay bướm bằng phấn màu xanh:
CHÚC MỪNG NĂM MỚI.
Hai bên vẽ hai cành mai vàng và dòng chữ nghiêng
nghiêng : Giáo Sư Cố Vấn Phan Văn Cẩn cùng học sinh lớp Đệ Ngũ 1 bên góc phải.
Thầy chúng tôi đã ra đi trước khi phong trào Nguyễn
Hoàng kết nối tình thân, nên chúng tôi không có dịp gặp lại thầy sau chiến cuộc
1972
-
Người ngồi xuống. Xin mưa đầy. Trên hai tay cơn đau dài. Người nằm xuống nghe
tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ... Vâng. Đúng như vậy. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ...
Câu out nầy da diết bồi hồi quá, và cả xe đều cất tiếng hòa chung... Ôi thật
tuyệt vời.
Ánh bắt nhịp hát những bài ca tập thể...Một, hai, rồi
ba...Hát vang xe làm bác Tài Xế vui lây cầm lái không biết mệt là gì. Thời gian
thì giới hạn, mà niềm vui thì bất tận. Còi xe liên tục nhấn to. Chúng tôi giật
mình nhìn ra ngoài. Thì ra xe đã vào cửa ngõ thành phố Đà Nẳng, nên người lưu
thông đông, bác tài phải nhấn còi xin đường. Hoàng hôn đang dần buông xuống....
Một vài ngọn đèn bật sớm sáng nhấp nháy ...
Trị alo Bích Hường... Trao đổi rồi hướng dẫn xe hướng
về Mỹ Khê. Dừng lại trước khách sạn, Bích Hường và một nhóm bạn NH Đà Nẳng đã đợi
sẳn, chúng tôi vào nhận phòng. Căn phòng nhóm nữ được ưu tiên nhìn ra biển thật
mát. Tranh thủ sửa soạn chưa đầy ba mươi phút là xong, cả bọn kéo nhau đến chổ
tụ họp. Đó là ngôi nhà bằng gỗ thật lý tưởng. Trang trí nhẹ nhàng thiên về nét
xưa. Có chiếc cầu nhỏ bắt ngang hồ cá róc rách nước chảy. Hường đặt tên là NGÔI
NHÀ CỔ.
Lam Sơn giúp Bích Hường trông coi ngôi nhà nầy. Chúng
tôi chọc bạn là quản gia VIP. Vì chỉ cần nghe bạn bè gọi là Lam Sơn lên xe đi
ngay, Hường không hề thắc mắc, còn động viên bạn mình thư giản nữa mới hay chứ.
Chúng tôi về khá đông nên nhà cổ không đủ sức chứa, đành đặt phòng cho nhóm ở gần
biển và cũng gần nhà. Những món ăn order từ quán, chen vài món do chính Lam Sơn
xuống bếp xào nấu đã bày biện sẳn sàng giữa sàn. Nhóm Đà Nẳng gồm có anh Hồ Sĩ
Bình, Phan Thị Hòa, Mộng, Thanh Vân, Quỳnh Thủy, Nguyễn Cung Nghi và Nguyễn Thị
Hữu Duyên cũng từ Tam Kỳ ra nữa... Khi tôi gọi rủ rê và đề nghị xe dừng Tam Kỳ
đón bạn, thì Hữu Duyên báo: Hôm đó Duyên có mặt tại Đà Nẳng QT ơi...Và bạn giữ
đúng lời hứa như vậy. Vui làm sao khi mọi người thi nhau lao xao ăn hình trước
khi nhập tiệc, rộn ràng như buổi chợ đông thì chuông cổng reo lên... Một sự bất
ngờ ngọt ngào quá! Mọi người biết ai không? Tôi và các bạn như nhảy cẩng lên vì
ngạc nhiên khi nhận ra hai cô đầm xinh đẹp, và rất sexy xuất hiện: Ngọc Hà và
Cao Thị Yến. Theo sau là một chàng đẹp trai, phong độ như tài tử: Lê Viết Trị.
Hai nàng gỡ cặp kính xuống tươi cười chào mọi người. Hường nhìn chúng tôi tủm tỉm.
Thì ra ba bạn ấy từ hai quốc gia xa xôi: CANADA và MỸ về VN gần 10 ngày rồi,
nhưng Hường muốn dành niềm vui bất ngờ cho chúng tôi nên ém tin không nói. Hèn
chi cứ thấy Hường lăng xăng ra ngoài alo liên tục, và cứ chần chừ bảo đợi tí
xíu khoan nhập tiệc. Không khí nóng hổi lên rồi các bạn ơi. Tiếng cười như pháo
nổ. Vừa ăn, vừa kể chuyện đời... Rồi Bích Hường hát tặng các bạn một bài hát tiếng
Anh. Thật chẳng ngờ cô bé mắt Nai hát ngọt như rứa. Không hổ danh là một cô
giáo dạy ngoại ngữ cừ khôi. Giọng mềm như lụa và sâu lắng lắm. Dù không hiểu hết
nội dung của bài hát, nhưng tôi cũng cảm nhận được dòng nhạc đẹp, hay và nghe
như có làn khói lam ký ức bâng khuâng tỏa vào hồn mình. Cảm ơn Bích Hường. Tôi
yêu bạn. Phan Thị Hòa, Minh Diệu, và Mộng, Việt, Sò đều nhường sân cho những bạn
mồm mép. Ngồi im lặng chăm chú lắng nghe, tâm trạng vui buồn thể hiện theo từng
chuyện kể. Đến Lê Viết Trị say sưa ôm đàn hát tặng bạn bè không mỏi mệt. Trị sống
ở một tiểu bang rất ít người Việt, nên luôn luôn mong gặp bạn bè xưa để chuyện
trò. Khi nghe tin em tôi bị bệnh nặng, Trị thường xuyên gọi về thăm hỏi và động
viên em ấy. Thật là một người có tâm.Tôi hiểu và thương mến bạn vô cùng. Hỏi
thăm cô vợ đầm và cậu con trai thì Trị cho biết hai mẹ con đi Hội An chơi rồi,
Trị tách ra đến với các bạn. Nguyễn Đặng Mừng đứng lên mời Ngọc Hà khiêu vũ.
Chân bạn thật điệu nghệ lả lướt theo tiếng nhạc đưa bước, Ngọc Hà uyển chuyển
theo thật nhẹ nhàng trong giai điệu mềm, và trẻ trung sống động khi chuyển qua
tiết tấu nhanh, dồn dập... Cứ hết bạn nầy, đến bạn khác...đáp từ bằng năng khiếu
của mình. Hình như tôi say. Nghe lâng lâng bay bổng. Không biết vì men hay vì
niềm vui như sóng xô đây.
Giờ vui tao ngộ qua thật nhanh. Màn đêm dần xuống.
Ngày đã tàn, tiệc đã mãn. Chia tay bằng một liên khúc Bolero Chợ Nọ. Bịn rịn hẹn
hò sáng mai kéo nhau ra biển đón mặt trời. Chúng tôi tản bộ về khách sạn nghỉ
ngơi. Vừa thiu thiu thì anh Hồ Sĩ Bình gọi điện thoại: QT ơi! Có bạn nào thấy
chùm chìa khóa nhà anh rớt ở đâu không? Trời đất. Say bia, say tình anh em... Về
tới cồng mới biết quên chùm khóa nhà. Chết không. Phải chạy qua lại nhà Cổ tìm
thôi anh ơi, chứ biết phải làm răng chừ... Một kỷ niệm quá vui, ngộ nghĩnh. Làm
sao mà quên được anh Bình hè..
Sáng sớm Bích Hường gọi điện đánh thức. Mới chỉ 4g
sáng. Ôi! ra đây gần biển nên khí hậu mát mẻ, ai cũng ngủ ngon như chết... Luyến
tiếc cái giường lắm, nhưng cũng đành ngồi dậy đánh răng súc miệng thôi, thay đồ
tắm kéo nhau chạy ra biển. Bước chân nhẹ tênh trong sương mai lạnh mát. Bãi cát
trắng đầy hoa muống biển. Màu hoa nhung nhớ tim tím xinh xinh. Tiếng cười nói rộn
ràng đánh vỡ sự im lặng cảnh vật. Đến bãi thì mặt trời đã lên khỏi mặt biển mất
rồi. Tiếc quá, không chứng kiến được cảnh bình minh tuyệt vời một lần trong đời.
Bích Hường thiết kế đủ kiểu ăn hình. Nhóm bạn trai nhảy xuống biển đùa sóng. Nữ
nhát gan nên chỉ bơi trên “bợt”. BH biểu tôi quỳ xuống, đưa hai bàn tay xòe ra
rồi canh góc chụp. Tác phẩm hình thành: Tôi : Quang Tuyết đang nâng vầng Thái
Dương. Rồi cả bọn nằm dài làm người cá mắc cạn... ôi chao ôi là vui.
Những con thuyền đang được kéo xuống nước. Sắp sửa cưỡi
sóng ra khơi mở đầu một ngày đánh bắt hải sản tốt đẹp.
Chúng ta cũng phải trở về. Nắng lên cao rồi phải về
thôi.
Đã đến giờ xe khởi hành trực chỉ Huế, Quảng Trị. Tạm
biệt Đà Nẳng và các bạn yêu quý của tôi. Trên xe giờ có thêm sự đồng hành của
Hà, Yến, Lam Sơn. Bích Hường bận điều hành Trung tâm Ngoại Ngữ. Thanh Vân thì
lo công việc chăm sóc da trong Spa của mình... Tạm biệt Ngôi Nhà Cổ vô cùng ấm
áp dễ thương.... Tạm biệt biển Mỹ Khê.
Tiếng gõ cửa và tiếng gọi của cháu nội làm tôi tỉnh giấc
mơ hoang. Trời đã nhá nhem rồi. Hai cháu ngoan đã đi học về. Tiếc quá, giấc mơ
phải dừng ngang đây, nên chưa ghé Huế, về Quảng Trị được. Tôi còn muốn kể cho
các bạn nghe và nhớ về Nguyễn Thị Hà, cô bạn xinh đẹp với đôi mắt nhung huyền,
da trắng như tuyết, môi đỏ như son. Tôi rất muốn họp mặt Trần Thị Hóa, Hồng
Hà... Hữu Xuyến, rồi kéo nhau lên lầu Tứ Phương Vô Sự ngắm hoàng thành xưa, chắc
hẳn các bạn ấy đang thắc thỏm đợi chờ chúng tôi về để cùng nhau dệt tiếp giấc
mơ mà từ lâu ấp ủ. Tụi mình còn về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ghi dấu những
tháng năm mật ngọt của tuổi học trò. Nơi có dòng sông Thạch Hản êm đềm trôi
xuôi về biển. Dòng sông vẫn thì thầm nhắn nhủ khi nắng lên, chiều xuống: Người
ơi! hãy trở về. Nơi còn lại những người bạn đang lặng lẽ mong mỏi bước chân người
xa xứ. Trở về để chiêm nghiệm những điều đã trở thành quá khứ. Trở về để cùng nhau
mơ một ngày mai.
Thôi đành thôi các bạn ơi. Đành gởi lại một lời hẹn một
ngày nào đó cùng nhau mơ mộng tiếp. Giấc mơ ấy luôn hồn nhiên và dễ thương
Trải lòng ra trang giấy đến đây thì nghe tin Lê Quang
Tịnh đang cấp cứu ở Bệnh Viện Đồng Nai. Tôi gọi ra Tịnh không thể bắt điện thoại,
chỉ nhắn tin trả lời: QT ơi! Mình đang thở máy không nói được, tưởng đi luôn
hôm qua rồi. Nghe Trị bảo từ đây Tịnh phải ra vào Bệnh Viện như cơm bữa, nói
nôm na là sống chung với lũ. Châm cũng không còn khỏe như trước, sau lần cấp cứu
bỡi xuất huyết bao tử. Minh Diệu thì khó bước đi xa vì hai cô con dâu rủ nhau
sinh cháu cùng thời điểm.
Gọi cho Việt. Việt cũng báo hôm kia lại bị trượt xe,
nhưng may thay chỉ bị trầy vi tróc vảy, không phải nằm một chổ nhưng bó chân vì
còn nặng nợ thời gian với bãi xe. Cao Thị Yến và Phan Ngọc Hà chưa có dịp về, Mỹ
Hòa không dám hẹn hò dù lòng đau đáu mơ ước một lần trở về thăm quê hương. Lê
Viết Trị thì ngỡ rằng con trai ra trường sẽ rảnh thời gian sống cho riêng mình,
nhưng... và nhưng lại đành lỗi hẹn với quê hương. Các bạn yêu quá của tôi bây
giờ vẫn còn hai phương trời cách biệt. Đặng Mừng chưa hết di chứng sau lần đột
quỵ, nói năng đi lại còn khó khăn thì làm sao lã lướt trong bài luân vũ? Thôi
thì cố lên Mừng nhé. Rồi sẽ có một ngày bạn hồi phục sức khỏe. Phan Chánh Tâm
biệt âm vô tín, tôi gọi vào số phone đã từng liên lạc chỉ nghe ò í e. Lại núp
vào cốc. Hoàng Thị Sò, Hữu Duyên cùng các bạn khác cũng âm thầm lặng lẻ....Ôi!
Biết đến bao giờ các bạn ơi. Thương quá giấc mơ hoa của tôi. Có người nghe tôi
kể bảo rằng sao Quang Tuyết mơ gì lung tung vậy, không có trọng tâm. Nhưng tôi
nghĩ mình đã dệt một giấc mơ tuyệt vời, được cùng bạn bè qua từng chặng dài đất
nước để một nối vòng tay lớn, những cánh tay của người Quảng Trị lưu lạc, tha
phương. Trọng tâm ư? Ấy là TÌNH BẠN NGUYỄN HOÀNG muôn đời thấm đậm trong tâm hồn
chúng ta .
Từng ngày qua đi mình mất dần cơ hội đến với nhau. Từng
ngày đi qua khi chúng ta thêm tuổi lớn thì điều kiện tìm nhau càng mỏng manh,
hiếm hoi, ước mơ nầy bé nhỏ thôi mà khó lòng thực hiện được. Ai cũng biết: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Nhưng thực tế luôn khác xa sự tưởng tượng chủ
quan của mình.
Ngôi nhà cổ dễ thương thuở nào giờ đã chuyển nhượng
cho người chủ mới. Hình ảnh và không khí ấm áp năm xưa bây giờ chỉ tìm trong ký
ức.
Buồn thay. Và thương nhớ thay.
Còn bây giờ, tôi của ngày hôm nay. Ngậm ngùi ôm mãi một
ước mơ, dù biết rằng muôn đời: đó chỉ là MỘT GIẤC MƠ HOA.
Sài Gòn tháng 11-2018
Quang Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét