BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY TỰU TRƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng giới thiệu thơ của Wallace Stevens




Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình.

Mở đầu chương trình môn văn năm nay, cô giáo của con yêu cầu mỗi học sinh tự chọn lấy một bài thơ mà mình thích, học thuộc lòng, rồi đứng đọc trước cả lớp. Điều kiện là bài thơ ấy đã in trong sách, bất cứ sách nào, nhưng không phải trên báo chí hoặc các truyền thông xã hội. Vào lứa tuổi của con, có lẽ điều ấy để đảm bảo tiêu chí giáo dục. Con đã hỏi ý kiến của ta về chuyện này. Ta lấy làm vui sướng, không, ta cảm thấy may mắn. Chúng ta thường làm việc với nhau về toán, đôi khi căng thẳng, nhưng những môn học khác, chúng ta không có dịp. Ta giới thiệu với con bài thơ “The house was quiet and the world was calm” của Wallace Stevens, một trong những nhà thơ lừng lẫy của Hoa kỳ.
 

CĂN NHÀ IM LẶNG VÀ THẾ GIỚI THÌ AN BÌNH
 
Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình
Người đọc trở thành cuốn sách; và đêm hè
Giống như hiện hữu có ý thức của cuốn sách
Căn nhà thì im lặng và thế giới an bình
 
Những chữ được đọc lên như không phải từ cuốn sách
Ngoại trừ cách người đọc nghiêng người xuống trang giấy
Nghiêng xuống nữa, nghiêng mãi miết, cho đến khi
Trở thành một học giả về cuốn sách ấy, cho đến khi
 
Đêm mùa hè tựa như sự toàn hảo của ý tưởng
Căn nhà thì yên tĩnh bởi vì nó phải thế
Sự im lặng làm thành một phần của ý nghĩa một phần của tâm trí
Lối đi của sự toàn hảo vào trang sách
 
Và thế giới thì an bình. Sự thật trong một thế giới bình an
Ở đó không còn một ý nghĩa nào khác, tự nó
Và sự bình an, tự nó là mùa hè về đêm, tự nó
Là người đọc nghiêng người xuống khi đã khuya nghiêng xuống đọc ở căn nhà kia

 
THE HOUSE WAS QUIET AND THE WORLD WAS CALM
 
The house was quiet and the world was calm.
The reader became the book; and summer night
Was like the conscious being of the book.
The house was quiet and the world was calm.
 
The words were spoken as if there was no book,
Except that the reader leaned above the page,
Wanted to lean, wanted much most to be
The scholar to whom his book is true, to whom
 
The summer night is like a perfection of thought.
The house was quiet because it had to be.
The quiet was part of the meaning, part of the mind:
The access of perfection to the page.
 
And the world was calm. The truth in a calm world,
In which there is no other meaning, itself
Is calm, itself is summer and night, itself
Is the reader leaning late and reading there.
 
Năm nay mùa tựu trường đến trong đại dịch, gây ra những tổn thương mất mát lớn cho nhân loại, trong đó có nhiều gia đình ở Canada, Hoa Kỳ, Việt Nam. Thành phố nơi chúng ta ở may mắn đang ra khỏi một phần cơn dịch, nhưng không có gì chắc chắn chúng không trở lại. Trong không khí ấy ta nghĩ đến bài thơ này và cho rằng nó thích hợp với tâm trạng bây giờ. Cũng không phải hoàn toàn như thế, từ lâu ta vẫn thường trở đi trở lại với bài thơ, mỗi lần đọc nó ta hình dung thời cắp sách đi học, thời mới vào đời làm quen với chữ nghĩa. Ta nhớ căn nhà xưa, buổi tối lên đèn trẻ con ngồi học bài, ở một góc, cha ngồi đọc sách, thỉnh thoảng quay lại trò chuyện với mẹ ta, bà nội của con. Đó không phải chỉ là một hoài niệm, đó còn là giấc mơ của loài người.
 
Wallace Stevens nổi tiếng về cách viết, với một vốn từ vựng giàu có, cách dùng chữ chính xác, nghiêm mật, thơ có tính âm nhạc rất cao. Trong thơ ông man mác một thứ triết học về con người và về thơ ca. Đó không phải là dễ đọc, thậm chí rất khó đối với nhiều người. Ta đọc bài thơ này lần đầu trong một mùa hè chuẩn bị vào nội trú ở Canada, nhưng ta biết rằng vào lúc mười bốn tuổi như con bây giờ, nếu đọc và hiểu nó được bằng tiếng Anh ta cũng sẽ yêu thích. Stevens nổi tiếng về cách nghĩ trừu tượng; một người có tư duy tách biệt, mới lạ, độc đáo. Không hiểu sao mỗi lần đọc đến câu thơ:
 
The house was quiet and the world was calm
Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình
 
Trong ta dậy lên một lòng thương nhớ. Thương nhớ về một làng quê đã mất trong chiến tranh, một tuổi thơ không còn nữa, nỗi thanh bình đã tiêu vong, lòng ta buồn mênh mông lạ lùng. Nhưng cùng lúc, có một niềm vui kỳ lạ khởi lên như thể ta nhận ra rằng đây chính là cuộc đời, là ước mơ của mỗi con người trên mặt đất. Không một người nào không muốn một mùa hè như thế có một căn nhà một ngọn đèn như thế, một thiên nhiên êm ả như thế. Không một người nào không muốn mình trở thành độc giả trong bài thơ, hay một người thân của độc giả ấy: mẹ hay cha, vợ hay chồng, người yêu hay tri kỷ, người giúp việc hay người chủ nhà, độc giả là một người già và chúng ta là những người thơ bé, độc giả là chú bé hay cô bé và chúng ta người lớn tuổi đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Bài thơ tạo ra tương tác giữa thế giới bên trong của căn nhà và thế giới bên ngoài của căn nhà ấy, lớn rộng, thế giới bên ngoài của một người và thế giới bên trong của người đọc ấy.
 
The reader became the book; and summer night
Was like the conscious being of the book
 
Người đọc trở thành cuốn sách; và đêm hè
Giống như hiện hữu có ý thức của cuốn sách
 
Thế giới, cuốn sách, người đọc là ba đỉnh tương tác với nhau, hòa vào nhau, làm thành một. Ngay cả những chữ mà được người ấy đọc, đọc thầm hay đọc lớn lên, cũng không hẳn là từ cuốn sách, anh hay chị ấy đã thuộc nó, hay chúng đã trở thành là một với tư tưởng của người đọc ấy. Nhà thơ có thể là người đọc, có thể là người đứng bên ngoài nhìn vào và không thể nào biết được những chữ mà anh lắng nghe vang lên từ trang sách hay từ tâm trí người ấy. Nhưng ngay cả tâm trí người đọc cũng trở thành sự toàn hảo các tư tưởng và đến lượt nó, sự toàn hảo ấy trở thành một với đêm mùa hạ im lặng lẫy lừng. Người đọc một lúc không còn là người đọc mà trở thành biểu tượng. Công việc đọc một bài thơ biến anh ta thành trung tâm giao hòa của vạn vật. Nhưng anh ấy không biến mất đi, và vẫn còn ở đó.
 
Except that the reader leaned above the page
 
Ngoại trừ cách người đọc nghiêng mình xuống trang giấy
 
Như vậy sự sáng tạo và sự suy tưởng một mặt trừu tượng hóa thế giới một mặt vẫn giữ chặt thế giới vật thể, thân xác vào hiện hữu. Chính vì đêm mùa hè là một mùa tuyệt đẹp, nóng rẫy, trong suốt, nồng nàn, trên đó chính là giấc mơ của chúng ta và sự làm đầy giấc mơ ấy. Chính vì sự nồng nàn ấy mà:
 
Wanted to lean, wanted much most to be
 
Người đọc trong bài thơ là kẻ đi tìm ý nghĩa. Con người tồn tại là nhờ ý nghĩa. Đi tìm ý nghĩa là cuộc đi tìm vẻ đẹp trong suốt của thế giới. Wallace Stevens cũng có xu hướng tâm linh mặc dù ông không phải nhà thơ tôn giáo. Những suy tưởng đẩy đến tận cùng của ông thường chạm tới mép rìa của ngôn ngữ trữ tình.
 
The summer night is like a perfection of thought.
 
Đêm mùa hè tựa như sự toàn hảo của ý tưởng.
 
Đó là một ẩn dụ tuyệt đẹp.
Con có bao giờ tự hỏi cuốn sách trong bài thơ là cuốn sách nào không?
Tác giả không nói và ta cũng không thể biết, tất nhiên. Nếu được chọn, ta sẽ chọn một cuốn. Ta muốn rằng con cũng thế: con cần có một cuốn sách mà mình yêu thích. Hoặc nhiều hơn một cuốn.
 
Khi con đọc bài thơ này, ta hy vọng rằng con sẽ có thói quen đọc kỹ, đọc chậm. Vì yêu cầu của cô giáo đọc thuộc lòng nên con sẽ đọc nhiều lần, nhớ lại từng chữ. Nhưng học thuộc lòng là một nghệ thuật bị bỏ quên từ lâu. Thời nhỏ ta học thuộc lòng nhiều bài văn bài thơ và trích đoạn tiểu thuyết, tuy công việc ấy vất vả, học sinh nào cũng sợ, nhưng những đoạn thuộc lòng ấy hình thành trong vô thức những phương cách diễn tả và phương cách suy luận. Những đoạn thuộc lòng năm ta học lớp sáu, lớp bảy, lớp tám, đến bây giờ ta vẫn còn thuộc lõm bõm, vẫn không bị hoàn toàn chôn lấp bởi tiếng Anh chứng tỏ sức sống kỳ lạ của tiếng Việt, mạch suy tưởng của nó, tính âm nhạc của nó. So với tiếng Việt, tiếng Anh ít có tính âm nhạc hơn, có lẽ ít du dương hơn, tuy nhiên bài thơ này của Wallace Stevens phô bày một thứ âm nhạc cao thượng, gọn ghẽ, chính xác, sang trọng lạ thường.
 
Để hiểu bài thơ, để cảm nhận nó, để yêu thích, con cần mở rộng cái nhìn, mở rộng tâm hồn. Sự tiếp nhận của người đọc là một trong những đòi hỏi lớn nhất trong nghệ thuật đọc đối với thơ ca.
Những bài thơ được dạy ở nhà trường thường được sáng tác trong những thời kỳ xa xưa, trong khi thơ bây giờ đã khác nhiều. Sau này khi ra đời con sẽ không có dịp đọc thơ nữa, và những bài thơ con nhớ được thời trung học đôi khi là vốn liếng duy nhất. Cần nhớ rằng thơ dở bao giờ cũng nhiều gấp trăm lần thơ hay, nhưng khi con gặp một bài thơ hay, chúng sẽ làm con thay đổi. Bài thơ làm chúng ta nhìn thế giới khác đi. Giờ đây giữa những ngày bận rộn, con sẽ quên thơ ca, rồi bỗng một hôm, con tìm thấy một bài thơ đâu đó, trong một cuốn sách cũ, trên một tờ nhật trình, và chỉ vài dòng thôi cũng đủ làm con ngẩn người, kinh ngạc, đau đớn, hay hạnh phúc. Giới trẻ bây giờ có những loại thơ mới như thơ trình diễn, thơ kiểu nhạc rap, thơ slam, rất quyến rũ. Nhưng có một loại thơ khác, có mặt hàng ngàn năm nay bằng thứ chữ mà con đọc mỗi ngày, có những bài thơ đứng lại mãi với thời gian và vượt qua biên giới của các ngôn ngữ. Con cần tập luyện một khả năng đặc biệt, khả năng ấy là sự nhìn thấy, sự nghe được, sự tiếp nhận. Không một nghệ thuật lớn lao nào tồn tại một mình, chúng chỉ tồn tại trong quan hệ với người thưởng thức. Bài thơ tỏa sáng ở nơi mà nó bắt gặp người đọc của mình, nơi gặp gỡ giữa nhà thơ và người đọc. Trong cuộc gặp gỡ ấy, giữa hai người, một cánh cửa sau lưng họ bật mở. Ngôi nhà đang chờ con ở đó. Thế giới chờ con ở đó.
 
Khi con đọc bài thơ của Wallace Stevens¸ đọc lại nhiều lần, sẽ đến một lúc con cảm thấy chính con là nhân vật trong bài ấy, người đọc hôm nay của bài thơ là người đọc cuốn sách trong bài thơ ấy, trong căn nhà ấy, trong một mùa hè trên một xứ sở. Vào giây phút khi con nhận ra điều này, con đã chạm tay vào cánh cửa của căn nhà. Sẽ không có ai ra mở cửa trong một đêm hè yên tĩnh, chính con sẽ đẩy cửa để đi vào sự toàn hảo của thế giới, một sự toàn hảo mà có người đã chứng kiến trong đời sống, có người chỉ nhìn thấy trong giấc mơ và ngày nay hình như không còn nữa, nhưng nó sẽ trở lại.
 
Ta tin rằng nó sẽ trở lại.
 
                                                                               Nguyễn Đức Tùng
 

Không có nhận xét nào: