BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

CÀ PHÊ KHO – Hồi ký của Đinh Hoa Lư



Sáng sớm hai bên con đường Nguyễn Trãi, mọi nhà đang yên giấc ngủ nhưng quán Bà Mười đã dậy trước nhất. Con đường Nguyễn Trãi tuy ngắn nhưng ra Chợ Mỹ Tho lại gần nên dân lao động thường tới sớm uống ly cà phê kho tại quán này khá đông. Khách của bà chẳng ai xa lạ, phần nhiều là phu đạp xe ba gác hay xích lô đạp.  Cũng có vài chú tài, lái xe Lambro ba bánh  nhưng mấy người này thường tới trễ hơn.
 
 Bà Mười lâu nay quen chuyện dậy sớm bán cà phê cho khách lao động trong phường. Nói là quán nhưng thật ra là mái hiên trước của nhà bà mà thôi. Căn gác hai tầng-căn nhà của bà-mấy năm nay bà chỉ ở phía dưới. Tầng trên bà cho thuê kiếm thêm lợi tức. Tầng trên ba năm sau này từng biến làm chỗ nhảy nhót cho một số cave và lính Mỹ về đêm. Nhưng không phải thường xuyên, vài ba đêm số cave này mới đem khách về nhảy, hát ca, rượu chè...
 
Tiếng là cà phê kho, ba chữ nghe thật bình thường, nhưng mấy tay ba gác hay xích lô thiếu một cử cà phê như vậy vào buổi sáng sớm, chắc suốt ngày sẽ không đạp xe nổi? Họ đã ghiền, dậy sớm làm ăn nhưng không tới quán Bà Mười là không được. Không hẹn mà gặp, cứ non năm giờ sáng, dân đạp xe, chở mướn đã gặp nhau trước quán rồi.
 
Cà phê kho thật khác với cà phê phin. Bình dân lao động thì giờ đâu ngồi chờ giọt cà phê tí tách rơi như trong mấy cái quán cà phê đúng nghĩa?  Cà Phê Kho có nghĩa là nấu “tốc hành” cùng một lượt. Bà Mười ước độ bao nhiêu khách rồi bỏ khoảng hơn trăm gam cà phê vào trong cái túi vải, xong đặt vào một bình thiếc cao loại chuyên hâm cà phê của Pháp. Bà chủ dậy sớm, việc đầu tiên là lo cái ấm cà phê kho. Cái bọc vải cà phê cứ thế mà rỉ rả sôi trong cái bình thiếc cao cao nói trên. Bà Mười nấu đã quen tay. Cà phê kho ba tiếng nghe thật bình dân, thế mà lạ, nó phải qua tay Bà Mười ‘kho’ mới ngon? Khách uống lại ghiền. Phải chăng họ chỉ quen hương vị này? Cuộc sống cần lao, không ai đòi hỏi gì hơn nữa. Có thể nhu cầu của người lao động, hàng ngày sống nhờ vào "cơ bắp" của chân tay nên an phận, chỉ ngần ấy cà phê, chỉ hương vị đó thôi là họ thỏa mãn rồi.
 
 Hình ảnh mấy cái ly cà phê đen nho nhỏ. Ai kêu cà phê sữa thì bà chủ chế thêm chút sữa đặc Ông Thọ vào cỡ ly cao hơn một xí, một xí thôi chứ không lớn lắm, rồi cũng chung một thứ cà phê kho từ cái bình đó thôi. Bàn tay mập ú của bà Mười nhẹ nhàng, quen thuộc, nhấc cái bình cà phê đang bốc hơi trên bếp than hồng nho nhỏ. Chủ quán rót chính xác từng ly, đặt đúng vị trí cho từng khách kêu loại sữa hay đen, chẳng hề lầm lẫn.
 
Xe  lam trước 1975
 
 Một thời chúng ta chưa hề thấy hình ảnh những điếu thuốc Jet bán lẻ đặt trên dĩa như những năm sau này. Ai có tiền thì hút Ruby Queen hay Capstan, nhưng mấy tay lao động, đạp xe ba gác hay xích lô, họ vốn từ miệt vườn lên phố Mỹ (tho) làm ăn, quen vấn thuốc rê lâu rồi. Mấy ngón tay thô ráp nhưng vấn thuốc rê thật tài. Vừa phì phèo hơi thuốc vừa nói chuyện thời sự, làm ăn, chuyện giành khách, giựt mối... chút hào hứng nào trong mớ chuyện hỗn độn hàng sáng hào hứng thêm trong khói thuốc nặng mùi. Mấy chú tài lái lambro, mấy chiếc ba bánh hay chạy về Chợ Gạo hoặc ra Ngã ba Trung Lương, lại hút bastos xanh nhưng xem chừng hiếm người ghiền thuốc Capstan. Chuyện dễ hiểu; đồng tiền kiếm ra hàng ngày khó khăn, chẳng có ai đủ sức mua nỗi capstan hay ruby hút hàng ngày nỗi? Đạp xe suốt ngày kiếm ra tiền, họ còn lo cơm áo gạo tiền, một ngày đặng bao nhiêu?
Cử cà phê kho vào sáng sớm là đủ rồi, họ còn mong gì hơn.
 
Xe ba gác trước1975
 
Đồng tiền của khách uống cũng bình dân. Giá cà phê kho đương nhiên vừa hợp khẩu vị lại hợp túi tiền. Đạp xe ba gác, hay xích lô làm gì uống loại ngon hơn. Quan trọng nhất là ra Hàng Bông cho kịp chợ. Ba gác sẽ tới Cầu Quay xuống tận mấy vựa dọc bờ sông chở hàng rau trái hoa quả ra cho con buôn lúc trời vừa hừng sáng.
 
Đó là chuyện làm ăn buổi sáng ngoài chợ Mỹ Tho. Giờ đây trời mới lơ mơ chưa sáng, gặp nhau lai rai chút cà phê, tán gẩu năm ba điều thôi chẳng ai dám ngồi lâu. Dân lao động cùng phường như Tư Cầu hay Cu Ba đạp ba gác, hoặc Chú Tư xích lô sáng sáng ngồi với nhau quanh cái bàn gỗ ọp ẹp rồi rầm rì câu chuyện thời sự. Họ vừa nói chuyện vừa nhấm nháp chút chút mấy cái ly cà phê nho nhỏ. Mấy câu chuyện nghe loáng thoáng không đầu chẳng đuôi? Ai nghe cũng đoán mấy tay này đang nói về chuyện chiến tranh ngoài Huế nổ lớn. Báo Sóng Thần đăng tin Đại Lộ Kinh Hoàng dân chết quá trời. Mặt trận An Lộc, Bình Long nữa toàn những tin căng thẳng về chiến tranh được báo hôm qua đăng trang đầu. Hơi hám chiến tranh lan theo mặt báo về tận Mỹ Tho. Rồi gần hơn là tin trường học ở Cai Lậy bị pháo kích,  trẻ em chết tơi bời thảm thiết…
 
Xích lô đạp trong chợ Mỹ Tho trước 1972
 
Mấy ly cà phê kho đã hết. Bà chủ bưng cho một ấm thiếc đựng trà cho cả bàn uống chung. Vị trà cũng bình dân chắc chắn không phải là thứ hảo hạng. Chẳng nghe ai đòi hỏi gì thêm. Mấy tay 'ghiền cà phê kho' này có lối uống trà theo thói quen lao động. Chẳng ai cần thêm tách uống trà. Chẳng ai cần làm phiền chủ quán. Họ chỉ cần dùng ly cà phê uống rồi, lắc lắc chút nước trà đầu cho sạch phía trong, nhưng chẳng hắt đi xa, xong đưa luôn vào miệng.  Ly cà phê sữa, uống xong cũng thế. Khách chỉ lắc lắc chút nước trà xong, lại đưa vào miệng. Họ thật đơn giản, thật bình thường. Hình như tất cả động tác đó gom chung; chính là lối sống và nếp nghĩ chất phác của lao động. Nếu ai đó muốn nói khác hơn đó là một lối sống bình dị cùng đơn giản nhất của lớp dân lao động nghèo nàn lẫn lộn trong cuộc sống bon chen nơi chốn thị thành.
 
Cà phê kho rõ ràng là thứ cà phê bình dân, cho đến hương vị của ấm trà cũng bình dân. Tất cả quyện lẫn trong không khí lành lạnh và yên tĩnh của mỗi buổi sáng của một thành phố miền nam. Khách hàng, người lạo động trong phường đều ghiền như thế, không có không được.
 
Từ tay chở xe ba gác cho đến người phu xích lô đạp trong mấy xóm dân lao động, sáng sớm đều ngồi chồm hỗm trên cái ghế gỗ bên cạnh cái bàn ọp ẹp như vừa nói ở trên. Nhâm nhi chút chút nói chuyện chiến tranh, chuyện đi lính, chuyện pháo kích, ngay cả chuyện giựt hụi ngoài chợ tất cả đều nói rầm rì trong cái không khí thân quen đó.
 
Mùi cà phê kho của quán bà Mười còn bốc ra thơm ngát. Bóng đèn điện vàng vọt khi ánh mặt trời chưa rạng. Lớp đạp ba gác và xích lô đi rồi, sẽ còn một số khách bình dân khác tới tiếp tục uống vài ly cà phê kho của Bà Mười. Những ly cà phê kho đơn điệu nằm trên mấy mặt bàn đóng bằng gỗ két đạn. Tất cả đều bình dị đời thường như khách cà phê của Bà Mười. Quán cà phê kho buổi sáng nó đồng nghĩa với im lìm không bao giờ có tiếng băng nhạc hay radio. Khách sáng sớm họ ghiền cà phê kho, ghiền cái không khí im lặng của buổi sáng sớm. Vài người bạn tâm giao đối ẩm với ly cà phê nhỏ bé, cùng tiếng nho nhỏ chuyện trò.
 
Ngoài đường rất lâu mới có tiếng xe honda của ai đó đi làm sớm chạy qua. Mấy ngõ kiệt vẫn im lìm trong giấc ngủ. Làn hơi trăng trắng từ bình cà phê kho của quán Bà Mười bốc lên dưới ánh sáng của bóng đèn vàng vọt. Mấy người uống cà phê đang ngồi chồm hổm trên chiếc ghế gỗ, lác đác chuyện trò nay tất cả đều nhanh nhảu đứng dậy ra chợ kiếm sống. Bắt đầu một ngày từ  hương vị  bình dân của  ly cà phê kho nơi quán Bà Mười họ sẽ tiếp nối một ngày làm lụng với sức mạnh gân cốt của mình. Thế mà lạ làm sao, họ vẫn  hưng phấn yêu đời, chăm chỉ đạp xe xích lô hay gò lưng sau chiếc ba gác chở đầy hàng hóa, sống trọn vẹn từng ngày vất vả.
 
                                                                         Đinh Hoa Lư
                                                          Nhớ về thành phố Mỹ Tho 1972
 

Không có nhận xét nào: