BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

NĂM HỢI BÀN VỀ HEO / LỢN (2) - Nguyên Lạc


      


         NĂM HỢI BÀN VỀ HEO / LN (2)
                                                       Nguyên Lạc   
       
                           (Tiếp theo phần I)
PHẦN II
HEO: TRONG ĐỜI SỐNG, VĂN CHƯƠNG

PHÂN BIỆT HEO VÀ LỢN
- Sự khác biệt:
Con lợn ăn ngô.
Con heo ăn bắp.
Con lợn đóng phim thiếu nhi: hiệp sĩ lợn.
Con heo đóng phim người lớn: phim con heo.
Miền bắc nói đàn ông háo sắc là lợn nọc.
Miền nam nói đàn bà lang chạ là heo nái.

- Giải thích hai chữ Lợn Heo:
Để giải thích hai chữ Lợn Heo, tôi xin dẫn ra bài viết của nhà văn, thi sĩ lão thành Chu Vương Miện:
[Tôi hay có thói quen là tìm tòi những danh từ thường dùng hàng ngày mà nghĩa đôi khi không được rõ ? hôm trước được nghe người em bên vợ giải thích, con Lợn là tiếng ngoài bắc, thường ăn củ sắn, ăn trái bắp còn con Heo trong miền Nam thì ăn củ mì và trái ngô, vậy ra là con Heo và con Lợn khác hẳn nhau, tự điển ngoài Bắc thì phận biệt con Lợn là con Lợn Ỉn là một thứ lợn truyền thống có nguồn gốc từ Heo Mọi (nuôi tốn cơm cũng chỉ đựơc 50 ki lô  là cùng - từ sáu tháng đến 1 năm), còn con Heo có nguồn gốc từ ngoại quốc thì nuôi từ 4 tháng đến 6 tháng cân được 1 tạ (100 kg). Chúng tôi không bàn cách nuôi Lợn Heo ở bài này mà chỉ đi tìm nguyên nhân nào, con Lợn đi từ ngoài Bắc vào Trung rồi vào Nam, mà từ tên cúng cơm là Lợn chuyển thành Heo lúc nào không biết. Thực ra nếu danh từ nào gặp khó khăn không hiểu thì mang tra Tự Điển, nếu cuộc đời chỉ giản dị "giản đơn và giản kép" như thế thì khỏe quá, Tự Điển thì chỉ giải nghĩa đại khái và chung chung, coi cũng như là không coi, thế rồi một hôm coi tivi, mục "Bóp Méo Vo Tròn" "nghệ sĩ Trần Thiện nguyên là một ảo Thuật Gia, một Mc, một ca sĩ thuộc vào loài kiêm nhường, thường chỉ trình diễn nơi nào có Nhang Đèn" nói nôm na là nơi nào hát Chùa và Cộng Đồng là có anh. Ở Chương Trình "Bóp Méo Vo Tròn" nghệ sĩ Trần Thiện giải thích Lợn Heo như sau:
-Thực ra là như thế này, năm 1802 vua Gia Long nhà Nguyễn thống nhất sơn hà, (không có thống nhì) có nhiều vị quan văn và võ theo vua Gia Long từ thủa hàn vi gốc gác từ ngoài miền Bắc nhưng vào Nam làm quan, chữ Việt Nam thì thống nhất, nhưng tiếng nói Việt Nam thì thống nhì, đôi khi nói ra phải còn người diễn giải hoặc thông dịch thì người nghe mới hiểu là nói cái gì ? ý nghĩ ra làm sao? đa số thời bấy giờ các vị quan này đều được gọi là Quan Lớn, nhưng dân chúng bá tánh không ưa vì các quan xấc xược ngang tàng coi dân chúng miền Nam như rơm rác nên nói giọng trại ra lớ lớ là Quan Loợn, dần dà thành quen “ Quan Lợn. Mấy vị quan gốc Bắc Hà nghe vậy thấy kỳ cục quá nghe không lọt lỗ tai, mỗi lần nghe dân ai mà kêu mình là Quan lợn là a lê hấp sai lính hổ bôn đè ra sân Huyện sân Phủ, tẩm quất cho từ 20 hèo đén 50 hèo, sau đó thì bá tánh kêu Quan Lớn là quan Hèo
“ Hèo là Gậy tức là quan chỉ dùng hèo mà đánh dân. Hèo từ từ chuyển thành Hèoo, rồi khi không chuyển thành Heo lúc nào không biết.
Chúng tôi thấy cách lý giải trên rất hợp tình và hợp lý (logic) nên ghi lại nơi đây làm tư liệu tham khảo
Ai có thắc mắc thì cứ tìm nghệ sĩ Trần Thiện mà chất vấn.]
                         (LỢN HEO - Vĩ văn của  Chu Vương Miện)

VÀI CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN HEO

1. SẢN XUẤT XÚC XÍCH
Chuyện rằng:
Có một ông thợ sản xuất xúc xích, sau một thời gian tìm tòi, ông sáng chế ra được cái máy ch
cần bỏ con heo vào là sẽ cho ra xúc xích.
Một hôm, đứa con ngồi xem ông làm và hỏi:
-- Sao ba không chế ra cái máy bỏ khúc xúc xích vào sẽ cho ra con heo, thì mình sẽ bán được nhiều tiền hơn?
Suy nghĩ một chút, ông trả lời:
-- Ba muốn chứ, nhưng cái máy đó mẹ con giữ bản quyền rồi. 
Thằng bé hỏi tiếp:
--  Thế sao ba không hỏi mượn của mẹ để xài?
-- Có chứ,  con heo con! Thôi đi chơi đi... để ba làm việc tiếp.
                                                                (Theo Lý Lạc Long)

2. NGƯỜI LỢN
Thích phu nhân, hay còn gọi là Thích Cơ là phi tần rất được sủng ái của Hán Cao Tổ Lưu Bang ( 256 TCN - 195 TCN) người sáng lập ra nhà Hán 
Sau khi Cạo Tổ băng hà, Thích Cơ cùng con trai là Như Ý bị Lữ Thái hậu (vợ Lưu Bang) ra tay tàn sát rất độc ác, nổi danh trong lịch sử.
Năm Hiếu Huệ thứ 2 (194 TCN - Huệ Đế là con của Lưu Bản và Lữ Thái hậu) mùa đông, Lữ Thái hậu bắt đầu trả thù Thích phu nhân:
-- Sai người mang thuốc độc đến ép Như Ý (con của Thích phu nhân và Lưu Ban) uống chết
-- Sai người chặt chân tay Thích phu nhân, móc mắt, đốt tai, bắt uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu (nhà vệ sinh) gọi đó là "Nhân trư", nghĩa là con người lợn.
Sau mấy hôm, thái hậu cho gọi Huệ Đế vào để xem "Nhân trư". Hán Huệ Đế thấy, ngạc nhiên bèn hỏi, biết đó là Thích phu nhân, liền khóc rống lên. Bám ảnh, ông mắc bệnh và không lâu sau thì chết yểu khi mới 22 tuổi.

3. HEO TRONG CHUYỆN TÂY DU
Trư Bát Giới, một nhân vật trong Tây du ký của China, là một vị thần trên thiên đình có hình dạng nửa người nửa lợn.
Trư Bát Giới là một trong ba vị đồ đệ đã phò tá Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong tiểu thuyết Tây du ký. Tam Tạng đặt tên là Bát Giới, với ý nghĩa là "tám ranh giới bị kiềm chế" (8 giới cấm): -- Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay - để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình.
Trong tiểu thuyết, Trư Bát Giới là nhân vật có hình hài như một quái vật gớm ghiếc, "nửa lợn, nửa người":

Bèo cám bê bết quanh mồm
Tai như chiếc quạt, mắt tròn vàng hoe
Răng nanh nhọn hoắt gớm ghê!
Mõm dài há ngoác đỏ khè đến kinh...

Bát Giới, giống như các đồ đệ còn lại của Đường Tăng, cũng có các phép thuật siêu nhiên. Ông ta có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông. So với Ngộ Không, Bát Giới và Sa Ngộ Tịnh (Sa Tăng) giỏi chiến đấu ở dưới nước hơn.
Đến cuối tiểu thuyết, tất cả các nhân vật chính, bạn đồng hành của Bát Giới đều đạt đến mục đích cuối cùng của mình, tức là trở thành Phật hoặc La Hán; chỉ riêng mình Bát Giới là không, bởi vì dù nhiều cải biến, Bát Giới vẫn còn quá nhiều ham muốn. Vì vậy, Bát Giới chỉ được phong là "Tịnh đàn sứ giả" với phần thưởng là công việc: "Lau dọn bàn thờ", nơi mà Bát Giới  có thể ăn thỏa thích những hoa quả thừa trên bàn thờ.  (Wikipedia)
Trư Bát Giới tượng trưng cho những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người: Tính tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Bát giới rất ham ăn, ăn nhiều chừng nào cũng được, ăn theo kiểu thực bất tri kỳ vị (không biết mùi mẽ món ăn ra sao). Khí giới của họ Trư vì là đinh ba - một chiếc cào để vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham.

CHĂN NUÔI HEO

Heo đôi khi được dùng để ví với người. Winston Churchill nói rằng: "Con chó ngước lên nhìn chúng ta, con mèo nhìn xuống chúng ta, còn con heo thì coi chúng ta là ngang hàng".
Á Châu thì con heo rất quí, thân thiết gần gũi. Người ta nói trong chữ Nho, hình như chữ "gia" là nhà trên có chữ "phụ", dưới có chữ "thỉ ". Nghĩa là căn nhà thì có đàn bà (phụ) và một con heo (thỉ). Nếu thiếu một trong hai thứ này thì không thành một gia đình được.
Nuôi heo bởi vậy là một nghề cao quí, cho dù nuôi heo thịt hay heo nái, thậm chí là nuôi anh heo nọc.
Các món nhậu về heo thì các bạn quá rành rồi, tui không dám "múa rìu qua mắt thợ", chỉ "loạn bàn" vài chuyện có liên quan đến heo thôi.

1. Heo nọc
Trong dân gian, có nhiều chàng "thả dê" chọc ghẹo các nàng "nham nhở" quá, khiến các nàng chưởi "đồ heo nọc". Vậy heo nọc có nghĩa gì? Muốn hiểu rõ nghĩa đầy "ấn tượng" này ta phải tìm hiểu về heo nọc.
Heo nọc là loại heo dùng phối giống cho việc chăn nuôi heo nái.
Heo nọc: - Heo đực chuyên dùng để phối giống (bỏ nọc) heo nái.
Heo nái: - Loại heo cái nuôi để sản xuất heo con.
Giống như con người, heo cũng phải làm bổn phận “duy trì nòi giống”.
Từ khi rời bỏ môi trường hoang dã, được con người thuần dưỡng, heo đực nuôi cung cấp thịt khi lớn lên đều bị "thiến", chức năng duy trì nòi giống chỉ được trao cho một số con heo được chọn lựa kỹ, mạnh khỏe, "xung độ" gọi là “heo nọc”.
Thơ rằng:
Trăm năm trong cõi người ta
Làm thân heo nọc sướng cha một đời
Dù cho chữ nghĩa bằng mười
Đâu bằng heo nọc được người đón đưa
                                        (Nguyên Lạc)

2. Bỏ nọc
Sau đây, mời bạn nghe Nguyễn Viết Tân kể chuyện dẫn heo nọc đi "bỏ nọc"
[...Mày đừng tưởng cứ dẫn chàng Nọc tới rồi thả vô chuồng, mặc kệ nó làm ăn ra sao thì làm! Vất vả cho ông chủ lắm chứ, chả phải chuyện chơi đâu.
Trước khi lên xe Lam, tao thảy cho chàng hai hột gà sống -mà thời ấy chính tao cũng tiếc tiền không dám làm la-coóc mà ăn - Cái miệng nó bình thường nhễu nhão là thế, mà nó táp hai hột gà gọn bân, đố có rớt ra ngoài giọt nào.
Xe vừa ngừng là thằng đệ tử có cái mũi Trư Bát Giới ấy thính không thể tả. Nó biết ngay cái nhà nào có heo nái đang động đực, đi xâm xâm vô nhà người ta rồi lao tuốt ra đằng sau, thân thể nặng nề thế mà phóc một cái là nó đã nhảy vào chuồng.
Khi con nái mới động đực, thì cái "hoa"  đỏ au và sưng lên, nó kêu rống và ủi phá chuồng dữ lắm. Vậy mà khi con nọc vào, nó lại cắn, lại chạy xà quần ... làm cho anh kia chả làm ăn gì được sất.
Người nuôi heo có kinh nghiệm phải đợi vài ngày sau, khi cái hoa đã héo, biến thành màu đỏ bầm và có nước nhờn rỉ ra mới cho "nhảy". Lúc đó con cái mới chịu đứng yên, mắt lim dim, tai cụp xuống, cái đuôi ve vẩy quẹo qua một bên để phơi bầy của nả.
- Mày hỏi ông chủ heo nọc "cực" là cực làm sao hả"
Là bởi vì khi con nọc còn nhỏ, mà con nái xề lớn quá, anh chủ phải kê ghế, phải bồng thằng đệ tử mình lên thì nó mới ngang tầm "tác xạ" cho trúng mục tiêu, chứ không thôi nó khóc ngoài quan ải thì cũng xôi hỏng bỏng không.
Nhưng khi con nọc đã quá to, mà con nái mới động lần đầu, nếu mà con đực chồm lên thì với sức nặng đó, có thể nó đè con nái gẫy lưng hoặc gẫy hai chân sau, mình phải lòn một cái bao bố dưới bụng con nái, rồi chị chủ nái một bên, mình một bên, rinh con nái cho chổng mông lên cao, canh sao cho vừa tầm thì mới hoàn thành tốt công tác có lợi cho dân cho nước ấy.
Lạ lắm, con nái mới bị phủ nọc lần đầu, khi cái khoan kia xoáy vào, nó cũng đổ máu y như người vậy. Cái khoan sút ra rồi, con nọc thường chạy chung quanh chuồng một vòng, rồi lại hớn tớn nhảy lên lần nữa, lần này cũng lâu khoảng 15 phút.
Hèn chi người Pháp cứ cho rằng cu-son (cochon) là dâm hạng nặng trong các loài vật."
                                                             (Nguyễn Viết Tân - Việt báo)

3. Thiến heo
Ai nuôi heo để bán làm thịt phải gọi thợ đến thiến thì heo mới ăn no chóng lớn, không dở trò dậm dật mất sức. Mời các bạn dọc trích đoạn sau đây của Trần Quán Niệm:
[...Nhưng dù có bênh vực thế nào đi nữa thì heo vẫn bị mang tiếng xấu về địa hạt ái tình. Thật không oan, vì đến mùa động tình thì heo thật là quá xá. Nó chạy rần rật trong chuồng, kêu rống lên, đôi khi chuồng thấp, nó còn phóng ra đi tìm đực cho bằng được. Chẳng thế mà người ta thường nói “sổng con heo lòng” hay “dở trò con heo” hoặc “phim con heo”  và gọi những ông già sồn sồn ưa “thả dê” là “đồ heo nọc”
Cũng vì thế mà ở VN nhà ai nuôi heo để bán làm thịt, phải gọi thợ đến thiến hết bầy heo thì heo mới ăn no chóng lớn, không dở trò dậm dật khi đến tuổi trưởng thành. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh thợ thiến heo trong vùng tôi ở, một vùng nửa tỉnh nửa quê. Anh này người mảnh khảnh, mang vẻ phong lưu tài tử kiểu đồng quê, tóc búi, mặc áo bà ba lụa chải chuốt, thường tụ họp bạn bè, đàn ca vọng cổ thâu đêm. Trưa trật, trưa trờ, mới tà tà dạo ra đường hành nghề. Đồ nghề vỏn vẹn là một con dao nhỏ, bọc trong túi và cuộn chỉ. Trước khi khởi hành, anh ta bứt một chiếc lá tre, đặt trong miệng, thế mà thật tài, anh ta thổi ra tiếng lanh lảnh như tiếng  sáo.
Đi thung dung trong xóm, vui đâu thì ngừng lại nói ba điều bốn chuyện, rồi lại đi tiếp, nhà ai có heo cần thiến, khi nghe tiếng sáo, sai con nít kêu vào. Chủ nhà bắt từng chú heo choai choai ra khỏi chuồng đè xuống đất. Bàn tay anh ta dịu nhểu, thành thạo dùng con dao sắc lẻm, rạch một đường ngắn ngang hông heo, rồi móc ra một vật đo đỏ, nhỏ như cái cúc áo, gọi là “hoa khế”. Anh ta cắt, vứt đi, ấn ruột heo vào như cũ, rồi thoăn thoắt khâu vài đường chỉ ngay chỗ cắt. Thế là xong. Lợn được thả vào chuồng, con khác được bắt ra. Tôi thấy trước khi hành nghề anh ta chỉ rửa tay qua loa bằng nước lạnh, chẳng cần alcohol để sát trùng, thế mà chẳng con nào bị chết vì nhiễm độc.  Chúng chỉ biếng ăn cỡ 1 hay 2 ngày là đâu lại vào đó, vục đầu vào máng, ăn cám như điên, mập tròn, chờ ngày bị ngả thịt...]
                                        [Phiếm Luận Về Heo - Trần Quán Niệm]

4. Ngoại sử Việt Nam
Nghe đâu, trong ngoại sử Việt Nam có đề cập đến một ông, vì liên hệ đến heo nọc (hoạn lợn: thiến heo) mà leo lên đến chức vua "đỉnh cao trí tuệ", sắp sửa đưa dân tộc đến "Xuống Hố Cả Nước" đó, ghê chưa!
Ông vua nầy sẵn nghề đã THIẾN luôn các ông "Tri Thức" XHCN và nhân dân:
-- Các ông "Tri Thức" XHCN học cao, HỒNG hơn CHUYÊN nên được Đáng ban cho làm"đầy tớ nhân dân". Các ông "đầy tớ" này bị THIẾN, (nhưng cho ĂN) nên quên đi nhiệm vụ tổ tiên, tiền nhân giao phó : -- Bảo vệ nòi giống, bảo về quê hương. Chỉ còn lại bản năng ĂN, tự do ĂN, cúi đầu ĂN của nhân dân (tham nhũng), giành nhau ăn... khiến nhân dân, đất nước "tàn mạc". Vì ĂN nhiều nên các ông bệ vệ, đẫy đà, phương phi,  ẹp trai"; bản mặt ông "đầy tớ" nào cũng nung núc, cổ có nọng... giống như ông TRƯ. Không tin thì nhìn mặt các ông quan ôn "cờ lờ mờ", "mát dzê inh" thì rõ. Giống như bài thơ Quan Chức đã ghi trên.
- Về phần người "chủ đất nước" (người dân) thì vừa bị THIẾN vừa bị CẤM ĂN, bỏ đói. Kết quả là người "chủ" luôn kinh sợ, nghi ngờ nhau. Đói ăn nên trơ xương, suốt ngày chỉ lo tìm cái ăn (vì bị kiểm soát bao tử) khiến Đảng dễ dạy bảo.
Đó, cái thời dưới trào ông vua hoạn lợn "vĩ đại" này đó, nghĩ lại mà khiếp!

5. Chuyện chăn heo của bác tù "cải tạo" già
Ở bài viết trước tôi đã kể bạn nghe về chuyện "heo nọc" Lao Ái, với "của quý" quá khổ, đã làm Thái hậu mẹ Tần Thủy Hoàng mê mẩn, đuợc ân sũng quyền chức, tiền bạc. Nếu không vì giàu sang phách lối, ức hiếp dân lành, hãm hiếp gái tơ...thi đâu bị tru di, suốt đời sẽ sống kiếp heo nọc sung sướng. Ở đời, những tên tiểu nhân, nhờ tài mọn leo lên địa vị "ăn trên ngồi trốc" thường hành xử vô nhân.
Mời các bạn đọc chuyện heo nọc đầy "ấn tượng", khiến ta "miệng cười mà lệ rơi rơi" của cố nhà văn Thảo Trường, ông là một trong những người "học tập cải tạo" lâu nhất trong các "Đại học máu" (từ của nhà văn Hà Thúc Sinh: trại cải tạo), cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, tổng cộng 17 năm mới "tốt nghiệp"!
[....Anh có uy tín với cô cán bộ nên xin cho cái bác tù già yếu bệnh tật chức nấu cám heo. Ông lão được gọi từ ruộng khoai về, sau khi xem giò xem cẳng, cô cán bộ bèn thuận cho bác già ở tại nhà lô, chuyên phụ trách nấu cám cho heo ăn và hằng ngày phải kín nước rửa chuồng, tắm cho đàn heo sạch sẽ theo đúng vệ sinh chuồng trại. Công việc cũng không phải là nhẹ nhưng được cái chỉ loanh quanh trong nhà lô, đỡ mưa, đỡ nắng, và đỡ mất sức vì cái cuốc nghị quyết 8.
Công việc chăn heo của bác già không được lâu vì bác phạm sai lầm nghiêm trọng. Một hôm vợ trại trưởng dắt một con lợn cái đến đội chăn nuôi xin heo nọc nhảy đực. Chuồng lợn có một con heo nọc rất lớn, thuộc giống tốt. Cô phó tiến sĩ bảo ông lão mở cửa chuồng cho con cái của trại trưởng phu nhơn vào. Hai người đàn bà cầm gậy đứng ngoài chuồng lùa con cái đến gần con nọc. Cũng chẳng cần phải đợi lâu, anh heo đực vốn đang sung sức lại thiếu cái lâu ngày, nó sấn sổ nhào tới gầm lên như cọp, hai chân trước chồm lên lưng lợn của trưởng trại phu nhơn khiến con cái ngã dúi dụi muốn bỏ chạy, hai người đàn bà dùng gậy ấn đầu con cái xuống bắt nó khuất phục, bà trại trưởng còn dịu dàng vỗ về con heo của mình:
- Ngoan đi con, chịu khó tí đi con.
Cô phó tiến sĩ thì thét người tù già:
- Anh vào hẳn trong chuồng phụ với con cái bắt nó phải quì xuống... chổng mông lên cho con đực nó dễ nhảy.
Nhớ đến lời căn dặn của "thằng em", nó bảo phải chịu khó nhẫn nhục, nín thở qua sông, bác già vội vã trèo vào chuồng. Con heo nọc đang ngon trớn chợt thấy người thì nổi ghen, giận dữ kêu rống lên xông tới bác già, sợ quá người lại tháo chạy, phóng bay ra khỏi chuồng. Hú vía!
Người đàn bà và cô phó tiến sĩ cười ngặt nghẽo:
- Anh thua con lợn à?
Bác già gật đầu:
- Thua! Tôi thua giống lợn!
- Thế thì kiếm cây gậy, phụ với chúng tôi, ấn đầu con cái xuống cho con đực nó chơi.
Bác già đi kiếm cây gậy. Khi con nọc nhảy lên lưng con cái mà xục thì cả cô phó tiến sĩ lẫn bà trưởng trại đều nghiêng đầu xuống thấp để theo dõi xem nó đi có trúng không. Một vạt nước sền sệt vãi cả ra nền chuồng. Con cái nằm bẹp. Con nọc bỏ đi vòng quanh. Bà trại trưởng hỏi bác già:
- Anh thấy nó có vào trong không?
Cô phó tiến sĩ thì hỏi:
- Anh thấy trúng chưa?
Bác già trả lời cả hai:
- Được rồi.
Cán bộ lại nói:
- Anh cho nó uống miếng nước cho đỡ mệt.
Bà trại trưởng nói:
- Nghỉ một lát nhảy cái nữa.
Cô cán bộ khoe:
- Lợn em chỉ cần nhảy một lần là đậu.
Bà trại trưởng lại nói:
- Một công dẫn đến, cho tôi xin lần nữa cho chắc.
Cô cán bộ cười:
- Thế thì chết lợn em.
Bà trại trưởng cũng cười:
- Khoẻ thế kia, nhảy chục lần, quần suốt ngày cũng không ăn nhằm gì.
Hai người đàn bà kéo nhau vào trong nhà lô nghỉ giải lao. Con lợn cái cũng nằm bẹp một chỗ giải lao luôn. Con nọc vẫn đi vòng vòng quanh chuồng. Bác già đứng lặng thinh nhìn nó. Hình như nó đi vòng vòng như thế để tiêu khiển một sự gì đó!
Độ nửa giờ sau, hai người đàn bà giải lao bằng mấy quả chuối luộc xong, trở lại chuồng heo, quẳng cho con nọc mấy cái vỏ chuối, nói với người tù già:
- Nào, ta làm thêm lần nữa.
Bác già mở cái cửa thông giữa hai chuồng lùa con cái sang bên chuồng con nọc. Con cái đi chậm chạp, bác già dùng cây gậy đánh nhẹ vào mông đít nó. Trưởng trại phu nhơn cự:
- Sao lại đánh nó. Từ từ rồi nó sang. Anh này ác quá! Thế ngày xưa, thời quốc gia, anh cũng thúc đẩy ác nghiệt... đàn bà như thế à?
Bác tù già cứ ngớ người ra. Bác lại nghĩ tới "thằng em", nó khuyên phải nhẫn nhục. Nhẫn nhục nhưng bác thấy nong nóng ở khóe mắt.
Cũng may lần này cả hai bên đều có kinh nghiệm, con cái ngoan ngoãn, con nọc từ tốn, cuộc tình diễn ra tốt đẹp. Thắng lớn! Thắng lợi sau lớn hơn thắng lợi trước! Càng đánh càng thắng! Tia nước phun vào trong hết, rất ít bị vãi ra ngoài. Bà trại trưởng thoả mãn thấy rõ trên nét mặt. Cô phó tiến sĩ cũng vui:
- Kể như bảo đảm trăm phần trăm. Lứa này chị nhớ để rẻ cho em một cặp đấy nhá.
Bà trại trưởng lùa lợn của mình đi ra:
- Được rồi. Tôi nhớ cô.
Bà ta cũng nói với bác già:
- Chào anh nhá.
Bác già đóng cửa chuồng rồi đi xuống bếp nấu cám. Lát sau cô phó tiến sĩ xuống đưa cho bác tù già hai quả trứng gà, cô nói:
- Trứng bồi dưỡng. Anh coi "lô", không được đi đâu nhá, tôi đi có tí việc một lát về, "ban" có tới báo cáo là tôi đi liên hệ rau lang cho lợn ở đội nông nghiệp.
Bác già báo cáo "rõ". Và bác cảm động. Dù sao thì cán bộ cũng tốt bụng. Trứng gà là thức ăn cao cấp trong xã hội "xã hội chủ nghĩa", thế mà cán bộ bồi dưỡng cho bác những hai quả. Có thể là vì cô cán bộ đã thấy tận mắt bác suýt bị con heo nọc cắn nếu như không "bay" ra kịp. Nguy hiểm thế! Chết người như không chứ giỡn sao?
Nghe nói trong nấc thang cấp dưỡng ở bếp cơ quan chỉ "ban" mới được hưởng mỗi tháng năm quả trứng, cán bộ cấp dưới không có tiêu chuẩn trứng trong mức ăn. Thèm muốn thì tự đi xoay xở cải thiện. Bác già chỉ muốn được yên thân, chả bao giờ dám nghĩ đến trứng gà trứng vịt. Cầu sao có củ khoai củ sắn cầm cự độ nhật qua ngày là được. Bây giờ tự nhiên được thưởng, âu cũng là cái lộc may từ loài lợn cái, heo nọc.
Bác già thả hai quả trứng vào trong cái ca, bác chế đầy nước sôi, canh giờ cho vừa chín tròng trắng, bốc vài hạt muối, bác ăn hai trái trứng bồi dưỡng theo đúng kiến thức sách vở mà bác đã đọc xưa kia, để đạt được độ bổ béo nhất mà không có hại gì cho lá gan vốn đang rất yếu. Thiếu thốn nhiều ngày, cơ thể chứa toàn khoai sắn, vị giác lâu không được thứ gì kích thích, đưa trứng gà vào miệng, sao mà nó thơm, sao mà nó béo, sao mà nó ngậy, sao mà nó ngon? Đến thế! Cơ chứ? Hở Trời?
Bác cầm cái chổi "sể" quét lá cây trên sân mà lòng phơi phới. Lá bạch đàn vẫn rơi theo gió. Nếu ở một nơi chốn nào đó những chiếc lá rơi này sẽ rất là đẹp. Nhưng ở đây, cô cán bộ lại muốn cái sân không có lá vàng, thì quét đi, cũng là vui theo cách khác mà thôi.
Công việc xong xuôi thì cán bộ về, cô đi thẳng xuống bếp:
- Anh cho lợn giống bồi dưỡng chưa?
- Báo cáo xong hết cả. Tôi phân phối cám nấu cho các chuồng như thường lệ.
- Thế còn hai quả trứng gà?
- Cám ơn cán bộ bồi dưỡng cho, tôi đã ăn...
Cô phó tiến sĩ nhảy dựng lên, hai chân cô dậm bành bạch trên nền sân đất đã quét sạch lá:
- Tôi biết ngay mà. Ra đi một lát tôi chột dạ sinh nghi, trở về không kịp, thế anh đã... nuốt vào bụng rồi à?
- Dạ, tôi tưởng cán bộ cho tôi.
Cô phó tiến sĩ nói như hét:
- Đưa anh để anh cho vào chậu cám con lợn giống, tiêu chuẩn bồi dưỡng của nó sau mỗi lần nhảy đực. Anh ăn tranh của nó là anh bóc lột nó. Các anh bóc lột nhân dân quen rồi, bây giờ lại bóc lột của lợn nữa!
Người tù binh già ngay đơ chết đứng, lắp bắp:
- Tôi tưởng cán bộ bồi dưỡng cho tôi.
Cô cán bộ lại thé thé:
- Nó nhảy, chứ anh có... làm gì đâu mà bồi dưỡng.
- Tôi... xin lỗi...
- Xin lỗi, tư sản các anh có cái trò xin lỗi, xin lỗi là xong à? Thế còn hai quả trứng? Vấn đề là hai quả trứng chứ không phải là xin lỗi...]
                                                                     (Đá mục - Thảo Trường)

Sao, các bạn thấy sao?

LỜI KẾT
-- Theo tử vi Trung Hoa, trong 12 con giáp, người có tuổi “Hợi” là người lạc quan, nhàn hạ, không phải vội vã.  Ít khi phải lo lắng về tiền bạc.  Có thể là người không giầu có nhưng luôn luôn sống bằng lòng với những gì mình đang có, không bon chen mặc dù thực chất họ có rất nhiều nghị lực.
Bạn có biết cựu Tổng Thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch, Thủ Tướng Tân Gia Ba Lý Quang Diệu, và cựu Thống Đốc California, USA Arnold Schwarzenegger có cái gì giống nhau không?  Không phải là họ đều làm quan lớn, mà cả 3 người đều tuổi “Hợi”. Thật lý thú.
                                                                              (Trần Văn Giang)
-- Để kết bài viết này, tôi xin hầu thêm quý bạn chuyện về xem quẻ tuổi Hợi:
Người tuổi Hợi hợp với  người tuổi Dậu theo quẻ “đầu gà má lợn”. Người hai tuổi này cưới nhau sẽ có  nhiều khả năng thành công trong lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh… nhà hàng, đồ nhậu.
***
Bài tới đây xin tạm dừng, hẹn "tái nạm" với những bài "ấn tượng" khác. Mong các bạn "Mua vui cũng được một vài trống canh"
Cung Hỷ Phát Tài! “May you have a prosperous New Year!" năm K Hợi
                                                                                      Nguyên Lạc 
..................
Tham khảo:
Thảo Trường, Chu Vương Miện, Nguyễn Viết Tân, Nguyễn Cung Thông, Lý Lạc Long, Trần Văn Giang,Trần Quán Niệm,  Wikipedia, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang.

Không có nhận xét nào: