BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

CHUYỆN CÁI CHÉN - Nguyễn Gia Việt




Người Việt mình đều ăn cơm, sống ăn cơm chết cũng cúng ba chén cơm, đó là văn minh lúa gạo.
Nhưng phần lớn các tỉnh Bắc Kỳ kêu cái đựng cơm và đũa ăn là cái bát, Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là cái đọi, thì ở Nam Kỳ kêu là cái chén.
Chữ bát nó xuất phát từ chữ (bát) của cái bình bát một nhà sư ôm đi khất thực.
Còn chén là chữ Nôm, trong Hán tự chữ  (trản) là chỉ cái chung nhỏ để uống rượu, nhưng người Bắc Kỳ uống rượu và kêu là chén rượu, trong khi Nam Kỳ kêu là chung rượu hoặc ly rượu.
 
"Đắng cay này chén tiễn đưa
Uống đi, uống để say sưa ngập lòng"
(Chén rượu đôi đường - Vũ Hoàng Chương)
 
Nguyễn Trãi trong "Gia huấn ca", có đoạn:
 
Đua chi chén rượu câu thơ,
Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao."
 
Khóc Dương Khuê-Nguyễn Khuyến:
 
"Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân"
 
Và:
 
“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
 
Nhưng đã nói, Nam Kỳ không kêu chén rượu mà kêu là chung rượu hoặc ly rượu.
 
"Uống ly này ly tôi hết rồi đây
Đám cưới vui ai đâu có mà la rầy
Nè anh Tám nhìn hoài chi chị Sáu
Cụng ly với bà sui đi cái đã"
 
Ngoài Bắc Kỳ ngày xưa họ kêu cái đựng cơm và lên miệng khi ăn là cái bát.
 
"Ăn bát cơm đầy nhớ ngày gian khổ
Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi"
 
Nhưng sau khi có Đàng Trong và Đàng Ngoài chia Nam Bắc ra thì khi lưu dân vô Nam đã có sự thay đổi.
 
Trung Kỳ kêu là cái chén ăn cơm.
 
"Chầu rày bạn cũ xa rồi,
Cái trách cũng vụt, cái nồi cũng quăng.
Cái trã trong bếp ném phăng,
Cái chén trong sóng cũng văng ra ngoài."
 
Ngoài Huế có cái điện Hòn Chén được dựng trên ngọn núi Ngọc Trản, một ngọn núi cây cối tươi tốt, cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhứt của sông Hương, là nơi thờ bà Thiên Y A Na.
Vô Nam Kỳ, lưu dân ông bà tổ tiên của ta cũng kêu cái đồ đựng cơm ăn hàng ngày là cái chén.
 
"Chén cơm đôi đũa nằm ngang,
Thiếp thấy mặt chàng, đói cũng như no"
 
Đồng dao có bài:
 
"Úp chén úp dĩa
Dĩa ngu dĩa ngốc
Con cóc cụt đuôi
Ở bờ ở bụi
Ai nuôi mày lớn,
Dạ thưa thầy, con lớn mình ên"
 
Và:
 
"Con cá đối nằm trên cối đá
Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?"
 
Thành ngữ Bắc Kỳ có chữ "ăn cháo đái bát", vô Nam thành "Ăn cháo đá bát", chữ bát giữ nguyên.
 
Vì sao Nam Kỳ không xài chữ bát?
 
Theo truyền thống Nam Kỳ, ăn cơm và cúng cơm đều trang trọng, ngày Tết cũng cúng cơm ông bà.
Chữ 'bát' nghe giống thất bát, xui rủi, thành ra không ai xài bát cơm.
Và nguyên nhân như đã nói, Nam phải làm khác Bắc, Bắc kêu bát cơm thì Nam sẽ là chén cơm, thái độ này theo chân lưu dân Ngũ Quảng vô Nam.
Nam Kỳ như nói ở trên cũng rạch ròi phân biệt giữa chén ăn cơm và chung hay ly uống rượu.
Đó là yếu tố phản kháng, yếu tố chánh trị vùng miền, làm cho khác Bắc đặng tạo ra đặc trưng văn hóa Phương Nam.
Người Nam Kỳ khác người Hàn Quốc là khi ăn cơm phải bưng cái chén lên trên tay và cầm đũa mà và cơm vô miệng.
Người Nam Kỳ sẽ quở con cháu khi thấy nó để chén cơm trên bàn sau đó dùng đũa gắp cơm lên miệng.
Khi ăn cơm không được lấy đũa, muỗng đánh vào chén kêu boong boong vì như vậy là cúng ma, cũng là vô lễ hỗn hào trước mặt người lớn tuổi. Nam Kỳ cũng kỵ khách khứa đang ngồi mà dọn cơm khua thành tiếng lẻng kẻng.
Nhà nghèo Nam Kỳ ăn chén sành Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, nhà giàu ăn chén kiểu Tàu, Nhựt Bổn. Ăn xong rửa ráy rồi úp lên xống chén mà phơi cho nó khô.
 
Tay anh bưng chén kiểu, tơ liễu con rồng,
Tuổi em còn nhỏ, chưa chồng, anh thương.
 
                                                                               Nguyễn Gia Việt
Nguồn:
https://www.facebook.com/Saigontrongtraitimtoi/posts/2503376996657616/

Không có nhận xét nào: