BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 2) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty

Trường Sư Phạm và trường Kỹ Thuật Qui Nhơn được ngân sách Mỹ tài trợ, xây cất rất qui mô và tân kỳ. Hai trường nằm gần nhau tại Khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố Gia Long đến Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử an nghỉ giấc ngàn thu. Qua khỏi Ghềnh Ráng là làng Qui Hòa, làng dành riêng cho người mắc bệnh cùi. Ở đó có nhiều bà "xơ" hy sinh một đời, tận tụy chăm sóc cho bệnh nhân.
 
Lúc bấy giờ, 1962, thành phố Qui Nhơn hãy còn tiêu điều xơ xác. Ngay con đường chính Gia Long, chạy dài từ Núi Một (Ga xe lửa) đến bến cảng hãy còn nhiều ngôi nhà vô chủ, đổ nát hoang tàn trong chiến tranh chưa có ai dọn dẹp. Đường Lê Lợi chạy từ trung tâm phố thẳng ra biển còn rất nhiều nhà tranh, vách lá.
 
Vẽ lại một vài hình ảnh cũ để cho thấy chính phủ lúc ấy có dụng ý khi cho xây cất hai ngôi trường đồ sộ tại đây. Mỗi năm hai trường qui tụ hơn một ngàn giáo sinh và học sinh kỹ thuật khắp nơi đổ về. Nền kinh tế tại đây đã nhanh chóng phục hồi.
 
Để quảng bá rộng rãi cho nhiều nơi biết về trường Sư Phạm, Ban Giám Đốc nhà trường cho thành lập một ban văn nghệ. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng ban, chịu trách nhiệm tổng quát. Thanh Hải, phó ban thứ nhất, trách nhiệm về nhạc. Võ Văn Phòng, phó ban thứ hai, trách nhiệm về kịch. Một vở kịch thơ dài 45 phút nhan đề "Tiếng Cười Bao Tự" được dàn dựng. Tôi được chọn để thổi sáo đệm thơ. Nhân dịp này tôi mới biết và quen với Trịnh Công Sơn.
 
Một chương trình đại qui mô gồm đủ các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch được Ban Văn nghệ hoạch định. Thêm vào đó là một tổ phụ trách ánh sáng. (Lúc đó rất hiện đại và tân kỳ. Dùng đèn chiếu slide làm hậu cảnh thay đổi mỗi màn trình diễn khác nhau. Dùng đèn quay, chớp chớp đổi màu rất đẹp mắt).
 
Buổi trình diễn được ra mắt đúng ngày "Song Thất" năm đó, chứ không phải ngày mãn khóa như ông Đinh Cường nói.
 
Trong thời gian này, Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca "Tiếng Hát Dã Tràng" hay gọi gọn hơn là "Dã Tràng Ca" để làm tiết mục mở màn. Đây là tiết mục công phu và đặc sắc nhất. Ban hợp xướng gồm năm mươi người gồm nam lẫn nữ do Sơn thử giọng tất cả các mầm non văn nghệ và chọn lọc. Anh đã khổ công tập ráo riết trong ba tháng trời, xen kẽ giữa những giờ học, và đã thành công vượt mức trước sự ngạc nhiên đầy thích thú và khen ngợi của quan khách và công chúng. Tiếng vỗ tay đã kéo dài rất lâu.
 
Rất tiếc, tôi không có chân trong ban hợp xướng, nên không thuộc trường ca này. Chỉ nhớ lõm bõm vài câu, xin ghi lại cho vui.
 
Tiếng Hát Dã Tràng hay Dã Tràng Ca.
(Tiếng vọng) Dã tràng... Dã tràng... Dã tràng...
Dã tràng xe cát biển Đông... Dã tràng xe cát hoài công...
(Tiếng trống Bass dồn dập, thúc dục):
Trùng dương ơi... Trùng dương ơi vỗ sóng vào bờ...
....(quên)...
Thôi... còn gì nữa đâu... Còn gì nữa đâu... Đời lên cơn đau! Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa làm rét mướt... Tôi gọi tên tôi giữa nước non ngàn...
 
Tôi chỉ nhớ đại khái vậy. Hiện nay, tại thành phố Lawrence, Mass, có anh Nguyễn Văn Tấn; Cali có chị Hồ Thị Nghị trước ở trong ban hợp xướng, chắc còn nhớ. Bốn mươi năm đã qua rồi, còn gì!
 
Cũng trong thời gian học Sư Phạm, Sơn còn sáng tác thêm những nhạc phẩm khác như "Biển Nhớ", "Nhìn Những Mùa Thu Đi", "Nắng Thủy Tinh". Hầu như tất cả giáo sinh đều biết và ngâm nga những bài này. Ngoài ra Sơn cũng sáng tác một vài bài vui, ngắn để chúng tôi khi đi thực tập tại các trường dạy cho các em hát.
 
Tôi xin ghi lại đây một bài tượng trưng:
 
Ông Tiên vui
Ông Tiên vui,
Ông có cái râu dài.
Đêm ông thường ngủ yên trên đỉnh mây.
Ông Tiên vui,
Ông thường hay nhắc đến.
Chốn thiên đình chẳng có tháng ngày vui.
Ông Tiên vui,
Ông có cái căn nhà.
Trên ngọn đồi hằng đêm Ông ghé qua.
Hôm em lên,
Ông chợt đi đâu vắng!
Lúc em về, em buồn đến ngẩn ngơ.
 
Xin nhắc lại ở đây, Qui Nhơn lúc ấy còn nghèo lắm. Cả thành phố có mỗi quán kem duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê, thuốc lá, bia, trà. Đó là quán Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Qui Nhơn, nơi đã trình diễn văn nghệ.
 
Mỗi buổi chiều, chúng tôi, anh chị em nào có chút tiền còm thì kéo nhau vào quán, kêu bình trà, ngồi nhâm nhi nghe nhạc. Khá một chút nữa thì kêu một chai bia với tô bò viên gân, ngầu pín của ông Ba Tàu đậu xe trước quán. Thế là sang lắm rồi. Anh chị nào "bô xu" thì ra biển ngồi ngắm trăng suông. Biển Qui Nhơn là biển bùn nên cát ở đó có màu vàng xỉn trông dơ dáy, không trắng như cát biển Nha Trang. Dọc theo bờ biển là một hàng dương, chạy dài từ khu quân sự đến bệnh viện Nguyễn Huệ. Trước bệnh viện là xóm chài. Bờ biển không có một lều quán hay kiosque nào. Ông Đinh Cường nói cùng Trịnh Công Sơn và Bích Khê ra đó uống cà phê ngắm trăng là nói nhầm.
 
Ba Năm Tại Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng):
 
Sau hai năm, mãn khóa, chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi và Trịnh Công Sơn cùng bốn giáo sinh khác là Lê Thị Ngọc Trinh (Huế), Nguyễn Văn Sang, Trương Khắc Nhượng, Đỗ Thị Nghiên (Nha Trang) cùng được bổ nhiệm chung một sự vụ lệnh, đáo nhậm nhiệm sở Ty Tiểu học Lâm Đồng. Sự vụ lệnh mang số 961-GD/NV/38/SVL tạm thời tuyển bổ do Ông Nguyễn Hữu Quyến, Xử Lý Thường Vụ Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm ký ngày 14 tháng 8 năm 1964.
 
Sau hai năm tập sự, chúng tôi được điều chỉnh tuyển dụng bằng Nghị Định mang số 596-GD/NV/BC/QĐ do XLTV Đổng Lý Văn Phòng, Phụ Tá Chuyên Môn, Phạm Văn Thuật ký ngày 6/5/1966.
 
Đến năm 1967, chúng tôi mới được chính thức bổ dụng bằng Nghị Định mang số 687/GD/NV/3B/NĐ kể từ ngày 01/9/1966 do T.U.N Ủy Viên Giáo Dục Đổng Lý Văn phòng Huỳnh Ngọc Anh ký ngày 7/4/ 1967.
 
Với chỉ số lương 320 cộng thêm phụ cấp đắt đỏ vùng cao lúc bấy giờ, chúng tôi lãnh được năm ngàn hai trăm đồng ($5.200) mỗi tháng, tương đương với hai lạng rưỡi vàng Kim Thành. Vật giá lại rất rẻ. Tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia Con Cọp 3 đồng. Một dĩa thịt bò lúc lắc bốn người ăn giá 7 đồng. Tô phở 3 đồng. Cà phê loại ngon, một ly/1 đồng. Cơm bữa với ba món, 6 đồng. Thời gian từ 1964 đến 1967, chúng tôi sống sung sướng, tiêu pha rộng rãi mà vẫn còn rủng rỉnh.
 
Tôi từ Nha Trang lên, theo đường Nha Trang - Đà Lạt - Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn, từ Huế bay vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi xe đò lên Bảo Lộc.
 
Không hẹn mà gặp lại nhau trên bến xe vắng vẻ, thưa thớt bóng người. Lâu lâu mới thấy dăm người Thượng lầm lũi nối đuôi nhau, lặng lẽ rảo bước về một bản làng nào đó. Chúng tôi nhìn nhau, lòng thầm nghĩ: Trời ơi! Cái thiên đường mà mình tưởng tượng khi nắm trong tay tờ Sự Vụ Lệnh là đây sao? B'lao-Bảo Lộc là đây sao? Một phố quận vào chiều thứ sáu sao mà vắng lặng, buồn hiu hắt.
 
Chuyến xe cuối cùng đổ khách xuống đây rồi lẫn mất. Ai cũng tản mác về nhà. Chỉ còn trơ lại Sơn và tôi, trơ trọi, cô độc. Trời lại đang mưa lâm râm, lành lạnh. Hai chúng tôi, mỗi người một va li quần áo nhẹ tênh. Lang thang tìm người hỏi đường đến Ty Tiểu Học Lâm Đồng. Lúc bấy giờ, thị xã Đà Lạt thuộc tỉnh Tuyên Đức. Lâm Đồng là một tỉnh chỉ có vỏn vẹn hai quận là Djiring (Di Linh) và B'lao (Bảo Lộc). Trước năm 1960, Tòa Hành Chánh đặt ở Di Linh. Sau dời về Bảo Lộc được mấy năm, trước khi chúng tôi đến.
 
Khi chúng tôi tìm được đến Ty Tiểu Học thì trời đã sụp tối mặc dù chưa tới sáu giờ. Sương mù bốc lên từ mặt đất, bay là là dưới chân. Ty chỉ cách bến xe non nửa cây số. May mắn, lúc ấy bác lao công đang khóa cửa chuẩn bị ra về. Khi biết chúng tôi là giáo viên mới đổi đến, bác ân cần mời chúng tôi theo bác.
 
- Mấy thầy cũng may! Bác nói: “Chút nữa là tôi về rồi. Mai thứ bảy Ty nghỉ. Mấy thầy biết trọ nơi đâu. Đi theo tôi, tôi sẽ giới thiệu hai thầy với mấy ông giáo cũng vừa mới đổi tới đây mấy hôm trước”.
 
Chúng tôi theo chân Bác vào ngõ Tiên Dung (gọi là ngõ Tiên Dung vì đầu ngõ có tiệm chụp hình mang tên ấy). Đi sâu vào khoảng hai trăm thước, con hẽm hẹp, trơn trợt vì cơn mưa buổi chiều, xoai xoải lên dốc dần. Bác dừng chân trước một căn nhà mái tole, vách ván. Trong nhà vẳng ra tiếng cười nói vui nhộn của đám đông. Bác cai bước vào trước. Tiếng huyên náo im bặt. Bác ra hiệu cho chúng tôi vào nhà.
 
Trong nhà chỉ có một chiếc giường gỗ khá rộng. Trên giường bốn mạng đang nằm, ngồi lổn nhổn. Mọi người nhìn bác cai chờ đợi. Bác đưa tay về chúng tôi rồi hướng về một anh lớn nhất trong đám giới thiệu:
- Thầy Lãng à! Mấy thầy này mới đổi tới hồi chiều. Ty đóng cửa rồi, không trình diện được. Thầy giúp dùm cho mấy thầy ở tạm qua đêm được không? Nhà tôi chật quá, không có chỗ ngủ.
 
Lãng tung chăn, ngồi dậy, giọng hơi cà lăm:
- Thế à! Được... được! Bác cứ về! Để... để tụi này thu xếp.
 
Sau khi bác cai quay lưng ra khỏi cửa, tôi với Sơn sực nhớ ra chưa nói lời nào cám ơn sự giúp đỡ của bác, bèn vội nói vói theo:
- Cám ơn bác nghe!
Không thấy tiếng trả lời. Có lẽ bác đã đi khá xa. Chợt Lãng lên tiếng:
- Ối giời! Nhà bác ấy cũng gần ngay đây thôi! Sáng mai, thế nào bác ấy cũng sang đây. Các anh vào đây đã. Sao cứ đứng mãi thế. Để... để cái va li vào góc này!
 
Chúng tôi theo lời anh đem hành lý đặt vào góc nhà. Thế rồi cả bốn người bu quanh hỏi thăm rối rít.
- Sư Phạm Qui Nhơn hả?
- Vâng!
- À, có anh Sang cũng Sư Phạm Qui Nhơn đây, mới trình diện hôm kia. Còn bọn này Sư Phạm Sài Gòn. Cũng lên trước mấy ngày thôi.
 
Tôi nhìn qua Sang. Cũng dân Nha Trang, nhưng tôi chưa gặp mặt lần nào tại Qui Nhơn. Sang ốm và cao như cây tre miễu. Nước da đen nhẽm. Mắt tròn xoe, tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Còn hai người kia mới thoạt nhìn cứ tưởng là hai anh em. Cả hai đều tròn lẵn, chắc nịch. Da mặt hồng hào, bóng lưỡng. Một anh tên là Nguyễn Đức Hinh, nãy giờ chỉ đứng nhìn chúng tôi cười cười, không nói gì, nét mặt lộ vẽ thân thiện. Còn anh kia là Đỗ Danh Đạo, người hoạt bát, nói năng vui vẻ. Anh giới thiệu với chúng tôi người này, người nọ bằng một giọng đặc biệt Bắc pha Sài Gòn nghe rất tếu:
- Ông này là Nguyễn Tiến Lãng, -anh chỉ tay về phía đầu giường, Lãng đang quấn mền, ngồi dựa lưng vào vách.- Lãng là thổ địa kỳ cựu sáu năm ở đây, có biệt danh là ông Trùm. Đang dạy tại trường Nam Bảo Lộc.
 
     Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Thanh Ty (tác giả viết bài này), Đỗ Danh  Đạo, và Trịnh Công Sơn.  
     Ảnh chụp tại nhà bà Phi - chủ nhà cho thuê - năm 1964.
 
Có lẽ đoán được sự thắc mắc của chúng tôi qua nét mặt ngơ ngác, Đạo giải thích:
- Sở dĩ ông Lãng lên tới chức Ông Trùm là vì ông ở đây lâu, thổ nhưỡng Lâm Đồng tặng cho ông bệnh sốt rét kinh niên. Cứ tới năm giờ chiều là ông phải trùm mền, xoa dầu Nhị Thiên Đường. Ngày nắng hay ngày mưa cũng đều đặn.
 
Mọi người cười rộ lên qua lời tếu của Đạo. Quay qua cặp mập và ốm ngồi cạnh nhau, Đạo tiếp:
- Còn hai ông này là Sang và Hinh, đang làm vua một cõi tại Lạc An, cách đây bảy cây số. Một tuần về phố một lần để du hí. Tạm trú tại "am" của em và bác Lãng.
 
Không khí dần dần cởi mở, thân mật. Chúng tôi thấy ấm lòng và quên ngay nỗi buồn nặng nề buổi chiều, mới cách đây có hai tiếng đồng hồ. Chợt Hinh lên tiếng:
- Này ông, ông giới thiệu người khác lung tung, sao ông không nói gì về ông hết?
 
Đạo đỏ mặt rần lên, phất tay lia lịa:
- Thôi tha cho nhà em, nhà em đâu có gì để mà nói!
 
Nhưng Hinh đâu có chịu tha:
- Hai anh nè! Hắn là Đỗ Danh Đạo, tự là Đạo Sữa. Hôm mẹ hắn dẫn hắn lên đây giao cho bác Lãng trông nom, có dặn dò bác Lãng nhắc chừng hắn uống đều đặn mỗi ngày ba lần sữa, sữa Guigoze chính hiệu bà Lang Trọc đấy.
 
Nói xong, anh chỉ cho chúng tôi thấy hai thùng sữa tổ bố nằm dưới gầm bàn.
 
Thoáng chốc, chúng tôi thấy gần gũi và thân tình như đã quen nhau tự bao giờ. Mọi người giục chúng tôi đi tắm rửa rồi dẫn đi ăn tối. Đi ngược lại hẽm Tiên Dung. Phía bên kia đường là quán ăn Ngọc Hương, nằm bên phải đầu cầu. Buổi chiều, lầm lũi theo bác cai nên chúng tôi không để ý. Cầu có tên là Cầu Đất, vì bên dưới không có sông hay suối gì cả. Người ta dùng xe ủi, ủi đất lấp đầy một quãng, nối liền hai trái đồi, thành một lối đi, hai bên có thành che chắn cho khỏi ngã xuống hố, trông giống như cây cầu. Sương buổi tối đã dâng lên dầy đặc. Cả phố Bảo Lộc thắp thoáng ẩn hiện trong sương giống như cảnh tiên bồng trong xi nê. Quán ăn Ngọc Hương lập lòe ánh điện, văng vẳng tiếng nhạc phát ra, nghe như lúc gần lúc xa. Còn nhớ hình như bản "Những Bước Chân Âm Thầm". Vì lời ca, tiếng nhạc với cái khung cảnh lúc bấy giờ nó hòa nhập vào lòng người lần đầu tiên đặt chân lên miền cao nguyên, sơn cước... Trước mắt tôi, một cảnh trí hoàn toàn lạ lẫm, đầy huyền ão và thơ mộng mà từ thuở nhỏ đến giờ, sống ở miền gió biển, cát trắng, sóng vỗ quanh năm, tôi chưa từng được thấy. Có chăng cũng chỉ là tưởng tượng ra những hình ảnh mơ hồ qua bản nhạc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên mà thôi.
 
Những hình ảnh buổi chiều đứng co ro nơi bến xe vắng ngắt bóng người, nó ảm đạm thê lương bao nhiêu, bây giờ trở thành thơ mộng, lãng mạn bấy nhiêu. Nào con đường đất đỏ quanh co lẫn khuất dần trong ngõ vắng. Nào sương mù là là bay từng đám dưới chân. Nào những con đường lên dốc, xuống dốc khiến những mái nhà trồi lên, hụp xuống theo, y như những con thuyền tròng trành lượn theo giợn sóng xa xa ngoài biển.
 
Đang đói suốt một ngày đi đường, tôi và Sơn, vèo một cái, mỗi người đã ăn hết một dĩa cơm sườn nướng một cách ngon lành. Trong lúc mọi người đang nhâm nhi cà phê, nghe nhạc. Họ đã ăn từ chiều. Chúng tôi tiếp tục uống cà phê và trò chuyện. Sơn ít nói, chỉ ngồi nghe. Thỉnh thoảng góp vài câu gọi là. Có lẽ lần đầu còn giữ kẽ chăng? Ba anh: Lãng, Hinh, Đạo chốc chốc lại ngó chăm chăm vào Sơn, nửa như tò mò, nửa như quan sát. Phải chăng cái phong thái nghệ sĩ của Sơn đã gây cho người ta cái ấn tượng đầu tiên? Đối với tôi hay Sang, cái hình ảnh Trịnh Công Sơn, với một khuôn mặt ngăm đen, đôi mắt nhỏ mơ màng sau cặp kính cận khổ lớn, gọng đồi mồi che gần hết nửa khuôn mặt, trong hai năm học tại Qui Nhơn đã quá quen thuộc. Nhưng giờ đây, với những người bạn mới, chân chỉ hạt bột, mới rời ghế nhà trường, lần đầu tiên bước chân ra ngoài xã hội thì hình ảnh một ngươi nghệ sĩ như Sơn tự nhiên với mái tóc thưa, hơi dài, cái trán hói cao, đôi kính cận to quá khổ, hàng ria mép lưa thưa, vừa như râu, vừa như lông, mãnh và mịn khiến người ta thấy lạ nhưng ưa nhìn và có cảm tình ngay.
 
Gần chín giờ, mọi người dục về. Tôi và Sơn muốn nán lại chút nữa để được hưởng thêm cái hương vị ngọt ngào, đậm đà kỷ niệm của ngày đầu tiên đặt chân lên xứ Thượng. Nhưng anh Lãng cho biết, đúng chín giờ là nhà máy điện sẽ cúp.
 
Đêm đó, chúng tôi trải chiếu, chăn xuống thềm nhà, năm người bạn trẻ, trừ anh Lãng nằm trên giường, tuổi sàng sàng từ hai bốn đến hai sáu, cùng nhau trao đổi những chuyện quê hương đi dần từ Sài Gòn ra đến Huế rồi thiếp vào giấc ngủ. Lúc bừng mắt dậy đã chín giờ sáng.
 
                                                                           Nguyễn Thanh Ty

(Đón đọc kỳ 3)
 
Nguồn:
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThanhTy-VeMotQuangDoiTCS-02A.htm

Không có nhận xét nào: