BỞI TẾT LÀ TIẾNG GỌI THIÊNG LIÊNG CỦA
SỰ TRỞ VỀ !
Thức dậy vào
thời khắc tuyệt đẹp khi ngày mới bắt đầu.Ngày cuối cùng của năm.Bên tai tôi chợt
vang vẳng bên tai những câu hát :
"Mùa xuân nói với
em điều gì ?
Mà sao mắt em vui thế..."
Chắc hẳn
trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có nhiều nẻo đường để đi nhưng có một nơi để
quay về là nhà . Với những người đang sống nơi đất khách quê người thì Tết là
khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Trở về… đó là điều thiêng liêng nhất
đối với những người con xa quê. Ở đó, khoảnh khắc trở về hội tụ muôn vàn cung bậc
cảm xúc. Những ngày này, có người hối hả hoàn tất công việc, tạm ngưng dời non
lấp bể, mọi bon chen nơi đất khách luôn đếm từng ngày trong tiếng gọi thân
thương: Trở về... Có những người ngậm ngùi khi phải ăn Tết xa quê với muôn vàn
lý do khác nhau song dường như hai tiếng quê hương vẫn luôn trong tiềm thức của
họ…
Mới đây
thôi, tôi bồi hồi xúc động khi thấy dòng stt mà đứa em nhỏ của mình đăng lên mạng
face book "Còn 20 ngày nữa"
dù không trực tiếp nói ra nhưng ai trong chúng tôi cũng hiểu đó là sự háo hức
trong mong đợi ngày được lên xe xum vầy cùng gia đình. Khoảnh khắc đó có lẽ là
điều hạnh phúc nhất trong 365 ngày...
Một lần tôi
tình cờ được tiếp chuyện với chú Hải vào một buổi cafe hiếm hoi.Chú tâm sự : “Một năm làm việc vất vả, chú đã dành dụm được
một số tiền nho nhỏ để đem về cho vợ con nơi quê nhà lo Tết”. Chú hào hứng “Giờ chuẩn bị lên xe thì tâm trạng bồi hồi lắm.
Đi làm xa nhà cả năm trời, tới khoảnh khắc chuẩn bị về với gia đình, tưởng tượng
ra cảnh quây quần là đã vui !” – Chú cười rạng ngời khi chia sẻ thêm về cảm
giác trước khi bước lên xe về quê sớm để giá vé xe rẻ hơn một nửa. Với chú, mọi
sự vất vả trên gương mặt tan biến thay cho “niềm
hồ hởi… được trở về nhà”.
Ở thành phố những ngày cuối năm, phố xá rực rỡ
sắc màu đón chào năm mới, đèn hoa lấp lánh, kẻ vui người cười rộn ràng rủ nhau
đi mua sắm.
Với thời buổi
công nghệ, những câu mà bạn bè thăm hỏi nhau nhiều nhất những ngày sắp Tết là “Năm
nay có về không?”, “Hôm nào về”?. Có lẽ cảm giác ấy chỉ những người con xa
xứ mới hiểu và cảm thông cho nhau. Tết trong chị Hòa là sự hy sinh thầm lặng.
Chị gói ghém những bộ quần áo mới gửi về cho chồng, con. Chị vào Bình Dương đã
9 năm nhưng đây là cái Tết đầu tiên chị không về nhà. Xóm trọ chị ở là nơi trú
chân của hàng chục con người lao động ngoại tỉnh nên những ngày giáp Tết rộn
ràng hẳn lên. Các chị còn khoe nhau những vật dụng mua để gửi cho gia đình. Chị
Hòa trải lòng: “Con gái đang học năm cuối
trên Sài Gòn, giờ phải dành dụm lo học phí cho con. Nếu bây giờ về Tết ra Giêng
sẽ hụt tiền đóng học phí nên hai mẹ con quyết định sẽ đón Tết ở đây… Chỉ mua sắm
đồ gửi về cho ba cha con ở nhà. Ra Giêng sẽ về thăm gia đình vì khi đó chi phí
đỡ đắt đỏ hơn”. Có người mẹ nào không muốn về quê ăn Tết bên người thân
nhưng có lẽ đức hy sinh cho gia đình đã ăn sâu vào trong mỗi người phụ nữ Việt.
Nỗi nhớ chồng, nhớ con cũng được gửi gắm vào con chữ của các con ở tương lai
phía trước.
Có những cuộc
điện thoại ấm nồng khi bố mẹ gọi cho con. Anh chị nt thủ thủ. "Bao giờ em về" "mua được vé
chưa con" cảm giác sung sướng muốn bỏ tất cả mà chạy về không thể nào
kìm lại được.
Tết cũng là
dịp rất nhiều người con xa quê hướng về nhà. Có những người đã có gia đình con
cái đề huề nên mỗi lần về Tết là nỗi lo cơm áo lại đè nặng đôi vai. “Cả năm xa vẫn chịu được nhưng những ngày
giáp Tết trong lòng trống vắng lắm”. Ai cũng chỉ mong mau được trở về với
mái ấm, được tận hưởng khoảnh khắc sum vầy cùng người thân bên mâm cơm giao thừa.
Nhắc đến Tết, Minh bạn tôi buồn so: “Đã
nhiều năm rồi mình không có Tết. Về cả gia đình thì rất nhiều tiền, mà ba mẹ ở
quê cũng không khá giả nên mình để tiền gửi về ông bà lo Tết, không dám “xa xỉ”.
Bốn năm rồi đón Tết ở Bình Dương, gọi điện về nhà chúc Tết, lòng thắt lại vì
thương ba mẹ, nhớ quê, thèm được ở bên gia đình, bạn bè trong những ngày Tết lắm…”
– giọng Minh chùng xuống. Minh kể bạn bè đồng hương trong này cũng nhiều người
chẳng có điều kiện về quê, vì mỗi chuyến đi có thể tiêu hết mấy tháng lương, ai
“sang” lắm thì phải dành dụm vài năm
mới dám về một lần. Quan tâm nhau hỏi câu: “Tết
này có về quê không?” mà lòng trĩu nặng. Một câu hỏi giản dị, nhưng gợi lên
bao nỗi khắc khoải của những mảnh đời xa xứ.
Cũng có rất
nhiều người không phải vì lý do tài chính nhưng quê hương giờ chỉ còn trong miền
nhớ… Họ đã ra đi từ lâu lắm, gia đình, ba mẹ, anh em giờ cũng đã ở trong Miền
Nam. Anh Quý , một người con đất Quảng ra đi từ những năm 80, hiện khá thành
công trên đất Bình Dương chia sẻ: “Những
ngày giáp Tết anh cùng vợ con lên khu chợ người Quảng Trị ở Sài Gòn để tìm mua
đủ món đặc sản Quảng Trị mang về gia đình ăn Tết… xem như là ăn Tết Quảng Trị
và đỡ phần nào nỗi nhớ về nguồn cội”. “Bây giờ thì vài năm anh cũng dẫn con cái
về nhà thờ tộc họ một lần cho nó không quên nguồn cội. Còn Tết, có muốn trở về
cũng chẳng biết về đâu. Cũng may là ba mẹ, anh em ở cả trong này nên đại gia
đình ăn Tết kiểu quê mình em à” .
Đi xa, bao
giờ anh cũng mang theo niềm tự hào xứ sở đến mức… ngồi trên xe, nhìn thấy biển
số 94 mà lòng nghe quặn thắt….
Trong thời
khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, trái tim những người con xa quê luôn
hướng về gia đình, về quê hương với nỗi nhớ khôn nguôi. Và tôi biết hơi ấm mùa
xuân trên quê hương luôn theo họ trong mỗi bước đi suốt hành trình lập thân, lập
nghiệp…Trong giấc mơ nơi đất khách bao giờ cũng lấp lánh hình ảnh những đứa trẻ
thơ xúng xính bộ quần áo mới chạy trên con đường làng, quanh co những ngôi nhà
ngập tràn hoa cỏ mùa xuân, những đồng lúa đương thì xanh mướt. Ngần ấy thôi
cũng đủ lòng tôi tha thiết ước được về quê nhà trong thời khắc chuyển giao...!
Hồ Thị Thúy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét