Lời nói đầu:
Cụ Nguyễn Hiến Lê, thầy tôi, có nói: "Muốn học điều gì thì hãy viết về
điều đó". Tôi đã áp dụng câu này khi học về Kinh Dịch, thấy
rất có hiệu quả. Nay tôi đang học về thú uống trà, tìm hiểu về
trà, tôi cũng sẽ áp dụng điều cụ Nguyễn dạy.
Như thông lệ, tôi tìm hiểu sách vở, bài viết
của tiền nhân, của các đàn anh thâm sâu về điều mình cần học, ghi
lại có hệ thống cho dễ dàng nhớ. Xin hiểu cho, đây chỉ là những ghi chép
vụn vặt trong quá trình học hỏi, nên chắc nó sẽ có rất nhiều thiếu sót, mong
các bậc cao minh chỉ dẫn thêm. Tôi mạo muội chia sẻ những điều tôi đã
ghi chép, gởi đến các bạn rồi lắng nghe những lời phản hồi, góp ý
chân thành để chỉnh sửa cho điều mình tìm học được chính xác.
Tập tiểu luận này nặng về VĂN CHƯƠNG hơn NGHIÊN
CỨU, chủ ý của tác giả là muốn cung cấp các bạn những điều "vui vẻ" trong lúc "trà dư tửu hậu". Nếu các
bạn muốn nghiên cứu sâu, xin hãy tìm hiểu các tác phẩm của các nhà
nghiên cứu mà tôi đã sưu tầm, tham khảo. Đó là: Trà Đạo của tác giả
Kakuzo Okakura, Niệm Thư của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Trà Luận của
nhà nghiên cứu Đức Chính, Trà kinh của Vũ Thế Ngọc, các bài viết
của Nguyễn Duy Chính và trên FB v.v...
Nếu độc giả tìm thấy được nhiều đều lý thú
trong tập tiểu luận này, thì đó là công của các nhà nghiên cứu mà
tác giả sưu tầm; còn nếu thấy nó dở, đầy khiếm khuyết, thì đó là
lỗi của tác giả bài viết, hiểu biết còn quá nhiều hạn hẹp, xin tha
lỗi cho. Trân trọng
MỤC LỤC
Tiểu luận này được chia làm nhiều mục:
- Giới thiệu
- Vài bài văn thơ về trà
- Lịch sử, nguồn gốc phát triển và con đường
đi của trà
- Sơ lược Trà Kinh của Lục Vũ
- Các hình thức trà
- Các loại trà, danh trà
- Cách trồng và chế biến trà
- Dụng cụ uống trà
- Các loại ấm trà danh tiếng
- Các loại chén uống trà
- Cách thức pha trà, thưởng thức trà
- Sơ lược về Trà Đạo Nhật Bản
- Phần phụ lục- Phiếm luận
*
Giới thiệu:
Ông bà ta có câu “Khách
đến nhà không trà thì rượu”. Với nhiều người, uống trà không chỉ đơn thuần
là giải khát, mà còn là thú vui tao nhã thưởng thức hương vị thơm, ngọt, chát,
nồng của "Dịch thể ngạnh ngọc
bào" - bọt của chất lỏng màu ngọc bích (Tên người xưa gọi
nước trà). Trà, rượu và cà-phê là 3 thức uống hầu như hiện nay ai
cũng yêu thích. Đối với cụ Trần Thế Xương thì : "Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó khuấy
ta". Về "yêu trà",
tôi xin dẫn ra đây vài lời của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, trong chương
sách Nghệ Thuật Yêu Trà của bà, đại khái:
"Yêu là cả một nghệ thuật, mà đã là nghệ
thuật thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng, và sự hướng dẫn chu đáo. Muốn yêu
ai thì cần phải tìm hiểu tính tình, biết cả từ tính tốt đến tính xấu, những ưu
khuyết điểm, xét xem có thích hợp với mình không. Khi đã biết rõ rồi mới yêu
thì tình mới bền. Trà cũng như người, cổ nhân gọi trà là Tình Nhân, và ngày xưa
cũng như bây giờ có những người yêu trà, chờ đợi giờ phút được ngồi cạnh ấm trà
như chờ đợi giờ phút hò hẹn với người yêu"
(Minh Đức Hoài Trinh)
Ngồi cạnh ấm trà một mình vào buổi sáng tinh sương hay
với tri kỷ trong đêm khuya, thì không cần phải dùng đến lời nói; đọc cho nhau
nghe một câu thơ, hay mỗi người nói một mẩu chuyện rồi thả tâm tư suy nghĩ; chẳng
cần bàn cãi nhiều lời, khói trà và hương trà sẽ đưa hai tâm tư đến cùng một điểm.
Hai người tri âm tri kỷ đã trở thành một.
Chúng ta hãy cùng nhau nhắp một chén trà. Ánh sáng xế
trưa đương chiếu vào bụi trúc, dòng suối đương róc rách vui tai, và tiếng ngàn
thông đương rì rào trong ấm trà của chúng ta. Hãy thả hồn mơ vào chỗ vô thường,
tha thẩn trong cái vẻ cuồng dại mỹ miều của vạn vật.
Lý Chi Lai, (Lichilai) một kẻ yêu trà, một thi sĩ đời
Tống đã cho rằng, đời có 3 mối hận nhất là :
"Những
thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một chế độ giáo dục sai lầm; những bức danh họa
bị mất giá trị vì những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; và những cánh trà ngon bị
hao phí quá nhiều vì những bàn tay bất tài vầy vò".
Trà không có cái tính chất tự tôn xằng như của rượu, tự
ý thức như của cà phê, hay ngây thơ khờ khạo như của ca cao - (Bảo Sơn – Trà
Đạo, dịch từ cuốn The Book of Tea của Okakura Kakuzo)
VÀI BÀI VĂN THƠ VỀ TRÀ
Ghi theo trình tự trước sau:
1. Thi nhân đời
Đường, Lô Đồng - hay Lư Đồng (778 - 835) có bài thơ tả cảm giác khi uống trà
được người đời khen xuất thần: Trà Ca
Nhất
oản hầu vẫn nhuận
Nhị
oản phá cô muộn
Tam
oản sưu khô trường
Duy
hữu văn tự ngũ thiên quyển
Tứ
oản phát khinh hãn
Bình
sinh bất bình sự
Tận
hướng mao khổng tán
Ngũ
oản cơ cốt thanh
Lục
oản thông tiên linh
Thất
oản khiết bất đắc
Duy
giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh
Lời dịch:
Chén
thứ nhất làm trơn cổ họng
Chén
thứ hai làm tan nỗi buồn phiền
Chén
thứ ba thấm vào ruột đang khô héo
Chỉ
còn lại năm nghìn cuốn sách
Chén
thứ tư làm mồ hôi rướm ra
Những
chuyện bất bình trong đời
Cũng
theo lỗ chân lông mà bay đi
Chén
thứ năm làm cơ thể sạch sẽ
Chén
thứ sáu đưa ta tới cõi tiên
Chén
thứ bảy không uống được nữa
Chỉ
thấy hai bên cánh tay gió phần phật thổi
2. Cụ Trần Tế Xương đã từng có bài thơ thở than:
Một
trà, một rượu, một đàn bà
Ba
cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa
được cái nào hay cái nấy
Có
chăng chừa rượu với chừa trà...
3. Nhà văn Nguyễn Tuân có truyện ngắn lý thú
viết về trà “Những Chiếc Ấm Đất”
- trong quyển Vang Bóng Một Thời.
Xin trích vài đoạn:
"Ngày
xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng
mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới
vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp
được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến
lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi
dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân
cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở
trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh
hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay
trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá,
chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn
lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại,
tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn "uống trà tàu với!". Mọi người
tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía
bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống
nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận
lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho
hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem
hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy
rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén
quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần
áo hắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng
hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ
nhà: "Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng
thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm
rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy
gì làm khoái hoạt lắm". Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà
chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi
xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường. Mọi người
cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy
làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã
lượm được ra đến mươi mảnh trấu".
Ông
cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:
-
Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với
tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm
song ấm quý.
-
Cổ nhân cũng bịa ra một chuyện cổ tích thế để làm vui thêm cái việc uống một tuần
nước đấy thôi. Chứ cụ tính làm gì ra những thứ người lạ ấy. Ta chỉ nên cho nó
là một câu giai thoại.
-
Không, có thể như thế được lắm mà. Tôi chắc cái lão ăn mày này đã tiêu cả một
cái sản nghiệp vào rừng trà Vũ Di Sơn nên hắn mới sành thế và mới đến nỗi cầm bị
gậy. Chắc những thứ trà Bạch Mao Hầu và trà Trảm Mã hắn cũng đã uống rồi đấy
ông khách ạ. Nhưng mà, ông khách này, chúng ta phải uống một ấm trà thứ hai nữa
chứ. Chẳng nhẽ nghe một câu chuyện thú như thế mà chỉ uống với nhau có một ấm
thôi.
-
Thế rồi trong khi cụ Sáu tháo bã trà vào cái bát thải rộng miệng vẽ Liễu Mã,
ông khách nâng cái ấm quần ẩm lên, ngắm nghía mãi và khen:
-
Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức màu gan gà. "Thứ nhất Thế Đức
gan gà; - thứ nhì Lưu Bội; - thứ ba Mạnh Thần". Cái Thế Đức của cụ, cao
nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có
cao mấy.
Cụ
Sáu vội đổ hết nước sôi vào ấm chuyên, giơ cái ấm đồng cò bay vào sát mặt
khách:
-
Ông khách có trông rõ mấy cái mấu sùi sùi ở trong lòng ấm đồng không? Tàu, họ gọi
là kim hỏa. Có kim hỏa thì nước mau sủi lắm. Đủ năm cái kim hỏa đấy.
-
Thế cụ có phân biệt thế nào là nước sôi già và nước mới sủi không?
-
Lại "ngư nhãn, giải nhãn" chứ gì. Cứ nhìn tăm nước to bằng cái mắt
cua thì là sủi vừa, và khi mà tăm nước to bằng mắt cá thì là nước sôi già chứ
gì nữa".
(Những Chiếc Ấm Đất trong Vang Bóng Một Thời - Nguyễn
Tuân)
……......
Ngày xưa người ta lắng đọng tâm hồn vào chén trà ngay
trước khi nó được pha, các cụ thưởng thức trà ngay từ tiếng reo của nước đang
đun nên tinh tế phân biệt ba loại nước sôi: độ thứ nhất là nước sôi “giải nhãn” trông như mắt loài cua (mới
chớm sôi); độ thứ nhì là “ngư nhãn” tức
bọt nước lăn tăn trông giống như mắt đàn cá đang lội gần mặt nước (sôi vừa); cuối
cùng là nước sôi to.
(Chú
thích của Nguyên Lạc trích từ Trà Kinh Lục Vũ)
4. Cái thú trong khi chờ đợi
Uống trà, cái thú không phải chỉ lúc uống mà
cả khi trong lúc đợi chờ. Mời bạn đọc những trích đoạn này:
"Rồi
người khách khom người chui qua cánh cửa nhỏ cao không quá ba bộ để vào gian
phòng. Bất cứ khách nào, quyền quý hay thấp hèn, cũng đều như vậy cả nhằm ý nói
với khách về đức tính khiêm hạ. Khách theo thứ tự trước sau chờ nơi trì hợp
(machiai), từng người một khe khẽ bước vào nơi ấy, nghiêng đầu chào bức họa hay
bình hoa cắm đặt nơi sàng gian (tokonoma), rồi vào chỗ ngồi của mình không gây
một tiếng động, Khi tất cả khách mời đều an tọa và một sự tĩnh lặng thật sư ngự
trị, ngoại trừ tiếng nước reo trong ấm sắt, chủ nhân mới bước vào phòng. Những
miếng sắt xếp khéo léo dưới đáy ấm reo lên nghe rõ theo một giai điệu lạ kỳ tuồng
như tiếng vọng của thác nước bị mây che khuất, nghe như tiếng biển nơi xa xăm dập
dồn vỗ vào vách đá, tiếng phong ba quét rít qua các bụi tre rừng, hay tiếng
thông reo trên ngọn đồi xa lắc"
(Trà Đạo - Bảo Sơn dịch từ cuốn The Book of Tea của
Okakura Kakuzo)
- Trong truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm”, Nguyễn Tuân còn thi vị hóa việc đun nước
pha trà, cho từng hòn than ngọn lửa một linh hồn và linh hồn đó hòa nhập vào
người thưởng trà:
“Thỉnh thoảng, từ hòn than tự tiêu diệt buột
ra một tiếng khô, rất khẽ và rất gọn. Thế rồi hòn than sống hết một đời khoảng
chất. Bây giờ hòn than chỉ còn là một điểm lửa ấm ấp trong một cái vỏ tro tàn dầy
và trắng xốp. Cụ Ấm vuốt lại hai mái tóc trắng, cầm thanh đóm dài đảo lộn tàn
than trong hỏa lò, thăm hỏi cái hấp hối của lũ vô tri vô giác. Cụ Ấm bỏ thêm một
vài hòn than hoa nữa vào hỏa lò. Than hoa không nổ lép bép như than tầu; nhưng
từ ruột ấm đồng bị nung nấu đã lâu, có tiếng thở dài của khối nước sắp biến thể.
Nước đã lên tiếng để nhắc người ta nghĩ đến nó.”
(Chén trà
trong sương sớm - Nguyễn Tuân)
5. Các bài thơ gần đây về trà
- Thi sĩ Trần Phù Thế có bài thơ về trà:
Nhìn
cốc trà bốc khói
Buổi
sáng trời âm u
Cách
ly, cách ly dịch
Một
mình giỡn với thơ
Đưa
cốc trà lên môi
Uống
từng ngụm nho nhỏ
Nghe
mùa thu than thở
Nghe
mùa thu cựa mình
Hương
trà như hương gái
Thơm
thơm tuổi trăng rằm
Lòng
ta như trẻ lại
Rộn
ràng tuổi mười lăm
Nhâm
nhi cốc trà sáng
Nghe
lòng chút bình an...
(Buổi
sáng uống trà một mình - Trần Phù Thế)
- Thi sĩ Võ Thạnh Văn có bài thơ về trà:
Trà
Vũ Di - Ấm Nghi Hưng
Lò
đun gỗ quế. Nước chưng suối dòng
Hồn
Lục Vũ - Phách Lô Đồng
Má
thơm hương sớm. Môi hồng nhụy khuya
(Xuân
Trà Tụng - Võ Thạnh Văn)
- Thi sĩ Trần
Bảo Kim Thư có bài thơ về trà:
Mỗi
sáng nhấp môi mấy tách trà
Hương
thơm thoang thoảng quyện bay xa
Thái
Nguyên, Bảo Lộc … mùi tinh khiết
Long
Tỉnh, Quan Âm … chất đậm đà
Cậu
trẻ yêu đời luôn xoắn xuýt
Lão
ông thích chí mãi khề kha
Sớm
chiều đối ẩm cùng bè bạn
Rõ
thú thanh nhàn đệ nhất đa!
(Trà
- Trần Bảo Kim Thư)
- Cảm xúc
riêng của tác giả bài viết về trà:
a.
Thức
dậy pha trà sáng nguyên xuân
Mời
em, hãy cạn chén thơ anh!
Vị
có ngọt ngào hay cay đắng
Vẫn
chúc đời nhau vạn sự lành!
(Chén
Trà Nguyên Xuân - Nguyên Lạc)
b.
Thiết
quan âm, Trảm mã trà?
Hầu
trà, Trinh nữ hay trà Kỳ Môn?
Sang
hèn, danh lợi có không
Tri
âm, tri kỷ chén lòng nhớ lâu
Mời
người ta hãy cùng nhau
Chén
trà nhân ái đẹp câu Đạo trà *
(Chén
Trà Nhân Sinh- Nguyên Lạc)
............
Trong các bài
thơ trên:
- Lục Vũ, Lô Đồng là các Trà thánh, Trà thần
của Trung Hoa
- Ấm Tử sa Nghi Hưng: Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần
là loại ấm trà/ trà hồ nổi tiếng của Trung Hoa
- Trảm mã trà, Hầu trà, Trinh nữ trà, Thiết
Quan Âm trà - một loại Ô long trà (trà Oolong), Trà Vũ Di, Kỳ Môn Hồng
trà ... là những loại trà tàu có tiếng. Trà Thái Nguyên, Bảo Lộc
là của Việt Nam.
- * Trà Đạo, tác giả Kakuzo Okakura (1862 - 1913), một
nhà nghiên cứu về trà lừng danh của Nhật Bản. Ông đã viết: “Trà Đạo là một tôn giáo lập ra để
tôn sùng cái đẹp trong những công việc tầm thường của sinh hoạt hàng ngày. Nó
là nghi thức của đức tinh khiết và sự hòa hợp; nó làm cho người ta cảm thấy sự
huyền bí của lòng hổ tương nhân ái và ý nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội”.
Theo ông, triết lý của Trà Đạo không phải chỉ là một chủ nghĩa thẩm mỹ đơn giản
theo ý nghĩa thông thường của nó, vì triết lý này cùng với luận lý và tôn giáo
biểu thị tất cả quan niệm của chúng ta về con người và tạo hóa".
Chúng ta sẽ gặp các điều kể trên lần lượt
trong các phần sau.
(Còn tiếp nhiều kỳ)
Nguyên Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét