Rừng là phải có lá, nhưng với tên gọi Rừng Lá được nhắc
đến đã trở thành một địa danh huyền thoại đối với cánh rừng Lá Buông trong thời
chiến tranh chống Pháp và Mỹ trên đất Bình Thuận. Con đường quốc lộ 1A từ hướng
Phan Thiết (Bình Thuận) vào Sài Gòn sau khi có hiệp định Pa-ri 1973 tương đối
thông suốt, nhưng từ cây số 63 (thị trấn Tân Minh - Hàm Tân) đến Ngã ba Ông Đồn
(Xuân Lộc) lại gọi tên Rừng Lá. Đồng nghĩa với một địa phận thuộc quyền kiểm
soát của lực lượng quân giải phóng. Tính từ Ngã ba Ông Đồn trở ra bắt đầu là
căn cứ 1, nếu nói đến những căn cứ lớn thì chỉ có căn cứ 4 thuộc xã Xuân Hòa
(Xuân Lộc), căn cứ 5 (sông Giêng - Hàm Tân), căn cứ 6 (sông Dinh - Tân Minh),
căn cứ 10 (ngã tư Tân Nghĩa - Sông Phan) và khoảng 2 căn cứ nữa là sát cầu số
37 (Tà Mon - Hàm Thuận Nam)… Có nhiều người không hiểu “căn cứ” là gì nhưng
theo cách gọi của hành khách, nhà xe biết ngay địa danh, địa bàn nào.
Trước
1975, theo cách bố trí bảo vệ của lực lượng địa phương quân VNCH chỉ co cụm ở
các điểm dốc cao, cầu, cống suối lớn chảy ngang quốc lộ để đóng quân, xây lô cốt
với một trung đội, ngày đêm canh gác nhằm ứng phó lực lượng cách mạng tấn công,
đặt mìn phá cầu cống, cắt đứt giao thông, đánh chặn tiếp viện. Phiên hiệu của mỗi
chốt đó mang một số hiệu vì những nơi này chưa có dân cư, xóm làng. Rừng lá
buông thiên nhiên ở địa bàn rất rộng, nối tiếp từ chân núi Mây Tàu, Núi Bể,
Láng Gòn đến Suối Kiết, Gia Huynh, Xuân Lộc tạo thành khu tam giác rừng lá của 3
tỉnh Bình Tuy, Long Khánh, Phước Tuy. Có lẽ thổ nhưỡng vùng đất ở đây thích hợp
cho giống cây buông phát triển.
Trong kháng chiến, vùng này có nhiều căn cứ
cách mạng, cũng là bàn đạp chiến lược cho các mặt trận Bình Tuy, Hoài Đức, Tánh
Linh, Bà Rịa. Cửa sông Lộc An (Đất Đỏ - Xuyên Mộc) là nơi tiếp nhận vũ khí, lực
lượng từ những con tàu không số, xuyên rừng nối với mật khu Mây Tàu, Núi Bể. Nhưng với đoạn đường quốc lộ 1A khoảng 50 km từ Tân Minh đến ngã ba Ông Đồn
hoàn toàn chịu sự kiểm soát của lực lượng cách mạng và được biết đến với tên gọi
Rừng Lá là vậy. Giá trị công dụng lá buông đã có từ ngàn xưa, trở thành thiết yếu
của cư dân thời kỳ mở đất lập làng và cho cả dân sống trong buôn rẫy…
Cây lá
buông từ bẹ lá, cành lá, sóng lá đều có thể biến thành những công cụ, vật dụng
cho nhu cầu sinh hoạt phù hợp của một thời kỳ. Phổ biến nhất là trong kháng chiến
chống Pháp, người dân tản cư, hưởng ứng chủ trương vườn không nhà trống vào rừng
sâu sinh sống, thì nguồn lá buông vô cùng đắc dụng trong đời sống, sinh hoạt với
nhiều thiếu thốn lúc bấy giờ. Cây buông mọc thành bụi sum sê, tủa ra nhiều cành
tựa như tàu lá dừa. Lá già thì lợp nhà, làm vách; lá non còn nguyên bắp phơi
khô sẽ bung ra như một nửa mặt trời mọc ban sớm, chế tác được nhiều thứ như đan
tu ví, bao bì, giỏ xách, nón lá, tấm đệm, áo tơi, buồm ghe… Ở La Gi ngày xưa,
nghề chằm lá mướn hoặc bỏ mối của những gia đình nghèo khá phổ biến. Lá buông
non được phơi khô, rọc ra từng cánh rời… với chiếc ghim nhọn cỡ 5 tấc bằng
thép, cán gỗ để chằm, để luỗi (luồn) xâu kết lại với nhau thành tấm lá. Sản phẩm
này buộc thành từng bó chục chiếc, rồi chuyển bằng ghe đem bán cho ngư dân các
nơi Phan Thiết, Phan Rí, Long Hải và miền Tây… Đũa ăn ngày nay nào đũa mun, đũa
dừa, đũa nhựa, đũa bạc… nhưng với đũa sóng buông được coi là quen thuộc của nhiều
gia đình.
Sau ngày giải phóng, nghề tiểu thủ công nghiệp ở Hàm Tân, La Gi đã
khai thác lợi thế tài nguyên thiên nhiên với nguồn lâm đặc sản lá buông phong
phú ở địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng cho thị trường tiêu dùng và xuất
khẩu. Các cơ sở Hợp tác xã Tiên Tiến, Đoàn Kết, 19/5… đã tạo công ăn việc làm
cho hàng ngàn lao động. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mành buông, giỏ, nón… được
biến hóa thêm màu sắc nghệ thuật làm nên thương hiệu độc đáo, nổi tiếng khắp
nơi và thị trường Đông Âu.
Ngày nay, tuy các mặt hàng gia dụng, trang bị nhà ở
đã được thay thế bằng chất liệu nhựa, kim loại đa dạng hơn nhưng dọc những con
đường từ Tánh Linh về Hàm Tân, hoặc trên quảng đường dài quốc lộ 1A ngang qua
các xã Xuân Hòa, Xuân Hưng (Xuân Lộc) vẫn còn gặp những bãi phơi lá buông xòe
cánh trắng long lanh dưới nắng như gợi nhớ một thời địa danh Rừng Lá đã đi vào
huyền thoại.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét