BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

VÀNG NGỌC VÀ ĐÁ SỎI – Nguyên Lạc




LỜI VÀNG TIẾNG NGỌC
 
1. Abraham Lincoln
 
a. Sơ lược tiểu sử

Abraham Lincoln (12/2/1809 –15/4/1865) là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. Lincoln thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức; cuộc nội chiến Mỹ, duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở vùng biên thùy phía Tây USA, kiến thức Lincoln thu đạt được hầu hết là nhờ tự học.
 
 
Lincoln
 
b. Lời nói vàng ngọc: Lá thư gửi thầy hiệu trưởng
 
Dưới đây là đoạn trích thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con ông theo học. Xin tóm tắt những gì mà tôi cho là tuyệt nhất của lá thư này:
 
“Xin thầy hãy dạy cho con tôi:
 
— Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này: – Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực
— Xin hãy dạy cho cháu rằng: – Có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình
— Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người, nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý, để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp
— Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm
— Xin hãy dạy cháu tránh xa sự ganh ghét và đố kỵ.”
 
2. Leo Tolstoy
 
a. Sơ lược tiểu sử
 
Leo Tolstoy (1828-1910) là một bá tước, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng người Nga nổi tiếng và được kính trọng trên khắp thế giới qua tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace), và học thuyết mang chính tên ông – Học thuyết Tolstoy: Bất bạo động. Học thuyết này ảnh hưởng đến Gandhi – Mahātmā Gāndhī (2 tháng 10 năm 1869 – 30 tháng 1 năm 1948) là anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ.
 
Leo Tolstoy
 
b. Lời nói vàng ngọc
 
“Love is real only when a person can sacrifice himself for another person. Only when a person forgets himself for the sake of another, and lives for another creature, only this kind of love can be called true love, and only in this love do we see the blessing and reward of life. This is the foundation of the world. Nothing can make our life, or the lives of other people more beautiful than perpetual kindness”.
Leo Tolstoy
 
Nguyên Lạc dịch:
 
Tình thương chỉ thật sự khi con người có thể hy sinh bản thân mình cho người khác. Chỉ khi con người quên mình vì lợi ích của người khác và sống cho tạo vật khác, chỉ tình thương này mới được gọi là tình thương thật sự, và chỉ với dạng tình thương này, chúng ta mới thấy được sự phúc lành và ân sũng của cuộc đời. Đây là nền tảng của thế giới. Không gì có thể làm cuộc đời chúng ta hay cuộc sống của tha nhân càng đẹp hơn ngoài sự thường xuyên đối xử tử tế ân cần.
 
3. Dalai Lama
 
a. Sơ lược tiểu sử
 
Dalai Lama – Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – Tenzin Gyatso – tự cho mình là một Tu sĩ Phật giáo đơn giản. Ngài là bậc lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài sinh vào ngày 06 tháng 07 năm 1935, trong một gia đình nông dân, tại ngôi làng nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Vào tuổi lên hai, cậu bé, sau đó được đặt tên là Lhamo Dhondup, được công nhận là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Thubten Gyatso.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được cho là hiện thân của Đức Quán Thế Âm hay Chenrezig – vị Bồ Tát của Lòng Từ Bi và là vị Thánh bảo hộ của Tây Tạng. Bồ tát là những chúng sanh đã giác ngộ, được truyền cảm hứng từ lòng khát khao muốn đạt được Phật Quả vì lợi lạc của tất cả chúng sanh, người đã thệ nguyện tái sinh trở lại thế gian để giúp đỡ nhân loại.
 
Dalailama
 
b. Lời nói vàng ngọc
 
– Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”
Đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa bạn đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến bạn thành con người tốt hơn”.
– “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”
Đức Đạt Lai Lạt Ma:
“Tất cả cái gì làm bạn: Biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo biến bạn thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”

[Đối thoại giữa Leonardo Boff, nhà hần học người Brazil và Đức Đạt Lai Lạt Ma tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do” ]
 
Sau đây cũng là câu nói được cho là của ngài:
 
Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói.
Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động.
Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen.
Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng sẽ hình thành Nhân Cách.
Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh.
Và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh
“Không tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật”.
 
“Watch your thoughts, they become words.
Watch your words, they become your actions.
Watch your actions, they become habits.
Watch your habits, they become character.
Watch your character, it becomes your destiny.”
……..

Tuy nhiên, có nhiều nguồi tin cho rằng những lời này là của Frank Outlaw.
 
Link: http://www.quotationspage.com/…/2008-04-08-who-is…/
 
LỜI ĐÁ TIẾNG SỎI
 
Sau đây là những lời cũng được gọi là “lừng danh”, các bạn hãy so sánh với những lời trên và tự rút kết luận.
 
1. Lenin
 
Lenin
 
a. Sơ lược tiểu sử
 
Vladimir Ilyich Lenin tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov (tiếng Nga: Влади́мир Ильи́ч Улья́нов), còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870, mất ngày 21 tháng 1 năm 1924; là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels.
 
b. Câu nói “lừng danh”
 
Trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15/9/1919, Lenin viết:
“Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt.”
 [Trích từ V.I. Lenin, Thư gửi A.M. Gorky ngày 15/9/1919, Toàn tập, Tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49]
 
2. Tố Hữu
 
Tố Hữu
 
a. Sơ lược tiểu sử
 
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời là một chính trị gia. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
                                                                                       (Wikipedia)
 
Theo Trần Mạnh Hảo: “Năm 1945 Tố Hữu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, cùng với Nguyễn Chí Thanh bí thư tỉnh ủy đã ra lệnh thủ tiêu thượng thư Phạm Quỳnh, cha con cụ Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thân, và ngót trăm người VN Quốc Dân Đảng yêu nước”.
 
b. Những lời “lừng danh”
 
- Lời Tố Hữu ca ngợi Stalin
 
BÀI THƠ NHỚ STALIN
 
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười!
                                      (Đời đời nhớ Ông -Tố Hữu)
 
 
- Lời Tố Hữu ca ngợi Mao Trạch Đông
 
Mao Trạch Đông
Trán người cao lồng lộng
Đẹp như một ngọn cờ hồng
Trên mặt người mặt đất rộng mênh mông
 
— Lời Tố Hữu về Nhân Văn Giai Phẩm
 
“Lật bộ áo ‘Nhân Văn – Giai Phẩm’ thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (trg 9. Sđd)… Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ” (trg 17. Sđd)
 – [“Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ”-Tố Hữu, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958]
 
Báo cáo tổng kết vụ Nhân Văn Giai Phẩm cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như sau: 

“Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo, phản đối văn nghệ phục vụ chính trị nhưng thực ra là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân, muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động, đả kích nền văn nghệ kháng chiến, đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng”.
 
Với những tội danh tày trời do Tố Hữu gán cho hàng trăm người là “nhân văn giai phẩm”, hoặc dính líu đến phong trào này, đảng và nhà nước phải xử bắn hết bọn họ mới xứng đáng.
 
– Trong khi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thực chất chỉ là một cách cách tân văn học không thành như đại tá công an A 25 phụ trách văn học Bộ công an Thái Kế Toại (bút danh Lê Hoài Nguyên) đã viết trong một bản tường trình dài, sau hơn ba mươi năm nghiên cứu đề tài này (Theo Trần Mạnh Hảo)
 
– Nhà phê bình văn học Thụy Khuê, trên RFI, đã trả lời phỏng vấn:

“Thực chất phong trào Nhân văn Giai phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống – không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống - cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông.”
 
 
PHỤ LỤC
 
Kinh Kalama
 
Xin trích đoạn lời Kinh Kalama của Phật:
 
“Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ:
‘Các pháp này là thiện, các pháp này là đáng khen, các pháp này được người minh trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc” quý vị hãy đạt đến và an trú’”.

[Kinh Kalama -Tăng chi bộ (Anūguttara) III.65 ]
[Kinh Kalama -Tăng chi bộ (Anūguttara) III.65 ]
 
LỜI KẾT

Xin được dùng 2 câu ca dao sau đây để kết bài:
 
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

(Khuyết danh)
 
                                                                                   Nguyên Lạc
 

Không có nhận xét nào: