(Viết tặng con yêu Đặng Tuấn Hưng)
Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư,
là con trưởng của Hiếu Vũ đế (vua Lưu Tuấn) và Vương Hoàng hậu. Nghiệp sinh năm
449, chết năm 465, ở ngôi vua chưa đầy hai năm. Mẹ của Lưu Tử Nghiệp là một phụ
nữ hiền thục, có công rất lớn trong việc củng cố ngôi Thái tử và đưa Lưu Tử
Nghiệp lên ngôi Hoàng đế.
Theo sách Sử Trung Quốc thì Lưu Tử Nghiệp "ít tuổi
mà cường bạo, khi lên ngôi thì sự ngang ngược lại càng quá quắt, thông dâm với
cả chị ruột là Sơn Âm công chúa” đều do Hoàng hậu Vương Hiến Nguyên sinh ra.
Lưu Tử Nghiệp còn đưa em gái ruột của vua cha (Hiếu Vũ đế) là công chúa Tân Sái
Trường (còn gọi là Tân Thái) vào cung lập làm "tiểu thiếp". Khi bị
chú rể phát hiện, Lưu Tử Nghiệp đã thằng tay tàn sát cả gia đình chú rể.
Sử Trung Quốc còn chép: “Nhà vua dạo chơi ở Trúc Lâm
đường trong Hoa Lâm Viên, bắt các phi, cung nữ và tả hữu cởi truồng theo sau,
hoặc bắt một số nữ hành lạc với một nam, hoặc một số nam hành lạc với một nữ. Lại
bắt cung nhân cởi truồng giao cấu với dê đực, khỉ hoặc chó, lại trói ngựa đặt nằm
ngửa trên mặt đất, bắt cung nhân lõa thể mà giao hợp với ngựa. Một cung nữ
không chịu, liền bị chặt đầu.”
Như vậy, Lưu Tử Nghiệp không chỉ là kẻ loạn luân mà đích
thực y còn là kẻ thác loạn trong tính giao.
Hình tượng hôn quân Lưu Tử Nghiệp trong bộ phim PHƯỢNG
TÙ HOÀNG (52 tập, phát sóng năm 2017) được các nhà làm phim Trung Quốc tái hiện
không hoàn toàn dựng theo chính sử, mà gia giảm “cốt truyện” để “biến tấu” hình
ảnh Lưu Tử Nghiệp bớt xấu xí và tàn ác trong mắt khán giả. Các nhà làm phim đã
đưa tính chân thực xuống hàng thứ yếu nên gia giảm (hư cấu) nhiều tình tiết “cốt
truyện” về Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp trong các mối quan hệ “mắt xích” với Lưu Sở
Ngọc, Lưu Úc, Lưu Hưu Nhân... để tái hiện hình ảnh Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp
“cũ mà mới”, “quen mà lạ” với khán giả là những bạn đọc có sự hiểu biết về triều
Lưu Tống là khá mạo hiểm, rất dễ thất bại khi công chiếu nhưng khi phim được khởi
chiếu, xem Trương Dật Kiệt thể hiện hình ảnh "thằng vua trẻ con ngang ngược
tàn ác" Lưu Tử Nghiệp thì khán giả dù khó tính cũng trầm trồ trước tạo
hình Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp mới nhưng không lạ, quen mà không cũ qua diễn xuất
“đóng đinh cho vai diễn” của nam diễn viên còn quá trẻ Trương Dật Kiệt.
Trương Dật Kiệt sinh năm 1999, bắt đầu tham gia đóng
phim năm 2010. Khi tham gia phim PHƯỢNG TÙ HOÀNG anh mới 16-17 tuổi, đã thể hiện
xuất sắc vai diễn, làm sống lại một Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp tàn ác, phóng
túng, loạn luân và bất đạo như trong chính sử (Trung Quốc) và làm mới hình ảnh
hôn quân Lưu Tử Nghiệp với những trắc ẩn, đáng thương của “vị đế vương trẻ con
đa nhân cách Lưu Tử Nghiệp”.
Xem Trương Dật Kiệt diễn, khán giả như đang được chứng
kiến cuộc đời thực của Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp, với những hỉ nộ ái ố của một
vị vua trẻ con trong độ tuổi mới lớn, ở tâm lý tuổi nổi loạn, muốn khẳng định
cái tôi chủ quyền tối thượng của mình. Bực đấy, căm tức đấy nhưng rồi người xem
cũng động lòng trắc ẩn với những uẩn khúc, những bi thương trong quãng đời quá
ngắn ngủi nhưng cũng có quá nhiều việc làm xằng bậy, càn quấy của hôn quân Lưu
Tử Nghiệp.
Tôi đã bị “Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp” hớp hồn ngay từ
những thước phim đầu với cách nhếch miệng cười khẩy, cách phụng phịu bực tức,
cách hất tay đuổi cung nữ... đều mang dáng dấp còn “trẻ con” của hôn quân Lưu Tử
Nghiệp. Ở những thước phim này, người xem thấy một đế vương còn “con nít”,
phách lối kiểu con nít, vẫn phảng phất còn chút ngây thơ, chút bản tính lương
thiện khiến người xem ghét đấy mà cũng thương đấy nhưng đến những thước phim
sau đó, ở phân đoạn Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp cho gọi “2 con lợn” (cách Nghiệp
gọi 2 chú ruột của y) đến để y “kiểm tra” thể trạng trước ngày “cho lên vỉ nướng”,
Trương Dật Kiệt đã làm người xem bất ngờ về tài biến hóa hình tượng vai diễn đa
nhân cách của anh. Vừa mới hí hửng cười ngặt nghẽo trêu chọc “con lợn” Trư
Vương Lưu Úc (tức Lưu Tông Minh Đế, người kế ngôi vua sau khi Tiền Phế đế Lưu Tử
Nghiệp đã bị giết chết) với vẻ khoái chí của "con nít” ở độ tuổi mới lớn,
nhưng khi nghe Kiến An vương Lưu Hưu Nhân (diễn viên Khương Bành) lớn tiếng hạch
tội: - “Lưu Tử Nghiệp! Ngươi vừa đăng cơ liền vội vàng giết chết huynh đệ ruột
của mình. Bây giờ với các thúc thúc của ngươi, sỉ nhục đủ điều, hận không thể
giết họ nhanh hơn chút. Rốt cuộc bọn ta đã làm sai điều gì mà ngươi đối xử với
bọn ta như heo như chó. Ngươi đừng có quên đây là thiên hạ của nhà họ Lưu không
phải của một mình Lưu Tử Nghiệp ngươi đâu. Ngươi cứ cốt nhục tương tàn như vậy,
tung hoành ngang dọc khiến người trong thiên hạ không yên ổn rồi!”, đã chuyển
phắt sang sắc mặt lạnh tanh rồi chiếu ánh mắt đằng đằng sát khí tiến về phía Kiến
An vương Lưu Hưu Nhân với tác phong lạnh lùng, bình thản của kẻ quyền uy tối
thượng: - “Ngươi nói lại lần nữa xem! Ngươi không nói ta còn không biết đó chứ!
Ngươi bất mãn với ta nhiều như vậy sao?”. Tưởng sẽ giết chết ngay Kiến An vương
Lưu Hưu Nhân nhưng Lưu Tử Nghiệp lại phá lên cười, thích thú với trò tiêu khiển
mới khi phát hiện Trư Vương Lưu Úc (diễn viên Lưu Ân Thượng) vì sợ quá mà tè ra
quần. Sự độc ác, tàn bạo của Lưu Tử Nghiệp được đẩy lên điểm tận cùng khi trêu
đùa đã chán chê Trư Vương Lưu Úc, y liền tiến tới Kiến An vương Lưu Hưu Nhân,
chiếu ánh mắt sắc lạnh cùng giọng nói rành rẽ nặng những âm khí chết chóc: “Được
rồi! Đợi Trư Vương giải quyết xong việc lớn, 2 các ngươi lại cùng nhảy lên vỉ
nướng xem nào. Ta lại rất muốn nhìn xem Hoàng thúc ngươi lúc ở trong lửa nóng
có thể kiên cường giống bây giờ hay không?”. Rồi phá lên cười đắc thắng bằng vẻ
mặt hả hê của một thằng trẻ con độc ác.
Xem Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp, tôi thích cách diễn của
Trương Dật Kiệt ở những phân đoạn mà cái ác của Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp được
đẩy đến đỉnh điểm như khi y cho gọi 2 chú ruột là Lưu Úc và Lưu Hưu Nhân đến để
y kiểm tra “thể trạng” trước ngày “cho lên vỉ nướng”, hay khi Lưu Tử Nghiệp
hành xử bất đạo, thảm sát hàng loạt cung nữ ngay ngày đầu Đại tang Thái Hậu (mẹ
đẻ của y), hoặc khi y ra lệnh giết hết đám trẻ hát bài đồng dao “Hoàng đế thật
hoàng đế giả”... Sự phẫn nộ trước những việc làm tàn ác, bất đạo của khán giả với
Lưu Tử Nghiệp được Trương Dật Kiệt đẩy lên điểm đỉnh cao trào nhưng cũng (gần
như) liền ngay sau đấy Trương Dật Kiệt lại “hạ nhiệt” sự phẫn nộ đó bằng những
diễn xuất “bao biện” cho cái ác của Lưu Tử Nghiệp được phát sinh từ sự phách lối,
ngang ngược bởi tâm hồn bị khuyết tật của một đứa trẻ. Ở các phân đoạn này,
Trương Dật Kiệt đã để tính cách “vẫn còn trẻ con” chi phối những hành động bộc
phát của Lưu Tử Nghiệp khi yêu, khi ghét, khi giận dữ, khi làm các việc tàn ác,
bất đạo... khiến người xem vừa căm, vừa hận, vừa ghét, vừa động lòng trắc ẩn
thương Lưu Tử Nghiệp. Đành rằng tạo tính cách cho hình tượng nhân vật Tiền Phế
đế Lưu Tử Nghiệp là do ý tưởng của tác giả kịch bản và ý đồ của đạo diễn nhưng
với sự nhập vai của diễn viên Trương Dật Kiệt thì ý đồ đó không những đã thể hiện
sắc nét mà còn được thăng hoa xuất sắc qua diễn xuất đóng đinh cho vai diễn của
Trương Dật Kiệt. Xem Trương Dật Kiệt diễn, người xem ngộ ra điều: Cái ác không
phải tự nó sinh ra mà nó được bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa do chính
con người (trong đó có cả những nạn nhân) góp phần khởi tạo, bởi con người vốn
dĩ như người xưa đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.
Một điểm nhấn trong thành công ở vai diễn Tiền Phế đế
Lưu Tử Nghiệp là Trương Dật Kiệt diễn nội tâm rất giỏi, nhất là khi xem những
phân cảnh ở những phân đoạn có sự xuất hiện nhân vật Lưu Sở Ngọc (diễn viên
Quan Hiểu Đồng) người xem cảm nhận được bản chất hiền lương vẫn còn sót lại, với
những khao khát yêu thương được sẻ chia, được bù đắp bên cạnh sự nổi loạn phách
lối của tính cách ngang ngược, hung ác... trong con người đa nhân cách của quân
vương trẻ con Lưu Tử Nghiệp. Những thể hiện xuất sắc qua sắc thái của ánh mắt,
nụ cười, hay cái cau mày, nhếch miệng hoặc cử chỉ nũng nịu, đến cái mím môi, quắc
mắt khi trở mặt... đều rất có hồn ở từng phân cảnh cụ thể của diễn viên Trương
Dật Kiệt đã dẫn dắt người xem cùng dõi theo sự phát triển kịch tính của nhân vật.
Xem những bộ phim như thế này mới thấy BỐ GIÀ của Trấn
Thành, một bộ phim làm hao tốn kha khá giấy mực và thời gian tranh luận của những
người làm điện ảnh ở Việt Nam đầu năm 2021, còn đứng ở vị trí bên dưới xa... xa
lắm.
Hà
Nội, sáng 04 tháng 11-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét