BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

ANH ĐỖ TƯ NGHĨA, MỘT NGƯỜI NHƯ MỌI NGƯỜI – Nguyễn Nam Giao

Gần đến ngày tiểu tường của em trai Đỗ Tư Nghĩa, thầy Đỗ Tư Nhơn gửi đến trang web blog Bâng Khuâng bài viết của anh Nguyễn Nam Giao. Mời quý bạn cùng đọc.
 

Nhà giáo, nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa


Nhìn bề ngoài, anh Đỗ Tư Nghĩa không khác chi người bình thường, một người như mọi người. Với chiều cao trung bình, dáng người gầy ốm, mái tóc ngắn, ăn mặc bình dị, rất ít nói và tính tình hiền lành; có khi anh chìm khuất trong đám đông…
Nhưng nếu quen biết và gần gũi anh lâu, mới biết Đỗ Tư Nghĩa là một con người lạ lùng, nếu không nói là một người có nhân cách đặc biệt.
Trước hết về lẽ sống. Đỗ Tư Nghĩa chọn cho mình cuộc đời để sống chứ không để cho cuộc đời dẫn dắt mình đi để sống như tầm gửi trong cõi tạm.
 
Cho đến bây giờ, không ai biết đích xác tại sao anh chọn ở lại Việt Nam mà không theo gia đình được bên ngoại bảo lãnh sang định cư ở Mỹ. Tôi có hỏi anh lý do thì anh trả lời ngắn gọn: “Không hợp”. Tôi hỏi tiếp: “Chưa đi, răng biết không hợp?” và khuyên anh cứ đi Mỹ, nếu thấy không hợp thì cứ đi đi về về như đi du lịch, như mơ ước của biết bao người người mà không được. Anh trả lời dứt khoát: “Đã biết không hợp rồi, còn thử chi nữa!”. Sau cái dứt khoát ấy, không biết còn lý do gì không nữa.
Chấp nhận ly dị vợ, để vợ và hai con gái làm hồ sơ đi Mỹ, anh thuê phòng trọ ở một mình, ăn chay trường, đi bộ đến trường dạy học và lao vào dịch sách tiếng Anh ra Việt ngữ. Không mấy ai trong chúng ta dứt khoát chọn lẽ sống như vậy.
 
Ngoài chọn lựa lẽ sống, anh còn chăm chút cách sống một mình không đụng chạm đến ai một cách tối giản. Anh Đỗ Tư Nghĩa không phải là con người của tập thể, anh là một ốc đảo. Nhiều lần tôi thấy anh đi bộ từ trường về, tay cầm lủng lẳng một ổ bánh mì không cần bao nilon hay giấy bọc mà anh sẽ ăn với sữa đặc hay xì dầu như một bữa ăn trưa hay một bữa ăn chiều. Thỉnh thoảng có một chị gánh hàng rong đặt gánh trước cửa phòng trọ, tôi thấy anh có mua mấy miếng đậu khuôn và một nhúm rau cải đem vào sau bếp, nhưng anh có nấu ăn không hay nhịn đói vì say sưa dịch sách thì tôi không hoàn toàn hay biết. Chuyện anh Nghĩa quên ăn vì ham đọc sách là chuyện bình thường nên thể trạng của anh rất yếu, sau này dễ sa vào bệnh tật và kiệt sức là vậy. Anh ăn chay trường một cách quá đơn giản và thất thường nên không đủ nội lực để làm việc ngày đêm và chống chọi lại bệnh tật khi tuổi cao sức yếu.
 
Cùng với anh Nguyễn Diệp, anh Đỗ Tư Nghĩa hình thành một cặp bài trùng có lối sống tối giản rất hiếm thấy của Đà Lạt. Cả hai anh đều ăn chay trường, ăn mặc hết sức bình dị, mới cũ lui tới đâu chỉ vài bộ, chân mang dép có quai hậu, hình như không mang giày bao giờ, kể cả những ngày lễ như khai giảng hay kỷ niệm Nhà giáo; lại không biết đi xe gắn máy, đi đâu cũng đi bộ hay nhờ xe ôm.
 
Có lẽ vì không phải là người của tập thể nên dù dạy học rất thành công, được nhiều đồng nghiệp và học trò quý mến, anh Nghĩa vẫn xin thôi dạy học để ở nhà chuyên tâm vào việc dịch sách.
Câu chuyện dạy học của anh cũng là một giai thoại giáo dục của Đà Lạt. Anh vốn tốt nghiệp cử nhân Triết tại Đại học Văn Khoa Huế cuối thập niên 60, vào Bảo Lộc xin dạy Triết học và Việt văn. Sau năm 1975, anh chuyển lên Đà Lạt, người ta chỉ cho anh tiếp tục dạy Anh văn nếu anh đồng ý đi học để lấy bằng Cao đẳng sư phạm Anh văn trong lúc trình độ tiếng Anh của anh đã cao hơn hẳn các giáo viên tiếng Anh của trường này và được bảo chứng bởi những tác phẩm dịch tiếng Anh đã xuất bản! Anh phản ứng mạnh về chuyện này, định bỏ dạy luôn, may nhờ có một Thầy Khoa trưởng vừa có tâm, vừa có tầm và vài bạn anh dạy tại Cao đẳng động viên, anh mới chịu khó tham gia khóa học để lấy bằng Cao đẳng sư phạm Anh văn theo yêu cầu rất máy móc và ấu trĩ của những người quản lý giáo dục lúc bấy giờ.
 
Anh Nghĩa nghỉ dạy Anh văn tại trường Nguyễn Du Đà Lạt để chỉ dạy thêm ở nhà và chuyên tâm vào việc dịch sách. Đầu tiên, việc dịch sách chỉ là một phương pháp để anh tự học Anh văn một cách hiệu quả. Dần dần, việc dịch sách tạo nên những thành công nhất định và nhiều hứng thú sáng tạo bất ngờ nên trở thành công việc chính của anh.
 
Công việc dịch sách thành công đã giúp anh giao tiếp rộng hơn trên không gian mạng, có nhiều văn hữu khắp nơi, kể cả ở nước ngoài. Có nhiều bạn văn nhỏ tuổi xin nhận anh làm thầy một cách tôn kính và thường ghé thăm anh mỗi khi có dịp lên Đà Lạt. Một em học trò như thế ở Bình Dương đã vô tình cứu mạng anh, kéo dài tuổi thọ của anh thêm vài năm nữa!
 
Ngày đó, em học trò ở Bình Dương đã ghé thăm thầy Nghĩa tại nhà trọ. Sáng hôm sau, em xin phép mời thầy đi ăn chay buổi trưa và để khỏi làm phiền thầy, em sẽ đợi trên đường, để thầy chủ động chuẩn bị kết thúc công việc và đi lên. Thế nhưng đến 11 giờ rưỡi trưa rồi mà gọi thầy không nghe máy. Em phải chạy vội xuống cái dốc sâu hun hút đến phòng thầy thì thấy cửa vẫn đóng. Gọi thầy mãi không nghe trả lời, em phải sang nhờ chủ nhà trọ phá cửa phòng thầy thì thấy thầy nằm bất động trên nền nhà. Anh chủ nhà – đã được dặn trước – gọi điện thoại cho tôi vội vàng chạy sang đưa anh đi cấp cứu.
 
Sau lần tai biến ấy, sức khỏe anh yếu đi thấy rõ nhưng vẫn đi lại được, còn chủ động trong sinh hoạt ăn uống, vệ sinh. Trong những ngày nằm nhà dưỡng bệnh, cứ nhìn cái cách anh từ tốn chọn lựa đầu sách, cẩn thận viết những dòng chữ nhỏ thon thả rất đẹp đề tặng sách cho bạn bè hay người quen đến thăm, luôn kết thúc bằng một nét vuốt cong dài mềm mại sau khi ký tên mới thấy rõ anh trân quý sách như thế nào. Có thể nói sách là lẽ sống, là niềm vui cuộc đời của anh Đỗ Tư Nghĩa.
 
Chỉ tới lần tai biến thứ hai rất nặng, chỉ nằm một chỗ như xác ve, không nói năng, cử động mạnh và chủ động ăn uống cũng như vệ sinh cá nhân được, anh Đỗ Tư Nghĩa mới nhờ các cháu điều dưỡng tận tình chăm sóc anh trong những năm tháng cuối cùng đem tất cả sách dịch của anh xếp thành chồng trên các bậc cầu thang gần giường nằm để lấy đọc cho anh nghe những đoạn văn mà anh thích nhất trong những đứa con tinh thần của anh. Tình cảm của các cháu điều dưỡng xa lạ (trước đây chỉ được thuê để chăm sóc anh sau tai biến), sau thời gian gần gũi chăm sóc anh như ông-cháu đã sâu đậm đến nổi cả ba cháu đều xin để tang anh –như cháu để tang ông- sau khi anh qua đời!
 
Có tình cảm quý mến của tất cả đồng nghiệp giáo viên và nhiều thế hệ học sinh từ Bảo Lộc lên Đà Lạt và trên mạng internet; với tập thơ Gởi tình yêu, gởi cuộc đời trong đó có bài được dịch giả Thân Trọng Sơn chọn dịch ra Pháp văn để giới thiệu ra nước ngoài; với 7 đầu sách dịch tiếng Anh có giá trị đã xuất bản (Khi bố còn thơ, Những cuộc phiêu lưu của Sơ-lốc-hôm, Những cơn mưa bay đi, Dưới ánh trăng, Đời Tolstoy, Phiếm thần luận, Đời Beethoven); có tư cách là Hội viên sáng lập Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng (1987), anh Đỗ Tư Nghĩa xứng đáng được gọi là nhà giáo, nhà thơ, dịch giả…nhưng sao tôi vẫn muốn gọi anh Nghĩa là một người như mọi người.
 
Cứ nhớ lại đôi mắt tròn hiền lành của anh nhìn ai cũng như muốn cảm ơn, tôi lại càng muốn coi anh là một người bình thường như biết bao người bình thường khác.
Ai cũng chỉ sống một lần trong đời. Nhưng không phải ai cũng sống trọn vẹn cuộc đời bình thường của chính mình. Anh Đỗ Tư Nghĩa là một người đã sống trọn kiếp mình như vậy. Anh chủ động tìm lẽ sống, anh chăm chút cho cách sống độc lập, tối giản và có niềm vui sống chân chính là Sách, tiêu biểu cho triết lý nhân sinh chân-thiện-mỹ của con người.
 
Anh đã rời bỏ quê hương Quảng Trị để lãng du lên miền đất lạnh.
Anh đã đặt dấu chân khắp những đồi trà lồng lộng ở Bảo Lộc và những nẻo đường sương khuya hiu hắt của Đà Lạt, đã ốm o như một xác ve vì dành hết nhựa sống cho đời, và cuối cùng, như một ngọn lá, bắt đầu nhú mầm tươi xanh đến cuối cùng vàng úa, rụng rơi trên thảm cỏ xanh mềm mại dưới một cội thông nào đó trong rừng núi Tuyền Lâm của cao nguyên Lâm Viên.
                                                  
                                                                      Nguyễn Nam Giao                                                                               Đà Lạt, tháng 10-2021

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cảm động vô cùng! Anh Nam Giao- Nguyễn Văn Cam chí tình với Đỗ Tuệ Nghĩa đã viết về bạn. Nay anh cũng vừa từ giã bạn bè Về Trong Cõi Tịnh.Họ lại gặp nhau ở chốn trăng sao.
Cám ơn Phú Đoàn đã đăng