BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

“CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM” KHOA HỌC HAY TRUYỀN THUYẾT ? - Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/2109556709316522
 
PGS.TS Khoa học. Trần Ngọc Thêm đã đạo văn (lấy – ăn cắp - toàn bộ hệ thống trong cuốn  “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của triết gia linh mục GS. Kim Định để viết cuốn giáo trình văn hóa của mình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”

“CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM” KHOA HỌC HAY TRUYỀN THUYẾT ?                                                                                                                                                                             Trần Mạnh Hảo

(Bài phê bình này đã in làm hai kỳ trên báo “Văn Nghệ” cách nay 22 năm. Kỳ này chỉ in lại phần một trên “Văn Nghệ” số 17 ra ngày 27- 4-1996)

GS. triết gia, linh mục Kim Định (1914-1997)
 
 
“CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM” – sách dày 382 trang do Trường đại học tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 1996, của PGS.TS. Trần Ngọc Thêm, là giáo trình cho sinh viên, được soạn theo chương trình giáo dục đại cương, do bộ trưởng GD&ĐT ban hành, quyết định số 3224/ GD-ĐT ngày 12-9-1995. Trang 2 cuốn sách ghi : “Giáo trình được biên soạn trên cơ sở kết quả quá trình nghiên cứu khoa học cấp bộ do tác giả chủ trì nhan đề : ‘TÍNH HỆ THỐNG CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM’ . Công trình được công nhận đạt thành tích xuất sắc trong đợt bình tuyển các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 1991-1995 và được bằng khen của bộ trưởng bộ GD & ĐT quyết định số 461/GD-ĐT ngày 31-1-1996”.

Công trình được các giáo sư nổi tiếng giới thiệu trang trọng, kèm lời đầu sách của tác giả nói về tính quy mô to lớn, tính hệ thống và tính khái quát khoa học xưa nay chưa từng có, khi nó chủ trương “đi tìm những đặc trưng cơ bản cần thiết cho việc hiểu văn hóa Việt Nam và những quy luật hình thành và phát triển  chúng…”
 
Ảnh 2 : GS.TS. viện sĩ Trần Ngọc Thêm (1952-...)

Cầm cuốn sách trên tay, vui mừng, thầm cám ơn tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, giúp chúng tôi bổ khuyến môn văn hóa học. Vì cứ theo tên gọi của công trình, chúng tôi sẽ có cơ hội nắm được cơ sở triết học hình thành nền văn hóa Việt Nam. Với các trường đại học hiện nay, hơn bao giờ hết, môn văn hóa học do công trình này có tham vọng đặt ra, được dạy ở hầu hết các trường đại học, hẳn là một tin vui cho ngành giáo dục vậy. Qủa tình, công trình của tiến sĩ Trần Ngọc Thêm có vẻ thật đắc dụng, nếu đạt yêu cầu, sẽ có công với đất nước lắm lắm. Nhưng nỗi vui của chúng tôi đã không giữ được lâu khi đọc xong cuốn sách “đạo văn” này, để chuyển thành sự kinh ngạc, một nỗi buồn dai dẳng mà chúng tôi xin trình bày sau:
 
NHỮNG ĐỊNH NGHĨA CHƯA CHUẨN XÁC
 
Trong sách này, Trần Ngọc Thêm còn sai trong khá nhiều định nghĩa. Trần Ngọc Thêm chưa hiểu từ ngữ Việt Nam khi định nghĩa từ “sĩ diện” : “SĨ DIỆN = bộ mặt kẻ sĩ. Kẻ sĩ là hạng dân đứng đầu trong xã hội Việt Nam truyền thống nên bộ mặt kẻ sĩ cũng là bộ mặt có giá nhất”. Hãy xem từ điển Việt Nam trang 862 định nghĩa từ “Sĩ diện” : “Sĩ diện = thể diện cá nhân. Giữ sĩ diện cho nhau. Sợ mất sĩ diện trước đám đông”.
 
Văn minh văn hóa Việt Nam là văn minh văn hóa lúa nước, thế mà trong cuốn sách đồ sộ mang tên “Cơ sở văn hóa Việt Nam” nhưng Trần Ngọc Thêm không hề biết cây lúa là thế nào, đến nỗi ông hạ bút viết như sau  trang 222 : “ Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là cây lúa, bông đâm ra gọi là đòng, hạt lúa non là cốm…”. Xin xem từ điển đã dẫn trang 321 : “ Đòng.đòng đòng : ngọn của thân cây lúa ( hoặc ngô) đã phân hóa thành cơ quan sinh sản và sẽ phát triển thành bông khi lúa ngô trổ”. Từ điển đã định nghĩa “cốm” trang 199: “món ăn làm bằng thóc nếp non rang chín, giã sạch vỏ , màu xanh, hương vị thơm”.
 
Trần Ngọc Thêm không hiểu thế nào là đòng lúa, thế nào là cốm, ông còn không nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về cây lúa ở trang 222 : “Khi xưa người Việt dùng lúa nếp là chính, trong lúa tẻ thì lúa mùa là chính”. Ông Trần Ngọc Thêm ăn cơm từ bé mà không biết đâu là lúa tẻ đâu là lúa mùa thì nghiên cứu văn hóa Việt Nam sao đặng? Tất nhiên, nếp và tẻ là hai loại lúa khác nhau, còn LÚA MÙA không phải chủng lọai lúa cụ thể mà LÚA MÙA là tên chung gọi các loại lúa cả nếp và tẻ vào mùa gặt tháng mười, còn lúa ở mùa gặt tháng 5 là lúa chiêm.
Đến mức, mùa gặt lúa chiêm là tháng 5 âm lịch, người Việt ai ai cũng biết, trừ Trần Ngọc Thêm cho vụ gặt lúa chiêm vào tháng 3 âm lịch, là tháng giáp hạt, tháng của các nạn đói như tháng 3 Ất Dậu 1945, khi tác giả chú thích ở trang 235 : “Ếch tháng ba, gà tháng bảy, ếch tháng 10 người tháng giêng. Tháng 3 và tháng 10 là mùa gặt lúa chín rụng nhiều nên ếch béo”.
Tục ngữ có câu: “tháng tám đói qua, tháng ba đói chết”. Chính vì ông Thêm cho tháng 3 là mùa gặt chiêm nên tác giả lầm ếch ăn nhiều lúa rụng nên béo. Sự thực ếch tháng 3 rất gầy, vì nó vừa ngủ đông thức dậy đã lao ngay vào mùa sinh sản. Không hiểu biết về cây lúa, về lúa chiêm mùa, về ếch nhái như trên thì sao ông Thêm có thể khái quát hay triết lý về nền văn hóa lúa nước Sông Hồng đây ?
 
Trần Ngọc Thêm còn có nhiều lầm lẫn khác, ví dụ như khi ông cho : “Bà Trưng đã tự vẫn tại Sông Hát Thanh Hóa tháng 5- 43 trang 333”. Sông Hát là chỗ Sông Đáy gặp Sông Hồng sao tác giả lại lôi tuộc sông Hát vào Thanh Hóa ? Có lẽ cứ đà này, Trần Ngọc Thêm có khi còn dạy sinh viên rằng Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên Sông Mã cũng nên ?
 
TRẦN NGỌC THÊM VÀ KIM ĐỊNH, AI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN PHÁT XUẤT RA “ĐỀ QUYẾT
 
ĐỘNG TRỜI” ? AI ĐẠO VĂN CỦA AI ?
Giáo sư Lương Duy Thứ, đánh giá rất cao công trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm, coi đây là sự phát hiện mới mẻ nhất từ trước tới nay về tính nền tảng của văn hóa phương Nam đối với phương Bắc: “Nổi bật hơn là sự khẳng định mạnh bạo của nền văn hóa phương Nam trong tư thế đối lập với nền văn hóa phương Bắc và hơn thế còn khẳng định ngược trở lại của văn hóa phương Nam đối với văn hóa phương Bắc trong khi nhiều nhà nghiên cứu lớp trước chỉ khẳng định sự tiếp thu thụ động” (tr.6)
 
Thưa giáo sư Thứ lười đọc ngu lâu, những điều ông vừa khen ông Thêm không phải lần đầu mới được đọc, mà cách đây nhiều năm chúng tôi đã đọc bởi học giả, giáo sư linh mục Kim Định trong cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của ông do nhà “Nguồn Sáng” xuất bản Sài Gòn năm 1973, trang 65 như sau: “Sau mười năm nhờ nghiên cứu nhiều mới thấy phần đóng góp lớn lao của Viêm Việt vào ba yếu tố trên (đạo thờ Trời, lễ gia tiên, tính nhân bản - chú dẫn của TMH) và do đó giúp vào việc nhận thức nọ được mở rộng, chúng tôi đã đưa vào cặp danh từ mới Hán nho, Việt nho với phạm trù du mục và nông nghiệp như hai trận tuyến văn hóa đối lập nhau..” (hết trích)
 
Tư tưởng chủ đạo trong mười cuốn sách của học giả Kim Định là sự đối lập của văn hóa gốc nông nghiệp Lạc Việt phương Nam với văn hóa gốc du mục phương Bắc. Cũng theo Kim Định, khởi thủy văn hóa phương Nam rạng rỡ hơn văn hóa phương Bắc, là nền tảng cho Nho giáo và Đạo giáo…
 
Sau hai mươi năm, thấy công trình (ăn cắp) của tiến sĩ Thêm lặp lại toàn bộ hệ thống văn hóa Việt Nam khỏi nguồn, lặp lại “đề xuất động trời” này của GS. Kim Định mà không hề dẫn từ nguồn chính này, chúng tôi đành phải lục hết các cuốn sách của nhà văn hóa lớn, triết gia, linh mục GS. Kim Định ra đọc lại: “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam”, “Căn bản triết lý trong văn hóa Việt Nam”, “Lạc thư minh triết”, “Cơ cấu Việt nho”, “Tinh hoa ngũ điển”, “Vấn đề quốc học”, “Loa thành đồ thuyết”, “Triết lý cái đình”, “Việt lý tố nguyên”, “Dịch kinh tinh thế”…đ ều xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn.
 
GS. Kim Định dùng phương pháp mà ông gọi là phương pháp huyền sử, tức là dựa vào huyền thoại, vào suy đoán chữ và linh cảm để đưa ra những giả thuyết theo dạng phiếm luận hơn là khảo cứu khoa học. Linh mục Kim Định sinh năm 1914 tại Nam Định và mất năm 1997 tại bang Missouri Hoa Kỳ. Có thể nói GS. Kim Định là một học giả uyên bác nhất thời hiện đại. Ông biết nhiều thứ tiếng: La tinh, Hi lạp cổ, tiếng Do Thái cổ, chữ Hán, nói và viết lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp; vị linh mục này còn thông thạo tiếng Đức, Tây ban nha…Về khả năng giỏi ngoại ngữ và uyên bác, linh mục Kim Định có thể so sánh với vị tiền bối cũng là con chiên của Chúa là học giả lớn Trương Vĩnh Ký, người lập ra báo chí Việt ngữ đầu tiên là tờ “Gia Định báo” năm 1865.
 
Trong cuốn: “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” (tr. 97) linh mục Kim Định viết : “Trở lên là những tác giả đã mở đường cho đề quyết đầu tiên người Lạc Việt vào nước Tàu trước…Nhưng các tác giả này dừng lại đấy và không một ai bước vào phần hai là người Lạc Việt đã đặt nền cho Nho giáo sơ khai. Đề quyết động trời này chỉ có một tác giả giúp tôi vài nhận định sơ sài đó là Marcel Granet. Ông theo phương pháp mới là tìm thực xuyên qua huyền thoại rồi kiểm chứng bằng xã hội học”.
 
Có thể nói, PGS.TS. Trần Ngọc Thêm (nay, 2018 ông Thêm là GS.TS. viện sĩ…đạo văn sĩ) đã lấy toàn bộ hệ thống “Nguồn gốc Văn hóa Việt Nam” của GS. Kim Định làm của mình, chỉ xào xáo, vẽ rắn thêm chân hòng che giấu thế gian. Trần Ngọc Thêm chỉ khác Kim Định ở chỗ, Kim Định nêu “đề xuất động trời” chỉ dừng lại dạng giả thuyết, còn Trần Ngọc Thêm xác định các tư tưởng và phát hiện của Kim Định mà ông Thêm ăn cắp được cho là khoa học !
 
Chúng ta thử xem vài đoạn xem ông Thêm thó của Kim Định ra sao.
Đây là Kim Định đã viết 20 năm trước: “Thuyết Việt nho gồm hai đề quyết lớn : một là người Lạc Việt đã làm chủ nước Tàu trước. Hai là người Lạc Việt đã góp công vào việc hình thành Nho giáo sơ khởi” (Nguồn gốc văn hóa Việt Nam tr. 92). “Đông Nam chính là miền cư ngụ lâu dài của người Lạc Việt, nên luận được rằng tam tài, âm dương ngũ hành, cửu trù, hồng phạm khởi từ Viêm Việt” (NGVHVN tr. 108)
 
 
Đây là Trần Ngọc Thêm lấy hoàn toàn ý tưởng của Kim Định 23 năm sau mà không chua lấy của ai, nguồn nào: “Âm dương ngũ hành là những tư tưởng triết lý phương Nam và hoàn toàn không có chút bóng dáng nào của bát quái được tạo ra từ phương Bắc” ( CSVHVN tr.98)Trong số những nền văn hóa đã đóng góp vào sự hình thành nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, vai trò quan trọng hơn cả chính là thuộc về văn hóa phương Nam” (CSVHVN tr.41).
 
Kim Định trước và Trần Ngọc Thêm sau giống nhau đến mức “mình với ta tuy hai là một” nhận toàn bộ các vị vua trong truyền thuyết của Trung Hoa thời Tam Hoàng Ngũ đế là của người Lạc Việt: “Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông là tổ của Viêm Việt hay Hoa tộc…? Xét theo huyền thoại thì Phục Hy không phải người Tàu. Bà Hoa Lư giẫm vào lốt chân người to lớn mà đẻ ra ông Phục Hy sinh ra theo lối dã hợp của Viêm Việt” (Kim Định – NGVHVN tr. 108,112). Sao chép y chang Kim Định, trang 46 CSVHVN, Trần Ngọc Thêm viết : “Thực ra thì Thần Nông cũng như một số nhân vật huyền thoại khác liên quan đến nông nghiệp đều vốn là cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc”.
 
Hầu hết các ý tưởng, quan điểm “phát minh” của Trần Ngọc Thêm trong CSVHVN hôm nay (1996) đều được đúc ra từ khuôn Kim Định, sao chép từ cuốn NGVHVN và 9 cuốn khác của vị linh mục. Song le, Trần Ngọc Thêm lại công kích Kim Định là cực đoan, thiếu thuyết phục, làm ra vẻ hai ta chẳng dính dáng họ hàng gì với nhau hoặc không ai tơ hào gì của nhau đâu nhé : “Cá biệt cũng có người như Kim Định chữ Nho cũng như đạo Nho thoạt kỳ thủy do người Việt khởi sáng rối sau mới do người Tàu hoàn bị cũng như làm cho sa đọa thành Hán nho”. “Nói nho giáo bắt nguồn từ Trung Hoa thì quá chung chung và thiếu chính xác, còn nói như Kim Định thì cực đoan và không có sức thuyết phục” ( CSVHVN-Trần Ngọc Thêm tr. 310).
Trần Ngọc Thêm quả là vừa ăn cắp vừa la làng vậy !
 
Ông Thêm đã lấy hầu như nguyên vẹn mọi đề xuất động trời của Kim Định làm của mình, còn ra bộ chê bai rẻ rúng ông Kim Định nữa thì trời ơi, sao trời không có mắt còn để cho ông Thêm chốn dung thân! Ông Thêm đã lấy cắp của ông Kim Định mọi thứ như quan niệm triết lý âm dương, hà đồ lạc thư của Chu dịch, cả ba vị tổ truyền thuyết Trung Hoa là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông vào cho Lạc Việt, sao còn tìm cách chê người bị mình ăn cắp là cực đoan với không cực đoan ?
 
Trong CSVHVN, ông Thêm còn cho rằng căn bản nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Khổng tử là lấy ở người Việt, Trung Hoa chỉ góp thêm hai yếu tố là thuyết chính danh và tư tưởng bình thiên hạ mà thôi. Ông Thêm viết tiếp: “Công lao của Lão tử là đã trình bày học thuyết những tư tưởng triết lý của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Nam: đó là tư tưởng âm dương và triết lý sống hòa hợp với tự nhiên…Không phải không có lý mà người ta coi Lão tử là ông tổ triết học của dòng Bách Việt” (CSVHVN tr.325). Bảo Lão tử là người Việt Nam chưa đủ, ông Thêm còn lôi cả Khổng tử về cho người Lạc Việt phương Nam thì quá đáng: “Khổng tử không hiểu được rằng, hút nhụy từ văn minh nông nghiệp, Nho giáo đầy tính nhân bản của ông chỉ thích hợp với quy mô làng xã” (CSVHVN tr.317).
 
Trần Ngọc Thêm đã lầm, Khổng tử sinh ra không phải để ngồi trên bờ ruộng làng xã theo kiểu xuất thế, mà ông là người nhập thế, nhà lý thuyết cai trị, kiến trúc sư chế độ phong kiến, với thuyết chính danh dạy vua biết làm vua, dân biết làm dân…
 
Thuyết âm dương ngũ hành, hà đồ lạc thư là những tư tưởng tối cổ của Trung Hoa, ảnh hưởng đến triết học của Khổng Lão mà cả thế giới ai cũng đều biết. Hãy đọc những trước tác thời tiên Tần như Thượng thư thời Ân Thương vào những năm đầu Tây Chu, hay Chiến quốc sách, Tả truyện, Luận ngữ… đã rõ là của Trung Hoa. GS. Kim Định khi đưa ra giả thuyết cho rằng khởi nguồn những tư tưởng trên của người Việt cổ thì còn có thể chấp nhận.
Nhưng khi ông Thêm đã lấy các ý tưởng của Kim Định trên để khẳng định là khoa học cho sinh viên học thì sự sai trái đã không còn giới hạn nữa.
….
Đến đây chúng tôi có thể kết luận rằng, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm là luộc lại cuốn “Nguồn gốc văn hóa Việt Nam” của Kim Định, theo kiểu vừa ăn cắp vừa la làng vậy...
 
Hết phần một
                                                                             (Kỳ sau đăng tiếp)
                                                                               Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào: