ẤM
NGHI HƯNG THEO THỜI GIAN
Theo sách Dương Tiện Mính Hồ Lục (Sách về các ấm trà vùng Dương Tiện) của Chu Cao Khởi thì đời Chính Đức, Gia Tĩnh nhà Minh có Cung Xuân tài nghệ tuyệt vời, là người nổi danh đầu tiên về làm ấm tử sa. Cung Xuân vốn là gia đồng của Ngô Sĩ đất Nghi Hưng thường theo hầu Ngô Sĩ đến học tại chùa Kim Sa. Trong chùa có một vị hòa thượng có tài làm đồ sứ nên Cung Xuân theo nhà sư học nghề nặn ra những tác phẩm trông chẳng khác gì đồ kim loại xưa. Khi Cung Xuân nổi danh, ông thường cùng Bộc Trọng Khiêm (đất Gia Định) khắc trúc, Lục Tử Đồng (đất Tô Châu) chạm ngọc, và Khương Thiên Lý khảm xà cừ. Tất cả đều là những người nổi tiếng đời Minh. Cung Xuân nặn ấm không lâu — truyện kể rằng ông bị quan sở tại vì yêu chuộng tài nghệ ông nên bức bách khiến ông phải bỏ xứ mà đi — nên tác phẩm của ông hiện nay lưu truyền rất ít. Sách vở chỉ còn ghi một chiếc ấm của ông hình 6 múi hiện tàng trữ tại Viện Trà Cụ Hongkong nặn năm Chính Đức thứ 8 (1513). Thế nhưng còn một cái ấm khác cũng của Cung Xuân để tại Singapore thì ít thấy sách vở nào đề cập. Theo bài “Nghi Hưng và Nghiên Mực” (Yi Hsing and Inkstones) trong tạp chí Arts of Asia, số July/August 1971 thì ông C.M. Wong, Bí Thư của Phòng Thương Mại Singapore và là Chủ Tịch Hiệp Hội Hoa Nhân tại đây có trong bộ sưu tập của ông một ấm Cung Xuân hình vỏ cây. Ấm này đề năm 1506, có triện của người nghệ sư. Phần dưới quai cầm lại còn một vết dấu tay điểm vào mà người ta bảo rằng đó là vết ngón tay thứ sáu của Cung Xuân (Bàn tay phải của ông có sáu ngón).
Sau thời Cung Xuân, nghệ thuật làm ấm đất nung vùng
Nghi Hưng thịnh đạt, đến đời Vạn Lịch càng có nhiều danh thủ. Lý Ngư viết là:
“Trà không gì bằng dùng ấm bằng tử sa, mà vùng Dương Tiện là hạng nhất”. Từ đời
Minh trở đi, việc dùng ấm tử sa để uống trà trở nên thông dụng. Người ta để ý đến
phẩm chất trà đã đành mà còn kén chọn cả cách pha trà, nước nào pha trà ngon, uống
lúc nào mới hợp.
Trước kia, ấm trà bằng sứ là quí nhất nhưng khi ấm tử
sa ra đời thì không mấy ai còn chuộng ấm sứ nữa. Cổ nhân tổng kết ấm tử sa có bảy
ưu điểm:
Chế
nước sôi vào không làm trà mất hương vị, sắc hương còn nguyên
Bình
trà dùng lâu, chế nước không cũng ra mùi trà
Trà
vị không bị biến chất
Chịu
nóng cao, mùa đông tháng giá đổ nước sôi vào không bị nứt
Ít
truyền nhiệt, cầm vào không phỏng tay
Dùng
càng lâu càng lên nước, bóng lộn
Có
nhiều màu khác nhau, dễ lựa chọn
Vì ấm tử sa là một tác phẩm nghệ thuật nên trông ấm
người ta có thể đánh giá được người nặn vào bậc nào. Thành ra, trong những nghệ
nhân nghề sành sứ, thì ngành làm ấm để tên lại nhiều nhất. Sau đời Cung Xuân
người ta thấy có Thời Bằng, Đổng Hàn, Triệu Lương, Nguyên Sướng và Lý Mậu Lâm
là những thợ nổi danh.
Đời Vạn Lịch, Thời Đại Bân, con của Thời Bằng là người
nổi tiếng hơn cả. Văn Chấn Hanh viết trong “Trường Vật Chí” là “ấm trà tử sa là
loại tốt nhất, nắp vừa vặn không làm mất hương, lại không bốc hơi. Ấm do Cung
Xuân chế tạo quí nhất, đều nhỏ nhắn, hình dáng lạ lùng. Thời Đại Bân chế thì có
cái to, cái nhỏ…”. Cùng nổi danh với Đại Bân có Lý (Đại) Trọng Phương, Từ (Đại)
Hữu Tuyền, người ta gọi là Tam Đại.
Từ Hữu Tuyền tự Sĩ Hoành, là học trò của Thời Đại Bân,
có tài bắt chước các loại đồng khí xưa làm ấm hình tàu lá chuối, đài sen, củ ấu,
quả trứng…
Nổi tiếng thời Vạn Lịch còn có Âu Chính Xuân, Thiệu
Văn Kim, Thiệu Văn Ngân, Tưởng Bá Cung, Trần Dụng Khanh, Trần Tín Khanh, Mân Lỗ
Sinh, Trần Quang Phủ, Thiệu Cái, Thiệu Nhị Tôn, Chu Hậu Khê…
Thời Vạn Lịch, ngoài việc nặn ấm, các nghệ nhân còn
dùng đất tử sa điêu khắc và các chế tạo vật phẩm khác, rất thịnh hành. Người nổi
tiếng nhất là Trần Trọng Mỹ ở Vụ Nguyên, An Huy. Họ Trần trước vốn ở Cảnh Đức
Trần làm đồ sứ. Sau đến Nghi Hưng kết hợp nghệ thuật đồ gốm với nặn ấm, tạo ra
các loại đỉnh hương, bình hoa, cục chặn giấy .. rất xinh xắn. Người nổi danh đồng
với Trần Trọng Mỹ thì có Trẩm Quân Dụng, tự Sĩ Lương.
Sau đời Vạn Lịch có Trần Tuấn Khanh, Chu Quí Sơn, Trần
Hòa Chi, Trần Đình Sinh, Thừa Vân Tòng, Trẩm Quân Thịnh, Trần Chấn, Từ Lệnh Âm,
Hạng Bất Tổn, Trẩm Tử Triệt, Trần Tử Huề, Từ Thứ Kinh, Huệ Mạnh Thần, Tiết
Hiên, Trịnh Tử Hầu…
Trên đây là những nghệ nhân nổi tiếng khéo đời Minh. Về
sau, người ta mô phỏng rất nhiều những kiểu họ đã chế tạo nên những ấm nào thực
sự đời Minh, cái nào đời sau khó ai biết được. Đồ tử sa lại không đề niên đại
như đồ gốm nên càng khó phân biệt chân giả.
Sang đến đời Thanh, nghệ thuật làm ấm còn thịnh đạt
hơn nữa. Triều đình nhà Thanh chuộng đồ tử sa nên càng coi trọng. Văn khố nhà
Thanh còn ghi lượng hàng mỗi năm tiến cống vào cung. Phẩm chất cũng thêm tinh
vi, xảo diệu. Ngoài ấm đất, ngưòi ta còn nặn bồn trồng cây cảnh, bình hoa, và dụng
cụ dùng trong nhà. Màu sắc pha chế cũng phong phú hơn.
Nghệ nhân nổi tiếng đời Thanh rất nhiều. Người xuất sắc
nhất là Trần Minh Viễn, hiệu Hạc Phong, lại có tên là Hồ Ân, chế ra hàng chục
thứ ấm trà, đồ dùng khác nhau, không cái nào giống cái nào, quả là bậc thầy
trong nghề. Những tác phẩm mà Trần Minh Viễn còn để lại hết sức tinh xảo, lại đầy
sáng tạo. Cái thì hình một gốc mai già, cái thì hình bó củi, trông như một nghệ
phẩm điêu khắc tả chân hơn là một trà cụ. Ông còn nặn những trái cây tầm thường
như hạt dẻ, củ đậu phộng … trông hết sức tinh xảo, thoạt trông không ai bảo là
một vật bằng sành.
Sách Trùng San Kinh Khê Huyện Chí, viết năm thứ hai đời
Gia Khánh, (Thanh) dùng bốn chữ “vạn gia yên hỏa” (nhà nhà đều khói lửa) để chỉ
khung cảnh sinh hoạt bấy giờ. Đời Ung Chính, Càn Long thì có Trần Hán Văn,
Dương Quí Sơ, Trương Hoài Nhân. Chế tạo đồ dùng trong cung vua thì có Vương Nam
Lâm, Dương Kế Nguyên, Dương Hữu Lan, Thiệu Cơ Tổ, Thiệu Đức Hinh, Thiệu Ngọc
Đình nhưng thiên về ấm có trang trí, màu sắc. Những chuyên gia cho rằng kết hợp
hai kỹ thuật của Cảnh Đức Trấn (nơi chế tạo đồ sứ tráng men) với Nghi Hưng đã
làm giảm đi phong vị của ấm tử sa, bản chất vốn giản phác, gần thiên nhiên. Cầu
kỳ hóa một nghệ thuật vốn dĩ đạm bạc đã khiến cho nghệ thuật nặn ấm đổi hẳn sắc
thái, mất đi tính nguyên ủy của nó.
Sang đời Gia Khánh, những người tên tuổi có Huệ Dật
Công, Phạm Chương Ân, Phan Đại Hòa, Cát Tử Hậu, Ngô Nguyệt Đình, Hoa Phượng Tường,
Trinh Tường, Quân Đức, Ngô A Côn, Hứa Long Văn…
Thời Đạo Quang có Dương Bành Niên và em gái là Dương
Phượng Niên cùng với Trần Hồng Thọ, Thiệu Đại Hanh là những danh gia. Trần Hồng
Thọ hiệu là Mạn Sinh, đời Gia Khánh làm huyện tể đất Lật Dương. Ông là người giỏi
viết chữ, vẽ tranh, khắc triện lại thích sưu tầm ấm tử sa. Nhiều ấm do Dương
Bành Niên và nhà họ Dương chế tạo ra, đợi cho hơi khô, Trần Hồng Thọ dùng dao
tre khắc, vẽ, viết chữ, đề thơ lên rồi mới đem nung. Việc kết hợp hai tài danh,
một nặn ấm, một thư họa là sáng tác mới của thời đó. Ấm thường có đề “A Mạn Đà
Thất” (là tên thư trai của họ Trần) hay dưới đáy có khắc “Bành Niên”. Đời sau gọi
là ấm Mạn Sinh (Mạn Sinh hồ).
Theo chân Trần Hồng Thọ, nhiều danh sĩ khác như Kiều
Trọng Hỉ, Ngô Đại Trừng cũng đứng ra chỉ đạo việc nặn ấm. Từ đó, một kỹ xảo vốn
chỉ được coi như nghề mọn nay đã lan sang cả giới nho gia. Tuy không được phổ
biến như thư họa nhưng cũng không còn là một tiện nghệ như trước nữa.
Một danh sĩ vốn giỏi về vẽ trúc là Cù Tử Trị lại đem
việc khắc trúc, họa trúc vào trang trí trên ấm. Họ Cù không những mang thư pháp
mà còn khắc hẳn những cành trúc, cành mai nghĩa là coi chiếc ấm như một tờ giấy
hay vuông vải để thi thố tài hàn mặc.
Còn Thiệu Đại Hanh thì là một nghệ nhân nổi tiếng
không kém gì Dương Bành Niên. Trong khi Dương nổi danh về tinh xảo thì Thiệu có
tiếng về giản phác. Ông không cầu kỳ nhưng cũng có nhiều sáng kiến độc đáo.
Chính kiểu nắp ấm đầu rồng, khi rót thì lè lưỡi ra là do ông khởi thủy, tới nay
vẫn còn nhiều người bắt chước và khá phổ biến trên thị trường.
Cuối đời Thanh, Chu Kiên lại có sáng kiến dùng thiếc
và ngọc để bịt hay khảm vào ấm tử sa. Nhiều thân ấm được bịt thiếc và viết chữ
rồi dùng ngọc trạm thành quai, thành vòi ráp vào. Thế kỷ thứ 19 nhiều người còn
bịt đồng hay thau nhưng nói chung những kiểu này không được chuộng lắm.
Vào thời điểm này, việc thương mại giữa Trung Hoa và
nước ngoài đã phát triển. Nhiều cường quốc đã chiếm những lãnh địa ở duyên hải
hay cưỡng ép nhà Thanh nhường làm tô giới và Thanh đình đã phải mở cửa cho họ
vào buôn bán. Trà Tàu trở thành một nông phẩm xuất cảng quan trọng và ấm Tàu
cũng được sản xuất qui mô để bán ra ngoài. Nhiều công ty thành lập tại Thượng Hải,
Nghi Hưng, Thiên Tân, Hàng Châu đại lý bán ấm Nghi Hưng. Những kiểu ấm thời đó
cũng vẫn theo mô dạng cũ. Một công ty ở Thượng Hải là Thiết Họa Hiên đến nay vẫn
còn. Thiết Họa Hiên nổi tiếng vì chữ viết trên ấm rất đẹp. Những nghệ nhân nổi
tiếng của họ gồm có Tưởng Yến Hanh, Trần Quang Minh, Phạm Đại Sinh, Vương Diễn
Xuân, Trình Thọ Trân. Những ấm xuất cảng thường có cả con dấu của nghệ nhân lẫn
con dấu của hãng. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có hai hãng khác là Chân Ký và
Ngô Đức Thịnh cũng phát đạt.
Thời Dân Quốc ấm Nghi Hưng được xuất cảng rất nhiều
sang Nhật Bản, Đông Nam Á, Âu Châu và Mỹ Châu. Thời đó cũng có nhiều thợ khéo
nhưng kiểu thường giản dị, cân đối chứ không cầu kỳ như thời trước. Có lẽ vì
nhu cầu thương mại và thị hiếu đã thay đổi. Đến thời loạn lạc thập niên 1930,
1940 việc sản xuất ấm phải đình trệ. Sau khi Trung Cộng nắm quyền, việc sản xuất
được qui tụ thành công xã nhưng không phát triển được. Thời Cách Mạng Văn Hóa lại
một lần nữa kỹ nghệ này bị vùi dập. Trong chế độ Cộng Sản, uống trà bị coi là một
tàn tích tư sản, bóc lột, phi sản xuất nên bị bài xích. Việc làm ấm vì thế cũng
bị triệt hạ. Sau khi Đặng Tiểu Bình thi hành chính sách cải tổ, Trung Cộng phục
hồi ngành nặn ấm tử sa. Năm 1979, xí nghiệp Nghi Hưng Tử Sa đã sử dụng đến 600
nhân công. Hiện nay, một số thợ chuyên môn trẻ và tương đối có trình độ đã khôi
phục lại được công nghiệp này, nhất là càng ngày càng có nhiều người ưa chuộng
và sưu tập.
(Mục Ấm Nghi Hưng Theo Thời Gian tác giả trích
đoạn từ bài viết: Trà Tàu Và Ấm Nghi Hưng – của Nguyễn Duy Chính)
CÁCH
CHỌN, SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG ẤM TỬ SA
CÁCH
CHỌN ẤM TỬ SA
Một cái ấm quý phải hội đủ mấy điều kiện:
– Miệng, vòi và quai ấm phải ngang nhau, lúc đặt sấp
xuống bàn không chênh vênh; đổ nước sôi vào phải nóng ngay mà quai ấm cầm vẫn
không bỏng; nắp ấm phải khít khao với miệng ấm, nắp ấm có một lỗ nhỏ mà nước
không được trào ra ở lỗ ấy.
3 ĐIỂM TRÊN MỘT ĐƯỜNG THẲNG
– Lúc cầm lên pha vào chén, nước từ ấm ra phải chảy
thành một đường như đường chỉ, không được vung vãi. Lúc ngừng tay, nước không
trào ra ngoài giọt nào.
– Đặt ấm vào tai, nghe vi vu như tiếng sóng. Đất phải
thật nhẹ và mịn nhuyễn. Đất màu tím là hạng nhất gọi là Tử Sa, Thiết Sa, Chu Sa
hạng nhì, sau đó còn hoàng sa, bạch sa, lam sa, đều có thể dùng làm ấm trà
nhưng ở các hạng sau.
– Da ấm cần phải mỏng, láng, gõ vào kêu tiếng thanh, ấm
dùng lâu, bao giờ cũng có cốt trà đóng bên trong, để cho giữ hương vị trà.
Không ai mang ấm trà ra mà kỳ cọ bao giờ, đó là điểm tối kỵ trong nghệ thuật uống
trà.
Tiêu chuẩn kinh điển chọn mua ấm Tử sa
Thả ấm vào chậu nước nổi bồng bềnh, không nghiêng lệch;
nhận chìm xuống rồi buông tay, ấm sẽ nổi trồi lên mặt nước mà không bung nắp
hay bị lật chìm; hoặc bịt ngón tay vào lỗ thông hơi trên núm nắp ấm thì rót nước
không chảy; dùng nắp ấm gõ nhẹ vào quai phát ra âm thanh như tiếng sắt, tiếng đồng…
1. Nhìn bằng mắt: Hình dáng thanh thoát, ưa
nhìn.Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc.
Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất nét chữ
sắc sảo, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm.
Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật
rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau, nhưng quan trọng là khi rót, nước chảy
thông, đều và thẳng dòng, không rơi vãi hay đọng giọt nhểu ra ngoài.
2. Nghe bằng tai: Đặt ấm lên lòng bàn tay, tay kia cầm
nắp ấm khẽ gõ vào quai, tiếng kêu đanh; chắc như kim loại chạm vào nhau.
3. Cảm nhận bằng tay: Trơn láng, mịn màng, không tì
vết. Nắp và miệng ấm khít khao, vì ấm Tử sa được nung trong lò liên tục 23 tiếng
đồng hồ ở nhiệt độ từ 1.190 – 1.270 độ C (trung bình 1.200 độ C), đòi hỏi tay
nghề nghệ nhân phải cao, chất đất phải thật tốt và mịn mới không bị co giãn khi
nung. Do tính bào mòn trong quá trình sử dụng, một chiếc ấm dùng càng lâu càng
lên nước, không đổi màu, đó mới chính là đặc trưng ưu việt của ấm Tử sa, chứ
màu sắc đất không liên quan gì đến chất lượng và công dụng.
4. Nắp ấm phải kín, thử bằng cách đổ ¾ nước vào ấm rồi
đậy nắp lại (tay ghì giữ nắp ấm cho chặt) và nghiêng vòi nếu nước không chảy ra
thì nắp ấm kín.
– Vỏ ấm phải cứng, cầm ấm lên dùng ngón tay gõ nhẹ vào
thành ấm nghe boong boong càng trong càng quý.Vỏ càng cứng càng ít thẩm thấu và
nắp càng kín càng ít thoát hơi nước, có như vậy trà mới ấm lâu và ít bay thoát
hương vị.
Trong truyện “Những cái ấm đất” Nguyễn Tuân có đề ra
tiêu chuẩn lựa ấm:
“Nếu không tin ông cứ úp ấm xuống mặt miếng gỗ kia.
Cho ấm ngửa trôn lên. Cứ xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm đều cắn sát mặt
bằng miếng gỗ thì biết. Nếu muốn thử kỹ nữa, quý khách thả nó vào chậu nước, thấy
nó nổi đều, cân nhau không triềng, thế là đích ấm tàu.” (Những chiếc ấm đất –
Nguyễn Tuân).
SỬ
DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG ẤM TỬ SA
Những chiếc ấm trải qua thời gian dài sử dụng và bảo
dưỡng sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết. Nói
chung, giá trị của nó chỉ có tăng chứ không giảm.
Có người mua ấm mới về không đem ra dùng ngay, họ dùng
giấy nhám loại nhuyễn thấm nước chà trong ngoài cho hết bụi đất lò nung gốm bám
dính vào, rồi rửa sạch. Sau đó cho ấm vào một nồi nước đun sôi suốt mấy tiếng đồng
hồ. Có người đun sôi ấm như thế trong một nồi bã trà lớn nhiều giờ hay nhiều
ngày đêm, để ấm có thể hấp thu chất trà vào các lỗ thông khí (khí khổng), loại
bỏ mùi của đất, hương vị trà không bị át mất. Ngày nay, trên thị trường đã có
bán loại máy chuyên dùng bảo dưỡng ấm, bằng cách phun nước trà liên tục suốt một
ngày đêm để tôi những chiếc ấm mới.
Những tay cự phách trong làng trà thường không thích ấm
mới, vì còn hôi mùi đất; ấm càng cũ càng tốt vì trong lòng ấm có gợn lớp bợn
trà, mới cho ra nước trà ngon. Vì điều này, các người sành trà ít dùng chất
tẩy rữa bên trong ấm trà, chỉ tráng qua nước nóng sau khi dùng, rồi úp để ráo.
ẤM
TRÀ THỜI TRỊNH NGUYỄN
Sẵn bàn về các ấm trà, tôi xin ghi ra đây trích
đoạn bài viết “Bộ ấm cũ” của Phí Ngọc Hùng để các bạn hiểu thêm
sự trân trọng ấm trà cuả người xưa:
“Theo điển tích thì tất cả những bộ ấm trà của các cụ
từ thời Trịnh Nguyễn được gọi chung là đồ “ký kiểu”, hiểu theo nghĩa là vẽ kiểu
trước và ký là dấu ấn hay một bài thơ ngắn. Khởi đầu từ chúa Trịnh Sâm, người
được coi là trà sư của nghệ thuật uống trà, tự nhận mình là “trà nô”, với chén
bạch định hay bạch trản ký hiệu “Nội Phủ”. Sau đó, cụ Nguyễn Du mang về cho vua
Gia Long bộ ấm “Giáp Tý 1804”, riêng cụ có bộ Mai Hạc với hai câu thơ “Nghêu
ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen”. Tiếp đến vua Minh Mạng
có bộ “Chữ Nhất”, vua Thiệu Trị với bộ “Mãn Hoa Tùng Đình” và vua Tự Đức cùng bộ
“Ngọan Hảo”. Các bộ ấm đặt làm cho các quan, với “chữ đề” gọi là “chấm”. Quan
võ thích chấm “Tam Cố thảo lư”, hoặc “Tây Sương ký”. Quan văn ưa “Trúc lâm thất
hiền” hay “Đạp tuyết tầm mai” này nọ…
Từ các bộ ấm của các quan, sau rơi rớt lại trong dân
gian qua cụ Tú, cụ Cử, cụ Nghè…Các cụ xem bộ ấm trà như vật gia bảo để đi vào
giai thoại: Như cụ cử Lưu làng Nguyệt Ánh, tỉnh Hà Đông, cụ có bộ ấm trà “Bạch
định” để không thì trắng cả trong lẫn ngoài, nhưng nếu rót trà vào ấm thì hiện
lên một bức họa “Thanh sơn bạch vân” thêm bốn câu thơ nhỏ li ty, mỗi câu ở mỗi
chén. Năm 1922, cụ cử Nguyễn Kỳ tri huyện Thanh Trì, muốn xem bộ ấm chén đó phải
nhờ cụ đồ Thục tiến dẫn và được hương hào, lý trưởng làng Nguyệt Ánh xuất tuần
phu, trống rong cờ mở, hương án bái vọng như thiên tử tuần du. Tháng sau, cụ cử
Lưu lại khăn gói qủa mướp như trẩy hội qua làng Hoàng Mai để đáp lễ và cũng để
thưởng ngoạn bộ chén trà văn kỳ thanh, bất tướng kỳ hình có cái tên “Kim tiên kỳ
ngoạn” còn được gọi là bộ “Long linh” từ đời Minh Vĩnh Lạc, khi soi dưới ánh
sáng mặt trời thấy “lưỡng long tranh châu”, nét như sợi chỉ và phủ ngoài một lớp
men nên nhìn sơ qua chỉ thấy mầu trắng không. Khi nào rót trà, nhìn vào lòng
chén, sẽ thấy hai con rồng cử động và ngo ngoe như thật” - (Bộ ấm cũ – Phí
Ngoc Hùng)
CÁC
LOẠI CHÉN UỐNG TRÀ
1. Chén tống
Chén tống xưa gọi là tướng, sau đổi gọi là tống. Chén
tống rất quan trọng, như một vị tướng chỉ huy ba đội quân, nó vừa để tống, vừa
để nghênh đón những giọt trà mà người xưa gọi là “Dịch thể ngạnh ngọc bào”.
Chén tống có hai loại: Hoặc là trên dưới bằng nhau, hoặc
là miệng hơi loe ra cho khỏi vung vãi đổ ra ngoài phí trà. Chén tống dùng làm
giảm bớt độ nóng của nước trà, kẻo uống phỏng môi, bỏng họng. Nó là
loại chén chuyên, dùng để chuyển trà từ ấm trà qua những chén quân, rồi
uống; vì nước từ ấm trà ra bao giờ cũng phải dùng thứ nước thật sôi, rắt
nóng. Nước chưa đủ độ sôi thì trà sẽ không chìm và không toát ra hết tất cả
hương vị của từng lá trà, trong ấm trà.
2. Chén quân
Tại sao phải là ba chén quân? Vì người xưa, người
Trung Hoa hay có câu “Tam quân đương nhất chiến”, phải ba đạo quân mới giữ vững
được một trận tuyến, và người xưa lại còn nói thêm một câu khác nữa là: “Quân
chi tam đội, thành nhất chiến chi công”.
Ngay những lúc độc ẩm cũng phải cần tam quân để cho
trà vừa nguội, uống hết chén nầy lại uống chén nữa, sau đó mới pha lần khác. Có
người để sẵn trong chén tống, pha riêng khi độc ẩm, nhưng nghi thức vẫn đòi hỏi
tam quân. Con số ba là số dương – “dương số”, con số vừa vặn, vì nếu 5 thì lại
quá nhiều – Theo Dịch học, số lẻ là số dương, số chẳng là số âm;
người xưa ít thích số âm, chỉ thích số dương.
Theo ông Vương Hồng Sển thì miền Bắc dùng một chén tống
và bốn chén quân; miền Trung trở vào Nam dùng một chén tống với ba chén quân
nên mới có thành ngữ “nhất tống tam quân”.
Bộ chén trà lại chia làm bốn loại để dành dùng cho từng
mùa: Xuân ẩm, hạ ẩm, thu ẩm và đông ẩm. Hình dạng bốn bộ chén này cỡ vừa (không
lớn không nhỏ, không dày không mỏng) vào xuân thu gọi là kiểu xuân ẩm và thu ẩm;
nhưng kiểu Hạ ẩm dùng cho mùa Hạ chén nhỏ thành mỏng giúp nước nhanh nguội, kiểu
Đông ẩm thì chén trà dày và lòng chén sâu giữ cho trà lâu nguội.
Chén uống trà mà chúng ta gọi là tam quân ở đoạn trên,
cũng rất quan trọng, người ta phải chọn chén, men chén phải mầu gì để hợp với sắc
trà, hoặc làm tăng thêm sắc lóng lánh của trà, trái lại có những màu men làm giảm
sắc trà, tức là giảm hứng thú.
Dưới đời nhà Đường, ở phương nam người ta chế được nước
men xanh (thanh từ) và ở phương bắc, nước men trắng (bạch từ). Lục Vũ cho màu
xanh là màu lý tưởng của chén đựng trà, vì nó tăng thêm màu lục cho nước trà,
còn màu trắng thì làm cho nước trà có vẻ hồng hồng kém ngon. Đó là vì ông dùng
trà bánh, về sau, khi các tay Trà sư đời Tống dùng trà bột, họ ưa những chiếc
bát nặng màu thanh mặc tức xanh đen và màu âm hạt tức nâu sẫm. Người đời Minh uống
trà ngâm lại thích dùng những chiếc chén nhẹ men trắng.
Việt Nam ta có loại chén gọi là chén hạt mít, vì
có những màu men tựa màu vỏ hạt mít và chén cũng khá nhỏ.
3. Các loại chén trà quý
– Người xưa có câu “ấm đất Nghi Hưng, chén sứ Cảnh Đức”;
nói chén uống trà phải nói đến Cảnh Đức Trấn. Trấn này nguyên trước chỉ là một
vùng đất thôn dã mang tên Xương Nam, đến niên Cảnh Đức (1004 – 1007) thời vua Tống
Thần Tông (960 – 1279), chọn nơi này làm xưởng sản xuất đồ gốm dành cho vua và
triều đình dùng (gọi là Ngự Diêu) nên đổi tên thành Cảnh Đức Trấn. Nếu Nghi
Hưng có loại đất sét đỏ gọi là tử sa làm ra loại ấm đất lừng danh, thì Cảnh Đừc
có loại đất sét trằng gọi là cao lanh làm ra loại chén sứ có tên tuổi không kém
phần lừng lẫy. Sứ Cảnh Đức đặc sắc ở điểm có lớp men ngọc nhiều màu và men ngọc
bích (celadon), men chén mỏng và nhẹ, tiếng gõ vang trong và ngân rất dài. Với
đặc điểm này làm chén dùng trà khiến trà trở nên tươi ngon hơn.
– Việt Nam từ đời Lý-Trần đã làm ra những sản phẩm sứ
dùng trà rồi. Dĩ nhiên vào thời nhà Lý chén trà vẫn còn hơi nặng, dù đã tạo ra
men ngọc nhưng men chưa được mỏng, tiếng gõ chưa trong và ngân như chén của người
Trung Hoa.
Thư tịch Nhật có ghi thiền sư Raku Zengoro, người phò lãnh chúa Ashikara mang về cho thiền viện Kasuga trà cụ – chén trà có dáng bát trà đời Lý, Trần được gọi là An Nam Yaki của làng Chu Đậu, vì rằng người Việt uống chè xanh, chè vối bằng bát nên ảnh hưởng đến chén tống temmonlu của họ sau này.
Qua đời Trần thì có những sản phẩm không thua kém nhiều,
gốm Chu Đậu về kỹ thuật đã đạt, nhưng vấn đề nguyên liệu sản xuất rõ ràng còn
thua kém đất của Cảnh Đức Trấn, vốn lừng danh. Đến đời Lê-Mạc, gốm Chu Đậu được
giới chuyên môn hiện nay đánh giá “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như
ngà, kêu như chuông” nên có thể nói không còn thua kém nữa. Gốm Chu Đậu hiện đã
được thế giới biết đến, dù số lượng trưng bày trong các viện bảo tàng khá hiếm
hoi.
– Nhật Bản và Trung Quốc sinh thù nghịch từ thế kỷ
14, hồi quân Nguyên sang đánh Nhật bị ngọn Thần Phong diệt. Khi nhà Minh lên
ngôi, từ năm 1371 ra lệnh cấm dân duyên hải xuất ngoại. Đến năm 1567, mới bỏ luật
này, nhưng vẫn cấm vượt biển sang Nhật Bản vì nạn “Nụy khấu” (cướp lùn) quấy
nhiễu bờ biển Trung Quốc. Suốt mấy thế kỷ đó, Nhật không quan hệ tốt với
Trung Hoa, họ quay xuống Nam và đã tìm thấy nơi Đại Việt, thời nhà Lê nguồn
cung cấp tơ sống và gốm sứ.
Lúc này Đại Việt đã làm sứ vẽ lam. Gốm sứ trà Việt nhập
vào Nhật Bản nhiều hơn trước, đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật Trà Đạo
của Nhật Bản đang hồi cực thịnh. Không gò gẫm tỷ mỷ như bàn tày nghệ nhân đời
Minh, với mấy nét đơn sơ trên gốm Việt phóng bút cảnh chim trời, cá nước, sơn
thủy, tùng thạch .v.v… xuất cái thần vị Thiền, Lão chẳng khác nào tranh tốc họa
Sumie; và thuật thư pháp rất hợp với tâm hồn trà nhân Nhật, làm họ say mê. Vẽ gốm
như vẽ tranh Thiền. Di sản tranh cổ họa Việt Nam ngày nay chừng như có thể thấy
trên gốm cổ.
– Việt Nam ngoài gốm Chu Đậu, ta cũng thường nghe nhắc đến gốm Bát Tràng.
Hai chữ Bát Tràng này ta thường nhớ trong bài
ca dao:
Trên
trời có đám mây xanh,
Ở
giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
Ước
gì anh lấy được nàng,
Để
anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây
dọc rồi lại xây ngang,
Xây
hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
(Ca
dao)
Xin ghi ra đây chuyện về tên Bát Tràng, các bạn
có thể dùng trong lúc “trà dư tửu hậu”:
Thời nhà Lê, làng Bát – một chữ không thôi- thuộc huyện
Gia Lâm, trấn Kinh Bắc. Thời nhà Nguyễn 1822, trấn Kinh Bắc đổi thành Bắc Ninh
và làng được gọi là làng Bát Tràng (tháng 11 năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc tỉnh
Hưng Yên, sau thuộc ngọai thành Hà Nội…). Ngòai ra có sách khác viết tên làng Bạch
Thổ vì vùng này có đất sét trắng. Theo một cụ cao niên, người làng Bát Tràng,
trươc cũng có làm đồ gốm thuật lại cho biết làng Bát Tràng từ chữ Nôm, bát chỉ
đồ gốm và chữ Hán, tràng (hay trường) là đất hay vùng dành cho làng nghề. Làng
không làm… gạch, tất cả chỉ là sự ngẫu nhiên: Để nung bát, đĩa, dân làng làm gạch
để kê, sau mới có gạch Bát Tràng.
Trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trải viết: “Bát Tràng thuộc
huyện Gia Lâm, Huê Cầu thuộc huyện Văn Giang. Hai làng ấy cung ứng đồ cống cho
Trung Quốc là 70 bộ bát dĩa, 200 tấm vải thâm.” [Nguyễn Trải Toàn Tập – NXB
Khoa Học Xã Hội 1998 – Trg. 225] để chứng minh Việt Nam có lò sản xuất ấm trà ở
Bát Tràng.
Có người nói: Tên Bát Tràng khởi nguyên từ hai chữ
ghép: của thổ ngơi tổng Bạch “Bát” và tên của anh em ông thợ gốm Nguyễn Ninh
“Tràng” mà có.
(Còn tiếp nhiều kỳ)
Nguyên Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét