BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

QUAN QUẢ CÔ ĐỘC VÀ QUAN HÔN TANG TẾ - Kha Tiệm Ly


Nhà văn Kha Tiệm Ly

1.
QUAN QUẢ CÔ ĐỘC

QUAN là góa vợ (người đàn ông góa vợ gọi là “quan phu”); QUẢ là góa chồng (quả phụ); CÔ là không cha mẹ; ĐỘC là không con cái.

QUAN QUẢ CÔ ĐỘC 鰥寡孤獨 là bốn hoàn cảnh diễn tả nỗi cô đơn không nơi người nương tựa, rất đáng thương mà đạo lý xã hội ta khuyên thương yêu, giúp đỡ (bây giờ gọi là “neo đơn”).
 
2.
QUAN HÔN TANG TẾ

Không ít người hiểu QUAN HÔN TANG TẾ cũng là bốn trường hợp mà lối xóm láng giềng nên giúp đỡ nhau. Họ hiểu: QUAN là cô độc, (hoặc thống khổ, đau yếu bệnh tật ) ; HÔN: đám cưới; tang: đám ma; tế : đám cúng trời đất, ông bà tổ tiên . “Lối xóm láng giềng phải giúp đỡ nhau, phải có mặt nhau khi quan hôn tang tế” là vậy!

Họ hiểu vậy cũng vì đã lầm chữ “quan” trong QUAN QUẢ CÔ ĐỘC và chữ “quan” trong QUAN HÔN TANG TẾ là một! 
Đúng ra nói QUAN HÔN TANG TẾ là đã sai rồi, mà phải nói là QUÁN (có dấu sắc) HÔN TANG TẾ!
 
Theo Kinh Lễ, QUÁN HÔN TANG TẾ 冠婚喪祭 là bốn lễ quan trọng trong đời người đó là quán lễ 冠禮 (lễ đội nón); hôn lễ, tang lễ, và tế lễ.
 
Hồi xưa lắm, bên Tàu, khi người con trai đến 20 tuổi thì được làm “lễ đội nón” với những nghi thức long trọng, rườm rà để được công nhận là “người lớn”, là thành viên chánh thức trong gia đình, làng xã; lễ này gọi là “quán lễ” (Lễ đội nón)
. “QUAN” có nghĩa là cái nón (danh từ) có một âm khác lá “QUÁN” thì nghĩa là “đội nón” (động từ)

Như vậy nói QUÁN HÔN TANG TẾ 冠婚喪祭 mới đúng.
Không biết phải vậy không nữa! Quý bạn nên cân nhắc!
 
                                                                                      Kha Tiệm Ly
 

1 nhận xét:

NỖI NIỀM nói...

Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có câu:
“Thương người QUAN QUẢ cô đơn”

Đồng ý với tác giả Kha Tiệm Ly:
Ý nghĩa của 2 từ QUAN, QUẢ trong câu thơ trên đều là “ở góa”.

* Quan 鰥 : người goá vợ
Quan phu 鰥 夫: người đàn ông đã mất vợ

* Quả 寡 : góa chồng.
Quả phụ 寡妇 quả phụ
寡婦 quả phụ:
Đàn bà goá chồng — Đàn bà ở một mình, không lấy chồng

*
Góp ý với tác giả một điểm về chữ QUAN:
Đúng thế! QUAN 冠 (cái nón) và QUAN 觀 (xem xét) còn đọc là “quán”.
- Ngày xưa, con trai hai mươi tuổi thì làm lễ đội mũ, cho nên con trai mới hai mươi tuổi gọi là “nhược quán” 弱冠, chưa đến hai mươi tuổi gọi là “vị quán” 未冠.
- Quán 冠 còn có nghĩa là đầu sổ, cầm đầu cho tất cả mọi người gọi là quán, như quán quân 冠軍 đỗ đầu sổ.
- Ta có từ QUAN ÂM 觀音 hay QUAN THẾ ÂM 觀世音 là một vị Bồ Tát trong Phật giáo thường được gọi là QUÁN THẾ ÂM.

*
Tuy nhiên, âm QUAN thường được dùng phổ biến hơn âm QUÁN, chẳng hạn trong bài thơ MÃN GIANG HỒNG của Nhạc Phi:

Nộ phát xung quan,
Bằng lan xứ,
Tiêu tiêu vũ yết.
Đài vọng nhãn,
Ngưỡng thiên trường khiếu,
Tráng hoài khích liệt.
*
Tóc dựng mái đầu,
Lan can đứng tựa,
Trận mưa vừa dứt.
Ngóng trời xa,
Uất hận hú dài.
Hùng tâm khích liệt.

Hay bài thơ DỊCH THỦY TỐNG BIỆT của Lạc Tân Vương

Thử địa biệt Yên Đan,
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thuỷ do hàn.
*
Nơi đây khi từ biệt Thái tử Đan nước Yên
Tóc tráng sĩ dựng đứng lên sát mũ
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông Dịch ngày nay còn giá lạnh.

Do chữ QUAN 冠 có 2 cách đọc. Cho nên không thể như tác giả Kha Tiệm Ly viết: “nói QUAN 冠 HÔN TANG TẾ là đã sai rồi”.
Mà:
- Nói QUÁN (có dấu sắc) HÔN TANG TẾ là đúng

- Nói QUAN HÔN TANG TẾ cũng đúng
Và QUAN HÔN TANG TẾ phổ biến hơn