Lễ “vía Bà”- Hòn Bà, ở thị xã La Gi hàng năm được ngư
dân tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch và đã nâng lên tầm lễ hội kể từ năm
2012 khi UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Ngày
vía này cũng trùng hợp với ngày vía bà Thiên Y A Na ở Nha Trang. Theo cách gọi
nửa Việt nửa Chăm từ tên cổ là Yan Pô Inư Nagar (Thiên tức thần trời tức Yan
Pô, Y A Na phát âm Inư Nưgar).
Sự tích Bà chúa Ngọc - Hòn Bà có một phần lai lịch
với sự tích theo bia ký do Thượng thư Phan Thanh Giản ghi ở di tích Tháp Bà Nha
Trang vào giữa thế kỷ XIX, kể về nhân vật tiên nữ giáng trần, nhập thân vào
khúc gỗ trầm hương để rồi có cuộc hôn nhân định mệnh từ kiếp trước với một
hoàng thái tử xứ Bắc Hải. Nhưng sau đó tiên nữ lại từ bỏ tất cả để hóa thân lại khúc kỳ nam trôi dạt về biển Nam, trở thành
linh thiêng đối với ngư dân vùng biển. Từ đó tiên nữ trở thành Bà Mẹ xứ sở Pô
Inư Nưgar - thánh mẫu Thiên Y A Na được người Việt và Chăm thờ cúng, thể hiện sự
kết hợp trong tín ngưỡng thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm và tục thờ Mẫu của người
Việt.
Nhưng với Hòn Bà (La Gi), từ truyền thuyết cho đến hình thức thờ phụng, lễ
tế có nhiều khác biệt, hoàn toàn mang tính thuần Việt của ngư dân địa phương.
Trên hòn đảo nhỏ, cách cửa biển La Gi khoảng 2 km, có miếu thờ Bà mặt quay về
hướng đông, trong đó pho tượng bà Thiên Y A Na được xây trên một tảng đá nguyên
sơ với thần sắc uy nghiêm của một nữ thần. Trước miếu có khắc nổi chữ Hán do
ngư dân trùng tu “Trung trinh nữ thần”.
Huyền thoại Bà Chúa Ngọc - Thiên Y A Na
ở La Gi từ xưa nay lại có những tình tiết khác, đầy tính sử thi. Chuyện kể rằng, ngày xưa có đôi vợ chồng trẻ
là người đầu tiên trên mảnh đất vùng biển này đang sống với nhau rất hạnh phúc.
Như thường ngày, chàng mang ná tên đi săn tìm thú rừng và nàng ở nhà bắc nồi nước lên bếp
lửa đun sôi chờ chàng về. Nhưng mòn mỏi đợi chờ ngày qua ngày, bếp vẫn đỏ lửa.
Trong khi đó chàng lạc vào rừng sâu gặp những tiên nữ ngọc ngà mà say mê, quên
cả lối về. Nàng chờ đợi ở nhà, bếp lửa sắp tàn, nồi nước vẫn còn sôi… nhưng
bóng chàng mãi biệt tăm. Đêm nằm báo mộng và nàng biết chàng phụ bạc đoạn tình!
Không kiềm được cơn ghen và tức giận, nàng dậm chân ba dậm, từ đất liền Động Bà
Sang (Tân Long) bị tách rời ra ngoài biển trở thành hòn đảo nhỏ chơ vơ, cô độc
ngày nay. Người ta gọi đó là Hòn Bà. Còn chàng khi tỉnh cơn mê về lại mái nhà
thì đất bằng bị chia cắt bởi biển, nên mang nỗi ân hận, ngậm ngùi rồi lầm lũi
đi về hướng núi cao là núi Ông (Tánh Linh) ngày nay. Dấu vết nồi nước sôi bị bà
hất đổ nay là suối Nước Nóng ở Bình Châu (Xuyên Mộc)…
Câu chuyện tình thật bình dị, đời thường
nhưng thấm đẫm nỗi bi luỵ, lâm ly. Xung quanh hình tượng linh thiêng bà Thiên Y
là những phép màu cứu nhân độ thế, đối với ngư dân thường xuyên đối mặt với
sóng nước bão giông luôn có một niềm tin vào sự che chở kỳ
diệu. Cho nên, lễ hội Hòn Bà không những chỉ có nghi thức của ngày “vía” mà còn
là lễ cầu ngư vào vụ cá bội thu, cuộc sống yên bình, tạo nên nét riêng trong lễ
hội văn hóa dân gian truyền thống ở địa phương.
Mặc dù Hòn Bà là di tích danh thắng,
nhưng thuộc sự quản lý bảo vệ của lực lượng Biên phòng địa phương do nơi này
chưa đáp ứng yêu cầu an toàn bến đỗ, thuyền khách chuyên dùng. Trừ ngày lễ vía
thì có vài thuyền được ra đảo để cúng bái. Còn khách thập phương có tín ngưỡng
chỉ tập trung ở miếu Ba Cô, còn gọi Tam vị tiên cô (Tân Long), đã tồn tại trên
50 năm, để hương đăng hoa quả cúng lễ Bà. Đây là vị trí nằm ngay bờ biển đối diện
với Hòn Bà. Tìm hiểu thì miếu này không có mối quan hệ nào về quản lý và kể cả
trong truyền thuyết Hòn Bà, mà từ niềm tin mơ hồ qua “lên đồng” để làm nên hình
tượng “Tam vị Phật cô”… Do đó lễ hội Hòn Bà vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa
phát huy được giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở đây.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét