BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

NGUỒN GỐC CỦA CÁCH NÓI "NAM TẢ NỮ HỮU" - An Hòa

Nguồn:
https://trithucvn.org/van-hoa/nguon-goc-cua-cach-noi-nam-ta-nu-huu.html


Quan niệm "nam tả nữ hữu", người nam bên trái, người nữ bên phải vẫn thường được lưu truyền trong dân gian. Nó có nguồn gốc như thế nào và có mối liên hệ gì với những ý niệm truyền thống?

Ngày nay, quan niệm "nam tả nữ hữu" vẫn còn được lưu truyền trong văn hóa người Việt, tại một số nghi lễ, hội họp dòng họ, hay cách sắp xếp bàn thờ. Tập tục này có liên quan rất mật thiết với ý niệm của người xưa.
 
Từ rất xa xưa, các hình thức tu luyện Đạo gia khác nhau đã giảng rằng, vạn vật trong vũ trụ đều có hai mặt đối lập là âm và dương. Chẳng hạn sự vật trong tự nhiên là có lớn bé, dài ngắn, trên dưới, trái phải, cứng mềm, v.v.. Hơn nữa bên trong mỗi sự vật cũng đều có tính được và mất, gốm dễ vỡ nhưng chôn xuống đất thì không suy suyển, sắt cứng rắn nhưng chôn xuống đất thì dễ bị sét rỉ, v.v.. Tất nhiên đây chỉ là một loại tính chất, với các cấp độ đối lập, tương sinh tương khắc, tương phụ tương thành khác nhau, không phải là sự đối lập tuyệt đối.
 
Cổ nhân phân chia: lớn, dài, trên và bên trái là dương; còn nhỏ, ngắn, dưới và bên phải là âm. Người có tính dương thì kiên cường cứng cỏi, người có tính âm thì nhu hòa, mềm mỏng. Dựa vào tính cách của con người, thì nam giới kiên cường mạnh mẽ là thuộc về dương, bên trái; còn nữ giới dịu dàng mỏng manh thuộc về âm, bên phải. Trong y học truyền thống cũng có sự khác biệt "nam tả nữ hữu", "bên trái thuộc dương, bên phải thuộc âm”, "phía trên thuộc dương, phía dưới thuộc âm" là như vậy.
 
Nói về nguồn gốc của "nam tả nữ hữu", có truyền thuyết kể rằng, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thì các bộ phận trên thân thể của ông hóa thành Mặt Trời và Mặt Trăng, thành đất trời, sông núi, cùng với vạn vật sinh linh. Sách “Ngũ vận lịch niên ký” kể rằng: Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng là do hai mắt của Bàn Cổ biến hóa thành. Thần Mặt Trời là do mắt trái, còn Thần Mặt Trăng là do mắt phải hóa thành. Do đó bên trái ứng với dương, bên phải ứng với âm.
 
Thuyết Âm Dương của Đạo gia ban đầu dùng Mặt Trời để phân chia âm dương, hướng về Mặt Trời thì là dương, đối nghịch với Mặt Trời thì là âm. Về sau này, quan niệm về "âm dương" được mở rộng ra, bao gồm cả sự nóng lạnh của khí hậu, phương vị cao hay thấp, trái phải, trong ngoài, trạng thái vận động hay tĩnh lặng…
 
Thuyết Âm Dương cho rằng, bất cứ sự vật nào trong giới tự nhiên đều bao gồm yếu tố âm và dương, vừa hỗ tương mà cũng vừa đối lập lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chính sự vận động vừa đối lập vừa thống nhất của âm dương là nguyên nhân căn bản của sự phát sinh, phát triển, biến hóa cho đến sự tiêu vong của mọi sự vật trong thế giới tự nhiên.
 
Sách "Tố vấn: Âm Dương ứng tượng đại luận" có viết: "Âm dương giả, thiên địa chi Đạo dã, vạn vật chi cương kỷ, biến hóa chi phụ mẫu, sinh sát chi bổn thủy", có nghĩa là Âm Dương là Đạo của Trời Đất, là kỷ cương của vạn vật, là cha mẹ của mọi biến hóa và là cơ sở của sự sinh tồn và diệt vong.
 
Hình vẽ âm dương cổ xưa. (Tranh qua Pinterest)

Âm và dương vừa có thể dùng để biểu thị sự đối lập lẫn nhau của các sự vật, vừa có thể dùng để phân tích những mặt đối lập tồn tại bên trong một sự vật nào đó. Thông thường mọi sự vận động có tính mạnh mẽ, hướng ra ngoài, lên cao, ấm áp, sáng ngời thì đều thuộc về dương. Ngược lại, những gì tương đối tĩnh tại, hướng vào trong, hạ xuống, rét lạnh, u ám thì đều thuộc về âm.
 
Đối với Trời Đất mà nói, thì khí thiên nhẹ nhàng thanh tao là dương, địa khí nặng nề mờ đục là âm. Đối với nước lửa mà nói, thì nước có tính lạnh mà lại không khô nên thuộc về âm, còn lửa có tính nóng mà lại hanh khô nên thuộc về dương.
 
Một số học vấn cổ đại như thiên văn học, toán học, âm nhạc và y học, đều là nhờ học thuyết Âm Dương ngũ hành mà phát triển đi lên. Khái niệm "nam tả nữ hữu" cũng chính là phương thức biểu hiện của Âm Dương trong văn hóa truyền thống, chính là "nam dương nữ âm". Quy luật này nếu phản chiếu vào xã hội thì sẽ thấy được rất nhiều điều hay ho, bổ ích.
 
Trong xã hội thì người đàn ông nên là dương, phải lấy ngay thẳng cương trực làm gốc. Cương trực ở đây không phải chỉ đơn thuần là cương trực công chính, cũng không phải là khăng khăng giữ ý mình, mà có ý nói nam nhân phải có tri thức và cách nhìn nhận đúng đắn trong đối nhân xử thế.
 
Người phụ nữ là âm, phải lấy nhu hòa mềm mỏng làm gốc. Người phụ nữ cần có phẩm chất hiền lương, dịu dàng như nước, an tĩnh mà khoan thai, không nóng nảy, không dong dài, làm lợi vạn vật mà không tranh giành.
 
Điều này nếu phản chiếu vào mối giao tiếp gia đình thì lại càng có ý nghĩa thâm sâu hơn. Người chồng và người vợ tương phụ tương thành, chính là một thể thống nhất. Người đàn ông như trời, tráng kiện không ngừng, ở bên ngoài lo toan sự nghiệp, nuôi dưỡng gia đình. Người phụ nữ như đất, khiêm tốn mà nâng đỡ vạn vật, đảm bảo sự tồn tại của mái ấm gia đình.
 
Từ cổ chí kim, từ thời bắt đầu xã hội nguyên thủy, người đàn ông ở bên ngoài săn bắn, đánh giặc, người phụ nữ quản việc nhà, một người ở trong một người ở ngoài, phân công rõ ràng, sống nương tựa vào nhau, người nào đảm nhận vị trí của người ấy, từ đó mà sống hòa hợp vui vẻ, lâu bền.
 
"Cô âm bất sinh, độc dương bất trưởng", đại ý là âm lẻ loi sẽ không sản sinh ra được điều gì, dương trơ trọi sẽ không thể lớn mạnh phát triển. Nếu trong gia đình chỉ người chồng hoặc người vợ cố gắng thì sẽ khó lâu bền. Âm dương hòa hợp mới có thể hóa sinh vạn vật, vợ chồng hài hòa gia đình mới có thể hưng vượng. Âm dương vốn là nương tựa lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, trong âm có dương, trong dương có âm, vợ chồng cũng nên là như vậy.
 

Vạn vật trong tự nhiên có thể chung sống hài hòa đều là vì tuân theo những quy luật bất biến. Nếu có ban ngày sẽ có đêm tối, có mặt trời mọc sẽ có mặt trời lặn, có cao thì có thấp, có trên thì có dưới, có động thì có tĩnh… Đạo của Trời Đất, lấy âm dương tạo hóa vạn vật. Có âm dương mới có vạn vật sinh sôi không ngừng, mới có sự hài hòa có trật tự của tự nhiên, của nhân luân.
 
Quy luật mà chúng sinh, nhân loại tuân theo chính là đạo nhân luân. Mà đạo vợ chồng được coi là ngọn nguồn của nhân luân, của các mối giao tiếp xã hội. Nho gia giảng: “Đạo nhân luân bắt đầu từ đạo vợ chồng”, trong Kinh Dịch cũng viết: “Có trời đất sau đó có vạn vật, có vạn vật sau đó có nam nữ, có nam nữ sau đó có vợ chồng, cha con, quân thần, từ đó mới có khái niệm trên dưới, lễ nghi…”
 
Nói một cách khác, xã hội được hình thành là do muôn vạn gia đình tạo thành, tao ra sự hài hòa trong cuộc sống gia đình là có liên quan đến sự bình an và lâu dài của xã hội.
 
                                                                                                 An Hòa
 

Không có nhận xét nào: