BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

VẦN NGANG CÂU BÁT TRONG TRUYỆN KIỀU - Phạm Đức Nhì


     
                 Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì

               
Mở Đầu Bằng Một Bài Thơ Đương Đại

ĐỜI
Đắng cay này gửi vào thơ
Để đêm chia bóng, ngày chờ ước mơ
Tằm ơi! Sao chẳng nhả tơ
Cho ta vá lại hồn thơ nát nhàu!
(Trần Trọng Giá, FB Lục Bát Việt Nam)

Đây là bài thơ mà câu bát của cặp đầu tiên có chữ thứ 6 và chữ thứ 8 ăn vần với nhau (vần ngang câu bát) (chờ mơ). Tôi không nghĩ là tác giả chủ ý tạo cặp vần này. Nó tuôn ra theo dòng chảy của tứ thơ và vì “không phạm luật” nên ngài không để ý. Rồi chữ “chờ” vần với chữ “thơ” ở câu lục trên, chữ “mơ” vần với chữ “tơ” ở câu lục kế tiếp và dính líu, dây nhợ với chữ “thơ” ở câu bát dưới.
Hậu quả là độc giả phải nghe âm điệu của một chuỗi 5 chữ (thơ chờ mơ tơ thơ) từ 4 câu thơ liên tiếp trùng vần – mà lại toàn là chính vận mới đáng sợ. Vần quá ngọt. Có một tô chè mà nêm đến mấy lạng đường, ngọt lợ đến gắt cổ.

Thực tế hơi khó gặp những bài thơ, đoạn thơ như thế. Trong 4 hoặc 5 (1) cặp vần ở đó thường cũng có một hai cặp thông vận, và dĩ nhiên, độ ngọt của đoạn thơ cũng vì thế mà thay đổi.
Chắc chắn phải có một số “chỗ dựa”, dù chưa thành luật, để kết luận một đoạn thơ vừa độ ngọt hay đã có hội chứng nhàm chán vần. Nhưng cuối cùng nếu câu trả lời không dứt khoát là “có” hay “không” thì “gu”, khẩu vị của nhà phê bình hoặc người thưởng thức nghiêng về phía nào sẽ làm cho cán cân nghiêng về phía đó.
Bây giờ mời độc giả cùng tôi bước vào bài để tìm hiểu vần ngang câu bát trong Truyện Kiều.

Không Phải Vần Ngang Câu Bát Nào Cũng Gây Hội Chứng Nhàm Chán Vần

1/

Đoạn Kiều dưới đây có cặp vần ngang câu bát là thông vận xa (vàn ân).

Rảy xin giọt lệ cho người thác oan
Bây giờ trâm gẫy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lại tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
(Câu 748-752)

Chuỗi vần từ chữ “vàn” đi ngược lên là vần “an”, chuỗi vần từ chữ “ân” đi xuống là vần “ân” âm vang xa cách. Lại thêm chuỗi vần đi lên có chữ “oan” là thông phận của 2 chữ “tan vàn”, chuỗi vần đi xuống có chữ “quân” là thông vận của 2 chữ “ân ngần” nên âm vang xa cách lại càng thêm xa cách. Đọc lên rất trơn tru, không có hội chứng nhàm chán vần.

2/

Đoạn trích kế tiếp có vần ngang câu bát là thông vận rất gần (nàng than).

Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường
Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than
Ngăn tôi đứng lại một bên
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu
(Câu 1998-2002)

“Nàng” có bổn phận phải ăn vần trực tiếp với “thương” và dính líu gián tiếp với “tường” ở phía trên; “than” có bổn phận phải ăn vần trực tiếp với “bên” ở và dính líu gián tiếp với “lên” ở phía dưới.
“nàng” với “thương, tường” là thông vận xa, “than” với “bên, lên” cũng là thông vận xa nên hai lần thông vận đi hai hướng khác nhau đã hóa giải hội chứng nhàm chán vần. Đọc cả 5 câu thấy vừa ngọt, không nhàm chán chút nào.

Vùng Xôi Đậu

Có những đoạn thơ vật vờ ở giữa chứ không nằm hẳn ở bên này hay bên kia. Tôi chỉ đưa ra một vài nhận xét, còn kết luận thì tùy khẩu vị của độc giả

1/

Đoạn sau đây có 2 câu bát vần ngang đều là thông vận xa (vương lòng, bồng mang).

Còn ra khi đã da mồi tóc sương
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa tơ ý còn vương tơ lòng!
Duyên em dù nối tơ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang
Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời
(Câu 2240-2246)

Cả 7 câu nối kết với nhau bằng 8 cặp vần - 7 cặp thông vận và một cặp chính vận. Cặp chính vận (hồng bồng) lại nằm ở giữa nên bị âm vang của 7 cặp thông vận lấn át. Độ ngọt không nhiều nhưng có hai
câu bát vần ngang - lực lượng tạo vần đông hơn.
Cũng phải kể 2 nhóm 3 chữ “sương vương hương”“càng mang ngang” là chính vận nhưng bị phân cách; âm vang muốn tìm đến nhau nhưng “xa mặt cách lòng”.
Độc giả nghĩ sao về độ ngọt của đoạn thơ này?

2/

Đoạn dưới đây có đến 2 câu bát có vần ngang “ghềnh ngang” là thông vận xa, “vàng xanh” là thông vận. Âm vang chính của đoạn này (có thể dẫn đến hội chứng nhàm chán vần) là 3 chữ chính vận vần “anh” – thanh, xanh, tanh – (“quanh” là thông vận gần) bị các âm khác chen vào chia rẽ nên độ ngọt loãng đi.

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Rằng: “Sao trong tiết thanh minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
(Câu 54-60)

Theo tôi, chữ “minh” là cứu tinh (về vần) của đoạn thơ. Nếu thay “minh” bằng một chữ vần “anh” thì hội chứng nhàm chán vần chắc chắn sẽ xuất hiện. Nhưng dù có chữ “minh” cứu bồ đi nữa độ ngọt của đoạn thơ cũng nằm giữa đường biên giới. Kết luận nó có hội chứng nhàm chán vần hay không là tùy khẩu vị của độc giả.

3/

Đoạn kế tiếp khác với đoạn trên ở chỗ nằm sát ranh giới nhưng nghiêng một chút về phía “nhiều ngọt”.

Đàn bà thế ấy thấy âu một người
Ấy mới gan ấy mới tài
Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời!
Người đâu sâu sắc nước đời
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
(Câu 2004-2008)

Tôi cho rằng chữ “Người” ở đầu câu thứ 4 – dù không nằm ở vị trí gieo vần – đã làm tăng độ ngọt của đoạn thơ.
Đó là tôi chỉ đưa ra nhận xét theo “khẩu vị ăn chè” chủ quan của mình. Không biết độc giả nghiêng về phía nào?

Tạo Vần Ngang Câu Bát Có Chủ Ý?

Đây là đoạn Thúy Kiều sỉ vả Sở Khanh.

Bước vào, vừa rắp thị hùng ra tay
Nàng rằng: Trời nhé có hay!
Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?
Đem người giẩy xuống giếng khơi
Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!
Còn tiên Tích Việt ở tay
Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
Lời ngay, đông mặt trong ngoài
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!
(Câu 1178-1186)

Trong 3 câu bát có vần ngang thì 2 câu có 2 nhóm chữ gần như điệp ngữ để nhấn mạnh, chỉ thẳng vào mặt của Sở Khanh:

“Sự này tại ai?”
“Mặt này chứ ai?”

Và một câu vạch trần tính đểu giả của hắn:

“Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay”

Thúy Kiều được một dịp chửi cho hả lòng hả dạ - chửi như tát nước vào mặt kẻ bất lương đã lừa dối mình. Đổi lại cụ Nguyễn đã phải phóng ra 9 câu lục bát, 11 cặp vần cù cưa, cù nhầy. Tuy có đến 7 cặp thông vận nhưng hội chứng nhàm chán vần cũng khá nặng.
Theo tôi, trong cuộc đổi chác này cụ Nguyễn không lỗ nhưng cũng chẳng được lời bao nhiêu.

Những Đoạn Có Hội Chứng Nhàm Chán Vần Rõ Nét

1/
Sông Tiền đường đó ấy mồ hồng nhan!
Thương ôi! Không hợp mà tan
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng!
Chiêu hồn thiết vị lễ thường
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
(Câu 2964-2968)

Ba cặp vần “nhan tan, tan oan, oan nàng” đã khá “ngọt”, lại thêm chữ “tràng” ở câu bát cuối khiến đoạn thơ bắt đầu ầu ơ, chán ngán; rồi còn hai chữ “oan”, “đàn” (câu bát cuối) tuy không ở vị trí gieo vần nhưng âm vang của chúng cũng đóng góp chút ít vị ngọt. Cuối cùng, anh chàng “hội chứng nhàm chán vần” đã ung dung bước vào.

2/
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
Sắm sanh lễ vật rước sang
Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han
Đạo nhân phục trước tĩnh đàn
Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương.
Trở về minh bạch nói tường:
Mặt nàng chẳng thấy việc nàng đã tra.
(Câu 1686-1692)

Đoạn này có 2 câu bát vần ngang. Chỉ cần đọc 5 câu đầu đã thấy ngán vì quá ngọt. Thêm hai chữ “nàng” ở câu bát cuối (một chữ ở vị trí không gieo vần) hội chứng nhàm chán vần càng nặng thêm.

3/
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng
Sinh rằng: “Gió mát trăng trong
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam”
(Câu 450-456)

Đoạn này cũng có 2 câu bát vần ngang. Thủ phạm tạo nên hội chứng nhàm chán vần chính là âm vang của 4 cặp vần “song long, lòng đồng, lồng trong, trong lòng).

4/
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Duy Dương
Sắm xanh xe ngựa vội vàng
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan
Xảy nghe thế giặc đã tan
Sóng êm Phúc Kiến lửa tàn Chiết Giang
Được tin Kim mới rủ Vương
Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa
(Câu 2950-2956)

Trước hết, bốn chữ “quan, tan, tàn, Giang” tạo nên 3 cặp vần liên tiếp có độ ngọt cao (quan tan, tan tàn, tàn Giang), chữ “vàng” và chữ “nàng” cộng vào làm độ ngọt tăng thêm một bậc; rồi 5 chữ vần “ương” (Vương Dương đường Vương đường), tuy là thông vận, nhưng âm vang cũng đóng góp ít nhiều vị ngọt nữa. Kết quả là hội chứng nhàm chán vần khá rõ nét.

5/
Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.
Rằng: Trong Thánh Đế dồi dào
Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu
Bình Thành công đức bấy lâu
Ai ai cũng đội trên đầu biết bao
Ngẫm từ gây việc binh đao
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào
Sao bằng lộc trọng quyền cao
Công danh ai dứt lối nào cho qua?
(Câu 2488- 2498)

Đoạn này có đến 4 câu bát vần ngang. Hết “ao âu” lại quay về “âu ao”, quanh đi quẩn lại đến mấy lần. Vần ngang câu bát kết hợp với vần quẩn tạo nên 9 chữ vần “ao”, 5 chữ vần “âu” - toàn là chính vận -  khiến hôi chứng nhàm chán vần quá nặng.

Để Độc Giả Dễ Tra Cứu

Đọc đi đọc lại Truyện Kiều tôi đã ghi nhận được 36 đoạn có vần ngang câu bát đáng chú ý. Đoạn ngắn nhất 5 câu, đoạn dài nhất 11 câu. Tôi chọn lựa đưa vào bài viết 11 đoạn. Những đoạn còn lại thì vì trùng lặp hoặc vì một vài lý do kỹ thuật khác tôi không đưa vào bài viết nhưng cũng liệt kê dưới đây cho độc giả tham khảo.

38-42, 54-60, 64-68, 108-112, 134-138, 234-238, 238-244, 450-456, 476-480, 710-716, 748-752, 926-930, 992-996, 1002-1006, 1006-1010, 1028-1032, 1178-1186, 1268- 1274, 1330-1334, 1352-1360, 1552-1556, 1656-1660, 1686-1692, 1714-1718, 1998-2002, 2004-2008, 2014-2018, 2120-2124, 2240-2246, 2456-2460, 2488-2498, 2540-2544, 2722-2726, 2950-2956, 2964-2968, 3208-3212.

Ngoài ra còn hơn một chục đoạn khác cũng có vần ngang câu bát nhưng lại là thông vận (hoặc thông vận xa) mà hai chiều lên xuống lại không trùng chính vận – nghĩa là chẳng thể nào tạo được hội chứng nhàm chán vần – tôi cũng ghi xuống một khoảnh riêng dưới đây để bài viết được đầy đủ.

Những đoạn có vần ngang câu bát nhưng không thể tạo hội chứng nhàm chán vần:

Câu 8-12, 172-176, 470-474, 1090-1094, 1096-1100, 1118-1122, 1172-1176, 1336-1342, 1442-1446, 1760-1764, 1846-1850, 1942-1946, 2280-2284, 2346-2350, 2594-2598, 2714-2718, 3060-3064.

Kết Luận

Trong 1627 câu bát củaTruyện Kiều không có câu nào có vần ngang chính vận như bài Đời của thi sĩ Trần Trọng Giá. Tuy nhiên, cũng có không ít những đoạn thơ có “vần ngang câu bát” mà dây nhợ tạo nên đủ mọi cung bậc cho độ ngọt của thơ khiến những người đọc thơ bình thường dễ bối rối, hoang mang.

Hy vọng bài “phân tích kỹ thuật” này sẽ giúp độc giả hiểu thêm về thi pháp của Nguyễn Du trong Truyện Kiều - ở đây là phần Vần Ngang Câu Bát.
Xin hẹn độc giả ở mấy bài viết sau nữa.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

 *
CHÚ THÍCH:

1/ Bài Đời của Trần Trọng Giá chỉ có câu và 4 cặp vần. Nhưng nếu là một đoạn 5 câu có vần ngang câu bát (trong một bài thơ dài hơn) thì sẽ có 5 cặp vần.

Không có nhận xét nào: