BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

MẪU ĐÀO NƯƠNG: VỊ SƯ TỔ CỦA MÔN HÁT CHÈO - Đặng Xuân Xuyến

 

                                       Lễ hội Đào Nương

Đền Mẫu hay còn gọi là đền Đào Nương, nằm bên đường 39B, thuộc địa phận xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, nay là làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên.

Sự tích kể rằng, vào cuối đời nhà Hồ, khoảng cuối thế kỷ XV, ở làng Đào Đặng có một ca nữ họ Đào tên Huệ, nổi tiếng khắp vùng là người xinh đẹp, hát hay múa khéo. Năm ả Đào 18 tuổi, quân giặc phương Bắc (nhà Minh) lúc bấy giờ đã mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta. Khi giặc kéo đến làng Đào Đặng, nàng ca nữ họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nữ nhi làng Đào Đặng đã biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi của bọn giặc. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng tin tưởng giao cho việc thắt và mở túi.

Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc. Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya khi giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông Mai Nguyên. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này "động", "nghịch", "linh thiêng".. không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.

Sau khi bà Đào Nương mất, dân làng đã lập đền thờ Bà ngay trước chợ làng Đào Đặng (nay là làng Đào Xá) để bà con qua lại hàng ngày tưởng nhớ công lao to lớn của người liệt nữ tài hoa, mưu trí.

Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ xét công trạng dùng mưu giết giặc cứu dân giữ nước của bà đã phong bà làm "Phúc thần", sai trích tiền kho, tu tạo lại đền thờ cho thêm tráng lệ và ban ruộng Tự Điền để dân làng đèn hương cúng tế hàng năm.

Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, nhộn nhịp với nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.

Bà được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo truyền thống cùng những tiếng "tom, chát" của tiếng trống đế chèo.

                                                                              Đặng Xuân Xuyến

.....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)


Không có nhận xét nào: