BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

HOA NGỌC LAN VÀ CA KHÚC NGỌC LAN CỦA NHẠC SĨ DƯƠNG THIỆU TƯỚC – Diệu Yến sưu tầm


Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước


Ca khúc Ngọc Lan và giai nhân bí ẩn của Dương Thiệu Tước
 
Sau Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, dường như Dương Thiệu Tước thuộc về số ít những nhạc sĩ lãng mạn "tiền chiến" hiện diện như một tác giả có phong cách riêng biệt, tức là các bài hát có đóng dấu tác giả để người nghe nhận ra được giữa rất nhiều bài hát cùng chủ đề.
 
Bài hát Ngọc Lan của ông có lẽ đến giờ giới trẻ ít còn rung động giống như những thế hệ trước, có khi người ta chỉ biết ca sĩ Ngọc Lan yểu mệnh, rồi sau này có rất nhiều bài có mùi hương ngọc lan như Lối cũ ta về, Hương ngọc lan.vv.. của các nhạc sĩ khác, nên Ngọc Lan tựa như người đẹp không thấy mặt lần hai, dù được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát lại.

Hoa Ngọc Lan - nàng thiếu nữ tinh khiết
 
Hoa Ngọc Lan cánh dài

Ngọc Lan là một trong những ca khúc tiền chiến có “giai điệu khoan thai, mượt mà, lời lẽ hàm súc như thơ cổ”, được phổ biến qua giọng hát Thái Thanh lừng lẫy một thời.
Ngọc Lan nằm trong số những bài hát nhiều bí ẩn của Dương Thiệu Tước (1915-1995), nhạc sĩ dòng dõi khoa bảng Vân Đình, với các tên tuổi Dương Khuê (ông nội), Dương Lâm (ông trẻ) và cha là Dương Tự Như từng làm Bố chánh Hưng Yên. Việc người cha làm quan ở tỉnh này liên quan tới Tổng đốc Vi Văn Định, nên khi Dương Thiệu Tước 18 tuổi và người đẹp Vi Kim Ngọc 17 tuổi, hai gia đình đã có dịp quen biết nhau. Tư dinh hai nhà gần nhau, với cảnh trí hữu tình, làm nên bối cảnh cho mối tình thơ...
 
Người ta kể: Chàng học ở Hà Nội. Nàng học tại tỉnh nhà. Hai dinh thự gần nhau, mỗi lần chàng về, họ gặp nhau. Nàng đang tuổi dậy thì, cực kỳ xinh đẹp, còn chàng thì khôi ngô tuấn tú, đang học trung học, cháu nội của cụ nghè Dương Khuê, sử dụng được 7 loại nhạc cụ kể cả nhạc “Tây” lẫn nhạc “ta”, trong đó thông thạo nhất là Tây Ban Cầm (tức là đàn guitare) và Hạ Uy Cầm (là đàn Guitare Hawaienne), lại hát rất hay, có tiếng ở Hà Nội.
 
Việc gì xảy ra là phải xảy ra, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết với sự trong trắng và bồng bột của mối tình đầu. Họ Vi biết rõ cậu cả cháu nội cụ Dương Khuê này, gia đình quan Bố chánh Dương Tự Nhu bèn đem trầu cau sang đính ước.

Nhưng mối tình trong sáng đó có những đám mây đen kéo tới. Nhà gái dần dần biết Dương học Tú tài chỉ là phụ mà việc Dương ưa thích nhất là học âm nhạc tại trường Viễn Đông nhạc viện tại Hà Nội, cùng với Nguyễn Xuân Khoát. Khoát chuyên về Dương cầm, còn Dương chuyên về Tây Ban Cầm. Đồng thời, bà mẹ vợ tương lai với trực giác nhạy cảm của phụ nữ cũng nhận ra nguy cơ cho con gái: anh chàng này đẹp trai quá, đàn hát lại hay, sẽ là một tai họa cho con mình. Trong khi đó, trường Viễn Đông nhạc viện sau ba năm hoạt động phải đóng cửa vì kinh tế khủng hoảng, Dương lâm vào cảnh dang dở.
 
Phía bên nhà gái có những bà đã bắt đầu chê bai: “Cậu Tước mặt mày sáng rỡ, đẹp trai như Phan An Tống Ngọc mà chỉ có bằng Diplôme, thi rớt Tú tài”. Rồi họ Vi chuyển từ Hưng Yên sang làm Tổng đốc Thái Bình.
Xa mặt cách lòng, đúng lúc ấy thì có sự gặp gỡ. Ý trung nhân này chính là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, nức danh học vấn Đông Dương, lại ở Pháp về... Gia đình họ Vi trả lễ họ Dương.
 
Và rồi, ngày 14/2/1936 nàng lên xe hoa về nhà chồng. Lúc ấy nàng 20 tuổi còn chàng 21 tuổi. Chàng buồn, bèn đem tâm hồn mình viết thành bản nhạc “Ngọc Lan” bất hủ (xin nhắc lại: nàng tên Vi Kim Ngọc) (theo Đoàn Dự, Nam Minh Bách, Nguyễn Việt, blog Cafe Văn nghệ).
 
Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng
Ngọc Lan, ngành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song
Gió rung mờ suối biếc
Ý thơ phiêu diêu…
 
Dường như bản nhạc đã được viết từ sớm, ngay từ thời đầu tân nhạc ra đời nhưng phải tới năm 1951, bản nhạc mới được Tinh Hoa xuất bản và tái bản vài lần. Sau đó được phổ biến qua giọng ca Thái Thanh.
 
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch Tương lai láng.
Dáng tiên nga, giấc mơ Nghê Thường lỡ làng.
Ngọc Lan giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bóng là.
Ngọc Lan trầm ngát thu hương, bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
Thê lương mây nước sắt se cung Hàn,
Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong hương thắm.
Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa, Ngọc Lan!
 
Sau khi người trong mộng đi lấy chồng, vài năm sau khi người cha mất, gia cảnh sa sút, Dương Thiệu Tước mới đi đến hôn nhân cùng cô Lương Thị Thuần. Cuộc hôn nhân sắp đặt này không được nhắc tới mấy, có lẽ chỉ tồn tại chừng mươi năm.
 
Sau đó năm 1951, khi Dương Thiệu Tước đương làm công việc dạy đàn và chơi nhạc tại đài phát thanh và các chương trình biểu diễn thì ông gặp ca sĩ Minh Trang gốc Huế từ đài Pháp-Á ở Sài Gòn ra. Cô sinh năm 1921, vốn là xướng ngôn viên của đài, sau trở thành ca sĩ do tình cờ thiếu ca sĩ trong buổi thu trực tiếp. Cô tên thật là Ngọc Trâm, nghệ danh ghép từ tên hai người con với đời chồng trước. Hai người đến với nhau và trở thành một cặp tri âm để ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa, Bóng chiều xưa...
 
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và nữ ca sĩ Minh Trang

Năm 1979, Minh Trang sang Mỹ, còn Dương Thiệu Tước ở lại, đến năm 1982, ông sống với cô Nguyễn Thị Nga, một học trò cũ trước đây từng học ở trường Âm nhạc quốc gia Sài Gòn. Ông mất 1/8/1995, cùng năm đó Hãng phim Trẻ xuất bản cuốn băng video Thuyền mơ gồm 8 bài hát của Dương Thiệu Tước, là tuyển chọn âm nhạc chính thức đầu tiên sau 1975 của nhạc sĩ này.
 
Về giai nhân Vi Kim Ngọc, sau khi kết hôn cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, bà có một cuộc sống hạnh phúc và có với ông 4 người con và đều thành đạt. Bà hoạt động trong ngành Ký sinh trùng, dạy tại ĐH Y Hà Nội. Bà mất năm 1988. Người con trai út là GS Nguyễn Văn Huy, một tên tuổi trong ngành bảo tàng, từng là GĐ bảo tàng dân tộc học.
 
Vi Kim Ngọc là một trong hai cô con gái đẹp nức tiếng của tổng đốc Vi Văn Định, họ đều kết hôn với những bậc anh tài. Cô em Vi Kim Phú lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (em trai tổng đốc Hồ Đắc Điềm), trong khi đó một cô cháu gái là Vi Thị Nguyệt Hồ lấy BS Tôn Thất Tùng. Dòng dõi Hồ Đắc lẫn Tôn Thất đều là những danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Có thể nói, Vi Kim Ngọc được xem như một hoa khôi cành vàng lá ngọc bậc nhất những năm 1930.  Hiện gia đình có bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở quê nhà Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trong đó có một vài dấu ấn gợi nhớ hình bóng nàng thơ của những bài hát thời đầu của Dương Thiệu Tước.
 
Hai mỹ nhân danh gia vọng tộc, Vi Kim Ngọc và Vi Kim Phú - cô chị lấy tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, cô em lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (con trai Khánh Mỹ quận công, thượng thư Hồ Đắc Trung; em trai tổng đốc Hồ Đắc Điềm). - Ảnh tư liệu.

Dương Thiệu Tước không để lại nhiều thông tin, nhưng ông có ghi rõ trong các bản nhạc hai chữ Ngọc Lan viết hoa, nhưng ít người hiểu, đa số đều nghĩ rằng ông ca ngợi loài hoa ngọc lan. Cho đến giờ, dường như ẩn số người đẹp trong bài hát này đã rõ ràng. Bài hát mang âm hưởng thính phòng, lời ca diễm lệ, kể về một mối tình lỡ dở... Mùa thu đẹp đẽ dường như cũng thế, lúc nắng gió ngất ngây cũng là lúc tơ chùng đàn hờ phím loan... Cho dù là Kim Ngọc hay Ngọc Trâm (Minh Trang) thì cũng đều là những vẻ đẹp yêu kiều, đáng để tôn vinh.
 
Ngọc Lan đã được nhiều ca sĩ thử sức, nhưng dường như Thái Thanh đạt tới độ hoàn hảo hơn cả. Có hai bản thu vào năm 1966 với hòa âm của Vũ Thành và năm 1988 với hòa âm của Duy Cường.
 
                                                                              Diệu Yến sưu tầm

*
Xin mời cùng nghe lại ca khúc NGỌC LAN
Cùng tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh

Không có nhận xét nào: