BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 7) – Nguyên Lạc

 


DỤNG CỤ UỐNG TRÀ

Như đã biết ở phần trên: Đoàn trà là bánh trà được bỏ thẳng vào bình nước nóng đang sôi, rồi rót nước trà ra chén uống. Mạt trà là bột trà để trong chén rồi rót nước được đun sôi vào. Đoàn trà tức là lối của Lục Vũ đời nhà Đường, chúng ta không theo. Chúng ta hiện nay không uống theo lối Mạt trà từ đời nhà Tống như người Nhật Bản – đây là cách uống trà trong Trà Đạo của Nhật. Cả hai cách uống trà này không cần ấm trà hay trà hồ. Ngày nay chúng ta uống trà là theo lối uống trà của đời nhà Minh, khoảng thế kỷ thứ 16 : Đó là uống theo lối trà ngâm, Tiễn trà hay Yêm trà – tức là bỏ trà khô vào ấm trà, rồi chế nước sôi lên, sau đó rót ra chén mà uống. Chính cách uống trà ngâm này như trên đã nói, làm phát triển ngành gốm sứ phục vụ việc uống trà – trà cụ. Quyết định dùng tiễn trà là động cơ thôi thúc các nghệ nhân lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây và lò Yixing, tỉnh Giang Tô vẽ ra nhiều kiểu ấm và chén tinh xảo cho cách thức uống trà mới.

Dụng cụ uống trà hay là Trà cụ gồm những vật gì? Ta lần lượt thử xét xem. Nên biết, ngoài trà cụ, có 2 vật ta phải cần có: Bếp lò hay trà táo và ấm đun nước.

Trà táo

Món đầu tiên cần nói là bếp lò đun nước pha trà (trà táo).Làm hỏa lò cũng là một nghệ thuật, sao cho lửa vừa đủ để nước sôi và ít cần thêm than mới vào. Hỏa lò phải được tính toán cẩn thận: ít lỗ thì lửa không bốc đủ, nhiều lỗ thì than mau tàn.

Ấm đun nước

Thứ đến là ấm đun nước: ấm của người Trung Hoa thường làm bằng đồng, của Nhật làm bằng gang. Người Trung Hoa thích dùng ấm đồng vì đó là yếu tố ‘kim’ trong Ngũ Hành của thú uống trà. Ấm đun phải có kim hỏa dưới đáy mới mau sôi. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có nói phần trên.


      (Hình bếp lò và ấm đun nước)

Trà cụ – Bộ đồ trà

Một bộ trà thường gồm có:

– Một cái dầm, đĩa dầm để ngâm ấm trà cho nóng, gọi là trà tẩm hay trà thuyền: Bộ trà nào cũng có một cái đĩa dầm vừa tầm với cái ấm, để ngâm ấm mà không ngập đến miệng vòi, vì trà cần được nóng từ bên trong đến bên ngoài, và dùng nước trong dầm đê ̉rửa chén trà cho ấm.

– Một cái ấm trà gọi là trà hồ (Sẽ bàn kỹ ở phần dưới)

– Một cái khay hay là trà bàn

– Một chén tống và vài chén quân (Sẽ bàn kỹ ở phần dưới)

. Về cái khay:  Tùy từng hoàn cảnh, có những cái khay mà người ta có thể súc chén đổ ngay xuống, nhưng có loại khay phải cần thêm một cái lon hoặc bình để đổ các thứ nước thừa thãi, bã trà … Tuy không đụng chạm trực tiếp gì đến trà nhưng khay trà góp một phần trong thú chơi trà. Có khay làm bằng gỗ, cũng có khay làm bằng sành sứ, chạm khắc hoa văn tùy theo sở thích người dùng. Một số loại khay trà nổi danh cũng có tên riêng như: Chân quỳ xoi chỉ, Bàn toán, Chân quỳ dạ cá, Thành lựu…

. Về chén trà: Chén trà Phương Tây có đĩa riêng cho từng chén, chén trà Á Đông đúng nghĩa thì không có; thay vào đó là khay trà để đựng chén tống, chén quân và còn có tách dụng tránh nước trà rây ra chỗ ngồi.

Đĩa dầm cũng có nhiều loại như đĩa vị thủy, đĩa siêu tương, đĩa tùng lộc, đĩa thạch lan, đĩa thạch trúc, đĩa con voi.

Ngoài ra còn có một số món linh tinh khác như: Cóng xúc trà hay trà tắc – là thanh nhỏ cuốn cong để xúc trà trong hộp cho vào ấm pha, tăm thông vòi, cái kẹp chén (để kẹp chén tráng nước sôi), trà kỷ (bàn nhỏ để uống trà)… và đúng cách hơn còn phải có lư hương đốt trầm khi thưởng trà.

Ấm trà hay trà hồ và chén trà được chú ý đến nhiều nhất, nhắc đến nhiều nhất nên sẽ bàn kỹ hơn phần tiếp theo.


  (Hình bộ đồ trà)

CÁC LOẠI ẤM TRÀ DANH TIẾNG

1. Truyền thuyết và lịch sử

- Chúng ta thường nghe nói đến cái tên Nghi Hưng, ấm trà Tử sa Nghi Hưng mà các cụ mua ấm ngày xưa cũng đòi cho được loại ấm này. Vậy Tử sa là gì, Nghi Hưng ở đâu, tại sao lại đòi phải cho được ấm từ Nghi Hưng? Xin được nói sơ qua chút về truyền thuyết và lịch sử liên quan đến chúng.

. Đọc sử thời Xuân Thu Chiến Quốc Trung Hoa, ai cũng biết câu chuyện Phạm Lãi với nàng Tây Thi. Ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn trong việc trả được mối hận đối với Ngô Vương Hạp Lư. Khuyên Việt Vương dùng Mỹ nhân kế – là nàng Tây Thi, làm cho Ngô Vương mải vui với người đẹp mà quên mất chính sự mà bị diệt.

Sau khi chiến thắng, ông thực hành đúng câu nói của cổ nhân là “công thành, thân thoái” (thành công rồi thì rút lui). Sự thực thì tại ông biết xem tướng người: Thấy Việt Vương Câu Tiễn là người có cái cổ dài và cái miệng giống mỏ chim – người như thế với tướng đàn ông thì là thứ người chỉ có thể ở với nhau lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng chung sống khi giàu sang, vinh hiển; nên ông đã xin từ chức, mặc dầu Câu Tiễn dọa dẫm đòi bắt vợ con ông, nhưng vẫn nhất quyết ra đi. Sử ghi ông đã bơi thuyền nhỏ đến Ngũ Hồ, sau khi đã vượt khỏi Tam Giang. Có sách ghi ông sang Tề làm đến Thượng Khanh đổi tên là Lục Di Từ Bi, sau đó mới bỏ Tề sang Thái Hồ ở tại Nghi Hưng, đổi tên họ thành Đào Chu Công và làm nghề đào khí, tức là đồ gốm. Ban đầu người trong làng bắt chước ông làm đồ gốm chỉ để dùng trong vùng, sau đó tiếng tăm càng ngày càng nổi, cả nước biết tiếng.

………..

Nhận xét của tác giả bài viết:

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên: Phạm Lãi (525 TCN – 455 TCN) là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh phục hận với Ngô vương Phù Sai. Khi diệt được Ngô, đại sự thành công, Phạm Lãi cho rằng vua Việt có tướng cổ cao, môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, cùng ở lúc hoạn nạn thì được chứ lúc an lạc thì không; nên ông không ở lại làm quan, mà bí mật trốn đi ở ẩn.

Phạm Lãi trốn đến đến nước Tề, cha con cùng tự cày cấy làm ăn. Nước Tề sai sứ mang ấn tướng quốc đến mời ông vào triều, nhưng ông từ chối. Ông cùng gia quyến lại trốn đến đất Đào (nay là tây bắc Định Đào, Sơn Đông), đổi tên thành Đào Chu công rồi khởi nghiệp kinh doanh và trở thành một thương gia giàu có lúc bấy giờ.

Trong suốt quãng đời ẩn danh, mưu sinh bằng nghề buôn, ông đã đúc kết cho mình và cho thiên hạ được 18 nguyên tắc kinh doanh hết sức quý giá truyền lại cho đến nay. Sách cổ Trung Hoa sau này ghi lại với tựa là “Đào Chu Công kinh thương thập bát tắc”, còn được gọi “Đào Chu công thương huấn” hay “Đào Chu công thương kinh”. Người Trung Hoa gọi ông là “Thương thánh”.

Cuốn Sử ký, mục Việt vương Câu Tiễn thế gia, phần cuối được Tư Mã Thiên nhận định: “Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà thành danh trong thiên hạ. Không phải ông ta chỉ bỏ đi một cách dễ dàng và thế là hết. Ông ta ở đâu, là nổi danh ở đấy”.

Sử đâu có ghi ông làm nghề đồ gốm ở Nghi Hưng đâu? Và thời ông, Xuân Thu Chiến Quốc chưa làm ấm trà, mãi đến đời nhà Minh, gần 2000 năm sau, với sự phổ biến cách dùng trà ngâm- Tiễn trà, ấm trà mới được làm ra.

- Nghi Hưng – Yixing, trước tên là Dương Tiện, nằm trên đất tỉnh Giang Tô, Vô Tích, phía tây Thái Hồ, Trung Quốc. Nó là một huyện kế cận thành phố Thượng Hải, cách khoảng 120 cây số về hướng Tây-Bắc; bên cạnh dòng Trường Giang. Tại Nghi Hưng có một loại đất sét đặc biệt, chứa nhiều thạch anh, mica, sắt, dùng để nung tạo các ấm trà không tráng men (Unglazed), gọi chung là ấm tử sa (Purple sand). Ấm Nghi Hưng là nói chung về ấm đất không tráng men (unglazed).


  (Bản đồ Giang Tô, Trung Quốc- Màu đỏ)

Đất ở Nghi Hưng thường có ba màu: tía đỏ, vàng sậm và nâu đen. Tử sa có nghĩa là cát tím.

Như đã nói ở trên, hình như tất cả những gì có người Trung Hoa tham gia vào đều có bên cạnh một vài huyền thoại; đất Nghi Hưng cũng không ngoại lệ. Đất này đã được người Trung Hoa thêu dệt nên huyền thoại như sau:

. “Xưa thôn Nghi Hưng nghèo khó có một ông sư hình dung cổ quái đi rao: “Mại phú quý thổ, mại phú quý thổ!” (Bán đất giàu sang đây). Ai dững dưng, . Ông sư thấy mọi người dững dưng, không ai phản ứng gì, càng ra sức rao “Quý bất dục mãi, mãi phú như hà ?” (Không muốn mua quý, thì làm sao giàu được). Mọi người cho ông là điên khùng, trừ một ông lão nhà nghèo. Nhà sư dẫn ông lão đến nơi mà ông gọi là “Phú quý thổ”, nằm trong hai ngọn núi Thanh Long và Hoàng Long (trấn Đinh Thục), dậm chân xuống đất rồi biến mất. Ông lão bèn đào sâu xuống tìm “phú quý” thấy lớp đất sét có 5 màu: đỏ, vàng, xanh lục, xanh lam và tím. Đó chính là tử sa”, dùng chế tạo gốm rất tốt”

Đất sét làm gốm sứ đây có đặc biệt gồm ba loại: đất sét tử sa có màu nâu sậm; chu nê có màu nâu đỏ, và đoàn nê có nhiều màu khác nhau từ màu lam, lục đến màu đen.

Đất tử sa không nhất thiết phải là màu tím đỏ mà có ba màu chính là màu vàng sậm (ta gọi là màu gan gà), màu đỏ sậm (ta gọi là màu da chu) và màu nâu thẫm ngả màu đen (tử sa). Tuy nhiên, trong ba loại màu đó đều có nhiều sắc độ (tùy theo lượng sắt trong đất sét nhiều hay ít), lại còn tùy theo thợ trộn các loại đất và pha chế thêm khoáng chất (nhưng tuyệt đối không dùng màu nhân tạo để nhuộm) nên các loại ấm tử sa có thể có từ màu ngà đến màu đen.

2. Ấm trà Nghi Hưng hay Tử sa Nghi Hưng (Nghi Hưng Tử Sa Hồ)

Ấm trà nặn từ đất sét tử sa Nghi Hưng được gọi là Ấm Nghi Hưng. Ấm Nghi Hưng ra đời theo loại trà ngâm từ đời nhà Minh, theo truyền thuyết Trung Hoa kể lại do Vũ Kỳ Sinh sáng tạo ra. Nhưng ấm Nghi Hưng thực sự lên đến đỉnh cao là đời nhà Thanh với những nghệ nhân làm ấm trà lừng danh như Huỳnh Mẫn Chương, Trần Minh Quang, … Sự nổi tiếng của ấm Nghi Hưng ngoài việc nó được làm bằng tay nên mỗi chiếc như một tác phẩm nghệ thuật (như ấm có tên Bách nhi đồ chạm nổi hình 100 đứa trẻ), mà còn vì loại đất sét ở đây rất đặc biệt, hiếm thấy nơi khác. Một số tác phẩm còn để lại tuyệt bút của một số nhà thư pháp nổi tiếng đương thời (có ấm viết trọn bài kinh Bát Nhã Tâm Kinh trên thành ấm).

Ấm trà Nghi Hưng hay Tử sa Nghi Hưng (Nghi Hưng Tử Sa Hồ) đã nổi danh trên thế giới: Chúng là những tuyệt tác phẩm nghệ thuật của Trung Hoa với đủ loại kiểu cách, dung lượng dùng để độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm, chứng tỏ sự khéo tay và óc sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân nghệ sĩ.

Giá trị của ấm Nghi Hưng ở chỗ không có tráng men, nên hấp thụ nước trà khiến càng lâu ngày trà càng có hương vị thơm hơn (cũng chính vì vậy ấm đất Nghi Hưng không được dùng chất tẩy rửa để làm vệ sinh, thường ấm dùng xong người ta chỉ tráng nước nóng rồi úp cho ráo).

Hình thức bên ngoài ấm Nghi Hưng cũng rất đa dạng, có thể vuông, lục giác, tròn, thậm chí hình trái phật thủ, sừng tê giác, … Hiện Trung Quốc xem nghệ thuật làm ấm đất tử sa một trong bốn quốc bảo cần bảo tồn, ba thứ còn là kinh kịch, tranh thủy mạc, và lụa Tô Châu. Do vậy, trên trường quốc tế khi nói đến ấm pha trà thiên hạ nghĩ ngay đến ấm Nghi Hưng.

Ấm tử sa không phải chỉ là một trà cụ mà còn là một tác phẩm nghệ thuật. Ấm nặn to nhỏ tùy theo dùng cho một (độc ẩm), hai (song ẩm) hay nhiều người (quần ẩm). Ấm quần ẩm có thể dùng cho ba, bốn hay nhiều người nên có cái chỉ bằng nắm tay nhưng cũng có cái to bằng cái ấm trà thường.

Người xưa đã tổng kết 5 ưu điểm của ấm Tử sa:

1. Dùng để pha trà không mất đi nguyên vị của trà, “Sắc, hương, giai uẩn” (giai uẩn có nghĩa là tiềm tàng). Văn Chấn Hanh đời Minh bình luận trong tập Trường vật chí : “Ấm Tử sa dùng pha trà tốt nhất, đậy nắp vẫn ngữi thấy mùi thơm, giữ nóng lâu”.

2. Thành ấm có nhiều lỗ thông khí kép nhỏ li ti (còn gọi là khí khổng), dùng lâu ngày có thể hấp thu mùi vị trà, chỉ cần chế nước sôi vào là có hương vị trà.

3. Nước trà pha trong ấm để quên mấy ngày không bị thiu, mốc hay biến chất.

4. Ấm sử dụng càng lâu càng phát màu, Ngô Kiến đời Thanh nói: “Ấm Tử sa dùng hàng ngày, năng lau chùi sẽ sáng bóng như gương”.

5. Ấm Tử sa có đặc điểm chịu được sự biến động nhiệt độ nóng lạnh tức thời mà không bị rạn nứt, lại truyền nhiệt chậm, lỡ tay cầm vào ấm không bị phỏng.


   (Hình các loại ấm trà Tử sa)

– Về hình dáng, ấm tử sa chia làm ba loại:

Ấm theo hình kỷ hà cân đối, nghĩa là tròn trĩnh, vuông vức, lục giác, bát giác hay nhiều múi. Đó là những ấm có thể dùng khuôn làm chuẩn, chỉ điểm xuyết bằng tay. Ấm có thể hình trái đào, trái thị, trái hồng hay hoa sen, hoa thủy tiên nhưng chủ yếu là cân đối. Người thợ có thể thêm thắt nặn vung ấm, vòi ấm hay quai ấm khác đi và có thể trang trí trên thân ấm những hoa quả, con thằn lằn, con chuột … hoặc đề chữ, đề thơ để tăng giá trị.

Cỡ ấm thường có 3 cỡ: Lớn, trung và nhỏ. Tùy từng lúc, với một người nghiện nặng, trong nhà bao giờ cũng có mấy cỡ ấm: lúc một mình độc ẩm, cần ấm riêng cho một người; song ẩm, để uống với tri kỷ; và quần ẩm, lúc có trên ba người.

– Đặc điểm ấm Nghi Hưng:

. Đất sét Nghi Hưng nung lên rất rắn chắc bền bỉ, không bị nứt dù thay đổi nhiệt độ bất thường khi đổ nước sôi vào. Đất còn có những khí khổng rất nhỏ (pores) phải soi kính hiển vi điện tử mới thấy được. Những khí khổng vi ti đó có tác dụng cách nhiệt, vừa bảo tồn hương vị, vừa không làm cho bên ngoài quá nóng. Một đặc tính khác là khi được nung, ấm không bị co lại hay biến dạng nên nghệ nhân dễ dàng làm nắp ấm được vừa vặn, khít khao.

Khi trong dạng thiên nhiên, đất sét Nghi Hưng mềm, có màu vàng, nâu đen hay xanh nhạt. Sau khi nung, đất màu vàng đổi sang màu da chu, màu đen thành màu tử sa, còn màu xanh lại biến thành màu gan gà. Màu sắc khác nhau tùy theo lượng hoá chất trong đất, nhất là chất sắt.

Đất sét được đào lên từ lòng đất sâu, phơi khô thành từng tảng. Những tảng đất đó được tán thành bột rồi được rây bằng những rây tre để lọc đi tất cả sỏi đá và các chất khác lẫn trong đất sét. Bột đất sét sau đó được đổ vào những bể nước hình chữ nhật cao khoảng thước rưỡi rồi tháo nước trong vào. Ba ngày sau, dung dịch đất và nước đó lại được gạn qua một bể khác và để nước bốc hơi đi cho keo lại. Đất sét được cắt ra thành từng bánh bán cho thợ làm đồ gốm.

. Người thợ khéo thường hay viết tên hiệu, có khi ngày tháng chế tạo, niên đại hoặc đóng dấu vào đáy ấm khi tác phẩm hoàn tất. Triện thường hình vuông, hình tròn hay bầu dục khắc nổi. Những chiếc ấm đắt tiền có khi có thêm một cái triện nhỏ bên trong nắp ấm, hoặc một con dấu khác dưới tay cầm. Ngoài con dấu có khi còn có vài chữ Hán. Chữ đề thường là chữ thảo do một người giỏi thư pháp (phép viết chữ) đề bằng bút tre nhọn, khắc hẳn vào thân ấm. Có thể chỉ là vài chữ chúc tụng nhưng có khi là hẳn một bài thơ, một đôi câu đối.

Có một câu “Hồi Văn Thi” rất được nổi tiếng đọc ngược xuôi gì cũng được, đó là câu “Khả dĩ thanh tâm dã” có thể đọc thành “dã khả dĩ thanh tâm”, ”thanh tâm dã khả dĩ”, hoặc “Tâm dã khả dĩ thanh”… Ý nghĩa thì mọi người đã hiểu: “Uống trà trong cái ấm nầy thì có thể làm cho cái tâm người được trong sáng”.

Trước đời nhà Minh người ta uống trà trong những cái ấm lớn mà nổi tiếng nhất là ấm của Chu Cao Khởi. Sang đến niên hiệu Chính Đức, Thái Hồ có một ngôi chùa nhỏ mang tên là Kim Sa tự; trong chùa này có vị sư hiệu là Vô Danh, một nhà sư cũng rất thiện trà. Một hôm ông suy nghĩ: Uống trà trong cái ấm lớn không gọn gàng, vừa tốn trà vừa tốn nước, lại không đủ hương vị. Nhân quen với những đệ tử làm nghề đào khí, ông bèn chọn thứ đất tốt rồi tự tay nắn lấy cho mình một cái ấm nhỏ, hình như quả trứng có nắp đậy, trên nắp có lỗ để cho thông khí. Mang vào lò nung xong, về chùa tự pha trà uống thì đúng như ý muốn. Chỉ cần một nắm trà, không phải đun nhiều nước, uống chén nào ra chén nấy, hội đủ hương vị sắc, lại không phải uống nhiều đến nổi mất ngủ. Vô Danh Hồ xuất hiện từ đó.

Vô Danh Hồ, nắn bằng tay chứ không nắn bằng bàn đạp. Màu đất của ấm là màu đỏ đồng, hình quả trứng, đáy ấm có ấn dấu tay; khi đổ nước sôi vào thì ấm tự sủi lên, từ ở ấm phát ra một âm hưởng nhè nhẹ, không ngừng cho đến khi nước nguội dần.

3. Tìm hiểu ba hiệu ấm trà: Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần

Không biết có phải vì cái bóng của nhà văn Nguyễn Tuân quá lớn không, khi nói đến ấm pha trà người Việt hiện thời nhớ ngay câu: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Nhưng hỏi ngược lại, ấm Thế Đức gan gà, ấm Lưu Bội, ấm Mạnh Thần như thế nào? nhiều người ấp úng. Ngay cả Nguyễn Tuân cũng chẳng giải thích gì thêm. Chẳng biết có phải ông chỉ nghe nói thế và kể lại hay không?

Ta thử tìm hiểu 3 loại ấm này.

Đầu tiên cần xác định, đây không phải là thành ngữ điển tích của người Trung Hoa, mà là câu thiệu bằng thơ lục bát cho dễ nhớ của các cụ ta (VN) ngày xưa, vì vậy “vai vế” thứ nhất, thứ nhì, thứ ba trong câu chỉ là tượng trưng, xếp theo vần điệu cho dễ nhớ, chứ không phải thứ hạng.

Thật ra ba loại này là ba chủng loại của ấm Tử sa Nghi Hưng, thích hợp dùng cho những loại trà đã oxy-hóa nhiều như trà Ô long, hồng trà; không nên dùng cho trà xanh hay trà trắng. Khi các cụ thời xưa ca tụng ba loại ấm này hẳn là giới trung lưu quen dùng trà tàu. Trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ cũng lưu ý “trà Ô-long thường được pha trong bình chu sa gan gà”.

Nói chung, ba tên này là ba hiệu ấm thông dụng nhất nhập cảng vào nước ta hồi thế kỷ XVIII, XIX.


(Hình ấm trà Tử sa Mạnh Thần)

. Ấm Mạnh Thần

Trong 3 hiệu Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần, ấm Mạnh Thần có niên đại lâu đời nhất, tác giả là Huệ Mạnh Thần ở Kinh Khê, Nghi Hưng, Giang Tô không rõ năm sinh năm mất. Đại khái thời của ông là vào buổi cuối Minh đầu Thanh. . Những chiếc ấm do chính tay Huệ Mạnh Thần làm ra thường đề: “Kinh Khê Huệ Mạnh Thần chế”, “Văn Hạnh quán Mạnh Thần chế”, “Huệ Mạnh Thần chế” hoặc “Mạnh Thần chế”


   (Hình ấm trà Tử sa Lưu Bội -Zhuni)

. Ấm Lưu Bội

Thiệu Cảnh Nam (1796-1874) hiệu Lưu Bội chủ nhân – là một danh gia chế tác ấm Tử Sa dưới triều Đạo Quang, ông nổi tiếng làm ra chiếc ấm nhỏ gọi là Zhuni (Chu nê – bùn đỏ).

Trên thân ấm Zhuni, tác giả dùng dao tre khắc hai câu thơ “Hồ trung nhật nguyệt trường/ Sơn dung vô y dạng”, ý nói “Việc thưởng trà có thể quên cả thời gian”, bên cạnh ký Lưu Bội, dưới đáy ấm có khắc dấu “Thiệu Cảnh Nam ấn” bằng thể chữ Lệ thư.


  (Hình ấm trà Tử sa Thế Đức- Tích Bao)

. Ấm Thế Đức

Ấm Thế Đức còn gọi là ấm Tích Bao, là loại ấm trà xuất hiện vào những năm Gia Khánh và Đạo Quang đời Thanh (1796-1850), do những danh gia chế tạo ấm, sau đó được các văn nhân vẽ tranh, viết thư pháp, đề thơ. Ấm làm bằng đất Tử sa, thân bọc thiếc. Núm nắp, quai, vòi được tô điểm bằng cách khảm ngọc, chạm trỗ tinh vi, rất được giới văn nhân tao nhã yêu thích.

Ấm Tích Bao (chữ “tích” nghĩa tiếng Việt là “thiếc”)

Ấm Tích Bao do Chu Kiên (1772-1830) – tự Thạch Mai, hiệu Thạch My, quê ở Thiệu Hưng, Chiết Giang- làm cho “Thế Đức Đường” vào những năm Đạo Quang nhà Thanh.

Ấm Thế Đức màu gan gà (là màu gan gà luộc chín, tức nâu pha vàng) dưới đáy có ghi 2 chữ Thế Đức. Màu gan gà là màu nâu sậm, ẩn màu tím của lá gan con gà còn tươi khi mới mổ. Màu này cũng chính là màu tía theo nguyên thủy chữ Hán trong “tử sa”. Nếu như thế, ấm gan gà là ấm tử sa màu nâu sậm là màu khá thông dụng cho các loại ấm đất, chỉ sau loại màu đỏ gạch.

Ấm “Thế Ðức gan gà” mà các cụ ta nhắc đến không phải là ấm số một trong các loại ấm Nghi Hưng. Dưới thời Minh Thanh (và cả sau này thời Dân Quốc), người Trung Hoa có một mạng lưới thương mại rất rộng, hầu như khắp nơi trên thế giới. Ðồ sứ, đồ đất nung là những món hàng được ưa chuộng. Riêng các quốc gia Ðông Nam Á, ấm đất được chở sang gồm nhiều hiệu khác nhau nhưng Thế Ðức Ðường là loại nổi tiếng nhất, kế đó là ấm nhỏ hình quả lê theo hai kiểu Lưu Bội, Mạnh Thần. Khi chọn ấm, phân biệt Thế Ðức, Lưu Bội, Mạnh Thần là nhãn hiệu ở đáy ấm, thường là chữ viết hay con dấu. Thế Ðức Ðường là tên một hãng sản xuất, Lưu Bội và Mạnh Thần trái lại là tên của hai danh sư chuyên nặn ấm đời Minh. Về sau, một số kiểu ấm của hai vị này được hình danh, gắn liền với tên trở thành hai cái tên ấm – ấm Lưu Bội, ấm Mạnh Thần.

(Còn tiếp nhiều kỳ)

                                                                                       Nguyên Lạc

Không có nhận xét nào: