BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

LY KỲ VỀ LỜI NGUYỀN BÍ ẨN VÀ CHUYỆN “ÔNG NƯỢC” THÍCH TRẺ CON



Cá nược có tên tiếng Anh là Orcaella Brevirostris. Đây là một loài động vật có vú thuộc họ cá heo.
Cá nược thường sống ở ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á. Nó thường được tìm thấy trên sông Irrawaddy tại Myanmar, sông Mahakam ở Indonesia, và sông Mê Kông tại Campuchia cũng như Việt Nam.
Loài này cá này được người Việt gọi là cá nược hoặc "cá nược Minh Hải". Loài này được cho là đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Cá nược được đưa vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao từ năm 2004.
Theo Wikipedia, loài cá nược thường có cục mô lớn chứa nhiều chất béo ở trên trán, đầu tròn và tù. Mỏ của nó thường không rõ ràng. Vây lưng ngắn, có hình tam giác tù thường nằm ở khoảng cách khoảng 2/3 của sống lưng, tính từ mỏ xuống tới thùy đuôi. Các chân chèo dài và rộng bản. Nó có da sáng màu trên toàn bộ cơ thể- phần bụng trắng hơn so với phần lưng.
Khi mới sinh ra, cá nược có chiều dài cơ thể khoảng 1m, cân nặng khoảng 10kg. Khi trưởng thành nó đạt tới 2,3m và nặng trên 130kg. Loài cá này có tuổi thọ khoảng 30 năm.
Cá nược thường bơi chậm. Nó chỉ nổi lên mặt nước và lộn nhào với sự nhấc thùy đuôi lên khỏi mặt nước khi lặn xuống sâu mà thôi. Cá nược phun nước từ mi


LY KỲ VỀ LỜI NGUYỀN BÍ ẨN VÀ CHUYỆN “ÔNG NƯỢC” THÍCH TRẺ CON
 
Chuyện ngư dân Bến Tre bắt được cá nược Minh Hải đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì lâu nay loài cá này xem như tuyệt chủng ở Việt Nam. Chuyện cá nược đã vô tình khơi gợi ký ức thế hệ 7X như chúng tôi quay về thời thơ ấu ở miền quê Tân Châu, An Giang cùng dòng sông Tiền mênh mang một thời lắm cá tôm.
 

Nhà tôi ở cạnh bờ sông, ngó qua bên kia là quê bạn Hồng Ngự (Đồng Tháp) từ tháng 12 đến tháng 4 (âm lịch) nước sông Tiền luôn trong xanh một màu đẹp như dải lụa, chiều chiều bến sông lúc nào cũng đông đúc bóng trẻ tắm sông nô đùa. Mùa nước trong cũng là lúc cá nược hay lội thành bầy. Trên tôi, dân sông nước không ai gọi là cá nước hay cá heo mà phải gọi là “ông” vì sự tôn trọng người dân dành cho những loài cá này.

Gọi “ông Nược” vì cá có ơn với dân sông nước

Cái từ “ông” đó đã kích thích tò mò lũ trẻ vì là cá cứ gọi cá sao phải gọi là ông? Người lớn giải thích, vì cá sống lâu năm và cá có ơn với dân sông nước chẳng hạn như lật xuồng, ghe thì các “ông” hay nổi lên đỡ ghe, xuồng đưa vào bờ, đặc biệt “ông” rất thích trẻ con.
 
Sông nước miền Tây của nhiều năm về trước đầy ắp cá to đã trở thành ký ức của thế hệ 7X
 
Lũ trẻ mê ông Nược vừa thích thú, vừa tò mò, vừa sợ hãi. Thích thú khi thấy gọi tên là ông sẽ giỡn cùng ngay, tò mò vì không rõ da thịt “ông” như thế nào, có đứa tắm sông thấy ông xuất hiện bơi gần bờ đã cuống cuồng bơi lên bờ ngay rồi sau đó lại chạy theo gọi tên ông rối rít...
Cá nược như là món quà dòng sông đã ban tặng cho tuổi thơ, ngày đó, còn xài đèn dầu, ti vi trắng đen phải dùng bình sạc nên trò vui của trẻ vùng quê chẳng có là bao. Nên mỗi khi hay tin ông Nược xuất hiện là lũ trẻ vui lắm, kéo nhau ra bờ sông gọi tên ông, từ giữa sông cá bơi thành bầy, tung bọt nước trắng xóa. Bên kia bờ Hồng Ngự, lũ trẻ cũng kéo ra sông hô hào tên ông “ông Nược, ông Nược”. Nghe tiếng trẻ nít gọi vang lừng, từ giữa sông, đàn cá nhô mình lao lên mặt nước như đáp lại lời chào, có lúc, như hứng chí, đàn cá nghe tiếng trẻ gọi liền quẫy đuôi bơi gần bờ nổi lên mặt nước cho trẻ ngắm nhìn.
 
Cánh thanh niên, ngư dân nhiều khi chứng kiến cảnh này, hăng quá, bơi xuồng nhỏ sát theo đàn cá gào lên “Đua ông Nược ơi, đua ông Nược”. Và thế là cuộc đua diễn sôi nổi trên sông, tạo nên sự vui cười vì sức người bơi trên sông làm sao thắng được sức cá.
 

Cánh ngư dân vừa tôn sùng vừa sợ cá Nược mang lời nguyền khắc bạc của đời hạ bạc mà đời xưa đã truyền lưu lại. Trong câu chuyện, ngư dân hay kể, thả lưới mà dính được cá Nược xem như lãnh "bản án" phải bỏ nghề nếu không sẽ gặp tai ương, nặng thì chìm ghe chìm xuồng chết đuối, nhẹ thì thả lưới buông câu cả đời cũng không bắt được cá nào.
 
Thế hệ 7X như chúng tôi là thế hệ cuối cùng còn biết ông Nược, rồi câu chuyện mưu sinh, cuộc sống bộn bề cũng kéo ông Nược phai mờ theo tâm trí bao người. Lũ trẻ trố mắt lên hỏi tiếp, rằng lời nguyền có thật hay không thì mấy lão ngư nhỏ giọng: “Có chứ, chuyện này không thể đùa, cũng như chúng ta lên ghe xuồng ngư dân, ngư phủ ăn cá mà cầm đũa lật cá nằm ngang là bị ghét liền vì như thế bị coi là trù ẻo ghe xuồng bị lật”.
 
Thời gian trôi qua, dòng sông bên lở bên bồi cuốn trôi đi tuổi thơ, nhà cửa ven sông. Từ năm 1984 trở về sau, bóng ông Nược vắng dần rồi biến mất trên sông nước, câu truyện loài cá yêu trẻ em, thích bơi đua như câu truyện cổ tích mà lớp trước kể lại cho lứa sau.
 
Người làm nghề hạ bạc sợ nhất gặp ông Nược, vì chỉ có nước bỏ nghề vì lo sợ nhiều lời nguyền được truyền miệng.
Có lần, chúng tôi gặp lão ngư Nguyễn Văn Dung ở Xóm Chài, ngó qua bên kia sông Hậu là bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ hoa lệ. Lão ngư Dung nổi tiếng là tay sát cá trong vô số ngư dân ở xóm này, khi chúng tôi nhắc đến cá nược, ông kể : “Hồi xưa ông (cá nược - PV) có nhiều ở vùng này lắm, con nít người lớn ai mà không khoái. Còn lời nguyền là có cháu ơi, xóm này từng có ngư dân giăng lưới không may dính được ông, kiểm tra lại cá đã chết nên ngư liền đem chôn ngay không dám để lâu. Sau đó, ngư dân ấy bán xuồng ghe không đi câu, thả lưới nữa”.
 
Bây giờ, mộ ông Dung đã phai hai màu cỏ, cũng như câu chuyện tôm cá ngày xưa một thời nhung nhúc sông rạch cũng đã trở nên xa dần. Cùng với cá nược, sông ngòi Cửu Long đang cạn kiệt kho cá, khoảng vài chục năm trước đây, ngư dân thả lưới bắt được cá hô to thì mừng, xẻ thịt bán trong xóm bằng cách quy đổi ra thóc gạo. Nhưng nếu bắt được cá tra dầu, cá vồ cờ nặng hàng trăm kg ngư dân rất rầu vì xẻ thịt ra bán không được, bán cả con cũng không ai chịu mua nhưng bây giờ thì ngược lại.
 
Ngày xưa, bắt được cá to ở sông nước miền Tây là chuyện thường ngày. Ngày nay, cá ngày càng ít đi. Những hình ảnh này càng trở nên hiếm hoi.
 
Dòng sông vẫn như ngày nào, vẫn con nước trong xanh lững lờ nhưng loài cá không còn như xưa, nhắc đến cá to một thời đầy sông chỉ nghe vọng lại tiếng thở dài như tiếng sóng vỗ vào bờ...
Những thắc mắc về ông Nược theo thời gian cũng trôi dần nhưng không ngờ hàng chục năm sau lại sống lại cùng bao nghi vấn. Đây là cá thể cuối cùng còn lại trên sông VN hay vẫn còn những bầy cá đang ẩn náu đâu đó dưới đáy sông sâu?
 
                                                                               Theo Thanh Niên
 
Nguồn:
https://newthang.com/post-detail/ly-ky-ve-loi-nguyen-bi-an-va-chuyen-ong-nuoc-thich-tre-con/39893305

Không có nhận xét nào: