Bánh
mì đang nướng trên lò trước khi phân phối
Bánh mỳ NÓNG này phân biệt với mỳ xíu trong phần kế.
Các lò bánh mỳ còn ra giả chạng vạng để phân phối cho các em bé bán mỳ rao vào
ban đêm. Vài chục ổ bánh mỳ nóng dòn, loại 2 đồng (như trong hình) được các em
bỏ vào trong hai lớp bao mỳ trắng, mang một bên vai, vừa đi nhanh vừa rao khắp
các con đường ngoại ô thành phố. Tôi còn nhớ như in rằng không bao giờ thấy các
em bé bán mỳ này mặc quần dài, chỉ những chiếc quần đùi và đi chân đất. Lại một
điều nữa, nghề rao mỳ nóng ban đêm chỉ có các em trai thôi.
Lấy mỳ xong, là các em tản mác khắp các hướng, càng đi
xa trung tâm thành phố càng tốt. Những nơi này người ta đang chờ các ổ mỳ nóng
các em đem tới. Khách đàng hoàng thì họ lựa nhanh cho các em. Khách khó tính
thì lôi ra bỏ lại, nắn bóp coi ổ nào dòn hơn, làm nhàu nhèo các ổ mỳ của em thật
tội nghiệp !
Đi được một khoảng ngắn, em lại rao lên "mỳ nóng ồ..."
Tiếng rao lan dần qua các phường quanh thành phố về
khuya.
MỲ XÍU
Ổ mỳ xíu vào lúc này tại Quảng Trị không có bỏ rau,
dưa leo, đồ chua giống trong Sài Gòn, hay vào thời này. Ổ mỳ xíu Quảng Trị đơn
giản, chỉ quan trọng là thịt xíu kho "thấm
tháp" và nước xíu thật ngon để chan vào giữa như người viết miêu tả tiếp
sau.
Khoảng mười giờ đêm thì rạp xi nê Đại Chúng đã tan
khách. Khách về túa ra đủ mọi ngả đường. Phần tôi thì hay thả bộ men theo con
đường Lê Thái Tổ lên đến phố, rồi từ đó tôi sẽ theo con đường chính Trần Hưng Đạo
xuôi về trại quân dịch để về nhà.
Giờ này quanh chợ Tỉnh cửa sắt trước những cửa tiệm đều
đã đóng kín mít, quanh mấy góc phố chỉ còn thấy mấy chiếc xe ‘mỳ xíu’ thôi. Nhắc đến tiếng ‘mỳ xíu’, hồi đó tôi hay thắc mắc: phải
chăng tiếng này phát xuất từ tiếng Tàu là bánh mỳ ‘xà xíu’ hay ‘xíu mại’ gì
đó rồi người Quảng Trị mình đơn giản đi gọi là ‘mỳ xíu’ cho gọn chăng? Tôi hay ghé mấy xe mỳ xíu này mỗi khi đi
xem phim trên phố về. Trên con đường phố ban khuya, vừa đi tôi vừa gặm ổ bánh mỳ
nóng dòn, thơm phức, thật là thú vị !
Chiếc xe mỳ xíu chú Hưng gần ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo
Tôi để ý thấy rằng, mấy xe bánh mỳ đêm ít khi đi xa tận
mấy xóm ngoại ô. Các người bán mỳ xe này chỉ loay hoay quanh phố thôi. Dạo đó
có hai lò mỳ lớn là Đắc Lập gần nhà máy đèn và Vạn Hoa gần miếu Ông Voi đường
Quang Trung cạnh chợ. Sau này còn có thêm một lò mỳ và kem gần trường trung học
Nguyễn Hoàng [vd, lò kem Thanh Long của thầy Lê hữu Thăng] Chiếc xe bán mỳ xíu
trông nhẹ nhàng hơn chiếc xe phở nhiều lắm. Ba bánh xe làm từ bánh xe đạp,
trong thùng xe chú không đựng củi mà lại là lò than nho nhỏ khi nào cũng để sẵn
vài ba ổ mỳ cho nóng sẵn. Phía trên thùng xe có chắn 3 mặt kính hẳn hoi, trong
đó có những lớp bánh mỳ sắp ngay ngắn màu vàng hươm. Tầng trên chú cón chưng một
ít phó mát (fromage) loại đắt tiền của Pháp như ‘La Vache Qui Rit’, hay một tảng phó mát hình khối tam giác màu vàng
chóe bình dân và rẻ tiền hơn. Hình như khách của chú đa số chỉ ưa hương vị mỳ
xíu tự tay chú làm hơn. Tôi cũng vậy, tôi chỉ thích loại mỳ xíu của chú bán
thôi. Nói là tiếng mỳ xíu chứ thật ra không mang một chút hơi hám gì của Tàu cả
mà ‘xíu’ ở đây hoàn toàn Việt Nam hay
nói cho đúng là hoàn toàn Quảng Trị ! Nhìn mớ xíu của chú kho từ thịt heo, lẫn
một ít chả cắt mỏng, ngoài ra không có thêm thứ gì cầu kỳ cả. Lạ thay, khi chú
bỏ thứ xíu này vào trong ổ mỳ nóng dòn, tôi cảm thấy hương vị mỳ xíu Quảng Trị
rất riêng, thấm thía, ngon hơn bánh mỳ thịt nguội trong Nam nhiều lắm. Bánh mỳ
thịt nguội trong Nam tuy có vị ngon béo, chua ngọt đầy đủ nhưng thiếu cái đậm
đà của ổ mỳ xíu Quảng Trị, một thứ đậm đà khó diễn tả vô cùng . Đó là những lúc
tôi còn đủ tiền, đi xem phim về hết tiền chỉ đủ mua ổ mỳ không. Chú không hẹp hòi gì, xẻ mỳ, chú chan thêm
cho một xí nước xíu nữa là xong.
Nước
thịt xíu kho rim sánh vàng nâu cánh gián, chỉ chan với bánh mỳ cũng thơm ngon lạ
lùng
Nồi
thịt rim được rim khéo đến mức, miếng thịt luôn trong suốt, mặn mòi, nước rim đỏ
rượm, ngũ vị hài hòa
Một điều lạ, bánh mỳ xe về đêm không bao giờ cất tiếng
rao cả. Chú (chú Hưng) lần lượt đẩy xe qua từng góc phố chờ khách. Có người lại
chỉ bán cố định một chỗ về đêm. Thỉnh thoảng chú khơi lại lò than trong thùng
xe, ngước mắt nhìn năm ba người bộ hành qua lại như mời mọc, đón chào.
Phố càng khuya càng vắng khách dần. Thật lâu mới có một chiếc xe tuần nhà binh chạy
qua, một chiếc Honda đi đâu chạy vội về nhà. Có lúc chú yên lặng đứng nghe tiếng
đại bác từ hướng Gio Linh hay Đông Hà vọng đến lúc này trên mặt chú hình như
thoáng một nỗi buồn man mác.
KẾT
Chiến tranh càng ngày càng tăng cường độ, người dân phố
Quảng mất dần đi những ngày tháng êm đềm. Rồi những gánh hàng đêm thưa dần, ít
hẳn đi.
Thời gian lạnh lùng trôi nhanh, thập niên này tiếp đến
thập niên khác. Lớp người của thành phố nhỏ bé ngày xưa đó giờ tóc đã ngã màu
sương tuyết hay có người đã về với những người ‘muôn năm cũ’.
Ôi thời gian!
như một chất màu làm gia tăng cho bao niềm nhung nhớ khôn nguôi. Bao tiếng rao
ngày đó, tất cả đều gom lại thành một TIẾNG XƯA. Phố nhỏ thân thương giờ không còn nữa, nhưng
hồn quê vẫn mãi trong lòng người xa xứ. Thu qua, đông đến, nhìn lá vàng rơi,
người xa Quảng Trị cầm đũa ăn lại món ăn quê hương nào đó chợt trào dâng nỗi buồn
lưu lạc. Lúc này tuy đang ăn, nhưng chính là lúc họ đang ‘nuốt dần quá khứ’. Bởi
thế, dù đi xa tận chân trời góc bể, người Quảng Trị vẫn mang nặng trong lòng
tâm tình hoài hương chẳng hề phai nhạt.
Xin nhớ về phố xưa
- MỘT THUỞ AN BÌNH.
Đinh Hoa Lư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét