BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

VÀI NHẬN XÉT VỀ LUẬT VÀ VẦN TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU – Phạm Đức Nhì


                   

                Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Lời Nói Đầu


Nhận xét về vần luật trong Truyện Kiều dễ dẫn đến tranh luận. Mà đề tài tranh luận ngoài chuyện đúng sai có tính học thuật cũng thường khi liên quan đến độ khả tín của văn bản cũng như uy tín của người khảo dị và hiệu đính. Bài viết này dựa vào 2 bản nôm Truyện Kiều Liễu Văn Đường (Kiều 1866 và Kiều 1871) được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị. Ông Nguyễn Quảng Tuân cũng kết hợp với 3 bản nôm khác - Kiều 1870, Kiều 1872 và Kiều 1902 - để cho độc giả một “dụng cụ” tra cúu rất tiện lợi, có thể so sánh từng câu giữa 5 bản Kiều”.

Ngoài ra ông cũng có trong tay bản Kiều 1874 do Đàm Quang Hưng sưu tầm nhưng chưa kết hợp với 5 bản Kiều trên.

Sau đây là danh sách 6 bản nôm Truyện Kiều được làm tư liệu.

(http://www.nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/tale-of-kieu-version-1866?uiLang=vn)


Kiều 1866

Bản Liễu Văn Ðường—Nghệ An

Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm - khảo dị

Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2004)

 

Kiều 1870

Bản Kinh đời Tự Ðức

Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm - khảo dị

Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2003)

 

Kiều 1871

Bản Liễu Văn Ðường

Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm - khảo dị

Nxb Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2002)

 

Kiều 1872

Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị

Nguyễn Tài Cẩn (Moskva)

Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2002)

 

Kiều 1874

Tăng Hữu Ứng chép tay: Tự Ðức Giáp Tuất

Ðàm Quang Hưng sưu tầm, Huế

Bs Nguyễn Huy Hùng—Texas, Mỹ (2002)

 

Kiều 1902

Bản Kiều Oánh Mậu

Sưu tầm, khảo chú & chế bản Nôm: Nguyễn Thế & Phan Anh Dũng

Hiệu đính chữ Nôm: Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng.

Nxb Thuận Hoá — Huế 2004

 

Tóm Tắt Luật Bằng Trắc Của Lục Bát Chính Thống

 

Mời độc giả đọc đoạn thơ lục bát dưới đây:

 

Hôm qua chồng em về nhà

Dòm lui dòm tới rồi ra ngoài đường

Dáng đứng thiểu não đáng thương

Muốn gọi, chợt nghĩ đến chàng lại thôi

 

Cặp lục bát đầu có 3 chữ đen in đậm (chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát) vần bằng và chữ đỏ in đậm (chữ thứ 4 câu bát) vần trắc. Mười chữ còn lại đều là vần bằng.

Cặp lục bát thứ hai cũng có 3 chữ đen in đậm (chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát) vần bằng và chữ đỏ in đậm (chữ thứ 4 câu bát) vần trắc. Mười chữ còn lại đều là vần trắc.

Chữ thứ 6 câu bát (ra) thanh ngang thì chữ thứ 8 câu bát (đường) thanh huyền.

Chữ thứ 6 câu bát (chàng) thanh huyền thì chữ thứ 8 câu bát (thôi) thanh ngang

Chúng ta có thể rút ra kết luận ngắn gọn rằng: Để làm thơ lục bát đúng luật chỉ cần:

1/ Chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát vần bằng; chữ thứ 4 câu bát vần trắc. Mười chữ còn lại bằng trắc tự do.

2/ Chữ thứ 6 câu bát thanh ngang thì chữ thứ 8 thanh bằng và ngược lại.

 

Luật Bằng Trắc Trong Truyện Kiều.

 

Sau khi đã đọc kỹ từng câu trong 3254 câu của Truyện Kiều tôi nhận thấy tác phẩm được viết theo thể lục bát chính thống:

1/ Chữ thứ 4 của 1627 câu bát đều vần trắc.

2/ Chữ thứ 6 của 1627 câu lục đều vần bằng.

3/ Chữ thứ 6 và chữ thứ 8 của 1627 câu bát đều vần bằng.

4/ Trong cả 1627 câu bát, nếu chữ thứ 6 thanh ngang thì chữ thứ 8 thanh bằng và ngược lại.

Nên có thể nói chắc rằng: Truyện Kiều tuân thủ luật bằng trắc rất nghiêm chỉnh.

Nhưng với vần thì lại là chyện khác. Trong thơ lục bát có 4 điểm cần lưu ý khi nhận xét về vần là lạc vận, vần nguyên chữ, “vần ngang câu bát” và vần quẩn (trở lại vần cũ chỉ sau một lần chuyển vận). Lạc vận được giới phê bình và thưởng thức thơ cho là lỗi – mà là lỗi nặng về kỹ thuật thơ. Còn vần nguyên chữ, “vần ngang câu bát” và vần quẩn chỉ được xem là sự “không khéo” của tác giả.

Trong bài này tôi chỉ bàn về lạc vận và vần nguyên chữ. “Vần ngang câu bát” và vần quẩn sẽ đề cập đến ở bài sau.

 

Truyện Kiều Có Câu Nào Lạc Vận Không?

 

Lạc vận là một lỗi nặng trong thơ lục bát. Với thơ lục bát đương đại, một câu lạc vận là cả bài thơ “xấu mặt”. Đọc đi đọc lại Truyện Kiều tôi thấy có một câu lạc vận và một nhóm 3 câu đặt ra một dấu chấm hỏi khá lớn.

 

Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau

(Câu 97 – 98)

“Tà” và “vài” lạc vận.

Nhận định này của tôi (trong một bài viết khác) – do nguồn trích dẫn từ một văn bản chữ Việt - đã gặp sự phê phán của bác Vũ Nho (chủ trang web Vũ Nho Ninh Bình). Trong bài viết này tôi đã “mượn” dụng cụ của ông Nguyễn Quảng Tuân - so sánh từng dòng giữa các bản Kiều (chữ Nôm):

 

Kiều 1866

󰊄囂囂𠺙𢽼𦰟𦰤

Gió hiu hiu thổi một vài ngọn lau.

 

Kiều 1870

𩙍囂囂𠺙󰜋𬏓𦰟𦰤

Gió hiu hiu thổi một và ngọn lau.

 

Kiều 1871

󰊄囂囂𠺙𢽼𦰟𦰤

Gió hiu hiu thổi một vài ngọn lau.

 

Kiều 1872

𩙌囂囂𠺙𠬠𬏓𦰟𦰤

Gió hiu hiu thổi một và NGỌN lau.

 

Kiều 1902

𫗄休休𠺙󰜋𢽼𦰤

Gió hiu hiu thổi một và(i) bông lau

Trong bản Kiều 1902 hàng chữ Nôm viết là 𢽼 (vài) nhưng hàng chữ “quốc ngữ” ở dưới viết (lầm?) là “và”

Trong 5 bản Nôm của Truyện Kiều có đến 3 bản viết là “vài” - trong đó có bản cổ nhất 1986 (1). Thêm vào đó, đa số bản tiếng Việt trên Net cũng viết như vậy nên dù có ý kiến trái chiều, tôi vẫn nghiêng về phía chữ “vài” – nghĩa là cho rằng đây là 2 câu lạc vận.  

Hơn nữa, đây đó trong Truyện Kiều có một số câu - ý tương tự - cũng viết là “vài”:

 

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Câu 41-42)

 

Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.

(Câu 91-92)

 

Thú quê thuần hức bén mùi,

Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.

(Câu 1593- 1594)

 

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.

(Câu 3253-3254)

 

Ngoài ra, nói đến lạc vận, còn có 3 câu khác cũng khiến tôi băn khoăn:

 

Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.

Nàng đà gieo ngọc trầm châu

Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan

(Câu 2962 đến 2964)

 

1/

Châu” và “mồ” có lạc vận không?

Âu – âu: Chính vận

Âu – au: Thông vận gần

Âu – ao: Thông vận

Âu – êu: Thông vận

Âu – eo: Thông vận xa

Âu – yêu: Thông vận xa

Âu – iu: Cưỡng vận

Âu – ô: Lạc vận

Âu – u: Lạc vận

Dựa vào bảng “vần gần, vần xa” do chính mình tự lập để “đo” độ ngọt của vần tôi cho rằng “châu” và “mồ” lạc vận.

 

2/

Còn “châu” và “tù” thì sao?

Theo bảng xếp hạng (dựa vào mặt chữ) thì “châu” và “tù” lạc vận nhưng nó làm tôi nhớ tới mấy câu thơ trong Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch

 

Quân tri thiếp hữu phu

Tặng thiếp song minh châu

Cảm quân triền miên ý

Hệ tại hồng la nhu

 

Một thầy giáo dạy Việt Văn cho biết là trong chữ Hán chữ “châu” cũng có thể được phát âm là “chu” nên ở đoạn thơ trên câu “Tặng thiếp song minh châu” không bị lạc vận. Nhưng Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm nên tôi nghĩ việc phát âm “châu” thành “chu” chắc là không có. Tuy nhiên, khi phát âm vần “âu” (“â” ghép với “u”) âm vang của chữ “u” (trong “âu”) vẫn có dù rất nhẹ.

Theo tôi, câu này chưa đáng liệt vào loại lạc vận nhưng ít nhất cũng nằm trên ranh giới giữa cưỡng vận và lạc vận.

Ngoài ra còn có một cặp lục bát khác:

 

Sượng sùng đánh dạn ra chào

Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần

 

trong đó “chào” với “tai” lạc vận rõ ràng, không phải bàn cãi. Có đến 4 bản Kiều tiếng Việt (2) viết là “tai” nên tôi đã mạnh dạn lấy làm thí dụ (về lạc vận) trong một bài viết khác. Sau này đối chiếu với 5 bản Kiều chữ Nôm tôi mới thấy là mình sai; không phải sai về lập luận mà sai về nguồn trích dẫn có độ khả tín quá thấp.

 

Đối chiếu với 5 bản Kiều chữ Nôm:


Kiều 1866

𥛉催娘買𠯇𢭂殷勤

Lạy thôi nàng mới rỉ trao ân cần.

 

Kiều 1870

𥛉催娘買𠯇𢭂殷勤

Lạy thôi nàng mới rỉ trao ân cần.

 

Kiều 1871

𥛉催娘買𠯇𢭂殷勤

Lạy thôi nàng mới rỉ trao ân cần.

 

Kiều 1872

段催娘買𠯇𢭂慇懃

ĐOẠN thôi nàng mới rỉ trao ân cần.

 

Kiều 1902

𥛉催娘買𠯇𢭂殷勤

Lạy thôi nàng mới rỉ trao ân cần

 

Như vậy đúng ra phải viết là:

 

Sượng sùng đánh dạn ra chào

Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần

(Câu 1095-1096)

 

Đây không phải là 2 câu lạc vận.

Riêng điểm này tôi phải công nhận bác Vũ Nho đúng, tôi sai. Xin cám ơn bác Vũ Nho đã chỉ điểm.

Tóm lại, trong 3254 câu của Truyện Kiều có 2 cặp lạc vận.

 

Nhận Xét Về Vần Nguyên Chữ Trong “Truyện Kiều”

 

Chúng ta thử đọc đoạn thơ dưới đây:

 

KHÔNG LÀ GIẤC MƠ

……………………..

Yêu nhau thì phải nồng say

Trọn đời suốt kiếp không thay đổi lòng

Cũng không một dạ hai lòng

Đồng cam cộng khổ vợ chồng bên nhau

……………………

Nguyễn Thanh Phong, FB Lục Bát Việt Nam)

 

Thi sĩ Nguyễn Thanh Phong đã gieo vần “nguyên chữ” (lòng lòng) – hai chữ giống nhau như đúc. Gieo vần như vậy không sai luật nhưng nghe có “cái gì đó” không thuận tai.

Tôi tưởng nhận xét như vậy là do cách thưởng thức thơ khó tính của mình, nhưng đọc chú thích của ông Nguyễn Quảng Tuân (phần dưới) thì thấy rằng các cụ xưa cũng dị ứng với vần nguyên chữ như tôi.


So sánh hai câu 3089 và 3090 giữa các bản Kiều:

 

Kiều 1866

緣箕固負之情

Duyên kia có phụ chi tình,

 

Kiều 1870

緣箕固負之命

Duyên kia có phụ chi mình,

 

Kiều 1871

緣箕固負之情

Duyên kia có phụ chi tình,

 

Kiều 1872

緣箕固負之𠇮

Duyên kia có phụ chi MÌNH,

 

Kiều 1902

緣箕固負之命

Duyên kia có phụ chi mình

 

Kiều 1866

麻算支挭鍾情爫𠄩

Mà toan chia gánh chung tình làm hai?"

 

Kiều 1870

𦓡筭技梗鍾情爫𠄩

Mà toan chia gánh chung tình làm hai?”

 

Kiều 1871

麻算支挭鍾情爫𠄩

Mà toan chia gánh chung tình làm hai?”

 

Kiều 1872

 

麻筭支梗鍾情爫𠄩

"Mà toan chia gánh chung tình làm hai?"

 

Kiều 1902

麻算𢫟挭鍾情爫𠄩

Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai”.

 

Thí dụ như câu “Duyên kia có phụ chi tình” (Liễu Vân Đường) thì ông Nguyễn Quảng Tuân chú thích như sau:

Hai bản Liễu Vân Đường (1866 & 1871) và Quan Văn Đường (1874) (bản 1874 không nằm trong 5 bản đối chiếu) đều khắc là “tình”. Sở dĩ có sự sửa chữa chữ “tình” ra chữ “mình” là để tránh trùng vần với câu dưới cũng có chữ “tình”. Nhưng chữ “mình” đây có thể hiểu là “chúng mình” và câu thơ cũng rõ nghĩa.

 

Vì thế, sau khi tra cứu kỹ, tôi đã không đưa 2 câu 3089 và 3090 vào danh sách các câu thơ “vần nguyên chữ” mà ông Nguyễn Quảng Tuân gọi là “trùng vần”. (2)

Sử dụng phương cách này tôi đã bỏ bớt mấy cặp có độ khả tín thấp khác trong một số bản chữ Việt trên Internet.

Như vậy, cả các cụ xưa và những người thưởng thức thơ đương đại (trong đó có tôi) phần đông cho rằng tạo vần nguyên chữ trong thơ lục bát là “không khéo”, là vụng - ngoại trừ trường hợp thật đặc biệt.

 

Theo sự sàng lọc của tôi (đối chiếu 5 bản Kiều chữ Nôm) Truyện Kiều có 8 cặp lục bát vần nguyên chữ, xin được liệt kê dưới đây. (Thay vì một cặp tôi trích cả 4 câu, mở rộng ngữ cảnh của đoạn thơ cho độc giả có chỗ dựa để nhận định xem cái hay về ý tứ và nghệ thuật của đoạn thơ có bù được cái vụng của cặp vần nguyên chữ hay không?)

 

1/

Vân rằng: Chị cũng nực cười

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

(105 đến 108)

 

2/

Lượng xuân dù quyết hẹp hòi

Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru?

Lặng nghe lời nói như ru

Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng

(345 đến 348)

 

3/

Nước trôi hoa rụng đã yên

Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian

Khuyển ưng đã đắt mưu gian

Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền

(1705 đến 1708)

 

4/

Thấy nàng mặt phấn tươi son,

Mừng thầm được mối bán buôn có lời

Hư không đặt để nên lời

Nàng đà nhớn nhác rụng rời lắm phen

(2089 đến 2092)

 

5/

Tin vào gởi trước trung quân

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ

Một tay gây dựng cơ đồ

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!

(2461 đến 2464)

 

6/

Giác Duyên nghe nói mừng lòng,

Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường

Đánh tranh chụm nóc thảo đường

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi

(2695 đến 2698)

 

7/

Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê

Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao

Xuân huyên lo sợ biết bao

Quá ra khi đến thế nào mà hay

(2835 đến 2838)

 

8/

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!

(3201 đến 3204)

(Duềnh quyên: Vũng nước trong sáng đẹp hoặc có ánh răng soi.)

 

Trước khi tìm hiểu trong 8 cặp vần nguyên chữ của Truyện Kiều thì những cặp nào là vụng, không khéo và những cặp nào là “phá lệ” của cụ Nguyễn để thực hiện một chức năng thẩm mỹ, tôi viết vài hàng làm chỗ dựa để lý giải.

 

Chỗ Dựa Để Lý Giải

 

Một chữ, một nhóm chữ, một câu hay một đoạn trong bài thơ đều có ít nhất một chức năng: Chức năng truyền thông. Chúng kết hợp với nhau cung cấp thông tin cần thiết để độc giả có thể “bắt” được, hiểu được những suy nghĩ, tâm tình mà thi sĩ muốn chia sẻ.

 

Nếu thi sĩ chọn một thể thơ nào đó – trong bài này thi sĩ chọn thể thơ lục bát – thì ngoài những nguyên tắc văn phạm, mỗi chữ, nhóm chữ, câu, đoạn còn phải tuân thủ những quy định về luật (bằng trắc) và vần của thể thơ này.

 

Thêm vào đó còn có những điều chưa thành luật, chưa thành quy định, nhưng nếu thi sĩ “không khéo” mắc phải sẽ tạo thành hội chứng nhàm chán vần, giảm giá trị của bài thơ. Tôi muốn nói đến “vần nguyên chữ”, “vần ngang câu bát” và “vần quẩn”.

 

Một chức năng khác thường được nói đến trong thơ là chức năng thẩm mỹ. Mỗi chữ, nhóm chữ, câu, đoạn được tác giả giúp tự trang điểm hoặc cùng với các chữ, nhóm chữ, câu hay đoạn khác (trong cùng bài thơ) phối hợp với nhau “làm đẹp” – để độc giả ngoài cái “sướng” “bắt” được, hiểu được suy nghĩ, tâm tình của tác giả còn được thưởng thức nét đẹp văn chương của bài thơ.

 

Nếu tác giả không phải vô tình (hoặc “kẹt”) mà tự ý phá luật, bỏ vần hoặc chấp nhận vướng vào một chỗ “không khéo” nào đó thì thường là muốn bộc lộ một cái gì đó lạ, hay hoặc độc đáo hơn.

 

Trong 8 cặp vần nguyên chữ của Truyện Kiều thì cặp đầu tiên

 

Vân rằng: Chị cũng nực cười

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

(105 đến 108)

 

Thúy Kiều nhắc lại chữ “xưa” để Thúy Vân thấy câu trả lời của mình (Kiều) “đúng điểm”, xác đáng. “Lý do thật đặc biệt” ở đây là: Chữ “xưa” ấy “bất khả thay thế” và làm tăng giá trị nghệ thuật của đoạn thơ.

 

Cái hay ở đây không những bù được cái vụng mà còn có lời nữa.

 

Còn 7 cặp vần nguyên chữ khác từ số 2 đến số 8 (ru ru, gian gian, lời lời, đồ đồ, Đường đường, bao bao, Quyên quyên) chỉ cung cấp thông tin để độc giả hiểu ý, không có chức năng thẩm mỹ đặc biệt. Cụ Nguyễn Du, trong 7 cặp lục bát này, đã vướng vào chỗ “không khéo”, chịu thiệt về mặt kỹ thuật thơ mà chẳng kiếm chác được tí gì ở phần chức năng thẩm mỹ.

Thật đáng tiếc!

 

Hết Phần I

 

Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com

 

CHÚ THÍCH:

 

1/

Những trang web viết “rỉ tai”
https://sites.google.com/site/khonggianketnoidqt/truyen-kieu-tron-bo

https://download.vn/truyen-kieu-44606

https://thinhphapam.com/truyen-kieu-nguyen-du/5/

https://hoavouu.com/images/file/DsgIQGAx0QgQALg_/tuyenkieu.pdf

 

2/

Tôi tránh dùng nhóm chữ “trùng vần” vì sợ hiều lầm là nhiều cặp vần liên tiếp trong một đoạn thơ. (Không là vần nguyên chữ nhưng các cặp đều cùng một vần).


3 nhận xét:

lehongngoc nói...

Hai anh Phú Đỗ và Lạc Nguyên góp ý cho rằng "âu" với "u" là thông vận. Tôi không đồng ý hoàn toàn nhưng nhận ra rằng xếp "âu" với "u" là cưỡng vận thì chưa đúng lắm. Và tôi đã đưa hai câu:
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
Nàng đà gieo ngọc trầm châu
lên hàng thông vận xa.
(Xin cám ơn hai anh Phú Đỗ và Lạc Nguyên)

Steve Nguyen nói...

Trả lời điểm sau đây của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì:
"Ngoài ra, nói đến lạc vận, còn có 3 câu khác cũng khiến tôi băn khoăn:
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
àng đà gieo ngọc trầm châu
Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan
(Câu 2962 đến 2964) - PĐN
Và PĐN ghi thêm
2963 Kiều 1871 娘陀招玉沉珠
Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
2963 Kiều 1872 娘它招玉沉珠
Nàng đà gieo ngọc chìm châu -PĐN
.
Theo tôi nghĩ:

珠 Phát âm Việt: Châu hoặc CHU. (Hán Việt là tiếng Hán đọc theo âm Việt). Trong Nôm cũng có chữ Châu/ Chu này.
Thí dụ: Nhà Châu = Nhà Chu. Đông Châu Liệt Quốc = Đông Chu Liệt Quốc. Châu Du người Việt thường đọc là Chu Du
Thử xem lại bài thơ của Đỗ Phủ sau đây:
槐葉冷淘
.
青青高槐葉,
采掇付中廚。
新麵來近市,
汁滓宛相俱。
入鼎資過熟,
加餐愁欲無。
碧鮮俱照箸,
香飯兼苞蘆。
經齒冷於雪,
勸人投此珠。
願隨金騕褭,
走置錦屠蘇。
路遠思恐泥,
興深終不渝。
獻芹則小小,
薦藻明區區。
萬里露寒殿,
開冰清玉壺。
君王納涼晚,
此味亦時須。
.
Hoè diệp lãnh đào
.
Thanh thanh cao hoè diệp,
Thái xuyết phó trung trù.
Tân miến lai cận thị,
Trấp chỉ uyển tương câu.
Nhập đỉnh tư quá thục,
Gia san sầu dục vô.
Bích tiễn câu chiếu trợ,
Hương phạn kiêm bao lô.
Kinh xỉ lãnh ư tuyết,
Khuyến nhân đầu thử chu.
Nguyện tuỳ kim yêu niểu,
Tẩu trị cẩm đồ tô.
Lộ viễn tư khủng nê,
Hứng thâm chung bất du.
Hiến cần tắc tiểu tiểu,
Tiến tảo minh khu khu.
Vạn lý lộ hàn điện,
Khai băng thanh ngọc hồ.
Quân vương nạp lương vãn,
Thử vị diệc thì tu. - (Hoè diệp lãnh đào- Đỗ Phủ)
Ớ cău 10 từ trên xuống dưới, 珠 Phát âm là CHU
- Ta thấy vẩn U, Ô: bao lô- thử chu.- đồ tô- bất du "thuận vận". U và Ô cũng là thông vận
Nếu "cố tình" cho là câu thơ lạc vân thì đọc 珠 là CHÂU
Theo tôi nghĩ, cụ ND chắc rất rành về vần luật, không đọc CHÂU đâu. Chắc người sau in ấn sai.
- "Nàng đà gieo ngọc chìm/ trầm CHU" cũng giống nghĩa vậy. Nàng gieo thân ngọc , chìm/trầm thân ngọc
Kết Luận: Theo tôi, các câu trên của Nguyễn Du không lạc vận/ Phá vận.
Có nên "băn khoăn" không?

Bâng Khuâng nói...

* Vần ÂU và U trong Tiếng Việt có những biến âm
- Mặc dầu = mặc dù.
- Ui, châu choa = Ui, chu choa
- Thâu thuế = Thu thuế.
- Kiền bâu ruồi đậu = kiến bu ruồi đậu.
……..

* Những biến âm như trên trong ngữ âm địa phương Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên càng gặp nhiều:
Trái bầu = trái bù, con dâu = con du, lá trầu = lá trù, bồ câu = bồ cu, cất dấu = cất dú, sâu cạn = su cạn, con trâu = con tru,…

* Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh (Roma, 1651) của A.de Rhodes còn ghi “chếm cu” thay vì “chấm câu”, “cu lan” thay vì “câu lan (lơn)”, “bồ cu” thay vì “bồ câu”. Nhưng đến Tự vị Annam - Latinh (1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine thì đã thấy ghi chấm câu, bồ câu, câu lơn, chứ không còn ghi “cu” cho những trường hợp này nữa. Riêng chữ “câu” trong “bạch câu” quá khích thì vẫn còn được ghi là “bạch cu”.

* CHU hay CHÂU dù Hán hay Nôm chỉ là cách đọc khác nhau. Mời xem các dạng chữ Nôm của CHU

https://hvdic.thivien.net/nom/chu