BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

“LẤY ANH HAY CHỮ” - Hoàng Hải Thủy

Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2019/01/11/doc-lai-lay-anh-hay-chu-cua-cthd-hoang-hai-thuy-nguoi-vua-tienthuyalice-da-di-truoc-roi/

        
                    Nhà văn Hoàng Hải Thủy


          ĐỌC “LẤY ANH HAY CHỮ” 
          CỦA CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG HOÀNG HẢI THUỶ 

Chẳng tham ruộng cả, ao liền.
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

 Đôi bên bác mẹ thì  già.
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.

Tôi – CTHĐ – nghe hai tiếng “hay chữ” năm tôi mười tuổi. Người được gọi là “người hay chữ” những năm 1940 ở tỉnh lỵ Hà Đông là ông Phan Điện, thân phụ của hai ông Phan Anh, Phan Mỹ. Nhà ông Phan Điện và nhà tôi gần nhau. Những năm xưa ấy tôi thường thấy ông. Ông người thấp, mập, đầu trọc, ông chuyên mặc bộ áo cánh, quần nâu, đi đôi guốc gỗ, tay xách cây ba-toong. Không một lần tôi thấy ông mặc áo dài ta, đội khăn, Ông hay dọa trẻ con. Ông lấy việc bắt nạt trẻ con làm vui. Trẻ con, tuổi tôi, 10, 12 tuổi, gập ông trên phố, nếu đang đứng nghe ông hô: “Oong...” là phải ngồi xuống, ông hô: “Đơ...” mới được đứng lên.
Có lần tôi đang đánh bi với bạn tôi trên vỉa hè, nghe tiếng hô: “Ooong...” vang lên, ngoảnh nhìn tôi thấy ông Điện đứng ngay sau lưng, tay ông cầm cây ba-toong giơ lên, tôi líu ríu đứng dậy. Tôi sợ nhưng tên bạn tôi không sợ. Nó tỉnh queo nhìn ông, nó cưới hi hi rồi bỏ đi, ông chẳng làm gì được nó.

Người Hà Đông nói: “Ông ấy hay chữ..” Ý họ muốn nói ông Phan Điện học nhiều nhưng ông thi không đỗ; ông bất đắc chí nên ông điên dở.
Một mùa hè năm 1941 hay 1942, ông Phan Anh về Hà Đông sống ít ngày với ông bố. Khi ông trở ra Hà Nội, ông gọi xe kéo đến chở ông và cái rương hành lý của ông ra bến xe điện. Đợi cho ông con ngồi lên xe và xe bắt đầu chạy, ông Đồ Điện sắn quần, chạy theo đẩy xe, ông Phan Anh vội nhẩy xuống xe, chắp tay lậy ông bố, rồi ông đi bộ theo xe. Nhiều người hàng phố nhìn thấy cảnh này. Tôi không được chính mắt nhìn thấy. Tôi nghe chuyện do mẹ tôi kể.
Đây là đoạn văn ghi về ông Phan Điện trên Internet:

Phan Điện (1875-1945), thường được gọi là Cố Điện hay Đầu xứ Điện. Ông sinh năm Ất Hợi 1875, quê làng Tùng Ảnh, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cư ngụ và sinh sống tại tỉnh Hà Đông.
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảngi tại Nghệ Tĩnh. Ông là một nhà nho Xứ Nghệ vừa duy tân vừa thủ cựu, chống đối chế độ bảo hộ Pháp, căm ghét triều Nguyễn bất lực để mất nước.
Sau cuộc khủng bố nghĩa quân Phan Đình Phùng do Nguyễn Thân cầm đầu, Phan Điện ra Bắc ( Hà Đông) mưu sinh bằng nghề dạy học cho đến khi qua đời đầu năm Ất Dậu 1945.
Ông thường tỏ nỗi bất bình trước bọn xu phụ thực dân, bọn tay sai bán nước nên cuộc đời cũng như thơ văn của ông đều tượng trưng cho tinh thần của giới trí thức chống đối cường quyền đang lộng hành trong xã hội. Ông để lại nhiều vần thơ tự sự và trào phúng tỏ rõ khí tiết của mình, nay đã biên soạn thành tập thơ Phan Điện.
Hai con trai ông là Phan Anh và Phan Mỹ, đều là những trí thức tại Việt Nam giữa thế kỷ 20, hai ông từng giữ chức Bộ trưởng trong chính phủ Hồ chí Minh.
Hai bài thơ của ông Phan Điện.

VUA RA ĐỨC THỌ

Xiếc vùng Đức Thọ có vui không?
“Cóc nhái” hôm nay được thấy rồng!
Gái đạo phát tài cười mủn mỉn
Trai “lương”phải tội chạy long tong.
Mề đay xiết kể ơn Hoàng Thượng;
Tường đổ thương thay lũ tiểu đồng!
Đố biết vì ai nên nỗi thế?!
-Vì quan sở tại khéo tâng công!

Người dân Đức Thọ đứng bên đường xem xe vua đi qua, một bức tường đổ làm hai ba em nhỏ bị thương.

GỬI HỌC TRÒ LÀM LÝ TRƯỞNG

Anh làm Lý trưởng phải thương dân
Chớ có như ai chỉ vị thân.
Các cụ vào ra thường đỡ gậy
Đàn trai giàu có vẫn cầm cân.
Thuế sưu miễn đủ cho nhà nước
Xôi thịt đừng đua mượn tiếng thần
Thầy sợ đi qua nghe chúng chưởi;
Chưởi: “Tiên sư nó,chỉ hay ăn!”

        o O o

    
                      Nhà văn Hoàng Hải Thủy

Tháng Mười 2016, Thu trở về trên Rừng Phong. Đêm xứ người, phòng vắng, đèn vàng, yên lặng. Tôi ấp quyển sách lên ngực, nhắm mắt, lắng nghe cái yên lặng đêm Kỳ Hoa Đất Trích.
Tôi nhớ lời anh Văn Phụng:

“Tôi một mình lái xe vào sa mạc, nằm nghe cái yên lặng của sa mạc ban đêm.”

Đêm khuya, tôi đọc  Sử Ký Tư Mã Thiên, đoạn ông viết về việc ông bênh vực Tướng quân   Lý Lăng mà bị bọn Vua Quan nhà Hán ghép tội, ông bị “cung hình.”  Hình phạt cắt bộ phận sinh dục.
Đây là lời trần tình của ông: Tư Mã Thiên, Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.

Tôi với Lý Lăng đều giữ chức Thị Trung từ trước chưa hề có chút giao tình, ai đi đường nấy, chưa tùng uống với nhau một chén rượu, ân cần tiếp đãi, hoan hỉ với nhau lấy một lần.
Nhưng tôi xét ông ấy là người biết tự giữ khí tiết lạ, thờ cha mẹ có hiếu, thủ tín với kẻ sĩ, về tiền bạc thì thanh liêm, trọng nghĩa, về sự phân biệt trên dưới thì có lễ nhượng; tánh cung kiệm, khiêm tốn, thường hăng hái, chẳng tiếc thân, hy sinh cho quốc gia lúc nguy cấp, xét hoài bão của ông ấy thì thấy có phong độ của một vị quốc sĩ. Bực nhân thần ra vào chỗ vạn tử mà chẳng đói hoài đến đời mình, ứng phó với cơn nguy của quốc gia như vậy, tôi cho đã là lạ rồi. Nay ông ấy hành động, cử sự có điều gì không thỏa đáng, mà bọn bề tôi chỉ lo bảo toàn thân mình để nuôi vợ con kia lại nhân đó mà xoi mói  gây tội cho ông ấy, lòng tôi riêng thật buồn thay!
Vả lại Lý Lăng dắt theo không đầy năm ngàn bộ binh, vào sâu chiến địa, giẫm lên vương đình của Hung Nô, như nhử mồi miệng cọp, khiêu động cường Hồ, tấn công hằng vạn, hằng ức địch, giao chiến với Thiền Vu trên mười ngày liền, số quân địch bị giết lớn hơn số quân của mình, đến nỗi chúng không kịp cứu những kẻ bị thương. Các Chúa bận áo nỉ và lông cừu đều hoảng sợ, phải vời cả hai viên tả hữu hiền vương, thống suất bọn đeo cung tên trong toàn quốc, tấn công mà vây ông. Lăng xông đánh xa đến ngàn dậm. Đường nghẽn, tên hết, cứu binh không tới, sĩ tốt tử thương thây chất thành đống. Vậy mà Lý Lăng hô lên một tiếng, ủy lạo quân sĩ thì không ai không phấn khởi, nước mắt dòng dòng, máu chẩy đầy mặt, nghẹn ngào nuốt lệ, lại dương cây cung hết tên để chống với lưỡi gươm trắng, hướng về phương Bắc, tranh nhau chết với quân địch.
Hồi Lý Lăng chưa bại trận, sai người về báo tiệp, các bậc công khanh vương hầu triều Hán đều dâng chén chúc thọ vua. Vài ngày sau, thư chiến bại truyền về, Chúa thượng ăn hết ngon, ra chầu hết vui, các vị đại thần lo lắng, không biết làm sao. Tôi trộm không tự liệu thân mình hèn mọn, thấy Chúa thượng thê thảm, bi thương, những muốn gắng tỏ tấm lòng ngu trung thực của mình, cho rằng Lý Lăng từ trước cùng với các bậc sĩ, đại phu đồng cam, cộng khổ, mới được người ta tận lực giúp đỡ, như vậy dù các danh tướng thời xưa cũng không hơn ông. Hiện nay thân ông tuy phải đầu hàng, nhưng xem ý chắc là muốn đợi cơ hội thuận tiện để chuộc tội với nhà Hán. Sự tình đã không biết làm sao, nhưng cái công trước kia đánh Hung Nô tàn bại, cũng đủ phơi ra trong thiên hạ rồi.
Tôi muốn trình bầy lý lẽ đó nhưng chưa có cơ hội thì vừa gập lúc Chúa công vời hỏi, tôi bèn tỏ công lao của Lăng như trên, để lòng Chúa thượng được mở  ra mà những lời hãm hại bị lấp đirộng, mà những lời hãm hại bị lấp đi. Nhưng tôi chưa kịp tỏ hết lẽ của mình, Chúa vội không hiểu, cho rằng tôi ngăn cản nhị sư tướng quân, thuyết hộ Lý Lăng, và giao tôi cho quan coi ngục. ( .. .. .. )
Nhà tôi nghèo, không có tiến để chuốc tội, bạn bè không ai cứu giúp, các quan không ai nói hộ cho một lời. Thân không phải là gỗ đá – ( làm sao không đau đớn ) – làm bạn với người coi ngục trong chốn thâm u, biết giãi bầy với ai?
Tôi tuy khiếp nhược, muốn được cẩu hoạt, nhưng cũng phân biệt được lẽ phải chăng, mà sao đến nỗi tự dìm vào cái nhục cùm trói như vậy? Bọn tôi tớ, tì thiếp còn biết giữ tiết, tự quyết được, huống hồ là tôi lại không hiểu cái lẽ có khi bất đắc dĩ phải chết sao? Tôi sở dĩ ẩn nhẫn cẩu hoạt , chịu sống tối tăm trong cảnh dơ dáy là vì hận rằng lòng riêng có chỗ chưa được bộc lộ hết, bỉ lậu mà chết đi thì văn chương không tỏ ra được với đời sau.
Đời xưa những kẻ giầu sang mà tên tuổi tiêu ma, có biết bao nhiêu mà kể, chỉ những người lỗi lạc, phi thường mới lưu danh thôi. Cho nên Vua Văn Vương bị giam rồi mới diễn bộ Chu Dịch, Trọng Ni khốn đốn rồi mới soạn bộ Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi về rồi mới viết thiên Li Tao, Tả Khâu mù rồi mới có bộ Quốc Ngữ; Tôn Tử bị chặt chân rồi mới trứ thuật bộ Binh Pháp; Bất Vi bị đầy ra đất Thục rồi mà bộ Lữ Giám mới truyền lại ở đời; Hàn Phi bị giam ở Tần rồi mới có những thiên Thuế Nan, Cô Phẫn; ba trăm thiên Kinh Thi, đại để do những vị hiền thánh phát phẫn mà trứ tác, . Những vị đó trong lòng đều có nỗi uất kết, không làm thông tỏ được đạo của mình, cho nên mới thuật lại chuyện cũ mà nghĩ đến đời sau. Như Tả Khâu mù rồi, Tôn Tử què rồi, suốt đời vô dụng mới lui về mà trứ thư, lập ngôn, để vơi lòng phẫn uất, lưu lại văn chương suông để phát biểu chí hướng của mình.
Tôi không tự lượng sức mình, tự ký thác chí hướng vào lời văn thô thiển, thu thập những việc cũ tản mác trong thiên hạ, khảo cứu qua loa về các sự tích, tung hợp đầu đuôi, ghi lại những mối thành bại, hưng vong, trên từ đời Hiên Viên, dưới tới ngày nay, viết thành mười thiên biểu, mười han thiên bản kỉ, tám chương thư, ba mươi thiên thế gia, bẩy mươi thiên liệt truyện, gồm cả thẩy một trăm ba mươi thiên, cũng là muốn nghiên cứu đạo lí trong thiên hạ, tìm những lẽ biến hóa xưa nay, lập thành học thuyết của một nhà. Sáng tác chưa xong thì gặp họa, tiếc công việc chưa thành nên chịu nhục hình mà không có sắc giận. Tôi như quả viết xong bộ đó, đem cất nó vào danh sơn, truyền nó cho đồng chí, quảng bá ra khắp đô ấp, thì cũng bù được cái nhục bị trách phạt, dù tôi có vạn lần bị giết tôi cũng chẳng hối tiếc. Nhưng điều đó chỉ có thể nói với bực trí giả mà khó nói với bọn tục nhân.

Trong đêm khuya, tôi đọc được trong sách chuyện Thức tự đa ưu hoạn.
Cả câu thơ là: Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn (Người biết chữ gập nhiều lo âu và tai họa.)

Câu Thơ trên trong bài Thơ Mạn hứng

Phác tán thuần ly thánh đạo nhân,
Ngô nho sự nghiệp yểu vô văn.
Phùng thời bất tác Thương Nham vũ,
Thối lão tư canh Cốc Khẩu vân.
Mỗi thán bách niên đồng quá khách,
Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân.
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn,
Pha lão tằng vân,  ngã diệc vân.

                               Nguyễn Trãi

Dịch nghĩa

Những gì gọi là thuần phác đều tan rã, đạo Thánh bị chìm mất.
Sự nghiệp của nhà nho ta lu mờ chẳng có tiếng tăm gì
Gặp thời chẳng tạo được mưa ở Thương Nham
Lúc già trở về cày mây ở Cốc Khẩu
Thường than trăm năm của cõi đời y như khách qua đường
Chưa từng lúc nào ăn một bữa cơm mà không nhớ đến vua
Con người sinh ra biết chữ nghĩa gặp nhiều nạn phải lo lắng
Ông già Tô (Tô Đông Pha) hằng nói thế, ta cũng nói thế.

Hai câu trong bài Thơ làm tôi xúc động:

Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn.
Pha lão tằng vân, ngã diệc vân.

Người biết chữ gập nhiều buồn lo và tai họa.
Lão Pha từng nói thế, ta cũng nói thế.

Một trong những “người thức tự” tôi được thấy sống, viết, bị tù và chết trong tù là Dương Hùng Cường.

        o O o

        NHỮNG BÀI THƠ MÙA THU TÔI YÊU:

EM CÒN NGHE TIẾNG
(Quang Dũng)

Ðường về quê hương, về quê hương
Không thấy quê hương, chỉ thấy đường.
Em đã đi trên đường nhựa ấy
Hai mươi năm trước lá thu vàng.

Ðường về quê hương, về quê hương
Em mặc áo vàng hay áo tím
Mắt em lơ đãng nhìn chân mây
Anh vịn thành xe, tay trong tay.

Ðường về quê hương, về quê hương
Có một ngày sao mà bất tận
Hai mươi cây số tưởng vô vàn
Dài đến bây giờ vẫn chứa chan.

Ôi con chim đậu nhành giây điện
Lại giống ngày xưa chuyện nắng thu
Em đã xa rồi – chim gọi nắng
Em còn nghe tiếng nữa bao giờ.


VƯỜN XƯA
 (Tế Hanh, 1957)

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua

Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thì gọi anh về

Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

        o O o

       THƠ ĐINH HÙNG.

Tháng Bẩy vào thu, nhớ Sài Gòn mưa sa, chúng ta trở lại Sài Gòn với Thơ Ðinh Hùng:

Từng cơn mưa lạnh đến dần,
Ðời chưa trang điểm mà xuân đã về.
Hững hờ để nước trôi đi.
Giấc chiêm bao hết, lấy gì mà say.
Quê ai đầm ấm đâu đây,
Cho tôi về sống mấy ngày trẻ thơ.
Ước gì trăng gió đón đưa,
Mắt chờ gặp mặt, tay chờ cầm tay.
Cảm lòng, nhận chút hương bay,
Tình thương đất bạn, cỏ cây là người.
Quê nhà ai sẵn nụ cười,
Núi sông hồn hậu, Ðất Trời bao dung.
Cho tôi về hưởng xuân cùng,
Bao giờ hoa nở thì lòng cũng nguôi.

*****

Hãy dừng lại, hỡi muà hoa hồng phấn!
Mấy hoàng hôn, mái tóc đã sang thu.
Chĩu hàng mi, lá uá rụng tình cờ,
Tờ thư lạnh, gió sương bay dòng chữ.
Thương tâm sự, mưa sa vành nón cũ.
Anh ngờ Em mang cả núi non đi.
Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu qui.
Nhòa nắng cũ, nụ cười mây khói toả.

*****

Nhắc làm chi? Ôi! Nhắc làm chi nưã?
Em đi rồi, mưa gió suốt trang thơ.
Mây lià ngàn, e lệ cánh chim thu.
Con bướm ép, thoát hồn mơ giấc ngủ.
Anh trở gót, hương đưa về núi cũ.
Theo mây bay, tìm mãi hướng trăng thề.
Nhắc làm chi! Còn nhắc nữa làm chi!

*****

Em đến hôm nào, mưa trên vai,
Chiều thu sương đượm nét mi dài.
Nụ cười rung cánh hoa hờn giận,
Trong mắt Em còn bóng dáng ai?

*****

Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,
Chợt xanh mầu áo nhớ thương xưa.
Bóng Em khoảnh khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa.

******

Giữa đêm lòng bỗng hoang vu,
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san.
Bước thu chừng sớm lìa ngàn,
Nhớ giây nguyệt lạnh, cung đàn thương hoa.
Em về rũ tóc mưa sa,
Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói sương.
Rời tay nhịp phách đoạn trường,
Hồn đêm nay thấm mùi hương năm nào?
Sầu che nửa mặt chiêm bao,
Dòng mưa thu lệ, chìm vào phấn son.
Nét mày cong vút núi non,
Mông mênh xiêm trắng, linh hồn vào thu.


BÀI HÁT MÙA THU

Hôm nay có phải là thu ?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.
Ai về xa mãi cô thôn,
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà ?
Ngày em mới bước chân ra,
Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu .
Nắng trôi vàng chẩy về đâu ?
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu .
Chiều xanh trắng bóng mây xưa,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về .
Rung lòng dưới bước em đi,
Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi!
Trời hồng, chắc má em tươi,
Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.
Em đi hoài cảm một mình.
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.
Hôm nay tưởng mắt em buồn:
Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.
Lạnh lùng chăng, gió tha hương?
Em về bên ấy, ai thương em cùng?


KỲ NỮ

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em — ôi biển sắc, rừng hương!
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em đến đây như đến tự thiên đường.

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc,
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly,
Ôi mắt xa khơi ! Ôi mắt dị kỳ !
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.
Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi,
Cả chiều sương mây phủ lối ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ.

Ta run sợ, cho yêu là mệnh số,
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.
Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.
Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa,
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.
Ta gần em, mê từng ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.
Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm.
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi, đã thấy tràn hối hận.
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.
Ôi vô lương ! Trong một phút không ngờ,
Ta đã muốn trở nên người vô đạo.
Tất cả em đều bắt ta khổ não,
Và oán hờn căm giận tới đau thương.
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,
Và khát vọng đến vô tình, vô giác.
Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác,
Ta vẫn gần – ôi sắc đẹp yêu ma !
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà,
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết.
Ta sẽ chết ! Sẽ vì em mà chết !
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn,
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn.

Không có nhận xét nào: