BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 3) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty
 
Sáng thứ Hai, trình diện tại Ty để chờ bổ nhiệm, chúng tôi gặp hầu hết các bạn khác từ các nơi cũng đã đến từ thứ Bảy, Chủ Nhật.
 
Sư phạm Qui Nhơn đủ mặt: Lê Thị Ngọc Trinh, Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng.
Sư phạm Sài Gòn: Nam có Nguyễn Hảo Tâm, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Nghị. Nữ có: các cô Nguyệt, Châu, Hải, Trang...
Sư phạm Long An chỉ có một ngoe là Ngô Thanh Bạch.
 
Ty Trưởng đương nhiệm là Ông Trương Cảnh Ngôn, sắp về hưu. Đỗ Thị Nghiên, Trương Khắc Nhượng, Nguyễn Hảo Tâm và tôi cùng được bổ nhiệm về trường Tân Bùi, xứ Tân Bùi, cách trung tâm Bảo Lộc chừng năm cây số. Lê Thị Ngọc Trinh bổ về trường Nữ Bảo Lộc ngay trung tâm phố. Nguyễn Văn Ba phụ chân kế toán tại Ty. Riêng Trịnh Công Sơn được "biệt nhãn" hơn bổ về một trường Sơ Cấp Thượng, ở sát nách Ty, chừng non cây số. Với chức vụ là Trưởng Giáo. (Xin chú ở đây, theo qui chế Bộ Giáo Dục bấy giờ: một trường chỉ có lớp bốn trở xuống gọi là trường Sơ cấp. Đứng đầu là Trưởng Giáo, phải dạy lớp và không có phụ cấp chức vụ 200$. Trường từ năm lớp trở lên mới được gọi là trường Tiểu học. Đứng đầu là Hiệu Trưởng có phụ cấp chức vụ, vẫn phải đứng lớp. Truờng có từ mười lớp trở lên, Hiệu Trưởng mới được miễn dạy.
 
Ngạch chúng tôi là Giáo Học Bổ Túc, chỉ số lương tập sự là 320, ngân sách do Bộ Quốc Gia Giáo Dục đài thọ, như đã nói ở trên. Sau khi phân bổ xong, Ty cho chúng tôi được nghỉ một tuần để thu xếp nơi ăn chốn ở. Thứ hai tuần tới sẽ trình diện nhiệm sở mới. Khi về đến nhà, chúng tôi bò lăn ra cười với cái chức Trưởng giáo của Sơn. Lần đầu nghe tới chức Trưởng Giáo, ai cũng liên tưởng tới chức Trưởng Lão Hộ Pháp trong Ma Giáo, truyện chưởng Kim Dung.
 
Mấy ngày thong thả, tôi và Sơn đi dạo khắp nơi để tìm nhà trọ. Thật đúng như lời của một bản nhạc "đi dăm phút đã trở về chốn cũ..." Phố Bảo Lộc nằm dọc theo quốc lộ, chỉ có một đoạn ngắn chưa đầy nửa cây số. Bắt đầu từ trường Nông Lâm Súc, chạy thoai thoải xuống dốc, đến cuối dốc là một cái hồ nước, trông giống như cái lòng chảo là hết. Lên dốc, hai bên là những đồi trà ngút ngàn. Lâm Đồng là xứ trà.
 
Xưa kia B'B'Lao do người Pháp khai khẩn trồng trà và chế biến trà. Họ có nhiều trang trại lớn và có cả sân bay tư nhân. Năm chúng tôi được bổ về đây thì chỉ còn hai người Pháp già lấy vợ Việt Nam là còn ở lại. Những trại chủ khác đã bán lại cơ sở cho người Việt hoặc bỏ hoang để về nước vì không chịu nổi Việt Cộng thu thuế.
 
Bảo Lộc là đọc theo âm Việt của tên Thượng là B'Lao. Năm 1954, ông Diệm đưa số người Bắc di cư lên đây khẩn hoang lập nghiệp. Họ toàn là người Công Giáo. Dẫn đầu là một cha xứ. Người xứ nào ở ngoài Bắc thuộc làng gì thì lên đây qui tụ lại thành một xứ, lấy tên làng mình ghép thêm chữ Tân để thành tên của xứ mình. Ví dụ: làng Bùi Chu thành Tân Bùi. Theo thứ tự, hướng từ Định Quán lên cao dần, qua khỏi khu vực sông La Ngà là đèo Ma Đa Gui, ranh giới tỉnh Lâm Đồng. Quận Bảo Lộc bắt đầu từ xứ Tân Bùi. Tiếp theo là Tân Hà. Phố Bảo Lộc nằm giữa. Rồi đến Tân Thanh, Tân Phát. Xa vào tận buôn Thượng còn thêm Tân Rai và Tân Lú. Tôi chưa đến đó bao giờ. Chỉ đọc thấy trên bản đồ hành chánh.
 
Mỗi xứ đạo do một cha xứ cai quản, cả phần hồn lẫn phần xác. Phụ tá có các ông trùm. Xứ có lực lượng vũ trang riêng để tự vệ an ninh và đánh trả Việt Cộng. Chung quanh xứ bảo bọc bởi hàng rào tre kiên cố. Kẻ lạ muốn vào xứ phải có người trong xứ quen và hướng dẫn. Xứ được xây dựng theo đồ hình bát quái. Trung tâm là nhà thờ. Dưới mỗi nhà đều có đường hầm ăn thông với đường hầm chính dẫn tới nhà thờ. Đường hầm được đào và xây dựng rất rộng rãi, chắc chắn. Suốt những năm ông Diệm chấp chánh, không một tên du kích nào dám bén mãng đến quấy rối. Nghe nói lúc đầu cũng có vài tên cố thâm nhập nhưng đều bị giáo dân tóm cổ tức khắc. Trong khi đó, tại trung tâm phố, khu tập trung đông đảo dân Nam, Ngãi, Bình, Phú, Thừa Thiên theo đạo Phật đa số thì Việt Cộng lại dễ dàng trà trộn rải truyền đơn và treo cờ. Kể từ năm 1964, khi chúng tôi dạy học tại đây, trở về sau, những chính quyền kế tiếp không chú trọng đến kế hoạch ấp chiến lược nữa, thu hồi toàn bộ vũ khí của các xứ, nên vấn đề an ninh lỏng lẻo dần.
 
Trở lại chuyện chúng tôi đi tìm nhà trọ. Suốt mấy ngày, Sơn và tôi lang thang khắp ngõ để tìm nhà thuê, nhưng không nơi nào vừa ý. Nhất là nhà vệ sinh thì khiếp quá. Tất cả các nhà đều đào hố xí sau vườn. Gác ngang miệng hố là hai thanh gỗ. Che chung quanh bằng những tấm cót tre. Không có mái che. Ngày mưa phải đội nón lá mà ngồi. Nhặng xanh hằng ngàn con bay vù vù từ dưới hố lên, bu cả vào người. Dòi bọ trắng nhởn to bằng đầu đũa, bò lổn nhổn khắp mặt đất. Eo ơi! Còn những ngày nắng oi nồng, cái mùi xú uế từ dưới xông lên càng khiếp đảm.
 
Trong lúc loay hoay tìm nhà, có ai đó mách chúng tôi, ở về phía Ty Công Chánh có ngôi biệt thự vừa xây xong, chủ nhà muốn cho thuê nhưng hơi đắt. Sơn và tôi đến ngay. Nhà rất đẹp, tọa lạc trên một khu quang đãng, thoáng tầm nhìn. Chung quanh hàng rào bao bọc, phía trước có cổng. Nhà có ba phòng ngủ, một phòng khách. Nhà bếp rộng chia làm hai, một nửa là bếp, một nửa là phòng tắm và vệ sinh. Chủ nhà là một người đàn bà tuổi trạc độ ba mươi, người mảnh dẻ. Bà hiện là Trưởng Phòng Kế Toán của Ty Công Chánh Lâm Đồng. Bà sống với đứa con gái nhỏ sáu tuổi tên Đào. Chồng bà đang làm việc ở Sài Gòn, bà cho biết. Sau khi nói chuyện độ dăm phút, chúng tôi bằng lòng thuê toàn bộ căn nhà, trừ một phòng cho bà và đứa con gái để ở, với giá 1.200 đồng. Nếu muốn ăn cơm tháng thì bà nấu luôn cho. Ngày ba bữa, mỗi người trả thêm ba trăm đồng. Chúng tôi ra về với lòng thơ thới vì đã tìm được nơi ăn ở vừa ý. Trên đường về Sơn cứ lẩm bẩm: Đàn bà mà tên Phi lại lót Thị, Thị Phi... Thị Phi!
Sơn tủm tỉm cười một mình. Tôi biết Sơn đang nghĩ gì về bà chủ nhà trẻ, sống một mình.
 
Chúng tôi rủ thêm hai người bạn nữa để chia bớt phòng và chia bớt tiền. Hai anh Nguyễn Hảo Tâm và Nguyễn Văn Ba đến xem nhà và đồng ý ngay. Sơn và tôi có công tìm nhà, nên được ưu tiên ở căn phòng trước, có cửa sổ quay ra mặt đường. Tâm và Ba ở căn kế. Bà chủ nhà căn trong cùng. Ba phòng ăn thông ra phòng khách. Phòng khách có cửa hông thông với nhà bếp. Từ lúc chúng tôi về ở, trừ những lúc dọn cơm cho chúng tôi hay những lúc đi làm chạm mặt ở phòng khách, bà chủ cùng đứa con gái đóng cửa im ỉm, nói chuyện rầm rì ở trong buồng, ít khi ló mặt ra ngoài.
                Từ trái sang phải: Nguyễn Hảo Tâm, Nguyễn Văn Ba,
                Đỗ Danh Đạo, Nguyễn Đức Tín, Nguyễn Thanh Ty (tác giả viết bài này), 
                và Trịnh Công Sơn.  
 
Mấy tháng sau, bà thuê được một cô người làm. Cô này độ chừng hơn hai mươi, có da thịt, tính tình hiền hậu, hơi quê mùa nhưng dễ thương. Cô giúp bà chủ đi chợ nấu ăn cho chúng tôi. Cô ngủ ở nhà bếp.
 
Nhớ lại một mẫu chuyện vui.
 
Có lần bà chủ nghỉ phép nửa tháng về Sài Gòn với gia đình, bà yêu cầu chúng tôi tìm chỗ ăn tạm trong thời gian này. (lúc đó chưa có cô giúp việc) Bốn chúng tôi thay phiên nhau đi chợ nấu ăn mỗi người một ngày. Sở dĩ chúng tôi không đi ăn tiệm là vì hai lý do. Thứ nhất là làm biếng đi xa. Từ nhà đến tiệm ăn xa hơn đến chợ. Thứ hai, có cơ hội để thử mình có khả năng tự lực cánh sinh hay không?
 
Đầu tiên, tôi xung phong trước. Bữa ăn có cá chiên dầm mắm tỏi ớt, chấm với dưa leo, rau sống, xà lách. Hội đồng chấm điểm: Tạm được! Ngày thứ hai, Nguyễn Văn Ba. Thịt ba chỉ kho hột vịt ăn với dưa cải và cà pháo muối mặn. Điểm: Khá. Đêm đó chúng tôi lục đục thức dậy uống nước và đi tiểu suốt. Nguyễn Hảo Tâm người Sài Gòn, giả giọng Bắc của Ba, ngâm ư ử chọc Văn Ba:
 
Em ơi! Mở cửa cho anh ra!
Kẻo anh chết khát trong vại cà nhà em!
 
Ngày thứ ba, Hảo Tâm vác chiếc bụng phệ đi chợ. Vậy mà thoáng cái đã về, xăn tay áo vào bếp. Trưa hôm đó chúng tôi được thưởng thức món hột vịt luộc, dầm xì dầu ớt chanh, chấm với giá chua, rau sống. Sơn rên rỉ: Chắc cái rô-bi-nê nước của bà chủ nhà đêm nay hư quá! Văn Ba được dịp trả thù câu chọc tối qua của Hảo Tâm:
- Này ông Tâm! Cái câu "Kẻo anh chết khát trong hủ giá chua nhà em" tối nay đọc nghe trúc trắc quá, ông ráng sửa lại nghe cho êm tai nhá!
Tâm cười giả lả:
- Nè... nè tráng miệng với chuối bồ hương đi! Ngon lắm đó.
 
Ngày thứ tư đến lượt Sơn. Anh rủ tôi đi cho có bạn. Hóa ra anh chàng mắc cỡ. Anh thủ sẵn trong túi hồi nào không hay một cái bao bằng giấy xi măng. Miệng ngậm ống vố phì phèo, tay chắp sau đít, anh lững thững vào chợ như người đi dạo cảnh. Tôi theo sau không ý kiến, mắt đảo quanh đám người Thượng, xem họ mua bán đổi chác những thổ sản mang từ trên núi xuống. Nhiều nhất là phong lan. Nhưng chỉ là những loại thường như hoàng lan, hoàng điệp, hàm rồng, long tu, địa lan... Mấy thứ này rẻ tiền. Chỉ năm, mười đồng một nhánh. Tháng đầu tôi ham, mua về treo đầy trong phòng. Song nó cứ rũ ra, chết dần. Có người bày cách, phải treo nó ngoài trời cho có đủ sương và nắng gió nó mới sống. Tôi làm theo. Nhưng mấy chục nhánh cũng lần lượt héo sầu, đổi sang màu vàng rồi chết khô. Có lẽ nó nhớ bạn, nhớ rừng chăng?
 
Sơn xăm xăm đi tới hàng đồ khô, gia vị và nói với bà bán hàng:
- Bà cho tôi một chục trứng gà, một ít củ hành và tỏi. Tính hết bao nhiêu?
Bà bán hàng nói giá tiền và hỏi lại:
- Cậu có cái gì đựng không? Đi chợ mà đi hai tay không vậy?
Sơn nhanh nhẹn rút trong túi quần ra cái bị giấy xi măng đưa cho bà bán hàng và nói:
- Bà bỏ hết vô đây là được rồi.
Trả tiền xong, Sơn quành qua hàng thịt mua một miếng thịt ba chỉ. Trở lại hàng rau mua thêm mấy trái cà chua.
- Xong! Ông thấy tôi có nghề không? Sơn hỏi tôi mà không cần câu trả lời.
Vừa về đến nhà đã thấy hai chàng Tâm và Ba chờ sẵn.
- Nào! Bữa nay coi anh chàng nhạc sĩ của mình nấu nướng ra làm sao!
Sơn cười hì hì:
- Được rồi! Mấy ông vô hết trong này coi tôi trổ tài nghe.
 
Sơn vào bếp chỉ huy ba chúng tôi, người này lột vỏ hành, tỏi, người kia rửa cà, thái lát mỏng, người nọ cắt thịt ba chỉ thành sợi như chiếc đũa. Chúng tôi làm theo răm rắp. Mọi việc đâu vào đấy. Và giục Sơn ra tay vì trời đã khá trưa rồi. Sơn bắt đầu đổ dầu chiên vào chảo. Trong khi chờ đợi dầu nóng, Sơn giảng giải cách làm các món:
- Các ông sẽ được thưởng thức món hột gà "ốp la" và hột gà đổ chả nghe! (Sơn thường đệm tiếng "nghe" ở cuối câu rất nhẹ và rất dễ thương) Phải đợi dầu thật nóng, bốc khói, rồi khử dầu bằng vài tép tỏi đập dập cho thơm - Sơn nói tiếp:
- Bây giờ mấy ông coi nghe!
Sơn cầm lấy một trứng gà bằng hai tay, vừa làm vừa giảng tiếp:
- Mình phải cầm trứng bằng tám ngón tay như thế này, từ ngón trỏ đến ngón út, hai ngón tay cái bấm vào trứng để bóp quả trứng. Nè! Chú ý nè!
 
Chúng tôi ngó theo bàn tay Sơn, những ngón tay thuôn dài đang ôm lấy quả trứng. Những ngón tay khô, xương và da. Phải cho có thêm một ít thịt thì bàn tay Sơn chắc đẹp không thua gì bàn tay con gái. Sơn bóp mạnh hai ngón tay. Lòng trắng, lòng đỏ trứng gà thay vì lọt vào chảo, lại vọt xuống đất đánh "bạch" một tiếng. Một trứng đi đời. Sơn bào chữa:
- Tại tôi bóp mạnh quá!
Chúng tôi khuyến khích:
- Làm lại! Làm lại!
Sơn làm thêm hai lần nữa, tình trạng vẫn y như cũ. Một đống trứng nhầy nhụa dưới chân. Ba la lên:
- Thôi! Thôi! Ông Sơn ơi, làm ơn tránh ra cho chúng tôi làm. Mà ông có biết làm không thì bảo?
Sơn nói:
- Hồi nhỏ tôi thấy má tôi làm như vậy mà!
Tâm hỏi lại:
- Mà ông đã làm thử lần nào chưa?
- Chưa!
- Vậy mà cũng bày!
Tôi chọc quê Sơn bằng cách hát nhại "Dã Tràng Ca": "Thôi! Còn gì nữa đâu! Còn gì nữa đâu! Mà không ăn rau..."
Sơn nổi cáu, xì nẹt:
- Thôi cha! Cha sửa lời làm hư hết bản nhạc của tôi đó cha.
 
Sau đó chúng tôi đập hết những trứng còn lại vào trong một cái tô lớn. Trộn thêm đường, hành củ, cà chua, thịt ba chỉ, tiêu, xì dầu đánh đều lên thành một món hổ lốn, đổ vào chảo thành hai lượt cho mau chín và không bị cháy phía dưới. Không ngờ bữa cơm ấy lại vui và ngon ra phết. Ai nấy vừa ăn vừa nhắc lại cảnh Sơn bóp trứng mà cười. Dứt bữa ăn, Sơn trịnh trọng đứng lên tuyên bố:
- Bắt đầu chiều nay đi ăn cơm tiệm!
Không ngờ cái lệnh vô tình ấy lại hợp cả cho chúng tôi. Không ai bảo ai, cả ba chúng tôi đồng thanh vừa cười, vừa hô to:
- Ăn cơm tiệm! Đả đảo đi chợ!
 
Những ngày chúng tôi sống chung với nhau trong "ngôi biệt thự" của bà Trần Thị Phi thật là vui nhộn. Cũng chính trong căn phòng có khung cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ của căn nhà này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác các nhạc phẩm để đời: Chiều Một Mình Qua Phố; Lời Buồn Thánh; Vết Lăn Trầm và Ca Khúc Da Vàng.
 
                                                                               Nguyễn Thanh Ty
 
(Đón đọc tiếp kỳ 4)
 
Nguồn:
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThanhTy-VeMotQuangDoiTCS-03H.htm

Không có nhận xét nào: