BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TỔ QUỐC HAY - Nguyễn thị Hoàng

 

   


ĐẤT NƯỚC TÔI YÊU
               
Ta nằm xuống thảm cỏ quê hương
Hát một bài ca về Đất Mẹ
Sông, núi, bầu trời qua bao thế hệ
Vẫn ngọt ngào như câu ca dao
 
Mẹ đã nuôi ta trong mưa nắng dãi dầu
Ta lớn lên thành người con đất nước
Dân tộc tôi gặp nạn nhiều và cũng nhiều tủi cực
Nhưng rất giàu yêu thương bao la
 
Việt Nam ơi!
Ta gọi tên hai tiếng của ông cha
Qua 4.000 năm dân vẫn còn nghèo đói
Hết giặc ngoại xâm. Lại lũ quan tham giày xới...
Đánh thắng bao quân thù mà mãi chửa "tròn Nhân".
 
Ôi, đất nước ta yêu quí vô ngần
Thế kỉ XXI rồi, người ơi!
Chẳng lẽ cứ câu ca dao "ngày tám tháng ba" hát mãi
Hãy mở thật rộng cửa trời Mỹ, trời Âu
Vừa lấy thế chống giặc phương bắc tràn vào
Vừa mở mang kinh tế...
Ông cha ta đã dậy rồi:
"dân trị tức pháp trị"
Không có gì bằng "khai dân trí"! (*)
 
Ôi, đất nước tôi yêu!
Ta sống làm người của non sông. Chết làm ma đất nước.
Dẫu chưa theo được bước chân cường quốc
Hãy thương lấy ngọn cỏ quê hương
Đói khát, khổ nghèo lòng nguyện thủy chung
Không theo gót Tàu Bang hại giống nòi, dân tộc
Để con cháu muôn đời không ô nhục.
                                                   PHẠM NGỌC THÁI                                                       
(*) Lời của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh 


     

                Tác giả Nguyễn thị Hoàng         


PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TỔ QUỐC HAY
                                                 Nguyễn thị Hoàng
                                    Nguyên GV Trường ĐH Sư phạm

"Đất nước tôi yêu" là bài thơ về tổ quốc rất máu tim, sâu sắc của nhà thơ Phạm Ngọc Thái trong dòng thơ hiện đại Việt Nam. Hòa trộn nhuần nhụy giữa ngôn ngữ thơ tự do với sự ngọt ngào của ca dao Đất Mẹ - Ngay bốn câu thơ đầu ta đã thấy:

                Ta nằm xuống thảm cỏ quê hương
                Hát một bài ca về Đất Mẹ
                Sông, núi, bầu trời qua bao thế hệ
                Vẫn ngọt ngào như câu ca dao
 

Thơ có âm hưởng của một khúc hát dân gian ta vẫn nghe đâu đó ở làng quê, tiếng ru hời trong canh khuya hay một khúc tình ca trên một bến đò. Sang đến khổ thứ hai, vẫn giọng thơ ngọt ngào ấy nhưng lại nói về cả dòng lịch sử dân tộc, vừa hào hùng lại chạnh nỗi xót xa:

             Việt Nam ơi!
             Ta gọi tên hai tiếng của ông cha
             Qua 4.000 năm dân vẫn còn nghèo đói
             Hết giặc ngoại xâm. Lại lũ quan tham giày xới...
            Đánh thắng bao quân thù mà mãi chửa "tròn Nhân".

Tình thơ tha thiết, yêu thương. Sang tới khổ thơ thứ ba dài tới chín câu - Khổ thơ này mang màu thế sự? Vẫn những lời thủ thỉ tâm tình, chia ngọt sẻ bùi cùng quê hương đất nước:

          Thế kỉ XXI rồi, người ơi!
          Chẳng lẽ cứ câu ca dao "ngày tám tháng ba" hát mãi...

Phản ảnh một bối cảnh xã hội hiện thời, theo nhân sinh và thế giới quan tác giả? Thể hiện quan điểm xã hội học của nhà thơ:

           Hãy mở thật rộng cửa trời Mỹ, trời Âu
           Vừa lấy thế chống giặc phương bắc tràn vào
           Vừa mở mang kinh tế...

 Đoạn thơ tuy mang ý tưởng thế sự nhưng vẫn bằng giọng thơ tâm tình mà thấm vào lòng người - Nêu lên hai vấn đề lớn của dân nước đang quan tâm nhiều:  Mở mang kinh tế và chống ngoại xâm !? Ý thơ, mở rộng cửa quan hệ sang các cường quốc Âu Châu và Mỹ làm cho dân giàu nước mạnh, tăng thế để chống giặc phương bắc tràn vào? Tác giả muốn nói: Với bọn Tàu Bang dù là vẫn tranh thủ hòa bình, hợp tác, hữu nghị, song như ông cha đã chỉ dậy, bản chất chúng luôn luôn nhăm nhe với âm mưu thôn tính để đô hộ dân ta? Đó là thực tiễn cả nghìn năm chống ngoại xâm của dân tộc. Nước phải cường, dân có mạnh... mới đánh trả được âm mưu bành trướng của chúng mà giữ nước. Đoạn thơ đậm chất nhân tình thế thái. Đó cũng chính là chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của thi phẩm này.

     Mấy câu cuối của khổ thơ thứ ba:

            Ông cha ta đã dạy rồi:
           "dân trị tức pháp trị"
           Không có gì bằng "khai dân trí"!

Tác giả lấy lời chỉ bảo của ông cha qua những câu huấn dụ của cụ Phan Châu Trinh, nhà yêu nước tôn kính của nhân dân Việt Nam! Đoạn thơ đề cập về xu thế chính trị? Tôi không muốn bàn nhiều về vấn đề này - Song nghĩ rằng, mai sau hậu thế cũng như các nhà nghiên cứu văn học bình luận về bài thơ? Đời sẽ mổ xẻ ý tứ mà tác giả muốn nêu ra, trong bài thơ về tổ quốc của anh!  Hôm nay, xin để độc giả tự hiểu theo ý riêng của mỗi người.

 Đoạn thơ cuối nói về lòng thủy chung, tình yêu với tổ quốc, quê hương:

         Đói khát, khổ nghèo lòng nguyện thủy chung

Hay là:

        Ta sống làm người của non sông. Chết làm ma đất nước.

Đến hai câu kết lại toàn bộ bài thơ, ta thấy tác giả lại trở về vấn đề thường vẫn đau đáu trong lòng của những người dân yêu nước, trước thời vận sống còn của non sông? Từ xưa, nay và mãi mãi mai sau:

          Không theo gót Tàu Bang hại giống nòi, dân tộc
          Để con cháu muôn đời không ô nhục.

Bài thơ chốt ở đấy! Về ngôn ngữ nghệ thuật: Tiết tấu, vần điệu thi ca hợp lý theo cảm xúc thơ. Tình thơ chân thành không phóng đại, thuyết phục được cảm xúc của nhiều người. Thi phẩm có khả năng sống lâu dài với thời gian và trong nền văn học nước nhà.

"Đất nước tôi yêu" là một bài thơ về tổ quốc hay! Thi phẩm được in trong tập: "64 BÀI THƠ HAY - PHẠM NGỌC THÁI", tác giả sẽ cho trình làng vào trung tuần tháng tới.

                                                             Mùa thu năm Canh Tý, 2020
                                                                      Nguyễn Thị Hoàng 

Không có nhận xét nào: