BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

NHỮNG BÔNG CẢI NỞ GIỮA MÙA VU LAN - Hoàng Văn Ân


     

Buổi sáng thức dậy muộn, dư âm của một đêm bù khú cùng vài người bạn còn vương mãi trong đầu. Giấc ngủ đã tan biến để nhường cho cái cảm giác xa vắng, man mác buồn nhớ một điều gì đó chợt đến.

Ngoài kia, qua khung cửa sổ, nắng đã lên lung linh, những chùm hoa mướp vàng tươi trên giàn và những bông cải vươn lên giữa bầu trời êm ả - Và một hình ảnh xa xưa xôn xao trở về giữa tháng 7, mang theo những cảm xúc ngập tràn nỗi nhớ của những ngày cũ rất xa.

Ngày ấy, khi còn quần xà lỏn, đầu còn húi cua và tay nắm áo mạ chạy theo khắp xóm làng, thì đó cũng là lúc tôi đã bắt đầu rời xa ngôi nhà làng quê thanh bình yêu dấu, để theo ba tôi ra tỉnh học hành. Thế là bỏ lại những con đường đất quanh co dưới hàng tre, bỏ lại những cánh đồng mênh mông gió mát, bỏ lại khu vườn cây trái của ba tôi. Và cũng từ đó tôi không còn được thấy những khoảnh vườn rau xanh mướt của mạ tôi, mà ở đó tôi còn nhớ mãi những bông hoa cải nhỏ xíu, lung linh giữa những cánh bướm dập dìu bay lượn, cùng những tiếng chim non ríu rít xôn xao trên cành lá.

 Ra thành phố Quảng trị với những ngày đầu nhớ quay quắt - nhớ khu vườn xưa - nhớ những thằng bạn hôi mùi trâu - nhớ tiếng chim se sẽ trên hàng tre - nhớ vườn rau với hoa cải hoa cà... nhớ đến nỗi đêm nào cũng nằm mơ được về làng chạy nhảy.

Chiến cuộc đến, tôi phải rời xa Quảng trị để vô Huế để tiếp tục học hành. Rồi cứ thế những ngày tháng sau 1975, cuộc sống khó khăn lại đến, nên phải bôn ba vào Sài gòn để mưu sinh khi quê hương miền Trung quá gian khổ.

Kể từ đó tôi càng xa bông hoa cải trong vườn rau mạ tôi và xa luôn cả gia đình, làng xóm. Những vườn cải của mạ tôi càng lúc càng ngủ yên trong kí ức. Nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên những con đường xuôi ngược, tôi tình cờ nhìn thấy một vài bông hoa cải trong vườn nhà ai thì tôi lại xôn xao nhớ làng và nhớ mạ tôi đến ngây người!

 Hôm nay cũng vậy, những bông hoa cải và hoa mướp lung linh ngoài khung cửa sổ giữa tháng 7 làm tôi chợt nhớ tháng này là tháng của mùa lễ Vu lan và rồi hình ảnh của mạ tôi lại trở về ngập tràn trong trí nhớ. Không phải là hình ảnh của áo gấm vòng ngọc khi mạ tôi đi thăm viếng hoặc giỗ chạp mà là một hình ảnh rất thân thương quen thuộc của những bà mẹ quê - một chiếc nón lá đã úa màu che nắng che mưa lúc ra vườn - một chiếc rổ kẹp nách và quần thì luôn xăn ống cao ống thấp.

Ngày ấy trong tuổi thơ, mỗi sáng sớm khi anh em chúng tôi đang còn say giấc thì bóng dáng mạ tôi đã len lỏi giữa những giàn mướp bên cạnh các luống cải xanh mướt để bắt những con sâu trên lá cải, uốn những đọt bí vào dàn cây hoặc cào đi những cây cỏ dại mọc lấn lướt trên hàng rau... và sau đó là một rổ rau để chuẩn bị cho một bữa ăn gia đình. Đó là hình ảnh sâu đậm nhất mỗi khi tôi nhớ tới mạ tôi.

Làm vợ của một ông Trợ giáo khá có tiếng tăm trong vùng, gia đình cũng no đủ nhưng mạ tôi luôn mang tính cách của một người phụ nữ thôn quê, ham mê công việc. Từ chuyện bếp núc ăn uống, chăn nuôi, vườn tược... cho đến việc đồng áng cũng một mình mạ tôi lo tất.

Tuy là gái quê nhưng nhờ mang gen di truyền bên nhà ngoại,  nên mạ tôi người đầy đặn mạnh khỏe, da dẻ tươi trắng dù quanh năm dãi dầu mưa nắng với ruộng vườn. Khuôn mặt phúc hậu và miệng thì luôn vui vẻ cười nói với bà con xóm giềng.

Mười hai người con, mười hai lần sinh đẻ không bệnh viện, không bác sĩ, chỉ bằng sự giúp đỡ của mấy bà mụ đỡ trong làng và thuốc thang thì chỉ là cây lá trong vườn. Vậy đó mà mạ tôi vẫn mạnh khỏe không đau ốm bệnh tật cho đến cuối đời, chín mươi ba  năm chỉ biết vì gia đình vì con cái. Mạ tôi rất thương con, thương gia đình, đó là bản tính hầu như tất cả các bà mẹ quê đều có nhưng riêng mạ tôi thì còn cả sự hy sinh âm thầm lặng lẽ.

Hồi nhỏ mỗi lần bị đau ốm đều phải có mạ xoa dầu đấm bóp bằng bàn tay chai sần vì làm lụng, phải có chén cháo thơm tho đậm đà do mạ nấu và những nắm cây thuốc quanh vườn mà mạ đi hái về để đắp lên trán, là xua tan được cơn bệnh. Tôi cũng không hiểu tại sao với cách trị bệnh rất đơn giản của ông bà truyền lại, của bà con lối xóm bày vẽ cho nhau, chỉ toàn cây lá nhưng lúc nào cũng giúp tôi thoát khỏi cơn đau một cách nhanh chóng. Chắc có hồi đó trong đầu óc tuổi thơ của tôi mang một niềm tin tuyệt đối vào mạ nên đã giúp tôi sức mạnh để lướt qua bệnh tật.

Thương con theo tình thương của một bà mẹ quê nên mạ tôi không bao giờ muốn xa con cái, chỉ nhờ vào cái tính nghiêm khắc dứt khoát và tinh thần chuộng chữ nghĩa của ba tôi nên các anh chi tôi mới được đưa đi học hành xa, ra Quảng trị rồi vào Huế, Quy Nhơn cả vào Sài gòn. Và mỗi lần con đi học xa là mạ tôi lại ngồi lo lắng than thở buồn nhớ.

Tôi nhớ năm chạy loạn vào Đà Nẵng, gia đình tôi xin tạm cư được một khu nhà gia binh ở Non Nước. Lúc đó tôi mới học lớp 9 mà những khu tạm cư thì chưa có trường học nên chỉ tự học ở nhà. Anh tôi là một sĩ quan VNCH đóng tại Quảng ngãi, lái xe jeep quân đội ra thăm gia đình, thấy vậy nên bàn với ba tôi cho tôi vào Quảng ngãi để đi học. Ba tôi đồng ý, thế là tôi khăn gói từ giã gia đình theo anh tôi lên đường. Xe vừa vòng ra ngoài đường cái, thì tôi nhìn lên đồi cát thấy bóng dáng một người đàn bà chạy hớt ha hớt hãi, miệng thì kêu, tay thì vẫy vẫy chiếc nón, băng từ trên đồi cát chạy xuống. Anh tôi thắng xe lại và nói
  - Ôi thôi rồi ! Mạ đó, chắc là không đi được rồi!
 Mạ tôi chạy tới, cầm tay tôi níu xuống xe và nói hổn hển:
   - Thôi con ơi ở lại với mạ, chơ thời buổi chiến tranh bom đạn loạn lạc ni, mỗi đứa một nơi lỡ có chi mạ không an tâm được!
 Thế đó làm sao tôi có thể mà dứt lòng mà đi !

Mạ tôi luôn luôn sợ con đói, sợ con thèm ăn nhưng lại hà tiện không muốn thừa thải hoang phí. Cho nên mỗi lần đi chợ mua món gì ngon thì bao giờ cũng chờ cho chúng tôi ăn trước rồi mạ tôi mới ăn sau và ăn tất cả những gì chúng tôi ăn còn lại. Thuở đó anh em chúng tôi còn nhỏ, chưa biết suy nghĩ và cũng chưa cảm nhận được điều đó. May mắn là ông Trời ban cho mạ tôi một sức khỏe tuyệt vời, cái gì cũng ăn được và ăn hết không thừa mứa một chút gì, ngay cả những hạt cơm vương vãi trên mâm mạ tôi vẫn nhặt ăn cho hết. Mạ thường nói hạt cơm là hạt ngọc của trời cho, ăn mà phung phí thì trời sẽ quở phạt ,tôi còn nhớ mãi !

 Mạ tôi là gái quê dù không được học hành nhiều nhưng cũng nhờ ảnh hưởng trong gia đình ngoại, rồi lấy chồng dạy học nên cũng có chút tân thời hơn các bà mẹ quê khác. Thích hò vè ca hát, thích nghe những chương trình dân ca trên radio - lúc đó cả xóm chỉ nhà tôi có một cái radio rất to, đặt trên cái kệ gắn trên tường. Mạ tôi còn biết những bài tân nhạc về Huế, về sông Hương núi Ngự, và thích nhất là những bài ca của Ngọc Cẩm - Nguyễn hữu Thiết.

