BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH – Chùm thơ mùa lũ của Nhóm Sông Quê


   


Tháng Mười mưa ướt lời thơ
Sông Quê ngồi khóc bên bờ sông quê

THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ

Quảng Trị miền Trung là quê tôi đó
Cả tuần ni lụt bão cứ tràn về
Nước dâng cao mà trời thì mưa gió
Nhà đổ, người trôi…lắm cảnh não nề
Nơi phương Nam dòng đời đi chậm lại
Theo dõi từng giây, tin sớm, tin chiều
Bao con tim ngóng về quê xa ngái
Bóng ngã, chiều nghiêng, đầu óc liêu xiêu
Làng ngoại tôi ngập chìm trong biển nước
Cây cối oằn mình nhà cửa bấp bênh
Hình ảnh tang thương khiến lòng đau buốt
Đâu vườn quê hoa nở thắm bên thềm
Gọi cho cậu mấy lần không kết nối
Điện cắt rồi (chắc máy đã hết pin)
Gọi cho em, nói dăm câu vội vã
Em bận kê giường nước ngập chị ơi
Gọi cho anh, trong làn gió hú
Anh vội vàng: Anh vẫn bình an
Điện thoại để dành khi cần cứu hộ
Bốn ngày rồi anh ở gác trên
Gọi cho bạn, tiếng thở dài não nuột
"VP ơi, H bị gãy tay nằm một chỗ- nước vô nhà"
Trời ơi thảm cảnh nào hơn
Nước mắt tràn mặn đắng
Lòng nhói đau - lời cầu nguyện nghẹn bờ môi
Đã qua một thời
Chiến tranh khói lửa
Thành xây máu xương
Sao trời không thương
Thiên nhiên khắc nghiệt
Hè rồi hạn hán cằn khô
Gió Lào cháy tóc. Ao hồ cạn queo
Cơn mưa vừa mới lao xao
Mừng chưa kịp, nước đã ào ào tuôn
Lại thêm bão tố luông tuồng
Số 6 vừa tan. Số 7 lại đến
Dập dồn
Đói
Lạnh
Của cải chắt chiu chừ theo dòng nước bạc
Tính mạng người phó mặc trời cao
Thương quê không biết làm sao
Chút lòng thơm thảo góp vào sẻ chia
Câu ca dao cũ còn kia
“Người trong một nước…”
… Huống chi quê mình…

                 Nguyễn Thị Vĩnh Phước


ANH. CHỊ. EM

Nghe chị than lụt năm nay lớn lắm
Nước mênh mông lai láng cả miền quê
Mưa suốt cả tuần ướt đẫm lê thê
Chị nhìn vào đâu cũng toàn là nước
Tựa cột hiên chị nhìn ra phía trước
Luống rau xanh nước bạc ngập mất rồi
Rều rác lềnh bềnh nước lũ cuốn trôi
Đám cà pháo tới kỳ chưa hái kịp

Nghe anh nói chiều qua lên chợ tỉnh
Đường phố thành sông, ghe lướt sóng chèo
Thành Cổ - Triệu Phong mù mịt cheo leo
Ái Tử - Hải Lăng cùng chung số phận
Khổ dân quê oằn mình ôm lận đận
Thuỷ sản nuôi trồng nước lũ cuốn trôi
Gia cầm đói người ta đi bán vội
Đàn vịt đi hoang theo nước phiêu bồng

Nghe em kể anh cảm thấy đau lòng
Nước xuống, nước lên bùn non mấy lớp
Xả lũ đập tràn nước dâng nờm nợp
Cúp điện rồi, em sợ lắm! Đêm đen
Đôi chân trần bùn đất lấm lem
Điện thoại hết pin làm sao liên lạc
Bụng đói cồn cào áo quần xơ xác
Còn chi mô má phấn môi hồng

Đêm tàn thu tựa mình bên gác trọ
Thương quê nhà Quảng Trị lắm thương đau
Thương miền Trung nước bạc phủ trắng màu
Bão lũ theo nhau quê nhà khổ luỵ
Lời nguyện cầu đêm nay cho Quảng Trị
Cho miền Trung quê mẹ sớm vượt qua
Nước mắt rơi giữa đất trời xa lạ
Phương Nam sầu gió lạnh buốt làn da.

                            Saigon,12/10/2020
                             Phan Thạch Nhân


ÔI QUÊ TÔI!

Mấy hôm rồi nghe tin bão lũ
Tràn qua vùng sỏi đá quê hương
Trời gây bao cảnh tang thương
Xa xôi cách trở dặm trường âu lo
Bản tin sáng, trưa, chiều theo suốt
Kìa bão bùng, lũ ngập, mưa sa
Ông tha mà bà chẳng tha
Bão chưa dứt đợt lũ đà dâng lên
Đường, sân cũ giờ thành sông, suối
Nước thênh thang đâu thấy bến bờ
Trong nhà nước ngập bàn thờ
“Heo lên ngồi ghế”, bé ngơ ngác nhìn
Cha ngâm mình đi tìm mì gói
Mẹ lội bùn mót chút sắn khoai
Gió mưa phủ cả đôi vai
“Trời hành cơn lụt” cho ai đoạn trường
Mấy ngọn cau oằn mình gió đập
Nóc nhà tranh nước ngập mái xiêu
Trẻ già thôi cũng đánh liều
Thoát dòng lũ cuốn chín chiều ruột đau
Mấy ngày rồi lòng như lửa đốt
Xót người thân không biết hỏi ai
Quê tôi gánh chịu thiên tai
Phone im, tin bặt cho dài nỗi lo
Ôi bão lũ một trời tang tóc
Mất người thân tiếng khóc nghẹn ngào
Em thơ mắt dại chao vao
Thiên tai nghiệt ngã, lao đao phận người
Nhà đổ nát, ruộng vườn tơi tả
Bầy gia cầm nước lũ cuốn phăng
Cơ ngơi gầy dựng bao năm
Mà chừ tay trắng thấu chăng hở trời?
Hướng tình thương về miền bão lũ
Cùng chung tay xóa bớt nỗi đau
Trong cơn khốn khó giúp nhau
“Của tuy tơ tóc” nghĩa sâu muôn lòng

                      Nguyễn Thị Liên Hưng

Không có nhận xét nào: