BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

THUẬT NỔI TIẾNG - Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly


Nhà văn Kha Tiệm Ly


Có một bọn viết văn ở nước Vệ, vào nghề viết đã lâu năm nhưng tên tuổi chẳng ai biết tới, bèn tâng bốc nhau, nào hay chỉ càng làm trò cười cho thiên hạ; in không biết bao nhiêu tác phẩm mà bán chẳng ai mua; nên đem ra đường tặng cho mọi người qua lại. Phần đông người được tặng vẫn thờ ơ; duy có một tên áo rách, bình rượu ngang hông mừng rỡ ra mặt, xin được một cuốn, rồi lại xin thêm, xin thêm… viện cớ rằng sách hay đem về tặng bạn bè. Một người lấy làm lạ hỏi:
- Ta thấy ngươi tối ngày say xỉn, thích rượu hơn thích sách, cớ gì mà nay thấy sách mà vui ra mặt vậy?
- Nếu ngươi cho ta thêm cuốn ngươi đang cầm, ta sẽ nói cho ngươi biết.
Người đó lấy làm lạ, bèn đưa cuốn sách cho tên áo rách đó. Tên áo rách nhếch mép nói:
- Thời nầy giấy vụn có giá. Ta đem thứ nầy bán cho mấy bà gói xôi cũng kiếm được vài xị rượu. Đơn giản thế thôi!

 Bọn Văn Bút biết chuyện, lấy làm tức giận, nhưng chợt nghĩ lại lời hắn ta nói không phải không có lý, rồi nghĩ lại mình, nên cùng bàn nhau làm thế nào cho danh tiếng của bọn được thoát ra ngàn dặm!
Nghe nói bên nước Yên có một cao nhân tiếng tăm lừng lẫy như Thái Sơn, Bắc Đẩu; cả bọn không quản núi hiểm sông sâu, bèn rủ nhau khăn gói lên đường.
 
Đến nước Yên, tìm mười hôm thì đến Hạnh Hoa thôn, nơi cư ngụ của La thám hoa - kẻ họ muốn tìm. Nhìn đồng lúa mênh mông, nương dâu tươi tốt, vườn tược sum suê, trên cành chim luôn tiếng hót, cũng đủ biết đời sống nơi đây no ấm, non nước thái bình.
 
Đến một gian nhà cỏ, cột xiêu, vách rách tả tơi nhưng bên trong sách vở kim cổ chất đầy; chủ nhân gầy nhom, mặc chiếc áo cũ mèm, đang ngồi dưới manh chiếu rách uống rượu suông. Cả bọn thất vọng, nhưng cũng chấp tay cung kính:
- Dám hỏi tiên sinh, có phải ngài là La thám hoa, tiếng tăm áp cả vòm trời…
La thám hoa không trả lời mà hỏi lại:
- Không dám! Các người đến từ nước Vệ?
Cả bọn nhìn nhau, một kẻ thưa:
- Tiên sinh có mắt như thần!
- Có gì đâu mà thần với thánh! Người nước Vệ thường chọn hình thức nên ngôn từ trau chuốt, ăn mặc phô trương… Mà thôi, các người đi đường vất vả, hãy ngồi xuống cùng ta uống vài chén rượu đã!
Qua vài tuần rượu, một người trong bọn vòng tay thưa:
- Không dám giấu tiên sinh: bọn tiểu sinh cả đời cầm bút, thi phú cũng được ngàn bài; thế mà không hiểu sao những tác phẩm của bọn tiểu sinh không ai thèm đọc, cho nên đến giờ tiếng tăm chỉ có một nhúm bạn bè trong Văn Bút biết nhau mà thôi. Nay biết được tiên sinh là bậc đại danh, tên tuổi vượt ngoài thiên lý, nên chẳng ngại đường sá xa xôi mà tìm đến, những mong tiên sinh mở lòng đại lượng, truyền cho bọn tiểu sinh phải làm sao cho tên tuổi so với tiên sinh chỉ được một phần là mãn nguyện lắm rồi.
 
La thám hoa hớp ngụm rượu lớn, lấy tay quẹt miệng rồi hỏi:
- Thuật viết văn nằm trong 3 chữ. Các ngươi thuộc về chữ nào?
Cả bọn lại nhìn nhau; một người nói:
- Bọn tiểu sinh ngu dốt, xin tiên sinh giải thích tận tường cho.
La thám hoa nhìn từng người rồi hỏi:
- Đầu tiên là chữ “Phù”.
- Chữ “Phù” là thế nào?
- Đó là trau chuốt ngôn từ cho hoa mỹ, ca ngợi tình yêu trai gái, khóc gió than mây; hay đặt ra những chuyện tiếu lâm để giúp vui khi trà dư tửu hậu. Đấp tai không màng thế sự thăng trầm; nhắm mắt mặc non sông suy thịnh: dù giặc tràn qua biên ải cũng thản nhiên rung đùi trước họa nước mất nhà tan. Loại văn nầy dù không chút gì ích nước lợi dân, nhưng cũng không gây tác hại cho người đọc. Các ngươi có nằm trong chữ “Phù” không?
- Dạ không, nhưng chữ “Phù” có làm cho nổi tiếng được không?
La thám hoa gật đầu:
- Có! Văn hay chữ tốt thì ít nhiều cũng có người yêu thích nên tiếng tăm cũng đủ lên mặt với đời.
- Còn chữ kế tiếp!
- Đó là chữ “Dũng” !
- Chữ “Dũng” là thế nào?

- “Dũng” là thấy thẳng viết thẳng, thấy cong viết cong; thấy sai viết sai, thấy đúng viết đúng. “Dũng” là không vì cường quyền mà bẻ cong ngòi bút; “Dũng” là không vì gươm kề cổ mà đổi trắng thay đen. “ Dũng” là không bị mê hoặc vì tiền tài, vì danh vọng. Kẻ cầm bút nằm trong chữ “Dũng” chẳng khác chi hảo hán cầm gươm: kẻ gởi mạng mình vào thanh gươm còn kẻ gởi sĩ khí mình vào ngọn bút. Cho nên kẻ nằm trong chữ “Dũng” thì dù trước họng súng hay dưới máy chém quân thù cũng hiên ngang không hề khiếp sợ. Bọn ngươi có nằm trong chữ “Dũng” không?
Cả bọn lắc đầu nhìn nhau; một kẻ thưa:
- Dạ không! Bọn nầy chưa bao giờ nghe! Chữ “Dũng” có nổi tiếng được không?
 
La thám hoa hắng giọng:
- Đất nước nào cũng có phường vô lại, nhưng phần đông đều trọng điều nhân, nghĩa, trí, dũng; ghét loài quỷ quyệt yêu ma; cho nên những kẻ nằm trong chữ “Dũng” thì tác phẩm họ sẽ được nhiều người tranh nhau mà đọc, lại còn truyền vạn đời sau; hà cớ gì mà không nổi tiếng?

Một người nôn nóng:
- Còn chữ cuối cùng xin tiên sinh dạy bảo.
La thám hoa nhìn qua mọi người rồi nói:
- Đó là chữ “Nô”!
- Chữ “Nô” là thế nào?
- Kẻ nằm trong chữ “Nô” thì bất chấp thị phi: người viết tự nguyện hoặc theo lời phán của vương quyền, bạo lực; hay cúi đầu theo sức mạnh của kim tiền! Đây là loại người tự bôi mặt, bán rẻ lương tri. Đó là bọn háo danh háo lợi, bất chấp sĩ khí nên có khi không ngần ngại ca tụng kẻ thù giày xéo quê hương. Chữ “Nô” là nói gọn trong chữ “nô tài”, “nô bộc”, người bình dân thường gọi là “bút điếm đàng”, “bút đĩ”, “bút lưu manh” , “bút bưng bô”. Chữ “Nô” chắc các ngươi hiểu rõ hơn ta!
 
Cả bọn nhìn nhau không nói. Một kẻ chần chừ, ấm a ấm ớ một hồi rồi thưa:
- Dạ hiểu, hiểu…! Chữ “Nô” có nổi tiếng được không?
- Các ngươi muốn hỏi người viết hay tác phẩm của họ?
- Cả hai.
- “Nô” là những tác phẩm  bán không ai mua, cho không ai lấy, có không ai đọc, mà đòi nổi tiếng là chuyện khó hơn lên trời! Nhưng tên người viết cũng có nhiều người biết đến, coi như biểu tượng của trường phái điếm đàng, nô bộc! Nhưng với cặp mắt khinh hay trọng của người đời, thì các ngươi đã biết rồi mà!
- Nước Yên có loại chữ “Nô” không?
- Hừ! Loại ấy từ cổ chí kim đời nào chẳng có; nơi nào chẳng có? Mặc bị đời nguyền rủa,  coi như chó lợn, nhưng chúng không hề biết nhục, có lẽ mặt mày bôi phân trét cứt đã dày, nên không còn biết thối tha! Mặc người phỉ báng thế nào, nhưng chúng cũng chỉ mong được mảnh xương, cũng được cơm cặn canh thừa.
Cả bọn nhíu mày suy nghĩ, lặng thinh. La thám hoa giọng lè nhè:
-  Thôi, ta có tật nhấp ma men thì khó kìm được con ma ngủ. Các ngươi thư thả ngồi chơi. Còn mấy bầu ở góc kia, cứ uống tha hồ.
Nói xong, nằm dài ra chiếu, ngáy vang như sấm.
Cả bọn nhìn nhau. Một kẻ nói:
- Bọn ta ngàn dăm đến đây, những mong sao cho được tiếng tăm lừng lẫy mà nở mặt với đời, nhưng hãy nhìn kia! Kẻ tiếng tăm như sấm dậy mà quần áo tả tơi, nhà xiêu mái dột thì phỏng có ích gì! Ta không cam tâm.
Kẻ khác nói:
- Thôi thì bọn ta thà theo chữ “Nô” còn hơn!
 
La thám hoa bỗng cựa mình:
- Nước Vệ mà có loại viết văn như bọn ngươi thảo nào đất nước khó bề phát triển!
Cả bọn giật mình, ngỡ rằng La thám hoa nghe được, ai dè đó chỉ là lời cúa thám hoa trong mơ!
Bèn rút lui êm. Ra đến sân mà còn nghe tiếng ngáy điếc cả tai.

                                                                                     Kha Tiệm Ly

Không có nhận xét nào: