Ông Phan Thanh Tâm, tác giả bài này, là cháu năm đời của cụ Phan Thanh Giản.
Cụ
Phan Thanh Giản
- “Minh tinh
chín chữ lòng son tạc” (một câu trong bài thơ điếu Phan Thanh Giản của nhà
thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu)
- “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc” (một phần
của câu 30 trong bài ‘Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh’ của nhà thơ yêu nước
Nguyễn Đình Chiểu)
“Phan
Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” là “một sản phẩm được chế ra bởi chính Viện Trưởng Viện Sử Học miền Bắc,
Giáo sư Trần Huy Liệu”. Và chuyện “đề
cờ” chung quanh câu này đã trở thành một thứ “sự thật lịch sử”, “siêu tài liệu”, hay “siêu bằng chứng” là nhờ tài nghệ sáng tác cùng kinh nghiệm làm báo
cũng như làm chính trị của “người anh cả”
giới sử học Hà Nội. Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên đã xác định như vậy trong
cuốn “Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm
Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”. Tác giả đã dành một năm nghiên cứu quá trình
nguồn gốc tám chữ được dùng để hạ nhục cụ Phan “vì mục đích đánh chiếm miền Nam”.
Tác giả sách cho biết câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” xuất hiện lần đầu tiên
tháng 8 năm 1955 trên số 9 tập San Văn Sử Địa tiền thân của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử trong bài viết có tựa
đề “Việt Nam Thống Nhất Trong Quá Trình Đấu
Tranh Cách Mạng” của ông Trần Huy Liệu. Tuy là bài nóí chuyện tại Câu Lạc Bộ
Đảng Xã Hội Việt Nam, nhưng được coi như là một bài viết rất công phu với nhiều
chú thích; riêng câu có tám chữ về cụ Phan thì ông Liệu không hề cho hay nguồn
gốc câu đó ở đâu. Sinh năm 1964 tại Cần Thơ, là một thuyền nhân đến Mỹ năm
1980, Tiến sĩ Luật khoa Phan Đào Nguyên xác định câu này không có mặt trong cả
nước trước 1954 và miền Nam từ 1954 cho đến năm 1975.
Khác với giáo sư Phan Huy Lê khi kể lại chuyện cây đuốc sống Lê Văn Tám là một nhân vật
không có thật do ông Trần Huy Liệu chế tạo, giáo sư Lê đã không nói rõ, là Giáo
sư Trần Huy Liệu đã nhắn nhủ với Giáo sư trong trường hợp nào. Đằng này, khi
công bố chuyện sử gia Viện trưởng Viện sử học chế ra câu “Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khi Dân” với sự phụ hoạ của giáo sư sử
học Trần Văn Giàu, tác giả Tiến Sĩ Luật Khoa Phan Đào Nguyên đã viết cả môt cuốn
sách dày gần 400 trang. Sách được phát hành nhân buổi Hội Thảo và Triển Lãm về
Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản” và trao giải thưởng Văn Học Phan Thanh Giản
2021 tại Houston. Buổi này do Gia Đình Cựu
Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ tại Houston,
Texas, tổ chức ngày 15/8/2021.
Trong sách Tiến sĩ Luật khoa Phan Đào Nguyên, Cử nhân
khoa Lịch sử bằng danh dự năm 1987 tại UCLA, đã chỉ trích thế hệ giáo sư sử học
ở Việt Nam do hai bậc trưởng thượng, ông Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu, đào tạo
ra trong đó có “tứ trụ” Hà Văn Tấn,
Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, và Trần Quốc Vượng. Ba ông sau đã tiếp tay phổ biến
câu “thần chú vạn năng” này. Cuốn
sách là một thách đố cho các sử gia miền Bắc: “Họ đã không làm phận sự giáo sư bộ môn lịch sử – là phải tìm hiểu cặn
kẽ về một câu có tầm vóc lịch sử. Giỏi lắm thì họ có đặt chút nghi ngờ về xuất
xứ của câu này, nhưng rồi vẫn tiếp tục cho rằng đó là một nguồn dư luận cần phải
được ghi nhận”.
Phải
phục vụ chế độ
Tại sao không nói đến xuất xứ tám chữ nói trên? Vì cứu
cánh biện minh cho phương tiện. Đề ra những phương pháp sử học cơ bản nhưng khi
cần đạt được mục đích tối hậu thì sử gia cọng sản không làm nhiệm vụ của một sử
gia là đưa ra những suy nghĩ vô tư dựa trên những tài liệu uy tín mà “ta chỉ thấy toàn những lời bịa đặt”.
Tác giả Phan Đào Nguyên trang 348 trích dẫn tôn chỉ của sử gia Trần Huy Liệu
khi ông chủ trương: “chúng ta không phải
nghiên cứu để nghiên cứu mà là nghiên cứu để phục vụ cho những công tác trước mắt;
gắn chặt việc yêu nước với việc yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; chứng minh chế độ
ta là một chế độ tốt đẹp hơn chế độ thối nát của Mỹ – Diệm ở miền Nam”.
Trang 32 cuốn sách kể lại chuyện Giáo sư Trần Văn Giàu
thổ lộ với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh rằng “Đó
là thằng Liệu, không phải tao” khi nghe nhắc tới chuyện khoảng năm 1960 –
1963 đảng Cộng Sản hạ quyết tâm dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền
Nam. Phan Thanh Giản là một nhân vật “chủ hoà” bị mang ra đấu tố. Trong
phiên toà ông Phan đã bị kết án xử tử.
Ông Trần Huy Liệu trước khi dàn dựng phiên toà đấu tố trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1963 do ông
làm chủ nhiệm và Tổng Biên Tập, ông đã nghiên cứu cách đấu tố điạ chủ ở miền Bắc
10 năm trước. Điều này được tiết lộ qua con trai ông là Trần Chiến viết trong
cuốn “Cõi Người – Chân Dung Trần Huy Liệu”
trang 367.
Phiên tòa đấu tố là “một vụ xử án một chiều rất trắng trợn”. Tác giả Phan Đào
Nguyên viết, câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” đã được đem ra để làm bằng chứng duy nhất cho
tội “mãi quốc”. Nó chứng minh cho
việc Phan Thanh Giản đã đi ngược lại “nguyện
vọng của nhân dân”; từ đó bác bỏ việc xin khoan hồng cho tội “mãi quốc”. Quan toà tuyên bố bản án
tối hậu cho cụ Phan mà chỉ dựa vào
tám chữ mà tám chữ đó lại do chính giáo sư sử học và là quan toà
bịa ra. Phiên toà không có sự đối thoại hay tranh luận nào hết. Có một độc giả
Hải Thu viết bài “góp ý về Phan Thanh Giản”
cũng đã miệt thị và buộc tội cụ Phan. Sau này người tai khám phá Hải Thu là bút
hiệu của Trần Huy Liệu.
Về tội “mãi quốc”,
theo Luật sư Phan Đào Nguyên, đây là động từ cho thấy có sự trao đổi giữa kẻ
bán và kẻ mua. Nếu cụ Phan bị tuyên án “mãi
quốc” thì quan toà Trần Huy Liệu ít nhất phải có một bằng chứng cho cuộc
mua bán, đổi chác giữa cụ Phan và Pháp và đã là mua bán thì cái giá của sự trao
đổi là gì? Có phải là tiền bạc, chức tước, hay đất đai cho chính Phan Thanh Giản
hoặc con cháu gia đình ông để đổi lấy mấy tỉnh Nam Kỳ?
Những điều kiện phải có cho tội danh “bán nước” đã không được đếm xỉa tới. Đó là chưa nói tới việc
Phan Thanh Giản chẳng làm gì có quyền gì mà bán. Tất cả quyết định tối hậu là ở
vua Tự Đức. Hoà ước 1862 ký xong trong
vòng một năm phải được vua Napoleon III và vua Tự Đức chấp thuận.
Điều
11 Hoà Ước 1862
Theo Luật sư Tiểu Bang California và Liên Bang Mỹ Phan
Đào Nguyên các sử gia miền Bắc và sử gia Trần Huy Liệu không đọc hết hoà ước
1862 (Nhâm Tuất). Họ gọi Hoà ước này là “hàng
ước” và Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp là những kẻ “đầu hàng” hay “bán nước”.
Hoà ước có điều khoản 11, cực kỳ quan trọng. Viện trưởng Viện sử học và đàn em
không bao giờ nhắc đến điều 11 vì “nó là
một công trạng và thắng lợi về ngoại giao cũng như về chính trị của Phan Thanh
Giản mà họ không hề biết, hoặc không muốn cho ai biết”. Theo điều này Pháp
sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho vua An Nam, nếu vua An Nam ra lệnh và giải
tán những lực lượng kháng Pháp tại hai tỉnh Gia Định và Định Tường.
Liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh bại Nguyễn Tri Phương
tại đồn Chí Hoà năm 1861 và sau đó họ liên tiếp chiếm luôn bốn tỉnh lân cận Gia
Đinh, Định Tường, Biên Hoà và Vĩnh Long chỉ trong vòng một năm. Gia Định là thủ
phủ của ba tỉnh miền Đông. Vĩnh Long là thủ phủ của ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Do
đó, việc mất tỉnh Vĩnh Long vào tay liên quân Pháp – Tây Ban Nha đồng nghĩa với
việc sẽ mất trọn Nam Kỳ. Lúc bấy giờ có những cuộc nổi loạn ở Bắc kỳ. Vua Tự Đức
muốn rảnh tay đối phó với tình hình phiá Bắc, đành nhận chịu mất ba tỉnh miền
Đông Nam kỳ. Việc Pháp trả tỉnh Vĩnh Long cho Việt Nam là một sự nhương bộ của
Pháp- Tây- Ban Nha do tài ngoại giao của cụ Phan.
Để lấy lại được Vĩnh Long, Phan Thanh Giản phải thực
thi điều 11 của Hoà Ước. Ông buộc Pháp
phải thực thi việc trả lại tỉnh này và cụ phải chứng minh cho người Pháp thấy
là ông đã từng viết thư kêu gọi Trương Định giải giáp và bãi binh theo lệnh của
vua. Đó là lý do tại sao khi Trương Định không chịu làm theo lệnh vua thì Phan
Thanh Giản tuyên bố với phe Pháp là Trương Định là kẻ phản loạn để triều đình
Huế hết chịu trách nhiệm về ông ta nữa. Nhờ sự khéo léo về chính trị của cụ
Phan, nhà Nguyễn lấy lại Vĩnh Long trong vòng chưa đầy một năm sau khi ký Hoà ước
1862 mà không mất một mạng người nào. Các sử gia miền Bắc không đọc điều 11 nên
tuyên bố cả 12 điều trong Hoà Ước là sự nhục nhã của nhà Nguyễn.
Trang 147 sách in lại Hịch Quản Định bản tiếng Việt của Petrus Trương Vĩnh Ký. Hịch
Trương Định thông báo lý do ông đánh Pháp để đền ơn chúa và còn nói rõ ông tiếp
nhận chiếu phụng của vua, nhận lãnh ấnTống Binh của triều đình đồng thời thừa lệnh
vua kêu gọi mọi người chiến đấu chống Pháp. Ngoài ra, cũng qua bài hịch, tác giả
Phan Đào Nguyên viết “ta còn được chính
tác giả Trương Định cho biết rằng lá cờ của ông đã đề sẵn bốn chữ ‘Bình Tây Đại
Tướng’ chớ không phải ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’ như hai sử gia Trần Huy Liệu và Trần Văn
Giàu đã kể”. Vẫn theo tác giả Phan
Đào Nguyên, Trương Định biết cụ Phan cũng là “một phần tử của nhà vua đang tìm cách lấy lại đất bằng đường lối khác”.
Tại sao Viện Trưởng Viện Sử Học chọn Phan Thanh Giản
làm mục tiêu tấn công và đem cụ làm nhân vật chính trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”? Theo Luật sư Phan Đào Nguyên năm 1955 khi nhận
thấy miền Nam không có tổng tuyển cử và miền Bắc chủ trương dùng chiến tranh để
chiếm miền Nam thì Trần Huy Liệu chỉ trích đường lối ngoại giao của Phan Thanh
Giản là “ảo tưởng” là “liều thuốc độc” và những người không chọn
chủ chiến là thành phần “do dự hoang
mang”. Để tranh thủ người dân miền
Nam và cán bộ tập kết phải cùng theo con đường đảng đề ra – ông Trần Huy Liệu
răn đe – nếu không họ sẽ mang cái án bán nước, đầu hàng và cấu kết với giặc như
Phan Thanh Giản bị kết án qua tám chữ nêu trên.
Cả
nước ca ngợi quan Phan
Ngoài ra, vẫn theo Luật sư Phan Đào Nguyên, Phan Thanh
Giản là một vị quan đức độ và có uy tín sâu rộng trong nhân dân Nam kỳ. Uy tín
này có thể làm cho người dân Nam kỳ tin tưởng rằng đường lối ngoại giao của ông
Phan là đúng. Do đó, ông Trần Huy Liệu phải chọn cụ Phan làm đối tượng phải diệt.
Tiếp đó, ông ta đưa Phan Thanh Giản vào làm nhân vật chủ chốt hay là kẻ tội phạm
đứng đầu sổ trong câu “Phan Lâm mãi quốc,
triều đình khí dân” mà đã do chính ông ta chế tạo ra. Đây là một việc làm cần thiết cho mục tiêu tối
hậu của ông Trần Huy Liệu- là giành lấy chính nghĩa và sự ủng hộ của dân miền
Nam cho đường lối chủ chiến của phe ông ta ở miền Bắc trong cuộc chiến tranh
đang diễn ra ở miền Nam.
Tiến sĩ Phan Đào Nguyên quả quyết, câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều đình Khí Dân” không
có trong sách báo bằng chữ quốc ngữ của cả nước từ trước và ở miền Nam từ năm
1954 đến 1975. Theo ông Nguyễn văn Trấn (1914 – 1998) còn gọi Bảy Trấn, là một
nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng chống Pháp, Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 9
và giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc viết trong cuốn “Chợ Ðệm Quê Tôi” thì câu nói đó là câu nói của đàng ngoài: “Chớ tôi từng đọc sách sử, chưa thấy ở trong
Nam này có sĩ phu bốc đồng nào nói ra câu bia miệng đó”.
Luật sư Phan Đào Nguyên cho biết sau khi Phan Thanh Giản
(1796–1867) qua đời cụ đã được tất cả các sĩ phu và dân chúng miền Nam cũng như
cả nước ngợi khen, như có thể thấy qua thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn
Thông, Phạm Viết Chánh, Phạm Phú Thứ. Chẳng
có văn thơ nào lên án Phan Thanh Giản cả. Có một người duy nhất tạm cho là có
giọng điệu phê phán quan Phan là Phan Văn Trị, với câu “ngậm cười hết nói nỗi oan (quan?) ta”. Câu này có thể diễn dịch là
một câu trách móc nhẹ nhàng chớ không phải là một lời lên án hay kết tội gì cả.
Chữ oan hay quan theo lối nói của người miền Nam thì hơi giống nhau.
Ở Miền Bắc trước
1954 cũng không hề nghe nói đến câu này. Tác giả Phan Đào Nguyên đã cố tìm
trong các báo có uy tín như Nam Phong Tạp
Chí của Thượng Chi Phạm Quỳnh, và bộ Tri
Tân Tạp Chí của Ứng Hòe Ngô Tất Tố cũng không thấy có bài nào chê bai hay
lên án Phan Than Giản mà toàn là những bài viết ca ngợi về sự hy sinh và đức độ
cũng như thông cảm cho hoàn cảnh của quan Phan.
Ở trong Nam, những tác giả chuyên nghiên cứu về PhanThanh Giản như Lê Thọ
Xuân, Trực Phần, Trường Sơn Chí, Khuông Việt cũng không thấy nói về tám chữ ở đầu
bài. Ông Lê Thọ Xuân đã cùng một người Pháp viết cả một cuốn sách với rất nhiều
tài liệu bằng tiếng Pháp về cụ Phan cũng không có chữ nào về Phan Lâm Mãi Quốc .
Sử
gia hay sử tặc?
Miền Nam sau năm 1954 cho đến năm 1975 không có sách
báo nào viết chê bai cụ Phan. Tập San Sử
Địa tại Sài Gòn không thấy có bài nào đề cập tới câu này. Có một trường hợp
ngoại lệ là bài của sử gia Phạm Văn Sơn viết về câu này Phan Lâm bán nước, triều đình khí dân. Ông cũng đã chú thích ở cuối
bài là tham khảo từ Lịch sử 80 năm chống
Pháp của Trần Huy Liệu trang 32 và Nam kỳ chống Pháp của Trần Văn Giàu
trang 160. Thời này một trong những
con đường lớn nhất ở Sài Gòn là đường Phan Thanh Giản nay là đường Điện Biên Phủ.
Cần Thơ và Đà Nẵng có trường Phan Thanh Giản coi như cùng cỡ với trường Quốc Học
ở Huế hay trường Petrus Ký ở Sài Gòn.
Ngoài ra, ở miền Tây cũng còn có một bệnh viện lớn mang tên Phan Thanh
Giản.
Nhà văn Sơn Nam kể lại, hồi xưa khi đi ngang qua miếu
Văn Thánh học trò phải cúi đầu chào ông Phan. Nhà văn nói: “Tôi lại vào bên hông miếu Văn Thánh để cúi đầu trước bức ảnh cụ Phan,
chớ nào ai vào chánh điện để chào ông Khổng, ông Tăng Sâm, Tử Lộ”. Nhà văn
đề nghị, “trong chương trình sử học cho học
sinh, nên có một bài nói về ông, đủ tình đủ lý”. Cố học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn Nửa Ðời
Còn Lại, chương “Trở lại, thử tìm hiểu cảnh
ngộ quan Phan khi đi sứ sang Pháp”, ông viết, “bấy lâu nay (1990), tôi nghe đầy tai lời trách quan Phan làm cho mất
nước và vua Tự Ðức đứng đầu tội ấy. Thấp cổ bé miệng, tôi có dại gì cãi họ duy
trong thâm tâm riêng tưởng họ chưa tới mắt cá quan Phan”.
“Làm
thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn
hại cả đất nước; làm văn hoá mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời.”
Còn làm sử gia mà xuyên tạc thì sao đây?
Người viết bài này khẩn thiết
mong giới sử gia Bắc Hà nên lên tiếng về cuốn sách và ý kiến về “người
anh cả” của mình. Cùng với chiến thắng trong việc đổi tên thành phố
Sai gon, những ngụy tạo của ông Trần Huy Liệu đã được đưa vào dạy ở
trong Nam sau 1975. Cây đuốc sống Lê Văn Tám và câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” đã thành một “siêu bằng chứng” mà mọi người Việt
Nam đều nghe nói.
Sử gia Trần Huy Liệu (1901-1969) Đã thực hiện vụ
án này có chỉ đạo. Vì sự công bình của lịch sử và là hậu duệ của cụ Phan, người
viết bài này đòi hỏi Viện Sử Học Việt Nam phải có lời xin lỗi và đền bồi danh
dự cho gia đình họ Phan chúng tôi về những cáo giác khi lên án cụ Phan Thanh
Giản. Qua bút hiệu Hải Thu, ông đã đã hạ thấp cụ xuống hàng súc vật, đòi
nhốt cụ trong “chuồng”. Lừa cả nước
khi tạo ra Lê Văn Tám, Ông còn phịa ra vụ án “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân”. Hơn 60 năm sau mới bị
khui ra bởi Tiến sĩ Phan Đào Nguyên, Ông Trần Huy Liệu nên còn gọi ông là sử
gia hay nên gọi là sử tặc?
Phan Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét