Hội thảo đặt ra vấn đề, trong thời đại 4.0 hiện nay, chúng ta có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử “Truyện Kiều” để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.
Hội thảo Minh họa “Truyện
Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh
nhân văn hóa thế giới – đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820) được Viện
Pháp tại Hà Nội – L’Espace tổ chức sáng 1/8.
Hội thảo có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị và họa sĩ – nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn.
Tại hội thảo, các diễn giả và các đại biểu thảo luận về
nhiều vấn đề quanh “Truyện Kiều”. Cụ
thể, kiệt tác “Truyện Kiều” với 411
câu thơ sử dụng các con số. Đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó?
Các diễn giả cũng khảo sát, phản biện về quan điểm của
nhà nghiên cứu Đào Duy Anh khi bàn về việc “Nguyễn
Du đã mượn cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc)
để viết “Truyện Kiều”; luận bàn từ phát biểu của giáo sư Dương Quảng Hàm về
danh tác “Đoạn trường tân thanh”
trong Việt Nam văn học sử yếu (1943).
Đặc biệt, hội thảo còn tiếp cận các di lục Hán văn để
thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và “Kim Vân Kiều
truyện” (A953) là tác giả và tác phẩm của người Việt như nội dung văn bản
“Thanh Tâm Tài Tử Cổ Kim Minh Lương Đề Tập Biên” của vua Minh Mạng; so sánh nội
dung của cuốn A953 Thanh Tâm Tài Tử và cuốn “Kim
Vân Kiều truyện” của Lý Chí Trung.
Ngoài ra, các diễn giả cũng kiến nghị về những chú giải
lệch lạc về “Truyện Kiều” trong sách
giáo khoa và các ấn bản.
Bên cạnh đó, hội thảo còn giới thiệu “Truyện Kiều” bản kinh ngự dụng mà nhà
in Công Thiện Đường dựa vào khắc in năm 1898 và triển lãm tranh minh họa “Truyện
Kiều” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn – cử nhân Triết học trường
Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại
học Quốc gia Hà Nội) là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của nhiều tác phẩm
trong đó có “Truyện Kiều” bản UNESCO,
NXB Lao động; “Truyện Kiều dưới góc nhìn
con số và thành ngữ số dân gian”, NXB Thanh Hóa; “Bói Kiều” – NXB Văn hóa dân tộc…
Nhà nghiên cứu Lê Nghị tốt nghiệp khoa Anh Văn trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông là chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Việt Nam, nguồn gốc tiếng Việt, từ tiếng
Hán, lịch sử “Truyện Kiều”.
Họa sĩ – nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, sáng lập xưởng Hội họa và thiết kế đồ họa Picas Sơn, là Tổ trưởng bộ môn Mỹ thuật của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1999, ông bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”. Sau đó một năm, triển lãm tranh cá nhân của ông đã được tổ chức tại Hà Nội.
Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn.
Các tác phẩm của Sơn “Kiều” không chỉ minh họa tác phẩm “Truyện Kiều” mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.
Hội thảo còn có sự tham gia của nghệ sĩ đàn nguyệt Tạ Xuân Quỳnh, vũ công Phan Văn Chức, hỗ trợ cố vấn, biên tập nội dung nhà nghiên cứu Lại Quảng Nam và nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn.
Nguồn:
https://danviet.vn/giai-ma-minh-hoa-truyen-kieu-duoi-cach-nhin-minh-triet-viet-20200801163834912.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét