BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

THI SĨ ĐINH HÙNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH NGÂM THƠ TAO ĐÀN TRƯỚC NĂM 1975: TIẾNG NÓI CỦA THI VĂN MIỀN NAM - nhacxua.vn biên soạn




Thi sĩ Đinh Hùng là một trong những tên tuổi lớn nhất của thi đàn Miền Nam, đã nổi danh từ thập niên 1940 khi còn ở Bắc.
 
Năm 1954, ông di cư vào Nam và phát hành tập thơ nổi tiếng Mê Hồn Ca trong cùng năm. Tại Sài Gòn, ông cùng bạn bè lập ra chương trình Tao Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh. Có lẽ là khi bắt tay vào thực hiện chương trình này, thi sĩ Đinh Hùng cũng không nghĩ là nó được công chúng đón nhận nồng nhiệt đến như vậy. Vào mỗi tối thứ hai, tư và sáu trong tuần, từ 9 giờ 15 đến 10 giờ tối, thính giả nghe đài phát thanh ở Sài Gòn và cả nước lại chìm đắm trong thế giới của thơ ca. Chương trình Tao Đàn trở thành diễn đàn chung của thơ ca kim lẫn cổ, là nơi hoàn toàn chỉ dành riêng cho người yêu thơ.
 
Những bài ngâm thơ trong chương trình này không chỉ được phát trên đài phát thanh, mà còn được phát hành trong dĩa nhựa vào thập niên 1960 và trong băng magnetic thập niên 1970.
 

Sau đây mời bạn nghe lại 2 dĩa nhựa của ngâm thơ Tao Đàn:
 
Click để nghe dĩa 1

https://youtube.com/watch?v=qxVoOeEmtTs&feature=share
 
Cái tên Tao Đàn của chương trình thơ này được thi sĩ Đinh Hùng đặt theo tên của của Hội thơ Tao Đàn (Tao Đàn nhị thập bát tú), là cái tên mà hậu thế đặt để nói về hội xướng họa thi ca mà vua Lê Thánh Tông sáng lập vào năm 1495.
 
Khi thực hiện chương trình dài hơi này, thi sĩ Đinh Hùng đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều nhà văn, nhà thơ lừng danh của thi văn Miền Nam thời đó, đặc biệt là thi sĩ Tô Kiều Ngân, là người có tiếng sáo điêu luyện, đồng thời cũng là một nghệ sĩ ngâm thơ được nhiều người yêu thích. Phần diễn đọc của chương trình Tao Đàn do chính Đinh Hùng cùng với Thanh Nam, Thái Thủy, Huy Quang và Vũ Đức Vinh cùng thực hiện. Phần giới thiệu chương trình do nghệ sĩ Huy Hùng đảm trách.
 
Phần nhạc phụ họa gồm các nghệ sĩ Tô Kiều Ngân và Nguyễn Đình Nghĩa phụ trách phần sáo; nhạc sĩ Ngọc Bích và Phạm Đình Chương đảm trách phần dương cầm; và nghệ sĩ Bửu Lộc chịu trách nhiệm phần đàn tranh.
 
Về giọng ca ngâm, theo báo Trẻ số 7 tập I năm 1960, phía nghệ sĩ nam thì nổi tiếng là Hoàng Thư. Ông có mặt từ buổi phát đầu tiên của Tao Đàn, giọng khỏe và ấm, có biệt tài ngâm diễn những vở kịch thơ và những bài thơ tự do như vào vai Phạm Thái trong vở kịch Quỳnh Như của Thanh Nam, hoặc Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng, tức là Nguyễn Thanh, giọng thổ pha kim hợp các bài bi hùng. Tô Lang tức Tô Kiều Ngân thổi sáo giỏi, ngâm thơ giọng Trung hay giọng Bắc đều hay. Quách Đàm nổi bật với các bài thơ thất ngôn và lục bát.

Một nghệ sĩ ngâm thơ nam khác là Thanh Hùng, tức là Nguyễn Thanh, giọng thổ pha kim hợp các bài bi hùng.
Nghệ sĩ Tô Lang, tức Tô Kiều Ngân thổi sáo giỏi, lại biết ngâm thơ giọng miền Trung hay giọng Bắc đều hay.
Ngoài ra còn có Quách Đàm nổi bật với các bài thơ thất ngôn và lục bát.
 
Các nghệ sĩ ngâm thơ nữ, thường trực là Hồ Điệp, Thái Hằng và Giáng Hương. Theo nhà báo Phạm Công Luận cho biết thì Giáng Hương kỳ cựu nhất với sở trường thơ mới (tám chữ và tự do) và kịch thơ. Khi trình bày kịch thơ, bà đọc nhiều hơn ngâm nhưng giọng đọc của bà lột tả được những nội dung buồn thảm, khiến nhiều người thích.
 
Nghệ sĩ ngâm thơ Hồ Điệp

Nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng nhất của Tao Đàn là Hồ Điệp có giọng mang phong cách cổ điển âm hưởng ca trù, thành công với các bài thất ngôn và lục bát, nhất là các đoạn thơ trong truyện Kiều, thơ thất ngôn của Bà Huyện Thanh Quan, thơ TT Kh, rất được thính giả gốc miền Bắc hâm mộ.
 
Danh ca Thái Hằng, sau khi lập gia đình thì ít hát tân nhạc, nhưng bà vẫn thường cộng tác với đài phát thanh ở lĩnh vực thoại kịch và ngâm thơ. Bà có giọng ngâm hiều dịu và vô cùng thiết tha, ngâm được hầu hết các loại thơ…
 
Ngoài ra phía nữ còn có giọng Đàm Mộng Hoàn được gọi là “giọng ngâm đổ hột đặc sắc”. Ca sĩ Hoàng Oanh cũng tham gia Tao Đàn trong giai đoạn sau được xem là giọng ngâm “như sương như khói”.
Ngoài các giọng ngâm trên, có các nghệ sĩ tham gia chơi đàn phụ họa trong chương trình như Ngọc Bích, Phạm Đình Chương chơi dương cầm; Vĩnh Phan, Bửu Lộc chơi đàn thập lục đệm cho phần thơ cổ.
 
Kể từ khi chương trình Tao Đàn số đầu tiên được phát trên đài phát thanh vào năm 1955, nó tồn tại được tròn 20 năm với 3 người điều hành khác nhau. Nhà thơ Đinh Hùng phụ trách từ 1955, nhưng đến năm 1967 thì ông đột ngột quɑ đời, chương trình chuyển cho nhà thơ Tô Kiều Ngân phụ trách cho đến năm 1969. Từ năm 1969 đến 1975 là nhạc sĩ Thục Vũ.
 

Giai đoạn về sau, chương trình ngâm thơ Tao Đàn có thêm sự bổ sung các nghệ sĩ ngâm thơ Đoàn Yên Linh, Hoàng Hương Trang, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân…

Tác giả Chu Văn Lễ có nhận xét về chương trình Tao Đàn và những nghệ sĩ ngâm thơ này như sau:
 
“Chương trình Thi Văn Tao Đàn và những chương trình ngâm thơ sau đó tại Miền Nam đã góp phần tạo một gạch nối quan trọng giữa sinh hoạt văn hóa của người Bắc di cư với công chúng ở mọi miền của đất nước.
 
Địa phương nào trên đất nước Việt, cho dù là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam cũng đều có những làn điệu ngâm thơ riêng. Tuy nhiên, tổ chức lại thành một chương trình phát thanh và biết sử dụng nhiều kỹ thuật ngâm thơ khác nhau để diễn tả nội dung một bài thơ như là một tác phẩm trình diễn thì có lẽ “Thi Văn Tao Đàn” là chương trình tiên phong. Mỗi một bài thơ được diễn ngâm từ đó trở thành một hoạt cảnh với đầy đủ cảm xúc và trình tự.
 
Từ những ngày đầu thành lập, công chúng yêu thi ca đã bị chinh phục bởi giọng ngâm của nghệ sĩ Giáng Hương qua bài thơ tiền chiến “Hai Sắc Hoa Tigon” của TTKH. Chỉ ít lâu sau thì tên tuổi của nghệ sĩ Hồ Điệp trở thành gương mặt không thể thiếu của chương trình.
 
Nghệ sĩ Hồ Điệp có cách ngâm thơ rất riêng và rất sáng tạo. Cô là người tiên phong trong việc áp dụng nhiều kỹ thuật ngâm khác nhau trong một bài thơ để lột tả hết tâm trạng của bài thơ và truyền đạt cảm xúc đến người nghe. Nhiều người vẫn còn nhắc mãi đến một Quách Đàm trầm hùng trong “Hồ Trường” của thi sĩ Nguyễn Bá Trác hay đầy tự sự của Hoàng Thư trong “Bài Ca Ngư Phủ” của Vũ Hoàng Chương.
 
Sự xuất hiện của nghệ sĩ Hoàng Oanh trong chương trình “Thi Văn Tao Đàn” là một minh chứng cho sự giao thoa giữa những tâm hồn yêu thi ca trên khắp mọi miền của đất nước. Đối với những thành viên kỳ cựu của “Thi Văn Tao Đàn”, nghệ sĩ Hoàng Oanh thuộc thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Cô người gốc Mỹ Tho nhưng lại ngâm được giọng Bắc một cách sành điệu. Người yêu ngâm thơ ngày nay may mắn còn tìm được bản ghi âm của bài thơ “Chùa Hương” do thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp sáng tác qua hai giọng ngâm của Hoàng Oanh và Hồ Điệp để thấy được sự tiếp nối giữa những những tâm hồn đồng điệu thuộc nhiều thế hệ khác nhau”.
 
Từ năm 1971, nhạc sĩ Thục Vũ có sáng kiến phối hợp ngâm thơ với trình bày ca khúc tân nhạc, đặt tên là chương trình Thi nhạc giao duyên. Đó là sự khởi đầu mới mẻ và thu hút người nghe trẻ trung hơn. Các giọng ca tham gia chương trình cùng các giọng ngâm được tuyển chọn phù hợp với chương trình, như Thái Thanh, Duy Trác, Châu Hà, Mai Hương và ca sĩ Thanh Lan. Thơ và nhạc bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
 

Mời các bạn nghe lại một băng thu âm thi-nhạc giao duyên được thực hiện vào đầu thập miên 1970, trong đó thơ và nhạc cùng kết hợp, bên cạnh những nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng còn có các ca sĩ thượng thặng là Thái Thanh, Duy Trác, Châu Hà, Mai Hương…

Click để nghe chương trình Ngâm Thơ Tao Đàn – Thi Nhạc giao duyên (trước 1975)

https://youtube.com/watch?v=-mqnr2JGAKw&feature=share
 
Tại hải ngoại, những nghệ sĩ cũ của Tao Đàn cũng đã cùng nhau thực hiện 2 CD ngâm thơ Tao Đàn với chủ đề là Tự Tình Dưới Hoa và Đi Chùa Hương, mời các bạn nghe lại sau đây:

Click để nghe chương trình ngâm thơ Tao Đàn thu âm ở hải ngoại, CD1

https://youtube.com/watch?v=K-o1C_qDN7I&feature=share
 
Click để nghe chương trình ngâm thơ Tao Đàn thu âm ở hải ngoại, CD2

https://youtube.com/watch?v=v30xb5Anw98&feature=share
 
 
Sau đây là lời giới thiệu của cuốn băng ngâm thơ này:
Hỡi em yêu dấu
Thời chúng ta yêu nhau, tình yêu như được ướp bằng hương hoa và mật ngọt, ánh trăng xanh huyền hoặc và lời thơ tiếng nhạc trữ tình. Giọng ngâm thơ vời vợi cùng tiếng sáo kỳ diệu quen thân, như điểm xuyết cho tình ta thêm thơm tho ý vị. Bây giờ dù khổ đau hay hạnh phúc, dù ở nơi góc biển hay chân trời, mỗi lần nghe lại tiếng thơ trữ tình, bao nhiêu kỷ niệm của ngày tháng cũ dường như lại trở về sống dậy.
Mời em hãy dành trọn tâm hồn để cùng anh đi trở lại đường xưa.
 
nhacxua.vn biên soạn
 
Nguồn:
https://www.facebook.com/groups/1051752364862874/posts/4505619242809485/
 

Không có nhận xét nào: