BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

ĐỌC “CHẬP CHỜN GỐI CHĂN” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


   
                          Nhà thơ Trần Mai Ngân


CHẬP CHỜN GỐI CHĂN
 
Chập chờn gối, chập chờn chăn
Chập chờn giấc mộng băn khoăn một đời
Chập chờn phai nhạt rã rời
Mỏi mòn quang gánh bao giờ trả xong...
 
Chập chờn sương khói dòng sông
Ta về buông nhẹ thong dong hẹn hò
Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê
 
Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...
 
Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm 
Kiếp này thôi những cầm bằng là không
 
Tiếng chuông, tiếng mõ não nùng
Lời riêng lạc lối, lời chung nghẹn ngào! 
               
                                      Trần Mai Ngân 
 
 
 Nhà bình thơ Châu Thạch

ĐỌC “CHẬP CHỜN GỐI CHĂN” THƠ TRẦN MAI NGÂN                                                                                              Châu Thạch
 
 “Chập chờn” có nghĩa là gì? Đó là một tỉnh từ chỉ hình ảnh lúc ẩn lúc hiện, khi mờ khi tỏ như ngọn lửa chập chờn ở chân trời xa, hay như ánh sáng đôm đốm chập chờn bay trong đêm. Chập chờn còn là một tỉnh từ chỉ trạng thái của người nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê như câu thơ “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê” của Nguyễn Du trong truyện Kiều.

Bài thơ “Chập Chờn Gối Chăn” của Trần Mai Ngân cho ta hiểu đó là sự chập chờn nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê. Nó còn cho ta hiểu đó là sự chập chờn lúc ẩn lúc hiện bởi những hình ảnh chập chờn về cuộc đời đến trong giấc ngủ:
 
Chập chờn gối, chập chờn chăn
Chập chờn giấc mộng băn khoăn một đời
Chập chờn phai nhạt rã rời
Mỏi mòn quang gánh bao giờ trả xong...
 
Qua khổ thơ đầu, từ hình ảnh “Chập chờn gối chập chờn chăn” chỉ giấc ngủ lơ mơ của mình, nhà thơ mở rộng ra hình ảnh chập chờn của cả cuộc đời. Trần Mai Ngân đã luyến láy 4 câu thơ rất tài tình để đưa vào một cách tự nhiên những băn khoăn, những lo âu, những phôi pha, những khó nhọc trong cả cuộc đời vào trong giấc ngủ không an giấc của mình.
 
Đọc tựa đề bài thơ “Chập Chờn Gối Chăn” ai cũng nghĩ đến chuyện vợ chồng trong phòng kín, hay chuyện cô đơn lẻ bóng của một cuộc tình nào đó. Thế nhưng khổ thơ đầu khác hẳn, mở đề cho ta ưu tư về những nối niềm trong cuộc sống, chuẩn bị cho ta bước qua khổ thơ thứ hai, đến với những triết lý sâu xa về kiếp sống cúa đời người:
 
Chập chờn sương khói dòng sông
Ta về buông nhẹ thong dong hẹn hò
Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê
 
“Sương khói dòng sông” có thể là dòng sông của một quê hương nào đó, có thể là dòng đời của tác giả, hay của chúng ta, tất cả trôi như một dòng sông chập chờn. Đời trong câu thơ nầy được tác giả quan niệm như một giấc mơ, một giấc mơ nửa tỉnh nửa mê mà muôn vật chập chờn nửa ẩn nửa hiện trong bóng đêm của cuộc sống. 
 
“Đức Phật dạy, mọi thứ trên đời đều huyền ảo như mộng, như bào, như ảnh, như lộ, như điện, không bền vững, vĩnh hằng. Chính điều này đã hình thành nên tư duy mộng ảo, xem cuộc đời như giấc mộng thoáng qua. Mộng là những hình ảnh hiện lên khi ngủ, ảo là cái không có thực, kín đáo, không lộ diện trực tiếp, hư hoặc, đánh lừa cảm giác con người, chỉ sự không có thực, hư ảo của thế gian. Tất cả mọi người trên thế gian này đều là những con người mơ mộng và họ nhìn thấy thế gian này là thường hằng, bất biến, song những gì xét cơ bản đều là vô thường. Chỉ có những ai thức tỉnh và giác ngộ như chư Phật và chư vị Bồ Tát mới chứng được thực tại”.
 
Những triết thuyết sâu xa trên, Trần Mai Ngân đã đem vào hết trong 4 câu thơ của mình. Đọc thơ. ta hiểu bằng liên tưởng, hay bằng suy luận, hay bằng cảm nhận một cách vô thức, tất cả đều cho ta hình ảnh dòng sông đời, chuyến đò đời, và bờ lạc bến mê mà ta đi trong cuộc sống.
 
Trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê, Trần Mai Ngân không chỉ chứng ngộ đươc mình đang lạc bước giữa đời nầy, mà nhà thơ còn đau đáu trước những ngả ba dòng đời mình phải chọn lựa, lòng phân vân  không biết giấc thụy du của mình nên đi tiếp hay quay về: 
 
Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...
 
“Bỉ Ngạn” là một loài hoa mang trong mình một ý nghĩa độc đáo. Hoa Bỉ Ngạn là truyền thuyết của một mối tình trên thiên giới bị Ngọc Hoàng cấm đoan phân ly, biến họ thành một loài hoa lạ kỳ, cô gái làm những đóa hoa xinh còn chàng trai làm ngọn lá. Loài hoa nầy mang hình ảnh chia ly trong gang tấc, vì khi cây ra hoa thì lá phải phai tàn, hai người chẳng bao giờ gặp nhau. Theo truyền thuyết, hoa bỉ ngạn còn là loài hoa duy nhất mọc trên đường xuống hoàng tuyền. Trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên, các linh hồn sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa Bỉ Ngạn để có thể an tâm đi đầu thai sang kiếp khác. Loài hoa này sẽ thu nhận những hồi ức đó, dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết.
 
Trong giấc ngủ chập chờn, linh hồn Tràn Mai Ngân khó quyết định đi luôn hay quay về. Đi luôn thì canh Mạnh Bà hay hoa Bỉ Ngạn sẽ làm cho “lời thề vàng phai”, tình sẽ mất đi vì hoa sẽ làm cho quên vĩnh viễn. Quay về thì lời thề còn đó nhưng tình thì “Chập chờn duyên hóa chuyến đò/ đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê” nghĩa là tình vẫn còn, nhớ vẫn còn, nhưng còn là còn cay đắng với chia ly.
 
Trong tư thế tiến thoái lưỡng nan đó, nhà thơ nhìn vào nội tâm mình cũng thấy chập chờn, không biết chính mình là ai nữa. Nhà thơ thấy mình đi chơi lạc lối, để giấc thụy du đưa vào một cơn mơ quên lãng ngày mai, quên lãng cuộc đời: “Chập chờn ta mãi là ai/ Để vui quên lãng ngày mai không còn…” 
 
Có lẽ nhà thơ Trần Mai Ngân trong cơn chập chờn đã đứng bên cầu Nại Hà, bên bờ sông Vong Xuyên để khóc. Bốn câu thơ áp chót ta thấy có lệ, có sự khắc khoải trong một tâm hồn bi lụy:
 
Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm
Kiếp nầy thôi những cầm bằng là không
 
Bốn câu thơ không còn đề cập đến sự châp chờn ngắn ngủi trên gối chăn nữa, mà nhà thơ “chập chờn ôm lấy héo hon” là đề cập đến sự chập chờn trong một giấc miên du dài năm tháng. Trong giấc miên du đó, nhà thơ đã đi suốt trên lối đời, dưới ánh trăng gầy guộc để khóc trong quá khứ, khóc trong hiện tại và sẽ khóc trong tương lai. Tiếng khóc đó Trần Mai Ngân nghe vọng âm trên lối mòn và dưới ánh trăng, bởi thế nhà thơ mơi thốt lên: “Chập chờn khóc với trăm năm/ Kiếp nầy thôi những cầm bằng là không” là khóc suốt cả một đời người.
 
Cuối cùng ta thấy Trần Mai Ngân lau lệ và quay về với thực tại, quay về với kiếp này:
 
Tiếng chuông, tiếng mõ não nùng
Lời riêng lạc lối, lời chung nghẹn ngào! 
 
Nhà thơ đã tỉnh giấc, trong đêm khuya nghe tiếng chuông tiếng mõ từ một ngôi chùa nào đó vọng đến. Trong đêm khuya, nhà thơ suy nghiệm bi quan về một kiếp vô thường trong cuộc sống hiện tại, rồi thì từ đó, hệ lụy của giấc ngủ chập chờn đã làm cho nhà thơ yếm thế, cảm thấy lạc lối trong hướng đời, bơ vơ giữa trần thế, lại khóc nghẹn ngào trong tiếng chuông mõ vọng trên không gian.  
 
Tôi thường viết, thơ Trần Mai Ngân - Khúc thụy du giữa đời. Thụy du có nghĩa là đi trong mơ, thường là những giấc mơ đẹp. Thế nhưng thơ Trần Mai Ngân có những giấc mơ đẹp và những giấc mơ không đẹp như giấc mơ hôm nay. Tuy nhiên giấc mơ nào của Trần Mai Ngân cũng đem đến cho ta nhiều cái đẹp trong hình ảnh, trong suy tư, trong ý nghĩa để tạo thành những bài thơ tuyệt hay. 
 
“Chập Chờn Gối Chăn” cũng là một khúc thụy du, từ một khúc thụy du ngẵn, nhà thơ đưa ta đi đến khúc thụy du dài của cả một vòng đời, cho ta chiêm nghiêm lẽ vô thường bằng tính thơ, cho ta đến bên sông Vong Xuyên, bên cầu Nại Hà để nhìn hoa Bỉ Ngạn độc đáo biết bao, còn cho ta chập chờn với nỗi băn khoăn, với tình phai nhạt, với trăn trở cuộc đời, với lạc lỏng chính ta, với bơ vơ giữa trần thế, để quay về trong tiếng chuông mõ ngân êm đềm giữa canh khuya.
 
“Chập Chờn Gối Chăn” đã đưa ta đi trọn một kiếp người bằng một khúc thụy du quyến luyến sầu, trong thi vị thơm ngan ngát của thơ!
                             
                                                                                        Châu Thạch

26 nhận xét:

Lac Nguyen nói...

Cân cứ vào 2 câu thơ này:
Chập chờn duyên hóa chuyến 'đò'
Đưa qua bờ lạ lạc 'rời' nẻo mê (Hình như sao ấy về vần: O/ƠI)
Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ la"̣, "nẻo mê" mà nhà bình thơ Châu Thạch "giải thích": “Bỉ Ngạn” là một loài hoa... tôi thấy cũng lạ.
Mời nhà bình thơ xét rõ về cụm chữ BỈ NGẠN
- Bỉ 彼: 1. kia, nọ 2. phía bên kia 3. đối phương
- Ngạn 岸
Từ điển phổ thông: bờ, biên
Từ điển Trần Văn Chánh; Bờ, bến: Td Bờ sông;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: Bờ sông. Td: Tả ngạn, Hữa ngạn
- Bỉ ngạn 彼岸
Từ điển phổ thông: bờ bên kia, phía bên kia sông
Từ điển trích dẫn:
. Bờ bên kia . ◎Như: “đáo bỉ ngạn” 到彼岸 qua bờ bên kia. Hán dịch nghĩa từ chữ Phạn pāramitā, dịch âm là “ba-la-mật”: qua bờ bên kia có nghĩa là giải thoát. (thuật ngữ Phật giáo)
Đây là câu chú, Mantra, của Bát Nhã Tâm Kinh:
Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā - Nguyên văn tiếng Phạn
Đọc theo âm Hán Việt (Từ phiên âm câu chú của Pháp Sư Huyền Trang ):
Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha
Phiên âm trực tiếp từ câu tiếng Phạn ra tiếng Việt:
Ga-tê Ga-tê Paa-ra-ga-tê Paa-ra-xân-ga-tê Bô-đi Xoaa-haa
Chúc nhà bình thơ sức khỏe để bình thêm nhiều bài thơ khác ):):):

Lac Nguyen nói...

Xin chỉnh lại cho đúng "Căn cứ", xin lỗi, lỗi typing

Lac Nguyen nói...

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Phiên dịch ra tiếng Việt:
- Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi!

Bâng Khuâng nói...

Bạn Lac Nguyen viết về BỈ NGẠN và ĐÁO BỈ NGẠN theo Bát Nhã Tâm Kinh là đúng. Nhà thơ Trần Mai Ngân có viết bài thơ YẾT ĐẾ! YẾT ĐẾ! Đúng như ý như bạn nêu: BỈ NGẠN là “Bờ bên kia”.
◎Như: “đáo bỉ ngạn” 到彼岸 qua bờ bên kia. Hán dịch nghĩa từ chữ Phạn pāramitā, dịch âm là “ba-la-mật”: qua bờ bên kia có nghĩa là giải thoát. (thuật ngữ Phật giáo)
Đây là câu chú, Mantra, của Bát Nhã Tâm Kinh:
Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā - Nguyên văn tiếng Phạn
Đọc theo âm Hán Việt (Từ phiên âm câu chú của Pháp Sư Huyền Trang):
Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế Ba La Tăng Yết Đế Bồ Đề Tát Bà Ha
*
Tuy nhiên ở bài thơ này, theo tôi thì nhà thơ Trần Mai Ngân nói lên nỗi niềm khắc khoải với hình tượng HOA BỈ NGẠN như lời bình của bác Châu Thạch.

SỰ TÍCH HOA BỈ NGẠN (MẠN CHÂU SA HOA)

Chuyện kể rằng, có một loài hoa vô cùng độc đáo mang tên bỉ ngạn. Bên cạnh bảo vệ cho hoa bỉ ngạn có 2 yêu tinh, một là Sa Hoa và một là Mạn Châu. Họ đã canh giữ hoa bỉ ngạn suốt mấy nghìn năm nhưng chưa một lần được thấy mặt đối phương bởi lúc hoa nở thì không thấy lá, khi có lá thì lại không có hoa. Hoa và lá cuối cùng cũng không gặp được nhau, thế nhưng Sa Hoa và Mạn Châu đã quyết định làm trái quy định của Thần để lén lút gặp nhau. Kể từ đó họ nhung nhớ đối phương điên cuồng và cùng bị nỗi đau khổ hành hạ. Khi Thần biết chuyện đã trách tội Sa Hoa và Mạn Châu. Họ bị đánh vào luân hồi và cùng bị lời nguyền vĩnh viễn không thể ở cùng nhau, đời đời kiếp kiếp phải ở nhân gian để chịu đựng đau khổ.

Về sau, hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa) chỉ nở trên đường hoàng tuyền, hoa có hình như những cánh tay hướng về thiên đường để cầu khẩn. Mỗi khi Mạn Châu và Sa Hoa luân hồi chuyến thế thì con đường hoàng tuyền lại ngửi thấy mùi hương của bỉ ngạn hoa, họ lại nhớ về bản thân ở kiếp trước, sau đó họ thề không bao giờ chia lìa nữa nhưng lại vẫn bị lời nguyền kéo vào.

https://cdn.tgdd.vn/Files/2021/07/23/1370244/truyen-thuyet-va-y-nghia-dac-biet-cua-hoa-bi-ngan-202112300938152637.jpg
(Hình hoa Bỉ ngạn)

https://meta.vn/hotro/hoa-bi-ngan-8473

Lac Nguyen nói...

Thưa bạn Bâng Khuâng, nếu bài thơ nói về hình tượng HOA BỈ NGẠN thì bạn nghĩ sao về các câu thơ này: "Chập chờn duyên hoá chuyến đò/Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê"?
Nghĩa câu thơ: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát, giác ngộ. Sai chăng?

Bâng Khuâng nói...

Bạn Lac Nguyen nên vào trang face của bác Trạn để đọc các còm của nhà phê bình Châu Thạch và chính tác giả Trần Mai Ngân nhé!

Tôi coppy lại vài còm:

Trạn Trương Văn
Phú Đoàn
Cảm ơn nhà thơ Phú Đoàn đã duyệt đăng bài cảm nhận của Châu Thạch và phản hồi bình luân của bạn Nguyen Lac về hai chữ Bỉ Ngạn trong thơ. Châu Nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý "Bờ bên kia". Cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu tác giả rồi tác giả xuống bút ngay, chớ chẳng ai làm thơ mà so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta. Dầu nghiêng về ý nào thì cũng phải công nhận Trần Mai Ngân dùng chữ Bỉ Ngạn trong khổ thơ nầy ý nghĩa tuyệt hay!

*
Khuc Thuy Du
Phú Đoàn
TMN gửi lời cảm ơn sâu sắc đến anh đã đăng bài cảm nhận của huynh Trạn Trương Văn về bài thơ của mình và cũng đã trả lời nhà thơ NL.
Trong bài thơ này mình nói về hoa Bỉ Ngạn đúng như huynh Trạn và anh đã đề cập đến. Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…
Một lần nữa hai huynh muội KTD cảm ơn anh Thaydo. Trân trọng!

*
Bạn trao đổi trực tiếp với chính tác giả nhé!

Lac Nguyen nói...

Xin đọc kỹ lại đoạn này của tôi:
- Căn cứ vào 2 câu thơ này:
Chập chờn duyên hóa chuyến 'đò'
Đưa qua bờ lạ lạc 'rời' nẻo mê (Hình như sao ấy về vần: O/ƠI)
Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ lạ"̣, "nẻo mê" mà nhà bình thơ Châu Thạch "giải thích": “Bỉ Ngạn” là một loài hoa... tôi thấy cũng lạ.
Mời nhà bình thơ xét rõ lại về cụm chữ BỈ NGẠN
- Tôi chỉ "Mời" Châu Thạch xem lại chữ BỈ NGẠn, căn cứ vào văn bản , đâu có nói ông ta phê bình sai đâu, sao mà các fan ông lại "lên án" tôi dữ vậy? Ghê quá. Chắc chữ "tự do"trong tự điển đã bị xóa bỏ.
Tôi xin có vài lời thêm, rồi sẽ ngưng vì thấy không đáng và hơi nghi ngờ về tính "công bình".
Trước khi trả lời, tôi xin nói rõ: Khi phê bình, phải căn cứ vào VĂN BẢN của bài thơ hay bài viết, chứ không căn cứ vào "cảm xúc", "tình cảm"...
1. Châu Thạch nói: "Châu Nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý "Bờ bên kia"...
Lạc Nguyên trả lời:
- Trong "văn bàn" bài bình thơ "kẻ hèn" này đã đọc, không thấy cụm chữ "Bờ bên kia"; nếu có xin ngài bình thơ chỉ cho nơi đâu.
Vì không có cụm chữ "Bờ bên kia" nên tôi mới "Mời" nhà bình thơ Châu Thạch xem lại nghĩa của hai chữ "bỉ ngạn". Nếu đã có cụm chữ "Bờ bên kia" thì tôi mời làm chi, giới thiệu nghĩa của chữ "bỉ ngạn" trong từ điển làm chi cho nhọc sức?
Câu nói :"Châu Nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý "Bờ bên kia"..." chỉ được viết ra sau khi đã có lời "mời" xem lại từ điển về chữ "bỉ ngạn" của tôi.

2.Về bài thơ
a. Trong văn bản bài thơ, tôi thấy các câu thơ
"Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê"?
Theo tôi, nghĩa câu thơ là như vầy: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát, giác ngộ.
"Bờ bên kia" = Bỉ ngạn. Qua bờ bên khia=Đáo bỉ ngạn là "rời nẻo mê", giác ngộ
b. Cũng trong văn bản bài thơ, kế tiếp các câu thơ trên là cụm chữ "Nương theo Bỉ Ngạn"
Đây là nghĩa chữ "nương" trong từ điển:
Nương: Động từ
. Dựa vào để cho được vững. Nương mình vào ghế.
. Dựa vào để có được sự che chở, giúp đỡ. Nương vào nhau mà sống. Nương bóng, nương cửa Phật, nương cậy vào Chúa... Nương theo lời Kinh. Nương theo sức gió; nương theo lời nói.
Theo tôi hiểu: "Nương theo BỈ NGẠN là nương theo lời Kinh.
- Tác giả TMN nói:
Trong bài thơ này mình nói về hoa Bỉ Ngạn đúng như huynh Trạn và anh đã đề cập đến. Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…
Trong văn bản bài thơ, tôi không thấy cụm chữ "Đường hoa làm lạc lối". Nếu có xin chỉ cho. Và cũng theo chủ quan tôi nghĩ, nếu là con đường thì ít ai dùng chữ "nương", chữ "đi" hoặc "dạo" hợp hơn. Sai chăng?.
- Cái ý nghĩ các câu thơ "Chập chờn duyên hoá chuyến đò/ Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê, nghĩa là: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát."Bờ bên kia" = Bỉ ngạn. Qua bờ bên khia=Đáo bỉ ngạn là "rời nẻo mê", giác ngộ: Nói thật, tôi "rất mong" là tôi nghĩ sai, vì nếu ý nghĩ tôi đúng thì các câu thơ này đúng , mà khi các câu thơ đúng thì theo logic, tác giả bài thơ "có trình độ", hiểu biết "sâu xa" về Phật pháp. Tôi "không nghĩ như vậy".
Rõ ràng tác giả đã xác nhận tôi nghĩ sai, nghĩ "vớ vẩn". Xin lỗi tác giả nha.

Còn tiếp

Lac Nguyen nói...

Tiếp theo
3. Sẵn dịp tôi ghi ra đây cho vui comment của thi sĩ Zulu DC (Trên FB của Châu Thạch Trạn Trương Văn)
- "Rất là Châu Thạch, ông bạn đã hoá thân thành một Du Thụy Khúc mới có thể viết được những điều mà có thể DTK cũng không nghĩ tới, đôi điều đi xa hơn lời thơ."
Comment này khiếntôi nhớ câu chuyện này:
"Nhà thơ Jacque Prévert đi vào câu lạc bộ bình thơ của Pháp tại Paris. Gặp lúc các nhà bình thơ đem thơ ông ra mổ xẻ đủ loại, đủ điều nhưng chả có ai chú ý đến một người vô danh mới vào và chăm chú theo dõi cuộc bình thơ. Hết cuộc bình thơ, người khách lạ bước lên sân khấu bắt tay các diễn giả và nói rằng: "Xin chân thành cảm ơn tất cả các ngài đã đem thơ tôi bình luận. Thật sự tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã có những ý nghĩ lạ lùng cao xa ấy trong thơ mình và tôi cũng không ngờ thơ tôi lại hay như vậy. Cảm ơn các ngài. Nói xong, người khách lặng lẽ bước ra. Người khách lạ ấy chính là Jacque Prévert."
Chắc tôi cũng là một trong những nhà bình thơ trong truyện ):):
Trân trọng
Lac Nguyen

Bâng Khuâng nói...

Cảm nhận thơ qua phân tích ý thơ theo từng câu chữ... như bạn Lac Nguyen là hợp lý. Tuy nhiên, tứ thơ còn được tác giả gửi gắm qua “ý tại ngôn ngoại”. Tác giả Trần Mai Ngân đã bộc bạch “ngôn ngoại” đó:
“Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…”

Tôi nghĩ bạn không nhất thiết khư khư “căn cứ vào văn bản” như bạn nói mà nên thoáng đạt hơn.
Tôi thích và tán đồng ý này của bác Trạn ở còm phía trên “Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’. Cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu tác giả rồi tác giả xuống bút ngay, chớ chẳng ai làm thơ mà so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta. Dầu nghiêng về ý nào thì cũng phải công nhận Trần Mai Ngân dùng chữ Bỉ Ngạn trong khổ thơ nầy ý nghĩa tuyệt hay!”

Bâng Khuâng nói...

"Tôi chỉ "Mời" Châu Thạch xem lại chữ BỈ NGẠn, căn cứ vào văn bản , đâu có nói ông ta phê bình sai đâu, sao mà các fan ông lại "lên án" tôi dữ vậy? Ghê quá. Chắc chữ "tự do"trong tự điển đã bị xóa bỏ." (Lac Nguyen)

*
Không phải fan của ông Châu Thạch như bạn Lac Nguyen nghĩ đâu, mà fan của một đối thủ của bạn. Người này có rất nhiều fan. Anh ấy và các fan đã đăng nhiều bài viết công kích bạn...

Lac Nguyen nói...

Đúng ra thì tôi chỉ phản hồi với Châu Thạch và TMN, lần cuối rồi thôi, nhưng vì bạn Bâng Khuâng/ Đoàn Phú dự vào nên tôi bắt buộc phải có thêm vài lời, nếu không thì "không phải đạo"
1. Về câu: "Tuy nhiên, tứ thơ còn được tác giả gửi gắm qua “ý tại ngôn ngoại”. Tác giả Trần Mai Ngân đã bộc bạch “ngôn ngoại” đó:“Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…”
- Tôi đã giải thích rõ ở trên rồi: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát, giác ngộ và "Nương theo BỈ NGẠN là nương theo lời Kinh, nương theo con đường Phật chỉ ra.
Tác giả đã xác nhận tôi nghĩ sai, nghĩ "vớ vẩn", không đúng theo "ngôn ngoại": Bỉ ngạn là hoa. Tôi đã xin lỗi tác giả rồi, đã "ngu si" nghĩ bài thơ "thâm sâu" về Phật pháp. Đúng tôi là một trong những nhà bình thơ trong truyện Jacque Prévert.
2. Về câu: "Tôi thích và tán đồng ý này của bác Trạn ở còm phía trên “Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’..." - ĐP
- Tôi cũng đã trả lời Châu Thạch ở trên, ở đây tôi xin nói thêm vài lời cho đầy đủ, cho rõ ràng tại sao tôi thấy "cũng lạ" trong câu phản hồi của tôi: "Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ lạ"̣, "nẻo mê" mà nhà bình thơ Châu Thạch "giải thích": “Bỉ Ngạn” là một loài hoa... tôi thấy cũng lạ"- LN
- Chuyện như vầy: Trong văn bản phê bình của CT, ông ta đang giảng Phật pháp: “Đức Phật dạy, mọi thứ trên đời đều huyền ảo như mộng, như bào, như ảnh, như lộ, như điện, không bền vững, vĩnh hằng ... Chỉ có những ai thức tỉnh và giác ngộ như chư Phật và chư vị Bồ Tát mới chứng được thực tại”.- CT
Rồi kế tiếp lại giảng BỈ NGẠN - từ nhà Phật- là hoa Bỉ Ngạn, một truyền thuyết nhân gian thì không lạ sao?
Thật ra tôi cũng biết tại sao ông CT bình như vậy: Ông Google Search chữ Bỉ Ngạn. Khi Google search chữ này thì 100 lần như 1, nó sẽ hiện ra "truyền thuyết hoa Bỉ Ngạn" của nhân gian. Muốn hiểu rõ Bỉ Ngạn -từ nhà Phật- thì phải nghiên cứu sách Phật, sau đó vào từ điển Hán Nôm tra chữ Bỉ Ngạn. Hình như CT là mục sư, đạo Chúa?
Và sau khi tôi đã viết về Bỉ Ngạn=Bờ bên kia, ông CT mới viết thêm lời mà bạn tán đồng nói trên.
Chúc bạn an lạc nha. Xin ngưng tại đây
Trân trọng
LN

Bâng Khuâng nói...

Nhà thơ Trần Mai Ngân làm bài thơ “YẾT ĐẾ! YẾT ĐẾ! YẾT ĐẾ!”.

YẾT ĐẾ! YẾT ĐẾ! YẾT ĐẾ!

Tôi khắc bức Phù Điêu
Lên tâm tường vách em
Liêu xiêu đã liêu xiêu
Câu kinh vàng hương khói...

Tôi khắc bức Phù Điêu
Lạnh khô như hồn ngói
Trăm năm xin một lần
Đạo - Đời cùng ly thân!

Tôi khắc bức Phù Điêu
Từng đường nét ân cần
Giấu trong tay tiền kiếp
Mõ chuông lời ăn năn.

Một lần là vĩnh viễn
Vào tâm tường vách em
Cháy đen lời sám hối
Ngang nhiên vào ngục tối!

Ai đọa đày hồn tôi
Tâm tường vách bạc vôi
Yết Đế! Yết Đế!... Tôi
Ba La Tăng Yết Đế!!!

Trần Mai Ngân

Khi đọc bài thơ “CHẬP CHỜN GỐI CHĂN” tôi cũng có cảm nhận như bạn Lac Nguyen: BỈ NGẠN là “Bờ bên kia”, “đáo bỉ ngạn” 到彼岸 qua bờ bên kia.
Tôi có trao đổi qua email với tác giả, biết được tác giả dùng từ BỈ NGẠN là “hoa bỉ ngạn”, vì vậy tôi mới ghi còm “Tuy nhiên ở bài thơ này, theo tôi thì nhà thơ Trần Mai Ngân nói lên nỗi niềm khắc khoải với hình tượng HOA BỈ NGẠN như lời bình của bác Châu Thạch.”
“Tôi thích và tán đồng ý này của bác Trạn ở còm phía trên ‘Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’. Cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu tác giả rồi tác giả xuống bút ngay, chớ chẳng ai làm thơ mà so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta. Dầu nghiêng về ý nào thì cũng phải công nhận Trần Mai Ngân dùng chữ Bỉ Ngạn trong khổ thơ nầy ý nghĩa tuyệt hay!’

Như vậy, bác Châu Thạch chỉ nói riêng về HOA BỈ NGẠN trong bài bình chỉ là thiếu chứ không hẳn sai.
Bạn cho là lời còm của bác Châu Thạch mà tôi nêu ở trên là sau khi bạn phân tích, nhưng bạn quên rằng bác Châu Thạch hẳn đã trao đổi trước với chính tác giả trước khi viết bài...
Và tác giả Trần Mai Ngân đã dùng “ẩn ngôn” khi viết bài thơ nên khi cảm thơ ta không chỉ đơn thuần chăm chú “căn cứ vào văn bản” mà còn nên hiểu “ý tại ngôn ngoại” nữa.

Lac Nguyen nói...

1. Xin mời đọc lại lời này- Tôi đã xin lỗi tác giả rồi , cần xin lỗi thêm nữa không? Ôi sự "bao che" "covering" quá tuyệt vời, có lời khen nha.
- Tôi đã giải thích rõ ở trên rồi: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát, giác ngộ và "Nương theo BỈ NGẠN là nương theo lời Kinh, nương theo con đường Phật chỉ ra. Theo VĂN BẢN
Tác giả đã xác nhận tôi nghĩ sai, nghĩ "vớ vẩn", không đúng theo "ngôn ngoại": Bỉ ngạn là hoa. Tôi đã xin lỗi tác giả rồi, đã "ngu si" nghĩ bài thơ "thâm sâu" về Phật pháp. Đúng tôi là một trong những nhà bình thơ trong truyện Jacque Prévert.
Và đây là câu nói của Nhi Phạm trong bài viết về lối bình thơ của Châu Thạch: Chúng tôi cùng ý.
"Vì thế bình thơ phải dựa vào văn bản, chữ nghĩa của bài thơ trước mặt mình mà bình, mà tán."- Nhi Pham
2. Mời BK đọc lại đoạn phản hồi trên của tôi: "Đúng ra thì tôi chỉ phản hồi với Châu Thạch và TMN, lần cuối rồi thôi, nhưng vì bạn Bâng Khuâng/ Đoàn Phú dự vào nên tôi bắt buộc phải có thêm vài lời, nếu không thì "không phải đạo"- LN. Bây giờ "phải đạo rồi", xin ngưng với bạn tại đây, vì chúng ta hình như không liên quan chút gì với bài phê bình này. Nếu có "đối thoại" thì giữa tôi và Châu Thạch thôi. Và nên nhớ, tôi chưa bao giờ nói Châu Thạch sai nha, chỉ mời Châu Thạch tìm hiểu rõ chữ Bỉ Ngạn của nhà Phật thôi. Chúc bạn ĐP sức khỏe . Bye

Bâng Khuâng nói...

Có lẽ chúng ta ngưng là vừa. Nhưng câu nói của bạn “Ôi sự ‘bao che’ ‘covering’ quá tuyệt vời, có lời khen nha”.(Lac Nguyen) nên tôi trao đổi thêm với bạn.

“Nếu có ‘đối thoại’ thì giữa tôi và Châu Thạch thôi” (Lac Nguyen). Các còm trên face và các trang mạng khác (chế độ công khai) thì mọi người có quyền tham gia góp ý bàn luận, huống chi tôi là chủ trang web blog BÂNG KHUÂNG. Những ý kiến trao đổi không chỉ riêng cá nhân những người tranh luận mà còn để người khác tham gia. Những người tranh luận với nhau đều mang tính cách chủ quan, những người xung quanh đọc còm thì khách quan hơn (không nói những người phe nhóm).

Tôi không hề thiên vị ai. Khi đọc bài thơ “CHẬP CHỜN GỐI CHĂN” tôi cũng có cảm nhận như bạn Lac Nguyen: BỈ NGẠN là “Bờ bên kia”, “đáo bỉ ngạn” 到彼岸 qua bờ bên kia.
Bác Châu Thạch bình và đề cập đến “hoa bỉ ngạn”, có lẽ bác ấy có trao đổi trước với tác giả.
Cứ cho rằng bác Châu Thạch sau khi đọc còm của bạn nên mới ghi:
“Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’. Cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu tác giả rồi tác giả xuống bút ngay, chớ chẳng ai làm thơ mà so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta. Dầu nghiêng về ý nào thì cũng phải công nhận Trần Mai Ngân dùng chữ Bỉ Ngạn trong khổ thơ nầy ý nghĩa tuyệt hay!”
Như thế, bác Châu Thạch biết tiếp thu và biết phục thiện để bổ sung khi lời bình ban đầu không đề cập đến “bờ bên kia”

Còn bạn, tôi cảm thấy vẫn còn định kiến và cố chấp khi một mực cho rằng bình thơ chỉ căn cứ vào văn bản và dẫn ý của bạn Phạm Đức Nhì “Vì thế bình thơ phải dựa vào văn bản, chữ nghĩa của bài thơ trước mặt mình mà bình, mà tán”. Căn cứ câu chữ để phân tích là đúng nhưng chưa đủ. Cảm thụ thơ văn không chỉ đơn thuần căn cứ vào câu chữ mà có khi cần “đọc giữa những hàng chữ”. Nhiều bài thơ, tác giả chứa ẩn ý, hàm ngôn, ý tại ngôn ngoại mà mình chưa cảm nhận ngay.

“Trong văn bản bài thơ, tôi không thấy cụm chữ "Đường hoa làm lạc lối". Nếu có xin chỉ cho”.(Lac Nguyen)

Tác giả Trần Mai Ngân mới “hé lộ” ẩn ý, hàm ngôn không hiển thị trong văn bản. Tiếc rằng tác giả từ chối trả lời bạn, nếu không chúng ta hiểu nhiều hơn về ẩn ý, hàm ngôn của bài thơ.

“Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…”

Từ ngữ “đường hoa” làm tôi liên tưởng đến thơ Xuân Diệu:

“Anh đi đường có hoa
Tôi nằm trong tuổi lạnh”

Cụm từ “phân vân đi về” làm tôi liên tưởng đến thơ Nguyễn Bắc Sơn:

QUA SÔNG
Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông
Nguyễn Bắc Sơn

Phân vân nên không “đáo bỉ ngạn” (qua bờ bên kia) nữa mà “hồi đầu”, hồi đầu thì cũng “thị ngạn” (thấy bến)
Tác giả TMN có lẽ hoài niệm về một cuộc tình chưa trọn nên bâng khuâng với hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa).

Nói tóm lại, cái cảm nhận ban đầu của tôi về “bỉ ngạn” (bờ bên kia) về ý thơ của TMN là chưa thấu đáo. Nếu được biết nhiều thêm về ẩn ý của tác giả không chỉ ít ỏi qua câu “Đường hoa làm lạc lối và phân vân đi về…” thì hay biết mấy!
Một lần nữa tôi tán đồng ý kiến này của bác Châu Thạch:

“Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’. Cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu tác giả rồi tác giả xuống bút ngay, chớ chẳng ai làm thơ mà so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta. Dầu nghiêng về ý nào thì cũng phải công nhận Trần Mai Ngân dùng chữ Bỉ Ngạn trong khổ thơ nầy ý nghĩa tuyệt hay!”

NHI D PHAM nói...

Nhì Phạm trả lời:

Tôi viết “Vì thế bình phải dựa vào VĂN BẢN, CHỮ NGHĨA của bài thơ trước mặt mình mà bình mà tán”.

Tôi không nói CÂU CHỮ như Phú Đoàn “tách ra” để phê phán.

VĂN BẢN, CHỮ NGHĨA bao gồm cả nghĩa bóng, nghĩa “giữa hai hàng kẻ”

NHI D PHAM nói...

Vì thế bình thơ (tôi viết thiếu chữ thơ)

Lac Nguyen nói...


-"nhưng bạn quên rằng bác Châu Thạch hẳn đã trao đổi trước với chính tác giả trước khi viết bài..."
Bình thơ mà phải cần "trao đổi trước với chính tác giả trước khi viết" để hiểu "ẩn ý" tác giả muốn nói gì, để hiểu "nghĩa “giữa hai hàng chữ” ra sao: Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói, hèn gì Châu Thạch là nhà bình thơ "nổi tiếng" vì đã làm điều này. Cám ơn nha, tôi sẽ học theo: Trước khi bình thơ ai, tôi sẽ hỏi trước tác giả về "ẩn ý", về "hàm ngôn" của bài thơ. Chúc vui

Bâng Khuâng nói...

Thật vui khi nhà bình thơ Phạm Đức Nhì ghé thăm và ghi còm.
Trao đổi về câu bạn ghi:
“Tôi viết ‘Vì thế bình phải dựa vào VĂN BẢN, CHỮ NGHĨA của bài thơ trước mặt mình mà bình mà tán’.
Tôi không nói CÂU CHỮ như Phú Đoàn ‘tách ra’ để phê phán.”
*
Tôi trả lời còm của bạn Nguyên Lạc và chép nguyên si câu nói mà bạn Nguyên Lạc dẫn, không hề “bóc tách”. Nhà bình thơ sao không chịu đọc kỹ các còm của bạn Nguyên Lạc mà lại “bóc tách” ra khỏi nội dung trả lời của tôi vậy?
Bạn Nguyên Lạc suy danh định nghĩa các từ ngữ “ BỈ NGẠN là ‘Bờ bên kia’, ‘đáo bỉ ngạn’ 到彼岸 qua bờ bên kia”, hoàn toàn chỉ “căn cứ đơn thuần vào văn bản” mà nhận định, có chịu đọc ẩn ý “giữa hai hàng kẻ” đâu. Thậm chí, ẩn ý “giữa hai hàng kẻ” mà tác giả hé lộ, thì bạn Nguyên Lạc cũng bắt bẻ “Trong văn bản bài thơ, tôi không thấy cụm chữ "Đường hoa làm lạc lối". Nếu có xin chỉ cho”.(Lac Nguyen).

Bạn Nguyên Lạc chỉ căn cứ vào 2 câu thơ này:

Chập chờn duyên hóa chuyến 'đò'
Đưa qua bờ lạ lạc 'rời' nẻo mê

Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ la"̣, "nẻo mê"
- Bỉ 彼: 1. kia, nọ 2. phía bên kia 3. đối phương
- Ngạn 岸
Từ điển phổ thông: bờ, biên
Từ điển Trần Văn Chánh; Bờ, bến: Td Bờ sông;
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: Bờ sông. Td: Tả ngạn, Hữa ngạn
- Bỉ ngạn 彼岸
Từ điển phổ thông: bờ bên kia, phía bên kia sông
Từ điển trích dẫn:
. Bờ bên kia . ◎Như: “đáo bỉ ngạn” 到彼岸 qua bờ bên kia. Hán dịch nghĩa từ chữ Phạn pāramitā, dịch âm là “ba-la-mật”: qua bờ bên kia có nghĩa là giải thoát. (thuật ngữ Phật giáo)
Đây là câu chú, Mantra, của Bát Nhã Tâm Kinh
(Lac Nguyen)

Nghĩa là bạn Nguyên Lạc chăm chăm vào văn bản thuần túy “đã hiển thị” và chỉ xét đến nghĩa của từ điển được hiểu theo ý riêng của bạn ấy mà bỏ quên các đoạn thơ khác nói lên tâm trạng buồn thương có liên quan đến HOA BỈ NGẠN (mạn châu sa hoa). “Hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa) chỉ nở trên đường hoàng tuyền, hoa có hình như những cánh tay hướng về thiên đường để cầu khẩn. Mỗi khi Mạn Châu và Sa Hoa luân hồi chuyến thế thì con đường hoàng tuyền lại ngửi thấy mùi hương của bỉ ngạn hoa, họ lại nhớ về bản thân ở kiếp trước, sau đó họ thề không bao giờ chia lìa nữa nhưng lại vẫn bị lời nguyền kéo vào.”
Tác giả TMN đã nương theo mùi hương của bỉ ngạn hoa với nỗi lòng khắc khoải:

“Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...”

“Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm
Kiếp này thôi những cầm bằng là không”

“Chập chờn gối, chập chờn chăn
Chập chờn giấc mộng băn khoăn một đời
Chập chờn phai nhạt rã rời
Mỏi mòn quang gánh bao giờ trả xong...”

Nói tóm lại, tôi chép lại nguyên si lời bạn Nguyên Lạc dẫn ý của bạn. Bạn Phạm Đức Nhì không nên “bóc tách” nội dung trả lời của tôi để thấy rằng bạn Nguyên Lạc CĂN CỨ VÀO VĂN BẢN THUẦN TÚY ĐÃ HIỂN THỊ và dùng từ điển để suy danh định nghĩa theo cách hiểu BỈ NGẠN của riêng bạn ấy chứ không “đọc giữa những hàng chữ” như bạn nói. Bạn Phạm Đức Nhì xem lại nhé:

“a. Trong văn bản bài thơ, tôi thấy các câu thơ
"Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê"?
Theo tôi, nghĩa câu thơ là như vầy: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát, giác ngộ.
"Bờ bên kia" = Bỉ ngạn. Qua bờ bên khia=Đáo bỉ ngạn là "rời nẻo mê", giác ngộ
- Cái ý nghĩ các câu thơ "Chập chờn duyên hoá chuyến đò/ Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê, nghĩa là: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát."Bờ bên kia" = Bỉ ngạn. Qua bờ bên kia=Đáo bỉ ngạn là "rời nẻo mê", giác ngộ" ”
(Lac Nguyen)

Vài lời trao đổi, chúc nhà bình thơ Phạm Đức Nhì vui!

Bâng Khuâng nói...

Bạn Nguyên Lạc à !
Nhà phê bình không nhất thiết phải trao đổi với tác giả trước. Nhưng đôi khi có những vấn đề mà nhà phê bình lưỡng lự thì chuyện trao đổi với tác giả để thông tỏ (như hoàn cảnh sáng tác bài thơ, địa danh và tâm trạng khi sáng tác) thì chuyện cũng bình thường. Cụ thể như từ ngữ BỈ NGẠN hôm nay, sau khi đọc ý kiến các bên, tôi cũng liên hệ với tác giả TMN hỏi và được tác giả cho biết “từ BỈ NGẠN là ‘hoa bỉ ngạn’ ” tránh được sự chủ quan khi cảm nhận

Bâng Khuâng nói...

Hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa) có ý nghĩa hoa là “hồi ức đau thương”
Sao không nghĩ tác giả TMN đã nương theo mùi hương của hoa bỉ ngạn thả hồn theo hồi ức cả một trời luyến ái xưa:

“Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...”

Tôi lại liên tưởng đến thơ Lưu Trọng Lư:

“Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau,
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.
Chờ anh dưới gốc sim già nhé!
Em hái đưa anh đoá mộng đầu.”

Lac Nguyen nói...

Phú Đoàn: "bạn Nguyên Lạc CĂN CỨ VÀO VĂN BẢN THUẦN TÚY ĐÃ HIỂN THỊ và dùng từ điển để suy danh định nghĩa theo cách hiểu BỈ NGẠN của riêng bạn ấy chứ không “đọc giữa những hàng chữ..." - BK/ Phú Đoàn
Trả lời:
Tôi xin nói rõ: VĂN BẢN bao gồm cả nghĩa bóng, nghĩa “giữa hai hàng chữ ” giống như Phạm Đức Nhì đã nói.
Bây giờ tôi sẽ trả lời về câu nói tôi "không “đọc giữa những hàng chữ..." của Phú Đoàn.
1. Về bài bình thơ của Châu Thạch:
Nếu tôi "không “đọc giữa những hàng chữ", không hiểu "ẩn ý"́ của câu chữ (ẩn ý của câu chữ chứ không phái của tác giả bài thơ)"Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê"?" thì làm sao tôi nghĩ đến Mantra trong Tâm Kinh Bát Nhã: Đáo Bỉ ngạn/Pāragate/ Qua bờ bên kia, giác ngộ?
Xin đăng lại 1 đoạn còm của tôi đã post:
1- Tôi cũng đã trả lời Châu Thạch ở trên, ở đây tôi xin nói thêm vài lời cho đầy đủ, cho rõ ràng tại sao tôi thấy "cũng lạ" trong câu phản hồi của tôi: "Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ lạ"̣, "nẻo mê" mà nhà bình thơ Châu Thạch "giải thích": “Bỉ Ngạn” là một loài hoa... tôi thấy cũng lạ"- LN
- Chuyện như vầy: Trong "văn bản" phê bình thơ của CT, ông ta "tán" đoạn thơ:

Chập chờn sương khói dòng sông
Ta về buông nhẹ thong dong hẹn hò
Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê

Ông ta dùng Phật pháp để tán:

“Đức Phật dạy, mọi thứ trên đời đều huyền ảo như mộng, như bào, như ảnh, như lộ, như điện, không bền vững, vĩnh hằng. Chính điều này đã hình thành nên tư duy mộng ảo, xem cuộc đời như giấc mộng thoáng qua. Mộng là những hình ảnh hiện lên khi ngủ, ảo là cái không có thực, kín đáo, không lộ diện trực tiếp, hư hoặc, đánh lừa cảm giác con người, chỉ sự không có thực, hư ảo của thế gian. Tất cả mọi người trên thế gian này đều là những con người mơ mộng và họ nhìn thấy thế gian này là thường hằng, bất biến, song những gì xét cơ bản đều là vô thường. Chỉ có những ai thức tỉnh và giác ngộ như chư Phật và chư vị Bồ Tát mới chứng được thực tại”- CT

Rồi kế tiếp liền sau đó, ông lại giảng BỈ NGẠN - từ nhà Phật- là hoa Bỉ Ngạn, một truyền thuyết nhân gian thì làm sao mà tôi không lạ sao? Do đó tôi mời nhà bình thơ xét rõ lại về cụm chữ BỈ NGẠN, vì trong Tâm kinh Bát Nhã, câu chú Bỉ Ngạn là "bờ bên kia", bờ giải thoát khỏi "nẻo mê".
Thật ra tôi cũng biết tại sao ông CT bình như vậy: Ông Google Search chữ Bỉ Ngạn. Khi Google search chữ này thì 100 lần như 1, nó sẽ hiện ra "truyền thuyết hoa Bỉ Ngạn" của nhân gian. Muốn hiểu rõ Bỉ Ngạn -từ nhà Phật- thì phải nghiên cứu sách Phật, sau đó vào từ điển Hán Nôm tra chữ Bỉ Ngạn. Hình như CT là mục sư, đạo Chúa?

Lac Nguyen nói...

2. Về bài thơ:
Trong văn bản bài thơ, tôi thấy các câu thơ
"Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê"?
Nếu tôi "không “đọc giữa những hàng chữ" thì làm sao tôi nói câu: Cái ý nghĩ các câu thơ Chập chờn duyên hoá chuyến đò/ Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê, nghĩa là: Chuyến đò đưa qua bờ lạ-bờ bên kia, rời nẻo mê= giải thoát."Bờ bên kia" = Bỉ ngạn. Qua bờ bên khia=Đáo bỉ ngạn là giác ngộ?
Nếu tôi "không “đọc giữa những hàng chữ" thì làm sao tôi nghĩ "rời nẻo mê" là qua bờ bên kia, giác ngộ? Dù cái "ẩn ý" tôi nghĩ khác với cái "ẩn ý" của tác giả, tôi vẫn “đọc giữa những hàng chữ" mà, phải không?.
Tuy nhiên: Tác giả đã xác nhận tôi nghĩ sai, nghĩ "vớ vẩn", không đúng theo "ngôn ngoại": Bỉ Ngạn không phải bờ bên kia, mà là hoa Bỉ Ngạn. Tôi đã xin lỗi tác giả rồi, rằng tôi đã "ngu si" nghĩ bài thơ "thâm sâu" về Phật pháp. Tôi đúng là một trong những nhà bình thơ trong truyện Jacque Prévert trên.

Ở đây tôi có câu hỏi: Theo Phật pháp, khi GIÁC NGỘ = RỜI NẺO MÊ thì không còn nghĩ đến "tình" nữa, tình trai gái đời thường. Do đó, nếu: Bỉ Ngạn là hoa
Và: "Hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa) có ý nghĩa hoa là “hồi ức đau thương”
Sao không nghĩ tác giả TMN đã nương theo mùi hương của hoa bỉ ngạn thả hồn theo hồi ức cả một trời luyến ái xưa" - Phú Đoàn
Thì tôi nghĩ rằng: Sự "có mặt" của 2 câu "Chập chờn duyên hoá chuyến đò/Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê" trong bài thơ nó "lạc lỏng" sao ấy, có cần nó không khi bài thơ chỉ nói đến "tình yêu trai gái đời thường"?
Nếu không có các câu thơ này thì nhà bình thơ Châu Thạch đâu có đem Phật Pháp ra mà giảng, nó đâu có "ăn nhập" gì đến tình yêu trai gái?
Mong rằng tôi nghĩ sai
Trân trọng

Bâng Khuâng nói...

Tác giả TMN ghi còm này ở face, tôi chép lại vào đây:
*
Khuc Thuy Du
Phú Đoàn
Tôi làm thơ, đọc thơ vì yêu thơ và tôi muốn cuộc sống cũng đẹp nhẹ nhàng như người thơ, lời thơ. Ở ngôi nhà văn chương sẽ không có những tỵ hiềm, bươi xới hay nặng nề ăn thua mà hãy là sự trao đổi, bàn luận và cùng nhau học hỏi.
Thơ viết thì chỉ tác giả mới là người hiểu nó rõ nhất “ đứa con này là của ai”… nhưng khi thơ được chia sẻ để bạn bè đọc, thì mỗi người một cảm nghĩ về bài thơ đó… hoặc cũng có người thấy mình trong bài thơ… nên khen, chê là lẽ thường! Bạn có quyền ý kiến nhưng không thể bắt tác giả hay độc giả nhất nhất phải theo con đường suy nghĩ phán đoán của bạn.
Một tác giả có thể chưa hay, chưa nổi tiếng nhưng thơ của họ được yêu thương vì gần gũi, vì họ chân thành và thân thiện.
Tôi cũng là người luôn lắng nghe và học hỏi điều hay. Nhưng tôi sẽ im lặng với những đặt để không đúng. Tránh nói những điều không hay rồi không lấy lại được!
Qua bài thơ của tôi và bài bình của huynh Trạn đã làm làn sóng trên mạng mấy hôm nay.
Vô tình chúng ta được nhiều độc giả đọc và nhận định tính cách từng người qua các comment… Cũng hay!
Thường khi tôi ít dự vào những việc như vầy nhưng lần này là do từ bài thơ của tôi nên tôi nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm.
Tôi không phải là người hảo ngọt chỉ thích lời khen. Tôi luôn nhận khuyết điểm và lỗi, nếu đúng!
Tôi xin dừng lại ở đây. Xin cảm ơn tất cả đã làm cho diễn đàn thơ này trở nên sinh động hơn.
Và tôi xin cảm ơn anh Phú Đoàn lần nữa, những lời nói cân nhắc, công minh và có giá trị trong việc bàn luận này.
Tôi cũng cảm ơn nhà thơ Nguyên Lạc và bác Phạm Nhì.
Chúc vui và hạnh phúc đến tất cả mọi người. Trân trọng!

Bâng Khuâng nói...

Nói đi nói lại, bạn Nguyên Lạc cũng chỉ căn cứ vào 2 câu thơ:

“Chập chờn duyên hóa chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê”

Và sử dụng từ điển để suy danh định nghĩa về BỈ NGẠN. Vì BỈ NGẠN là bờ bên kia, bạn thấy từ ngữ “chuyến đò” là phương tiện để ĐÁO BỈ NGẠN (qua bờ bên kia) “rời nẻo mê”. Tất nhiên, người có kiến thức về Phật pháp đều hiểu qua bờ bên kia thoát bến mê là giải thoát, ý nghĩa này hiển nhiên như thế, không cần phải “đọc giữa hai hàng chữ” cũng hiểu.
Bạn chỉ căn cứ riêng vào 2 câu thơ và một số ít từ ngữ hiển thị trong 2 câu thơ đó mà không xét VĂN BẢN toàn bài ở những đoạn thơ khác thì quá thiếu sót. Thậm chí, ẩn ý “giữa hai hàng kẻ” mà tác giả hé lộ, thì bạn cũng bắt bẻ “Trong văn bản bài thơ, tôi không thấy cụm chữ "Đường hoa làm lạc lối". Nếu có xin chỉ cho”.(Lac Nguyen).
Bác Châu Thạch dù sao cũng viết: “Châu nghĩ có lẽ khi dùng chữ Bỉ Ngạn, nhà thơ Trần Mai Ngân có ẩn ý chỉ loài hoa Bỉ Ngạn và cả ý ‘Bờ bên kia’...”.
Bác Châu Thạch khi nói về Phật pháp, hẳn “cái ý ấy chỉ thoáng trong đầu rồi bác xuống bút ngay, chẳng so đo, tính toán đẻo gọt chữ cả. Khi đọc thơ, thì tùy theo tình cảm mỗi người mà ta nghiêng về ý nầy hay nghiêng về ý kia là do ta”. (Theo Châu Thạch).
Bác Châu Thạch cảm được nỗi bi hoài trong thơ của tác giả, biết tác giả là Phật tử nên mới an ủi: “Đức Phật dạy, mọi thứ trên đời đều huyền ảo như mộng, như bào, như ảnh, như lộ, như điện, không bền vững, vĩnh hằng ... Chỉ có những ai thức tỉnh và giác ngộ như chư Phật và chư vị Bồ Tát mới chứng được thực tại”

Chuyện bác Châu Thạch ngoài đời làm gì, bạn không nên câu móc, quan trọng lời bác ấy bàn về Phật pháp như thế nào. “Chúng sinh đều là Phật chưa thành”, ngay cả kẻ ngập tràn tội lỗi khi “buông dao đồ tể cũng thành Phật”, huống chi bác ấy còn là vị mục sư đang tìm hiểu về tôn giáo khác (chưa kể những thành viên trưởng thượng trong gia đình bác ấy vốn là những cư sĩ có vai vế cao trong giáo hội Phật giáo trước 1975)
Việc kết hợp truyền thuyết dân gian với giáo lý có gì là nực cười đâu. Khi thuyết pháp chư tăng vẫn đưa Phật pháp vào chuyện đời thường, cũng như dẫn chuyện đời thường để minh chứng cho Phật pháp. Chúng sinh hiểu tường tận Phật pháp thì họ được “ngộ”, được “độ”, sao bạn câu chấp thế!
(Còn tiếp)

Bâng Khuâng nói...

(Tiếp theo)
Bạn Nguyên Lạc, từ đầu đến cuối cứ nhất mực BỈ NGẠN là bờ bên kia, hoàn toàn phủ nhận về HOA BỈ NGẠN và chỉ vin vào 2 câu thơ đã trích và chăm chú từ ngữ văn bản đã hiển thị (“Trong này có các cụm chữ: "chuyến đò", "qua bờ lạ"̣, "nẻo mê" mà nhà bình thơ Châu Thạch "giải thích": “Bỉ Ngạn” là một loài hoa... tôi thấy cũng lạ"- LN). mà không xét toàn bài.

Đọc văn bản “giữa hai hàng chữ”, nghĩa là còn cảm nhận về cảm xúc, tâm trạng của tác giả, thế mà bạn bỏ quên nỗi niềm khắc khoải liên quan hình tượng HOA BỈ NGẠN. Bạn viết: “Tôi xin nói rõ: Khi phê bình, phải căn cứ vào VĂN BẢN của bài thơ hay bài viết, chứ không căn cứ vào "cảm xúc", "tình cảm"...” (Nguyên Lạc).
Không biết nhà thơ Phạm Đức Nhì nghĩ như thế nào đây?
Bạn thấy LẠ vì bạn ĐỊNH KIẾN, khăng khăng nhất mực BỈ NGẠN là bờ bên kia, xét chỉ riêng ở 2 câu thơ đã trích, nếu bạn thoáng đạt hơn thì ‘quen’ thôi.

“Chập chờn ta ở hay về
Nương theo Bỉ Ngạn lời thề vàng phai
Chập chờn ta mãi là ai
Để vùi quên lãng ngày mai không còn...”

Chỉ căn cứ văn bản thuần túy mà không cảm nhận tâm trạng bi hoài “chập chờn” của tác giả thì cứng ngắt khô cứng quá bạn à !
Tại sao cứ bắt tác giả phải “thâm sâu Phật pháp” vì dùng từ bỉ ngạn (bờ bên kia) NHƯ BẠN NGHĨ, mà không nghĩ tác giả nương theo LÀN HƯƠNG CỦA HOA BỈ NGẠN, hoài niệm “lời thề vàng phai”

“Chập chờn ôm lấy héo hon
Trắng canh gầy guộc lối mòn vọng âm
Chập chờn khóc với trăm năm
Kiếp này thôi những cầm bằng là không”

Bạn chỉ chăm chăm “căn cứ văn bản” đơn điệu BỈ NGẠN, “chuyến đò”, “bờ”, “nẻo mê” mà không xét thêm đến văn bản “chập chờn”, “khóc”, “héo hon”, “lời thề vàng phai”, “vùi quên lãng”, “phai nhạt rã rời”, “mỏi mòn quang gánh”, “ở hay về”, “não nùng”...
Tại sao bỏ qua những VĂN BẢN QUAN TRỌNG này bạn Nguyên Lạc nhỉ!

Vì sao lại “chập chờn” khi lên “chuyến đò giác ngộ” (như cách hiểu của bạn Nguyên Lạc) mà không an nhiên tự tại, chân như lòng mình

“Chập chờn duyên hoá chuyến đò
Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê”

Vì sao lại “bờ lạ”, rời nẻo mê mà “lạc rời”

Việc này chỉ có tác giả TMN biết, tôi chỉ lạm bàn cho vui về văn bản “đường hoa lạc lối”, “lạc rời”, “nẻo mê” mà tác giả TMN đã ghi (trong bài thơ và cả lời còm)

“Anh đi ‘đường có hoa’
Tôi nằm trong tuổi lạnh”
XUÂN DIỆU

“Chuyến đò” phải chăng là thuyền hoa? Có chăng là tâm trạng rối bời của cô dâu trước khi sang ngang để “lạc” nhưng rồi buộc lòng phải rời “nẻo mê”, rời những tâm sự ngỗn ngang rối bời mê muội về cuộc tình chưa vẹn để bắt đầu “bờ lạ” cuộc sống mới.

Tôi chỉ lạm bàn một chút cho vui, bàn về cuộc tình riêng thì nhạy cảm lắm! Xin tác giả lượng thứ!

Tác giả TMN đã nêu ở còm trên là hợp lý:

“Thơ viết thì chỉ tác giả mới là người hiểu nó rõ nhất ‘đứa con này là của ai’… nhưng khi thơ được chia sẻ để bạn bè đọc, thì mỗi người một cảm nghĩ về bài thơ đó… hoặc cũng có người thấy mình trong bài thơ… nên khen, chê là lẽ thường! Bạn có quyền ý kiến nhưng không thể bắt tác giả hay độc giả nhất nhất phải theo con đường suy nghĩ phán đoán của bạn.” (TMN)

Bâng Khuâng nói...

Bạn Nguyên Lạc ghi:

“Ở đây tôi có câu hỏi: Theo Phật pháp, khi GIÁC NGỘ = RỜI NẺO MÊ thì không còn nghĩ đến "tình" nữa, tình trai gái đời thường. Do đó, nếu: Bỉ Ngạn là hoa
Và: ‘Hoa bỉ ngạn (Mạn Châu Sa Hoa) có ý nghĩa hoa là ‘hồi ức đau thương’
Sao không nghĩ tác giả TMN đã nương theo mùi hương của hoa bỉ ngạn thả hồn theo hồi ức cả một trời luyến ái xưa” (Phú Đoàn)
Thì tôi nghĩ rằng: Sự "có mặt" của 2 câu "Chập chờn duyên hoá chuyến đò/Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê" trong bài thơ nó "lạc lỏng" sao ấy, có cần nó không khi bài thơ chỉ nói đến "tình yêu trai gái đời thường"?
Nếu không có các câu thơ này thì nhà bình thơ Châu Thạch đâu có đem Phật Pháp ra mà giảng, nó đâu có "ăn nhập" gì đến tình yêu trai gái?” (Lac Nguyen)
*

Như đã nói, do bạn ĐỊNH KIẾN cứ khăng khăng nhất mực cho rằng BỈ NGẠN trong bài thơ là “bờ bên kia” và “bờ lạ”... là ĐÁO BỈ NGẠN, ‘rời nẽo mê” là giác ngộ là giải thoát như Bát Nhã Tâm Kinh. Căn cứ văn bản, nhưng bạn không xét đến các từ ngữ “lạc rời”, “bờ lạ”, “chập chờn” nên cứ YÊN TRÍ chắc nịch rồi phủ nhận hoàn toàn từ ngữ BỈ NGẠN mà tác giả dùng chính là HOA BỈ NGẠN.
Chính là nói đến tình yêu đời thường và tâm trạng “chập chờn”, rối bời của nhân vật trong thơ nên hai câu thơ “Chập chờn duyên hoá chuyến đò/Đưa qua bờ lạ lạc rời nẻo mê” KHÔNG LẠC LÕNG” chút nào hết.
Nhà bình thơ Châu Thạch đem Phật Pháp ra an ủi, xoa dịu tâm trạng “chập chờn” của một Phật tử bên bờ tuyệt vọng sao không hợp lý?
Nếu bạn nghĩ BỈ NGẠN trong 2 câu thơ bạn trích dẫn là HOA BỈ NGẠN (tác giả đã khẳng định), thì tác giả nói đến nỗi lòng của nhân vật, là chuyện tình duyên, như tôi đã lạm bàn trong những còm trên. Suy nghĩ chi sâu xa đến “Phật pháp uyên thâm” cho nhức đầu bạn Nguyên Lạc à...

Tác giả TMN đã khẳng định: từ ngữ BỈ NGẠN trong câu thơ là nói về HOA BỈ NGẠN, sao mà bạn cứ cho khác ý bạn và biện luận mãi không thôi.

Lời tác giả TMN, theo tôi quá rõ ý rồi:
“Thơ viết thì chỉ tác giả mới là người hiểu nó rõ nhất ‘đứa con này là của ai’… nhưng khi thơ được chia sẻ để bạn bè đọc, thì mỗi người một cảm nghĩ về bài thơ đó… hoặc cũng có người thấy mình trong bài thơ… nên khen, chê là lẽ thường! Bạn có quyền ý kiến nhưng không thể bắt tác giả hay độc giả nhất nhất phải theo con đường suy nghĩ phán đoán của bạn.” (TMN)