BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

TIỄN BIỆT NHÀ THƠ, NHÀ GIÁO, DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA, MỘT NHÂN CÁCH ĐẸP


Nhà giáo, Nhà thơ, Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa
              
Dẫu biết rằng sẽ có ngày tất cả cũng phải giã biệt nhau nhưng tin Đỗ Tư Nghĩa (ĐTN) mất, sáng 16/9/2021 tại Đà Lạt vẫn làm tôi bàng hoàng không nguôi: “ Khi chúng mình giã biệt trong lặng thầm nước mắt, trái tim như vỡ tan” (thơ của ĐTN). Không chỉ riêng tôi chắc có rất nhiều nhà giáo PHHS và bao người quen biết anh hầu như ai cũng thầm yêu quý nể trọng con người ấy! Với tôi chào vĩnh biệt ĐTN là vĩnh viễn tôi mất đi một người bạn chân tình hiền hòa điềm đạm, lối sống và đặc biệt từ lời nói dáng đi, cách ăn mặc, ánh mắt, nụ cười của ĐTN luôn có nét khiêm kính đôn hậu bao dung. Anh bao dung tha thứ cho cả sâu bọ làm khốn khó cuộc đời. Bao kỷ niệm thoáng về với bao lời tâm tình của Nhà thơ “Đôi khi tôi muốn hồn tôi như nắm tro để tôi vãi tung ra bốn phương trời theo gió”. Đỗ Tư Nghĩa đã thấy trước “Mai này tôi chết đi, xin gởi lại tình yêu, xin gởi lại cuộc đời!”
 
Đỗ Tư Nghĩa là nhà giáo nổi tiếng với cả sự thầm lặng chân thật bình dị của một nhân cách đẹp không muốn phô trương khoe khoang tài năng đặc biệt của mình .Với tấm bằng cử nhân triết học nhưng lại đặc biệt có kiến thức kỹ năng đặc biệt bậc thầy về ngoại ngữ ĐTN từng dạy nhiều năm môn tiếng Anh tại Đà Lạt (sau năm 1975) nhưng oái ăm ngành GD bắt anh phải đi học lại tại trường CĐSP nơi mà nhiều người lên lớp dạy anh lại là học sinh của Thầy ĐTN. Bỏ dạy, anh về dịch sách với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng để lại tên tuổi ĐTN trong kho tàng văn chương dịch thuật. Có lần thấy TV giới thiệu tác phẩm của ĐTN trên sóng tôi tìm đến mừng với Nghĩa, anh vẫn bình thản nói tự nhiên “NXB cuốn sách bán chạy đó mà...” Thế thôi, Đỗ Tư Nghĩa luôn bình thản tự tại trước mọi xô bồ thảm hại của nhân thế, nhờ anh mà tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm hay của Kahlil Gibran, Osho, Lev Tolstoy. Tác phẩm tôi yêu thích nhất của Dịch giả ĐTN là The Way of Youth “Con đường tuổi trẻ” với bao ý tứ sâu sắc giáo dục người đời “Tận đáy sâu đời ta, mỗi người đều có một thanh kiếm ngọc, thanh kiếm tâm linh hùng mạnh này giúp ta xuyên thủng lực lượng tiêu cực và bảo vệ sự công bằng”. Ôi làm người ! ĐTN cũng như ai khác anh cũng có bao ước mơ đẹp, sống đẹp nhưng anh cũng lại ẩn dật sống thầm lặng như dòng sông thầm lặng trôi theo thời gian và nay biến mất. Thơ ĐTN từng trải lòng “Chiếc bong bóng nào rồi cũng vỡ, như những giấc mơ của tôi, của mọi người!”
 
Tôi viết những dòng này như lời cảm ơn ĐTN người bạn tốt, một tâm hồn đẹp, thủy chung. Với tôi ĐTN là nhân cách đẹp đặc biệt, là một tài năng về dịch thuật, tài hoa về thơ ca, một tài liệu sống về tấm gương sĩ phu thời đại và nói không quá ĐTN như đóa hoa thơm tại Đà Lạt mà ai gần anh cũng có hương thơm lên áo!

(Bài do Bạch Trọng Thạnh chép lại của một người bạn anh Đỗ Tư Nghĩa không rõ tên) 
                                                          

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bạch Trọng Thạnh là tôi, xin xác định tôi không phải là tác giả bài viết này. Với bút danh Thanh Đà Lạt tôi đã có bài viết "Bệnh dã quỳ", có đăng ở Trang Văn chương miền Nam hồi tháng 4 2021.

Nặc danh nói...

Trong bài "Bệnh dã quỳ" có nhắc lại một ít kỷ niệm với anh Nghĩa.

Bâng Khuâng nói...

Bạn Bạch Trọng Thạnh à! Bài này do thầy Đỗ Tư Nhơn anh ruột của anh Đỗ Tư Nghĩa gửi qua email nhờ tôi đăng (ghi rõ tên tác giả là Bạch Trọng Thạnh). Trước đây, trong những ngày anh Đỗ Tư Nghĩa vừa mất, thầy Đỗ Tư Nhơn cũng nói tôi lấy trên face để đăng. Tôi đã trả lời anh Bạch Trọng Thạnh chép lại và anh ấy nói rõ bài của một người bạn.
Vậy bạn cho mình biết tên tác giả bài viết để mình điều chỉnh cho chính danh. Đồng thời, bạn gửi cho mình bài "Bệnh dã quỳ" để mình đăng sau hí ! Gửi qua messeger...

Nặc danh nói...

Chuyện đã lâu giờ không còn nhớ rõ. Hình như bài này do một người bạn là Đặng Nhật Trung gắn thẻ trên FB mình. Mình có qua đó hỏi tác giả nhưng không được trả lời. Với bài viết đầy tình thương mến với anh Nghĩa này mình giữ lại nhưng không hề để tên Bạch Trọng Thạnh.