Hồi đó không có máy chà gạo nên mỗi nhà tự xay tự giã để dành ăn. Mỗi lần nhà nào xay giã gạo thì ba bốn nhà hàng xóm qua làm phụ, cứ nhà này làm dùm nhà kia, rồi thay phiên nhau. Vui nhất là trong những đêm trăng hè, mạ tôi và mấy dì hàng xóm cùng nhau ngồi ngoài sân, vừa giã gạo vừa hò đối đáp nhau rất vui vẽ, cười vang cả xóm. Còn tôi với mấy thằng nhóc chạy chơi trong sân cho đến khi mệt mỏi là lăn ra thềm xi măng nằm ngủ, chờ mạ tôi bồng lên nhà trên.

Những ngày tháng sau khi mạ tôi ra đi, lúc  đó tôi mới nhớ rằng mạ tôi, dù nuôi dạy mười hai người con học hành tới nơi tới chốn, nhưng cũng chưa bao giờ có được ngày tháng an nhàn để được những người con của mình  chăm sóc phục vụ. Trước 1975 thì chiến tranh bom đạn thì con cái mỗi người làm việc mỗi nơi mà mạ tôi còn khỏe còn ham công việc, sau 1975 thì cuộc sống con cái ai cũng cơ cực cho nên mạ tôi dù đã lớn tuổi nhưng cũng phải tay cuốc tay liềm, lăn lộn ruộng nương để kiếm ra hạt gạo ngọn rau mà nuôi sống gia đình.

Ngày chôn cất mạ xong, tôi mới thấy một sự hụt hẫng, một sự hối hận luyến tiếc muộn màng cho những việc mà tôi chưa làm được cho mạ tôi trong những ngày già yếu. Và lúc đó mới thực sự cảm nhận mình vừa mất đi cái tình thương bao la đậm đà và một chỗ dựa tinh thần bền vững nhất mỗi khi gặp những chuyện buồn trong đường đời.

Trước những ngày mạ chưa mất, tôi vẫn hay tự hứa hè này về thăm sẽ nằm bên mạ thật lâu, nói chuyện thật nhiều cho mạ vui. Nhưng thực ra là bao mùa hè qua, vẫn chưa có lần nào tôi về nằm bên mạ tôi được vài tiếng đồng hồ, phần bạn bè kêu réo rồi phần hàng xóm ghé thăm. Cho tới bây giờ thì tôi mãi là thằng con thất hứa với mạ tôi.

Ngày về đưa mạ đi, bên quan tài nghi ngút hương khói các chị em con cháu ngồi bệt giữa sàn nhà khóc lóc, tôi đứng lặng lẽ nhìn xuống khuôn mặt mạ đang im lìm bình thản. Cho đến khi mấy đứa em lấy áo khăn ra mặc cho tôi xong, tôi ra phía sau quan tài ngồi xuống và lúc đó là những giọt nước mắt mới tự tuôn trào lúc nào tôi cũng không hay.

Người đau buồn nhất có lẽ là ba tôi. Ông là một người rất cương nghị và nghiêm khắc, suốt cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy ba tôi ưu tư phiền muộn cho một điều gì. Thế mà ngày hôm đưa quan tài mạ tôi ra khỏi nhà, tôi thấy khuôn mặt ba tôi, lúc ông ngẫng lên nhìn cái quan tài từ từ đi ra với đôi mắt đỏ, long lanh ngấn lệ. Rồi những ngày tiếp sau, ba tôi im lặng thẫn thờ và thường hay lên trên lầu gác ngồi một mình.

Ngày tiễn mạ đi, nhìn cái quan tài từ từ xuống trong tiếng gõ lóc cóc và tiếng người xôn xao khóc than, tôi chợt thấy nghẹn ngào khi biết rằng đây là lần cuối được nhìn thấy mạ tôi. Tôi lặng người, tai không còn nghe tiếng những bà con hỏi han nữa và nước mắt tôi lại tuôn trào.

Thế đấy, gần 20 năm tôi không còn mạ nhưng trong những giấc mơ về thời thơ ấu, về làng quê, hằng đêm tôi vẫn thấy mạ tôi trở về hiền hòa tươi cười trìu mến. Rồi những lần về làng, nằm trong căn phòng của mạ, tôi vẫn thấy như mạ còn đó với chiếc khăn trùm đầu quen thuộc.

Hôm nay tháng 7 mùa Vu Lan , những hoa cải cũng đang nở rộ lung linh để đón mạ về đâu đó ở trên cao ,rất cao!

                                                                                  Hoàng Văn Ân

Không có nhận xét nào: