BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC 50 NĂM SAU CÒN SỚM, VỪA TẦM HAY ĐÃ MUỘN – Trần Kiêm Đoàn


Gặp nhau trên hai chiến tuyến 1972 và 50 năm sau gặp nhau anh em cùng một nhà.
 
Kỷ niệm 50 năm, ngày chấm dứt chiến tranh, Việt Nam thống nhất đất nước; nhưng dân Việt vẫn còn phân hóa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vậy mới có vấn đề “Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” đặt ra 50 năm sau như một vấn nạn dân tộc chưa có một giải pháp đồng thuận, vừa tầm hay một cách tiếp cận hài hòa cho cả hai phía thắng và thua, trong nước và ngoài nước.

Năm mươi năm nhìn lui, nhìn tới và nhìn quanh đất nước, xã hội, con người tập thể và cá thể chính mình từ nhãn quan của người trong cuộc và người ngoài cuộc để thấy được gì?
 
Thế hệ Chiến tranh Việt Nam (tiêu biểu là những người sinh từ 1935 đến 1960) đến nay đã có hơn một nửa đã về đất. Người còn lại thường tự hỏi rằng, vết thương chiến tranh đã lành hay chưa? Bao giờ người Việt Nam anh em mới có sự hòa hợp hòa giải thật sự?
Đây không phải chỉ là Ngày Khép Lại của cuộc chiến tranh Việt Nam 30 năm mang dấu ấn bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc mà còn là thời điểm và cơ hội hé cửa và mở đường cho một thế hệ mới của người Việt nói riêng và cho hằng triệu người Việt Nam cùng đất nước nói chung bước ra cũng như ngoái lại, nhìn thấy và tiếp cận với thế giới toàn cầu.
 
Lính Miền Nam dìu lính Miền Bắc bị thương. Mậu Thân 1968.

Đã 50 năm qua, nếu chỉ đứng về mặt tình tự và cảm xúc trung dung “có triệu người vui, có triệu người buồn” như câu nói nổi tiếng của ông cựu Thủ tướng bên thắng cuộc Võ Văn Kiệt (1922-2008) trong ngày 30-4-1975 thì vết thương tinh thần vẫn chưa thành sẹo – nghĩa là niềm vui chưa trọn vẹn và nỗi buồn chưa nguôi ngoai – của cả hai phía anh em. Do đó, tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn còn trôi nổi trong tầm mong ước tiệm tiến cho đến hôm nay.
 
Trên lập trường dân tộc thuần túy, tự bản chất và căn nguyên của cuộc chiến Việt Nam cần phải được hiểu rằng: Đây là cuộc Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam War) chứ không phải là cuộc nội chiến của người Việt Nam giữa hai miền Nam Bắc (Vietnamese War) bởi sự tương tranh, thù hận, bên này cần tiêu diệt bên kia là ở hai phía chính trị, kinh tế và sách lược chinh phục (Tư Bản VS Cộng Sản?) ở tầm mức vùng miền và thế giới chứ không phải do sự hận thù của người Việt, có khi là ruột thịt, nhưng phải sống theo vùng chính trị địa lý quê hương giữa hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, một khi những người anh em phải lên sân khấu đấu trường thì mặc nhiên phải “nhập vai” (giết hay bị giết)! Lâu ngày, thói quen sẽ tạo thành thiên tính. Phá vỡ thiên tính theo thói quen vẫn thường khi khó hơn phá vỡ một… nguyên tử! Do vậy, nhu cầu thiêng liêng và truyền thống “trăm con cùng một mẹ” đã bị phân hóa tới mức hận thù. Ai tự ý công khai muốn vượt qua hay tiến lên khỏi hai phía hận thù thì thường bị “đàn cua cùng chung giỏ giương càng níu lại” và khó thoát khỏi bị sơn vàng hay phết đỏ hoặc bị dán nhãn hiệu bên nầy hay bên kia!
 
Năm mươi năm (1975-2025), thời gian trung bình của một đời người và hai thế hệ, quán tính hận thù vẫn còn tồn tại. Triển vọng hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn là mảnh đất gieo giống “trăm con cùng một Mẹ” mãi vẫn chưa mọc mầm. Hiện tượng hằng triệu người Việt từ hải ngoại về thăm quê hương ồ ạt đến “cháy vé” kể cả 3 thế hệ (cha mẹ, con cái và cháu chắt); nhưng người ta đã trở về như một du khách hay một thành viên của dòng họ, gia đình và bằng hữu chứ được mấy ai về quê với ý niệm hội nhập với cộng đồng dân tộc trọn vẹn (?!).
 
Lỗi tại ai và do đâu?

-  Tại bên thắng cuộc chăng? Vâng đúng! Bởi mặc cảm tự tôn cùng với mô thức áp đặt thiếu mềm dẽo và công bằng đối với bên thua cuộc.
- Tại bên thua cuộc chăng? Vâng đúng! Bởi mặc cảm tự ti bị “đồng minh” phản bội nên thua cuộc và người anh em “trên cơ” bức bách, ngược đãi.
Trong lúc đó, muốn hòa giải thì phải cần một mặt bằng hòa hợp trước. Hai bên đã phân hóa nhau lâu ngày vì ở trên hai chiến tuyến của lịch sử, hai hoàn cảnh khác nhau và hai lập trường đối nghịch. Hòa hợp không phải là đòn phép mà là một trạng thái cởi mở, tiếp nhận và cảm thông phát xuất từ tâm. Triết lý hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Nam đơn giản và trong sáng như nụ cười Thằng Bờm và nắm xôi Phú Ông: Đúng lúc, đúng tầm và tự do bình đẳng… chứ chẳng phải vận dụng những phương án vĩ đại, nghị quyết đơn phương hay vọng tưởng viễn mơ nào cả.
 
Dẫu chư vị đã thuộc nằm lòng vè ca dao Thằng Bờm đâu đó rồi nhưng phút nầy vẫn trân trọng xin mời đọc lại bằng tấm lòng thật thà, nhân hậu và chan hòa không mưu “thắng” chẳng cầu “thua” của tầng lớp người Việt Nam trung thực:
 
Thằng Bờm
 
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi: Bờm cười!
 
 Đây chính là tinh thần hòa hợp căn bản của dân tộc nhân bản và nhân văn. Sự hòa hợp giữa hai thế lực cao thấp, thiếu cân xứng tưởng như không bao giờ có cơ hội đứng trên cùng một mặt bằng xã hội và tâm lý; thế nhưng cuối cùng, sau thái độ ứng xử công bằng về thế lực (nắm xôi = quạt mo) thì chung cuộc là sự hóa giải của nhu cầu và khát vọng.
 
Năm 1975, dân số cà hai miền Nam Bắc chỉ mới bằng nửa hiện tại (48 triệu – 1975) nhưng lịch sử Chiến tranh Việt Nam và địa lý đất nước chia đôi đã mặc nhiên phân ranh giới anh em, đồng bào ruột thịt thành hai bên chiến tuyến: Bên thắng trận và bên thua trận (hay nhìn theo cuộc diện chính trị, quân sự và kinh tế như nhà báo Huy Đức thì có thể nhận diện hai phía là Bên Thắng Cuộc và Bên Thua Cuộc). Dư âm và dư chấn của cuộc chiến 20 năm (1954-1975) đã “điểm danh” đồng bào, anh em thành hai phía được và thua như trắng đen, đỏ vàng thù nghịch. Qua tương tác và tiếp cận giữa hai miền Nam Bắc, đáng lẽ cột mốc phân ranh tự nhiên thấp dần và mờ nhạt nhưng đã 50 năm sau cuộc chiến, lằn ranh đó vẫn còn. Do đâu?
 
Tìm sự hòa hợp như tìm bóng trăng dưới đáy hồ: Sóng yên, nước lặng và trong suốt thì bóng trăng hiện ra. Đã 50 năm qua, hai bên thắng cuộc và thua cuộc tìm bóng trăng trên biển hồ sóng gió ào ạt từ bản tâm phân hóa chủ nghĩa nên anh em không nhìn rõ mặt nhau. Càng đem nhiều lời hùng biện hay lý sự để thuyết phục nhau thì càng xa nhau.
 
Trong nhịp sống thật, người Việt Nam anh em hai phía đã thực sự có những biểu hiện hòa hợp và hòa giải chân tình và cảm động nhưng chỉ là những đám mây lành thoáng qua, rồi bầu trời vẫn âm u trở lại. Xin đơn cử vài “bóng mây hòa hợp” bay qua như thế:
 
Tử Chiến Hoàng Sa
 
Ngày 12-1-2014, 40 năm sau trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Hoa xâm lăng, lần đầu tiên cả trăm triệu người Việt Nam anh em, bất luận Bắc Nam, không phân biệt trong nước hay ngoài nước, đều đã được nhìn thấy mặt nhau trong buổi tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Hoa chiếm đoạt bằng vũ lực và 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974 được tổ chức tại Hà Nội. Lần đầu tiên hơn 30 năm, người anh em miền Bắc đã gọi Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà là “Thiếu tá hạm trưởng quân lực Việt Nam Cộng Hòa”, là một anh hùng vị quốc vong thân thay cho những nhãn hiệu đầy định kiến do “chính sử, dã sử, huyền sử, khuyết sử, tư sử, giả sử…” để lại như “Ngụy quân, Ngụy quyền; tay sai Mỹ Ngụy, lính đánh thuê…” ! Tiếc thay, sự nhận diện ra nhau – đầy tình tự dân tộc làm căn bản cho sự hòa hợp giải dân tộc không lưu phương dài hơn một thời tưởng niệm.
 
Nhượng địa cho Trung Quốc
 
Ngày 10-6-2018, theo biểu tình phản đối dự luật về ba đặc khu kinh tế - hành chính đã bùng lên tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương khác.
 
Dự luật cho thuê đất 99 năm đối với ba đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong đã bị công luận Việt Nam lên án là nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia. Chính phủ và Quốc Hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua luật này.
 
Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước năm 2016 phản đối công ty Formosa Đài Loan làm ô nhiễm biển miền Trung, người dân tại Việt Nam lại xuống đường đông đảo.
 
Thông tín viên của AFP tại Hà Nội đã thông tin đoàn người tuần hành xung quanh Hồ Gươm, giương cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền cho Trung Quốc thuê đất. Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy tuần hành cũng diễn ra tại nhiều địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, hay Nghệ An, Bình Dương, Nha Trang…
 
Đặc biệt là khối người Việt hải ngoại cũng chung dòng cảm xúc với người anh em trong nước, cùng nêu cao tinh thần chống ngoại xâm. Khi tổ quốc Việt Nam đang ở cận sự hay viễn ảnh lâm nguy, người Việt không còn phân chia ranh giới để cùng góp chung tiếng nói bảo vệ giống nòi, đồng cảm thương yêu quê cha đất tổ.
 
Đứng trên cùng mặt bằng, chung tầm nhìn về đất nước, thắng bại chưa hẳn là thước đo tuyệt đối – bởi nói như Lư Khôn đời nhà Minh Trung Quốc: “luận anh hùng chớ kể hơn thua” (luận anh hùng mạc vấn thành bại) – thì nhìn nhận hay thấy được nhân cách và tấm của nhau bên ni Trường Sơn Đông mưa dầm và bên kia Trường Sơn Đông nắng cháy mới mong hòa hợp, tìm ra mẫu số chung cho một tiến trình hòa hợp, hòa giải có thực chất và sức mạnh chuyển biến lòng người và hành động cụ thể. 
 
Thế hệ Tô Lâm
 
Thế hệ (generation) là một nhóm người sinh ra và sống trong cùng một khoảng thời gian nhất định, có những trải nghiệm, đặc điểm xã hội và văn hóa tương đồng.
 
Về độ dài của một thế hệ, không có con số cố định, nhưng thường được tính trong khoảng 20 đến 30 năm. Đây là khoảng thời gian trung bình để một người trưởng thành và sinh ra thế hệ tiếp theo.
 
Ở phương Tây, các thế hệ thường được phân chia như sau:
Thế hệ Baby Boomers (1946–1964)
Thế hệ X (Gen X) (1965–1980)
Thế hệ Y (Millennials) (1981–1996)
Thế hệ Z (1997–2012)
Thế hệ Alpha (2013 đến nay)
 
Ở Việt Nam, cách phân chia thế hệ có thể khác đôi chút do ảnh hưởng của lịch sử, chiến tranh và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nhìn chung, một thế hệ thường kéo dài khoảng 20-25 năm.
 
Người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam hiện nay là ông Tổng Bí thư Đảng CSVN Tô Lâm. Ông sinh năm 1957 và cũng là nhân vật lãnh đạo đầu tiên trong dòng lịch sử Việt Nam có thành tích cao nhất về cả văn lẫn võ: Về Văn ông có học vị Tiến Sĩ và học hàm Giáo Sư. Về Võ ông có quân hàm Đại Tướng. Về chức vụ ông là Tổng Bí thư của Đảng đương quyền lãnh đạo toàn diện đất nước.
Thế hệ Tô Lâm – tức những người sinh vào khoảng đầu thập niên 1950 đến cuối 1960 – có một số đặc điểm đặc biệt so với hai thế hệ đàn anh và kế thừa ở Việt Nam. Đây là nhóm người lớn lên trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và trưởng thành vào những năm đầu sau thống nhất đất nước (1975) với những điểm nổi bật của thế hệ này là: Trưởng thành trong thời kỳ bao cấp (1975–1986). Đóng vai trò quan trọng trong Đổi Mới (từ 1986). Chuyển tiếp giữa hai thời đại – từ truyền thống sang hội nhập. Tập trung vào ổn định chính trị và phát triển kinh tế nhà nước. Phần lớn những nhân vật lãnh đạo trong thế hệ này bước vào chính trường từ những vai trò chuyên môn có trường lớp và bài bản đào tạo chính quy chứ không phải với tinh thần du kích “cầm gươm ôm súng xông tới” hay khả năng “hồng trọng hơn chuyên” trong quá khứ.
 
Thế hệ Tô Lâm là một “thế hệ bắc cầu” vừa tiếp thu kinh nghiệm và tác dụng chính trị của thế hệ đàn anh đi trước, vừa truyền đạt, định hướng và làm gương cho thế hệ đàn em (những người lãnh đạo trẻ hơn, sinh sau 1970s hoặc 1980s) đang nổi lên trong hệ thống chính trị Việt Nam.
 
Hồi tháng 9 năm 2024, ông Tô Lâm, khi đó đang giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước, qua Mỹ dự Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong dịp nầy ông đã tới thăm và phát biểu tại Đại học Columbia ở New York. Sau bài phát biểu, ông Tô Lâm nhận câu hỏi từ Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia.
 
Bà Hằng hỏi: "Dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa những người Việt Nam?"
 
Ông Tô Lâm cho biết dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng quá khứ sẽ không bị lãng quên mà việc quan trọng là rút ra bài học từ quá khứ để hướng tới tương lai hòa bình và ổn định. Cách trả lời tổng quát như thế được giới truyền thông khen là bén nhạy và khéo léo về mặt ứng xử với công luận; nhưng viễn kiến và bước đi cụ thể chưa đủ thuyết phục vì căn bản vẫn còn nằm trong dự phóng.
 
Đã 50 năm qua, cờ của một miền Nam thua trận vẫn còn do người anh em bên thắng cuộc gọi là “cờ Ngụy”, văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975 cũng vẫn còn nhìn qua tên gọi của các phong trào phản chiến xuống đường là “văn chương đô thị miền Nam”… và nhiều danh xưng, tên gọi, dấu hiệu mang tính tiêu cực đối với người anh em thua cuộc. Trong khi đó, chỉ cần quay đầu là thấy bến.
 
Sau 50 năm, sự đối thoại âm thầm về mặt tâm lý hay quan điểm giữa hai miền Nam Bắc vẫn là cảnh Phú Ông bất chấp Thằng Bờm và Thằng Bờm cũng bất cần Phú Ông.
 
Ông Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở đầu một nước đi tích cực và cụ thể hơn.
Hôm 13 tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại một phiên thảo luận tổ, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc Hội. Trong bài phát biểu với nội dung bàn về đường hướng phát triển đất nước, ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Singapore, trước thành tích phát triển khá rực rỡ của nước này. Ông đã nêu tên Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, để so sánh với Singapore:
 
“Nhìn sang Singapore, xưa họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước; 50 năm nhìn lại giờ mình lại mơ sang họ khám bệnh.”.
 
Trước đó, hôm 9 -1- 2024, trong cuộc gặp với các bô lão Đảng viên, nguyên cán bộ Nhà nước, đại biểu trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ các tỉnh thành phía Nam, ông Tô Lâm cũng đã có những lời nói tích cực về cựu thù. Bài phát biểu của ông Tô Lâm có đoạn:
 
 “Những năm 60, Sài Gòn - TP HCM là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng nhưng giờ đây tốc độ phát triển đã vượt rất xa.”
 
Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Tô Lâm công khai thừa nhận sự phát triển của Việt Nam Cộng Hòa so với các nước quanh khu vực ở cùng thời điểm. Và đây cũng là lần đầu tiên, những người anh chị em miền Nam cảm thấy như mình “được hiểu và chia sẻ” bởi một người anh em miền Bắc thuộc hàng tổng tư lệnh. Trong tâm thức Việt Nam ông Tô Lâm đã đưa hình ảnh nắm xôi trong biểu tượng Thằng Bờm và Phú Ông để tạo ra nụ cười đón nhận của những người anh em một thời bên kia chiến tuyến. Ông đã một bước phá vỡ rào cản của những người tiền nhiệm thản nhiên nói toàn những điều tiêu cực về Việt Nam Cộng Hòa như gọi là chế độ “tay sai”, “ngụy”, “đánh thuê”; dán nhãn hiệu kinh tế xã hội của Sài Gòn là “phồn vinh giả tạo”.
 
Và lịch sử là một dòng chảy linh động. Thế hệ Tô Lâm cùng đã chứng tỏ rất linh hoạt và cập nhật trước những thách thức mới của hoàn cảnh và thời đại. Đặc biệt là trong những ngày vừa qua, đối diện với một cuộc biến động kinh tế, chính trị có dấu hiệu khủng hoảng khi ông Donald Trump, tổng thống Mỹ áp thuế toàn cầu với Việt Nam bị áp thuế 46%. Ngay tối 4-4-2025, ông Tô Lâm và nội các đã phản ứng cấp thời; nhanh đến nỗi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc Knapper vỗ tay khen ngợi. 
 
Mặc dầu cuộc thương chiến của Trump đang trên chiều hướng biến động và thế giới đang phân cực cũng như có dầu hiệu tái lập một trật tự toàn cầu mới thì điều đáng nói ở đây là trên vũ đài chính trị Đông Tây, giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay chứng tỏ được sự nhạy bén và viễn kiến thích nghi.
 
Viễn ảnh và cận sự Hòa hợp, Hòa giải 
 
Mỹ với cuộc Nội Chiến (Civil War) chỉ trong vòng 4 năm (1861-1865) nhưng phải mất cả 100 năm để hòa hợp hòa giải. Đức với cuộc chiến Đông Tây (1949-1990) phải cần cả 30 - 40 năm, Đại Hàn (cuộc chiến từ 1950 đến nay vẫn còn xung đột).
 
Việt Nam với sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất chưa hẳn là trở ngại chính trị cho người Việt Nam anh em hòa hợp. Trường hợp chính quyền độc đảng như Trung Hoa, Singapore, Rwanda… hay các nước Trung Đông do Hồi giáo lãnh đạo nhưng người dân trong các nước đó không phân chia hai chiến tuyến thù nghịch. Đơn cử những hiện trạng phân hóa và hòa giải tiêu biểu như trên để người Việt anh em tham khảo và suy gẫm.  
 
Chúng ta đã để dòng cảm xúc thắng và thua quá nặng nề và nghiệt ngã trôi chảy vào mạch sống dân tộc suốt 50 năm. Không ai là người có năng lực hay quyền hạn trách cứ lịch sử; nhưng mỗi người dù ở vị thế nào đều không thể tách mình ra khỏi dòng lịch sử. Cuộc sống sẽ không có khi nào là muộn màng để tìm một điệu sống an vui, hài hòa giữa thắng và thua, đấu tranh và hòa giải.
 
                                                       Sacramento. Cali, Tháng Tư 2025
                                                                      Trần Kiêm Đoàn

1 nhận xét:

tieng thoi gian nói...

Đúng 50 năm, nửa thế kỷ đã qua người VN dân tộc VN hãy để tất cả diễn biến của quá khứ một cách trân trọng vào ngăn kéo của lịch sử dân tộc. Không ai thay đổi được quá khứ nhưng phải biết gìn giữ nó như là thước đo cho lòng cầu tiến của một đất nước. Chớ nên lợi dụng quá khứ tận dụng lịch sử để mưu cầu lợi ích cho cá nhân và đảng phái mà nên vì quyền lợi dân tộc là trên hết. Đã đến lúc ngưng dùng một thời điểm lịch sử này để lợi dụng hay dày xéo lẫn nhau do có triệu người vui thì có triệu người buồn... hãy xóa đi chuyện thắng thua mà cùng nhau tiến lên phía trước vì một VN trường tồn, đó là giải pháp hòa giải hòa hợp đúng nghĩa nhất.