BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

DẠ... THƯA: HỒN HUẾ - Trần Kiêm Đoàn


         

           DẠ... THƯA: HỒN HUẾ
                                      Trần Kiêm Đoàn

Tiếng “Dạ…thưa”: một biểu tượng nhân văn của văn hóa Huế
Nhận diện văn hóa của một đất nước hay của một vùng đất nào đó trên mặt địa cầu nầy thường có quá nhiều hình tượng và đề tài để nói: Có thể đó là “biểu tượng nhân văn” do con người dựng lên hay nhờ có bàn tay con người gìn giữ và bảo vệ sản phẩm của thiên nhiên lâu dài mới còn tồn tại. Như tháp Eiffel của Pháp, Kim Tự Tháp ở Ai Cập, lá phong ở Canada hay con chuột túi (Kanguru) ở Úc. Hoặc có khi chỉ là một âm vị của ngôn ngữ như tiếng “Ok” của Mỹ, “Amen” của đạo Chúa và “Nam mô” của đạo Phật… Nhưng rốt lại, chỉ còn một nét nào đó nổi bật nhất mà chỉ cần nhìn hay nói ra là sẽ nhận được ngay câu trả lời tên nước, tên vùng.
Chắc nhiều người còn nhớ ngày Hội Huế đầu tiên trên vùng đất thủ phủ tiểu bang California, thành phố Sacramento năm 1985, khi nhà thơ Thành Đạt đưa giải thưởng “1000 hột sen Tịnh Tâm” rất quý hiếm vào thời điểm nầy cho ai chọn “một cái gì” bình dân và đơn giản nhất mà ai cũng biết cũng quen dùng tượng trưng cho Huế. Người ta đã đưa ra nhiều hình ảnh, tiếng nói làm “biểu tượng” cho Huế như chùa Thiên Mụ, Cầu Trường Tiền, Cửa Ngọ Môn, núi Ngự Bình; hoặc tiếng nói: “Mô, Tê, Răng, Rứa”
Nhưng kết quả thật thú vị vì người trúng giải là chị Tịnh Như đã chọn tiếng “Dạ” làm biểu trưng cho Huế. Nhiều người trong cuộc Hội Huế không đồng ý vì tiếng “dạ” là tiếng Việt mà người dân trong cả ba miền Bắc Trung Nam đều dùng chứ không riêng gì ở Huế. Tuy nhiên chị Tịnh Như đã lý giải một cách đầy thuyết phục rằng: “Tiếng ‘Dạ’ là vũ khí văn hóa, nhân văn đặc thù của Huế vì nó được dùng như một phương tiện diễn đạt cảm xúc và ý nghĩ từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ phục tùng đến phản kháng, từ yêu thương đến thách đố, khước từ…”

Trường hợp điển hình:
- Hỏi: Con thích bún bò Mệ Chéo không?
- Đáp: Dạ, con thích lắm! (Tiếng “dạ” đồng ý, khẳng định)
- Hỏi: Anh nhớ em.
- Đáp: Dạ, em cũng nhớ anh lắm (tiếng “dạ” đồng tình, cảm xúc)
- Hỏi: Con đi với thằng Nam cả canh buổi chừ mới về phải không?
- Đáp: Dạ (ạ… ă… ắ…)? ( Tiếng dạ uốn lượn và nhấc lên cuối câu để tỏ bày câu trả lời vừa xác định vừa nghi vấn như nói rằng: “Con có đi với anh ấy mà có can chi không?”)
- Hỏi: Con khoan đi, ở nhà rửa chén bát xong rồi đi”
- Đáp: Dạ (a… à… ạ…)! (Tiếng dạ kéo dài và rớt xuống nặng nế cuối câu để diễn tả sự vâng lời nhưng miễn cưỡng, bực bội)
- Hỏi: Con có nghe tin đồn đó không?
- Đáp: Dạ (a…á)? (Tiếng dạ như một câu hỏi lại)


Trong nhiều hoàn cảnh và địa phương khác nhau, tiếng “dạ” của Huế còn được sử dụng một cách tinh tế, diễn cảm, bất ngờ nhưng lại có tác dụng như cả một lời diễn đạt và giải thích khéo léo bằng âm thanh qua tiếng nói.

Khi tiếng “thưa” đi kèm sau tiếng “dạ” thành “dạ thưa” là lời khai mở cho câu nói trang trọng, lễ độ; nhưng cũng có khi ngại ngùng và xa cách. Tiếng “dạ thưa” dùng phổ thông trong đại chúng: “Dạ thưa bà con, tui xin có ý kiến…” là một cách bày tỏ sự tôn trọng, lễ độ. Nhưng tiếng “dạ thưa” lọt qua cửa ngõ tình tự: “Dạ thưa, em còn nhỏ; thương rồi mà chưa biết yêu!” thì có cơ trở thành… bùa mê (?!)
Trong bối cảnh văn chương nghệ thuật Việt Nam, những trao đổi khách quan thật khó. Anh nhà văn thì cho rằng: “Thi sĩ là nhà văn không thành!”. Đối lại, những nhà thơ thì lại cho rằng: “Văn sĩ là nhà thơ không thành!” Nhưng con người và cách nói chỉ là phương tiện; trong khi cứu cánh tinh hoa của nghệ thuật chính là tác phẩm. Những sáng tác văn học nghệ thuật chính là tụ điểm của nghệ thuật, nơi đó, cả nhà thơ, nhà văn và muôn nhà nghệ sĩ gặp nhau. Như trong phương ngữ Huế, tiếng “dạ, thưa” là một tụ điểm của nghệ thuật và đời thường đã khiến cho cả người trong cuộc và kẻ bên ngoài đều muốn nghe, muốn nhận, muốn còn và muốn được. Không ai có thể từ chối lắng nghe với niềm cảm khái trước điệu nói dịu dàng của người con gái Huế hầu như trong mọi tình huống và hoàn cảnh; dẫu đó là sự lễ độ, bày tỏ, câu hỏi, lời mời hay khước từ thì tiếng “Dạ… thưa” đều được nói lên một cách tự nhiên, hòa quyện trong từng câu nói, không điệu đà sắp xếp nhưng tác dụng của sự lễ độ, khiêm cung, gọi mời, xác quyết : “Dạ thưa dì, mời dì ngồi chơi. Dạ con không biết mạ con đi mô…” hay “Dạ con học lớp 10…”, “ Dạ thưa anh, anh tên chi?”, “Dạ mời anh ghé chơi” và cả “Dạ em không thích” và rất nhiều “dạ…thưa” hòa quyện trong từng câu nói.

Người ngoài xứ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, viếng Huế rồi ra đi, ai cũng mang theo trong hành trang nghệ thuật của mình tiếng “Dạ… thưa” của Huế.
Trác tuyệt mà tửng tửng như Bùi Giáng đã đưa tiếng dạ thưa của Huế thành một suy niệm “như như tự tại”:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Hoặc như Xuân Hoàng đã nâng tiếng dạ thưa của người con gái Huế thành “tứ biểu tượng” của Huế là: Mưa Huế, chùa Huế, sông Hương và tiếng dạ thưa của người con gái:

“Ở đây dằng dặc những ngày mưa
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái "dạ, xin thưa...”
             (Nét Huế - Xuân Hoàng)

Và, Huỳnh Văn Dung đã phóng chiếu tiếng dạ thưa ngọt lịm thành nỗi đam mê sương khói, giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say
Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ
Và hơi thở mềm sương khói bay
   (Rất Huế - Huỳnh Văn Dung)

Thời gian trôi qua, không gian thay đổi và con người chuyển biến theo hoàn cảnh. Nhưng chỉ riêng tiếng “Dạ… thưa” của Huế là không biến tướng, thay hình đổi dạng. Tiếng Huế có hai kiểu cách bày tỏ: Giọng Dinh và giọng Quê. “Giọng dinh” là cách nói và phát âm của những người Huế ở thành phố hay là những người Huế được tiếp cận nhiều với bài bản và sách vở nên giọng nói nhẹ, tiếng dùng gần với tiêu chuẩn quy ước. Trong khi đó thì “giọng quê” phát âm nặng với nhiều từ ngữ không có trong sách báo, từ điển. Ví dụ. Giọng dinh: “Hai vợ chồng đó gây nhau, ra giữa sân đánh nhau!” Giọng quê: “Hai cấy dôn nớ ngầy dau, ra trửa cươi đập chắc!” Dẫn chứng này có tính cách hơi thậm xưng nhưng minh họa được tính cách đa dạng của phương ngữ Huế. Thế nhưng, trường hợp tiếng “dạ… thưa” thì đặc biệt khắp mọi vùng nông thôn và thành thị Huế đều biểu hiện như nhau.
Những người xa Huế hơn ba chục năm khi trở về thăm Huế, có thể thấy chiếc áo dài của những “o”, những “thím”, những “dì” buôn gánh bán bưng ít đi, nhưng tiếng “dạ…thưa” thì vẫn còn nguyên mượt mà trên từng cửa miệng. Khách phương xa về thăm Huế, tản bộ trên các vùng quê, thường sẽ rất ngạc nhiên và thú vị khi nghe và thấy các cháu học sinh trường làng, cúi đầu cung kính chào: “Dạ thưa ôông!” mà không cần biết quen hay lạ.

Ngôn ngữ là một phương tiện đặc thù của từng nhóm người và xã hội. Tuy tiếng Việt “dạ…thưa” đâu cũng có nhưng với âm điệu giọng Huế nó trở thành trầm lắng và khiêm nhã một cách tự nhiên không mang tính nghi thức hay khách sáo.
Đặc biệt, thế hệ trẻ gia đình gốc Huế sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nếu còn nói được tiếng Việt thì tiếng “dạ…thưa” vẫn còn được kế thừa như một gia sản đầy hương hoa chưa nỡ bị đánh mất hay đi vào quên lãng.

                                                                             Trần Kiêm Đoàn

Không có nhận xét nào: