BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

THƠ PHẠM ĐỨC NHÌ


Nhà thơ Phạm Đức Nhì

MẤY BÀI THƠ

1/ Hoa Dại
2/ Sài Gòn Một Chiều Em Lỡ Hẹn
3/ Sẽ Có Một Ngày
4/ Tôi Sẽ Hát
5/ Bản Tình Ca Hai Con Suối Nhỏ
6/ Nếu Thi Sĩ Chết
7/ Hẹn Một Ngày Mai
8/ Món Quà Em Xin
9/ Tôi Đã Gặp Ở Đây
10/ Chiếc Kẹp Tóc
11/ Đà Lạt Trong Tôi
12/ Tôi Rất Sợ Rồi Sẽ Một Ngày
13/ Thi Sĩ Và Người Tình
14/ Tự Thú Của Một Người Chồng Chung Thủy
15/ Trúng Gió
16/ Về Ngay Em Nhé
17/ Bệnh Nan Y
 
*
 
HOA DẠI
(Tâm sự một nhà thơ)
 
Tôi là loài hoa dại
mọc bên đường
tỏa sắc hương
dịu lòng những ông bố
trên đường đến xưởng
những bà mẹ
đi thăm ruộng trở về
 
Tôi thêm nét vui tươi
cho cô gái quê
xách làn đi chợ
Các cô cậu học trò
mặt mày hớn hở
cười với tôi mỗi buổi đến trường
 
Tôi đứng đây
mở lòng đón gió bốn phương
để thêm sắc thêm hương
cho người đời thêm đẹp dạ
 
Bạn đừng tưởng đời tôi êm ả
như mặt nước hồ
tôi đã bao phen nghiêng ngả
trước những trận gió to
 
Có lúc thân tôi xác xơ
tả tơi từng cánh
lá rụng phấn bay
lịm dần trong đêm lạnh
nhưng nghĩ đến ngày mai
tôi gượng dậy mỉm cười
 
Tuy nhiên
nếu lúc này bạn ngỏ ý mời tôi
đến một ngôi nhà sang trọng
dành cho tôi
chỗ ngồi ấm cúng
có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa cành
tôi vẫn lắc đầu
nhìn dưới chân mình
mảnh đất nhỏ
tôi vô cùng yêu mến
 
Tôi sống
không phải để riêng ai âu yếm
sắc hương này
tôi muốn sẻ chia
cho tất cả mọi người
từ em bé ngây thơ
đến các cụ già trăm tuổi
 
Và nếu nơi đây
nước dâng bão nổi
tấm thân này
tan nát cuốn muôn nơi
tôi vẫn vui
bởi phấn nhụy của tôi
sẽ mọc lên                                                      
trăm ngàn cây hoa mới
 

SÀI GÒN MỘT CHIỀU EM LỖI HẸN
 
(Lời cảm ơn chân thành xin gởi đến em, người phụ nữ đã đi qua đời anh lúc còn son trẻ, để lại nhiều kỷ niệm ngọt ngào, sâu đậm. Ngay cả cái vị “đăng đắng” trong bài thơ này cũng có cái “hậu” dìu dịu rất dễ thương nơi đầu lưỡi. Chúc em luôn khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc nơi phương trời xa xôi ấy.)
 
Sao em nỡ tiếc anh
một chiều hò hẹn
khi chúng mình đã nguyện
cho nhau hết cả những ngày xuân?
 
Trời chiều nay trong xanh
lang thang ngoài phố
anh nghe lòng mình
ngập tràn thương nhớ
 
Đây quán nước
hôm nào hai đứa
ngồi bên nhau
nhìn ly kem óng ánh mấy màu
sao em nói
“Em yêu chỉ mình anh thôi” nhỉ?
 
Gió thổi tóc anh bay nhè nhẹ
như chiều nào đứng đợi trước công viên
Ồ kia rồi! Vóc dáng thân quen
em như nàng tiên
mỗi lần đến mang một niềm vui mới
 
Còn nhớ không? Có lần anh lấn tới
cũng một buổi chiều
em vẽ một lằn ranh
“Đây là ‘biên giới’
đừng bao giờ vượt quá nghe anh”
 
Đường chiều dập dìu áo đỏ áo xanh
chẳng áo nào đẹp bằng chiếc áo em thường mặc
hàng ngàn khuôn mặt
chẳng ai duyên dáng bằng người anh yêu
 
Tình đôi ta
đẹp quá
những buổi chiều
dù trời mưa hay nắng
cả Sài Gòn chiều nay im vắng
bởi vì bên anh thiếu bước chân em.
 
 
 SẼ CÓ MỘT NGÀY
 
Mẹ ơi!
lại thêm một lần Tết đến
mấy Tết rồi
con chưa được về thăm?
giờ này chắc mẹ ngồi
buồn nhớ xa xăm
giữa trời xuân
nghe lòng mình lạnh giá
 
Con chưa về
ai quét vôi tường?
ai sơn khung cửa?
ai dựng cây nêu ở trước sân nhà?
mẹ có gói bánh chưng?
ai ngồi canh bếp lửa?
và bàn thờ
ai cắm lại bình hoa?
 
Ai đưa gia đình
đi thăm mộ cha?
các em con
ai may quần áo mới?
mẹ hát Trống Quân cho ai nghe?
ai pha trà mỗi tối?
để mẹ ngồi kể chuyện những năm xưa
 
Mẹ ơi!
đêm giao thừa
pháo có nổ như mưa?
ai cùng mẹ thắp nhang
khấn trời, vái đất?
bữa cơm năm mới
ai cười nhiều nhất?
ai đưa mẹ đi
hái lộc đầu xuân?
 
Mẹ ngồi nhìn trời mắt mỏi mòn trông
con ở đây nhớ mong tha thiết
ngày nào trong năm
cũng sẽ là ngày Tết
nếu con được về
với mẹ
với em
Sẽ có một ngày!
mẹ ơi!
xin hãy vững lòng tin.
 
Tết 1983
Phân trại B, Trại Kiên Giam Xuân Phước
 
 
 TÔI SẼ HÁT
(Tặng KN - một người yêu thơ tôi)
 
Tôi chưa được diễm phúc làm ông
như ai kia đã làm bà nội (1)
hai cô con gái
đứa chưa lấy chồng
đứa còn đang đi học
 
Trên đầu
tóc đã nhiều sợi bạc
mái tóc muối tiêu
cũng may
tiêu nhiều muối ít
 
Ở tuổi này
giọng đã khàn khàn
như mấy chú ngan
nên mỗi khi cao hứng
thay vì ôm đàn cất tiếng ca
tôi cầm bút làm thơ
 
Bỗng nhiên có tiếng vu vơ
“Ước gì được nghe anh hát”
nàng ở mãi bên kia trái đất
đem lòng yêu mến thơ tôi
không ngại nắng
không sợ gai
bước vào khu vườn thơ mới mở
giúp cắt tỉa
những cành khô, lá úa
 
Tôi nhủ lòng mình
nếu quả dòng đời
có nợ
có duyên
tôi với nàng sẽ có ngày gặp mặt
 
Lúc ấy tôi sẽ hát
hát say sưa
như thể rồi sẽ không bao giờ được hát
cho riêng nàng
những bản tình ca
say đắm thiết tha
 

                                      Phạm Đức Nhì

Chú thích

1/ Nàng đã có 2 cháu nội.

 

BẢN TÌNH CA HAI CON SUỐI NHỎ
 
Gởi đến các bạn một bài thơ tình. Chữ Love (tình yêu, tình thương) ở đây xin được hiểu với nghĩa rộng nhất của nó.

Xin tặng bài thơ cho những người phụ nữ đã cùng tôi hát chung một bản tình ca lúc còn son trẻ.
 
Bài thơ cũng xin được tặng cho những người bạn mà trái tim đã hóa thân thành con suối nhỏ để cùng với con suối của lòng tôi hợp lại thành Dòng Sông Yêu Thương.
         

BẢN TÌNH CA HAI CON SUỐI NHỎ
 
Lắm lúc muốn làm thơ
về mối tình hai đứa
(mối tình nào chẳng nên thơ em nhỉ?)
nhưng sao anh vẫn cứ ngại ngùng
 
Có một khúc sông
nơi gặp nhau của hai con suối nhỏ
có người nghe được
trong làn nước
tưởng như im lìm đó
tiếng đôi ta to nhỏ tự tình
 
Em ơi! Làn nước trong xanh
từ hai con suối chúng mình đổ lại
sẽ trăm năm chảy mãi
góp cho đời
muôn khúc nhạc du dương
 
Ôi tuyệt vời
những tiếng nhạc yêu thương
 
 
NẾU THI SĨ CHẾT
 
Hân hạnh được nhà thơ Nguyễn Khôi (Hội Nhà Văn Hà Nội) gởi đến chia sẻ bài thơ Mai Tôi Chết - Sách Sẽ Ra Đồng Nát mới viết, cảm xúc còn nóng hổi, tôi cao hứng viết bài thơ Nếu Thi Sĩ Chết gọi là “trao đổi tâm tình.”
                                                                                                (PĐN)
 
 
Nói đến thơ
có câu thơ sang cả
có câu thơ hèn hạ
có câu thơ thẳng như đường đạn, lằn tên
có câu thơ ngả nghiêng
xiêu vẹo
Có câu thơ tỏa ngát hương thơm
có câu thơ nực mùi xú uế
có câu thơ ngàn năm còn nhớ
có rất nhiều câu thơ
viết để rồi quên
 
Một ngày nào đó
sẽ có nghĩa trang riêng
để chôn Thi Sĩ
 
Khi tôi chết
nếu may mắn
không bị chôn ở khu mộ Thi Sĩ Vô Danh
(thơ của họ đã đi vào quên lãng)
 
Tôi rất sợ
phải chôn cùng khu
với những thi sĩ quyền hành ngất ngưởng
(Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh) (1)
mà chỉ muốn nằm đâu đó
với những nhà thơ dân thường
như … Vũ Hoàng Chương (2)
 
Sống cho Thơ
và nếu cần
sẵn sàng chết vì Thơ.
 
Chú Thích:

1/ Cả ba đều là nhà thơ   
Tố Hữu: giữ chức Trưởng Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng rất lâu    
Nguyễn Đình Thi: Nguyên Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam    
Hữu Thỉnh: Đương Kim Chủ Tịch HNVVN.

2/ Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương (của một cựu học sinh Chu Văn An)
 
                                                               Galveston, Texas 06/2015
                                                                        Phạm Đức Nhì

 
HẸN MỘT NGÀY MAI
 
Ai chẳng muốn có một mái nhà êm ấm
khi đã bước qua tuổi ba mươi
một cô vợ
hiền lành
duyên dáng
một, hai đứa con
kháu khỉnh
tươi cười?
 
Bắt tay vào xây dựng tương lai
trong muôn ngàn việc chung
của quê hương dân tộc
ai chẳng có một đôi khoảnh khắc
nghĩ về
những riêng tư?
 
Tôi còn bà mẹ già
như ngọn đèn sắp tắt
mong đứa con trai từng giờ, từng phút
sớm về nhà
lấy vợ, đẻ con
 
Mang trong lòng một hoài bão sắt son
“Bồi đắp vun trồng những mầm non nước Việt”
tôi cũng muốn mai đây
trong cánh rừng tươi đẹp
có một, đôi cây
mang vóc dáng của mình
ngạo nghễ giữa trời xanh
 
Nhưng hôm nay
nghĩ đến chuyện gia đình
tôi như chạm phải vết thương nhức nhối
đất nước vẫn chìm trong đêm tối
lũ quỷ dã man
vẫn đày đọa muôn dân
đấu tranh
sẽ còn lắm gian nan
mà sự nghiệp
chỉ đôi bàn tay trắng
 
Tôi biết mình chưa thể chu toàn bổn phận
làm chồng
làm cha
khi chí vẫn tang bồng
vẫn chưa chồn chân
lội suối băng rừng
vẫn đôi tay
muốn ghì chặt súng
trên đầu
tóc vẫn đang dựng đứng
mắt vẫn in rõ mặt quân thù
 
Và trái tim
vẫn hằng đêm
nhói đau trong ngực
khi xa xa vọng về tiếng khóc
của những bà mẹ già,
những đứa trẻ thơ
 
Nên dù có lời hứa đợi chờ
của cô láng giềng
tôi yêu tha thiết
dù mẹ tôi khao khát
mong cô con dâu,
mong đứa cháu gọi bà
tôi vẫn lắc đầu
và mỉm cười vu vơ
khi có người hỏi
“Sao chưa lấy vợ?”
 
Tôi mơ đến một khoảng trời rộng mở
có những đoàn quân
tiến về Sài Gòn
đòi lại quê hương đã mất
và hòa trong ào ào tiếng thét
“Tiến lên! Tiến lên!”
có bóng tôi lao vút như tên
 
                                     Viết khi 30 tuổi
                                       Phạm Đức Nhì
 
         
MÓN QUÀ EM XIN
               
(Thư gởi người em gái quê nhà)                
Để trả lời bài thơ Anh Nhớ Mang Về Cho Em               
Tặng Trần Thị Nga và nhóm Hà Nam Tam Kiệt
 
Đọc thư em
thấy nao nao trong lòng
lá thư từ quê hương Việt Nam yêu dấu
chúng mình
con Lạc cháu Hồng
cùng chung dòng máu
nên lúc kỷ niệm hiện về
anh thường nghĩ đến em.
 
Món quà em xin
ở đây dẫy đầy, thừa mứa
từ nhà riêng đến công sở
từ tờ báo anh đọc hàng ngày
 
đến chương trình TV, radio
mỗi sớm mai
anh nghe tin tức
từ việc bầu cử chính quyền các cấp
đến những cuộc họp
để người dân chất vấn quan chức địa phương
và từ trong mỗi tâm hồn
của hơn 300 triệu người Mỹ
 
Ở đây
từ núi đồi, sa mạc
đến đồng bằng, biển cả
chỗ nào cũng tràn ngập
không khí TỰ DO
 
Anh định lấy vài cái thùng thật to
hứng rõ đầy, để gởi về cho em bên ấy
nhưng nghĩ đi, nghĩ lại
chỉ có vài thùng
thì em thở được mấy hơi?
rồi còn bao nhiêu triệu người
làm sao mà chia sẻ?
 
Hỏi dò khắp năm châu bốn bể
không hãng nào có máy bay đủ lớn
để toại nỗi lòng em
 
Em ơi! Món quà em xin
lẽ ra, mở mắt chào đời
ai cũng có
dù da trắng, da vàng
hay da đen, da đỏ
hai chữ TỰ DO
Đảng nhân danh cái gì mà lại không cho?
 
Em phải lên tiếng đòi
đòi cho bằng được
nếu đảng cứ khăng khăng từ khước
Hãy can đảm đứng lên!
Anh và hàng triệu người sẽ đứng bên em.
 
                                          Tháng 6/ 2014
                                          Phạm Đức Nhì

 
TÔI ĐÃ GẶP Ở ĐÂY
 
Sau khi bị đánh đập, cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế từ trung ương, tôi được chuyển vào một bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự. Tôi đã sống chung với đủ mọi loại tội phạm: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý …v. v.
 
Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh
 
Nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ
mắt tròn xoe đổ lửa
uống máu ăn thịt lẫn nhau
trong khi bên ngoài những lớp rào
và những hào sâu
bầy quỷ sứ đứng canh
ngả nghiêng cười khoái trá
 
Ở đây
một nắm rau dại
một con sâu,
con dế
lắm khi tàn tạ một thân người
một mẩu tàn thuốc rơi
có thể là máu đổ
 
Tử thần đang mừng rỡ
bước từng bước đến gần
những con người khốn khổ
họ không có gì chống đỡ
chỉ biết bán rẻ nhân cách của mình
biến thành những con vật đê hèn
ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi
 
May mắn thay
tôi đã gặp ở đây
ân tình đong thật đầy
của những người bạn mới
(giữa rừng cỏ dại quanh bờ suối
lác đác một hai khóm trúc đào)
 
Tôi quên sao được
hương vị ngọt ngào
của cành hoa các anh trao
giữa muôn nghìn cay đắng
đàng sau những vệt máu,
những giọt mồ hôi,
những tia nhìn thù hận
là màu xanh ước mơ
những nét nhạc,
những vần thơ
khung trời quê hương,
biển tình yêu
và cuồn cuộn dâng nhựa sống
tâm hồn tôi như bay cao giữa trời gió lộng
dù xác thân
vẫn trĩu nặng gông xiềng
 
Tôi đã gặp những đứa em
còn chút dáng người giữa bầy dã thú
đói thắt ruột
và roi quất trên đầu, trên cổ
vẫn chẳng nỡ ăn thịt đồng loại của mình
 
Tôi ôm các em vào lòng
thủ thỉ bên tai
những lời thân ái
để các em quen dần tiếng nói
của loài người
đã quên mất từ lâu
 
Tôi đã bị đẩy xuống tận đáy vực sâu
dù đường còn rất xa
và rất nhiều khó nhọc
vẫn cố bò lên miệng vực
dù bọn quỷ sứ
muốn biến tôi thành súc vật
trái tim tôi
vẫn ăm ắp tình người
vẫn quay quắt nhớ người yêu
xa tít một phương trời
và vẫn niềm tin
ở một ngày mai.
 
                               (Cuối 1982)
                   Viết từ Bệnh Xá Phân Trại B
                   Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước
                                  Phạm Đức Nhì                                     
 
 
CHIẾC KẸP TÓC
 
Chiếc kẹp tóc xinh xinh
anh dành tặng cô em gái
ngày anh đi tù còn nhỏ dại
giờ đã vào tuổi mộng mơ
 
Chiếc kẹp tóc đơn sơ
nhưng ấp ủ
biết bao tình thương
của người anh tha hương
 
Tên công an thèm thuồng
nhìn chiếc kẹp xinh xinh
hắn bỗng nhớ gia đình
nhớ quê hương miền bắc
nhớ những bát khoai chấm muối ăn mặn chát
nhớ bà mẹ chân đất lội phân
nhớ những đứa em mong Tết quanh năm
để được ăn tý thịt
áo quần vá chằng vá chịt
tóc dài vẫn buộc dây thun
ao ước chiếc trâm cài đầu
 
Hắn giằng chiếc kẹp đút vào túi áo
rồi mặt mày trâng tráo
“Nhân danh Đảng và nhà nước tôi thu”
 
Hắn tưởng rồi sẽ trơn tru
như bao lần trước
ăn cướp của tù
 
Nhưng lần này người tù phản đối
anh đứng hiên ngang
như vị quan tòa
buộc tội
bắt bị cáo im lặng cúi đầu
nghe từng chữ từng câu
bài học về sự lương thiện và liêm sỉ
trước mặt anh em tù đang cười thích chí.
 
Tên công an mặt mày bí xị
móc chiếc kẹp ra bẽn lẽn ngượng ngùng
giữa đám đông
hắn muốn chui vào lòng đất
nhưng Đảng không dạy môn độn thổ
mà chỉ dạy thói lưu manh
hắn đạp chiếc kẹp gẫy tan tành
 
Người tù đôi mắt long lanh giận dữ
anh không nói
nhưng dáng điệu đã biến thành ngôn ngữ
ghê tởm và căm thù
 
Anh có trái tim dào dạt tình thương
anh có nét đẹp tâm hồn
anh có cả lòng dũng cảm
lẽ phải với anh là bạn
 
Nhưng đàng sau tên công an là súng đạn
là bạo tàn, là bất nhân
chúng như một bầy thú hung hăng
lôi anh đi để đỡ phần nhục nhã
Rồi trận đòn thù hèn hạ
nắm tay, đầu gối, cùi chõ, gót chân
ngực anh, bụng anh máu ướt đầm manh áo
 
Thân thể anh giờ như cánh chim bị bão
mỗi trở mình là mỗi cơn đau
nhưng trái tim anh tình vẫn dạt dào
tâm hồn anh vẫn như vầng trăng sáng
khuôn mặt anh vẫn toát ra lòng dũng cảm
Và đôi mắt anh
càng rực lửa căm thù.
 
 
ĐÀ LẠT TRONG TÔI
 
Nhắc đến Đà Lạt
đám bạn tôi
thằng mắt lim dim
thả hồn về quê cũ
thằng nhớ mái trường xưa
một thời hiên ngang
dưới bóng quân kỳ
 
Thằng khác
nhớ những chiều se lạnh
ngồi nhìn
giọt đen buồn sóng sánh
trong Cà Phê Tùng
 
Có đứa nhớ
sáng chủ nhật
tươi hồng
cùng người yêu dạo bước
trên Sân Cù cỏ mướt
một màu xanh
 
Đà Lạt trong tôi là ngôi nhà xinh
trên triền dốc
xa xa Viện Đại Học
thấp thoáng trong sương mờ
 
Dã Quỳ trải thảm vàng
bâng khuâng chiều nắng nhạt
lữ khách thẫn thờ
mơ mộng ngắm Xuân Hương
 
Ôi! Ngôi nhà thân thương
có người
ngồi bên khung cửa sổ
như hoàng hôn lặng lẽ
thả hồn vào mộng vào mơ
cùng tôi
chung dệt mối tình thơ
 
 
TÔI RẤT SỢ RỒI SẼ MỘT NGÀY
 
Tôi rất sợ
rồi sẽ một ngày
hình Mao Trạch Đông rất to
đóng khung thật đẹp
treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà 
 
Những lá cờ
nền đỏ, 5 ngôi sao vàng
một lớn, bốn nhỏ
phần phật tung bay khắp phố
 
Những con đường
Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trưng Vương
gợi những trang sử hào hùng, bất khuất
thay bằng những cái tên Tàu lạ hoắc.
 
Tôi rất sợ
rồi sẽ một ngày
cầm trong tay thẻ Chứng Minh Nhân Dân
tên của mình được phiên âm
đọc lên như người nói ngọng
 
Những đứa trẻ Việt Nam đến trường
xì xồ tiếng Quảng Đông, Quan Thoại
đọc Ngũ Kinh, Tứ Thư
Truyện Kiều của Nguyễn Du
vứt vào sọt rác
 
Và tôi cũng rất sợ
rồi sẽ một ngày
trên bản đồ thế giới
mảnh đất hình chữ S
với cái tên Việt Nam thân thiết
thành Khu Tự Trị Ngoại Biên 
không còn nằm trong Liên Hiệp Quốc
vì đã mất tư cách thành viên
 
Hỡi toàn thể dân tộc Việt Nam
đất nước đang thậm chí nguy nan
nếu cứ “lửng lơ con cá vàng”
cái ngày đáng sợ ấy …
sẽ đến.
 
                       Tháng 11 năm 2015
                              Phạm Đức Nhì
 
 
THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH
 
Buổi sáng trời se lạnh
anh dậy sớm
ngồi viết vội mấy vần thơ
vừa chợt hiện ra
sau một đêm dài ngon giấc
 
Bỗng thấy hương thơm ngào ngạt
em vẫn trong áo ngủ
đem đến cho anh tách cà phê
ngun ngút nóng
hai đứa vai tựa má kề
cà phê chưa uống
đã nghe lòng rất ấm
 
Em choàng tay ôm vai anh
giọng nũng nịu
mắt mơ màng
“Anh đang làm thơ
về đất nước, quê hương
hay ơn cha, nghĩa mẹ?
về những năm tháng ngục tù
hay tình yêu đôi lứa?”
 
“Em ơi!
dù có viết
về đề tài gì đi nữa
thơ anh ít nhiều
cũng thấp thoáng
bóng hình em.” 
                          
 
TỰ THÚ CỦA MỘT NGƯỜI CHỒNG CHUNG THỦY
 
Nhiều đức ông chồng
vỗ ngực ta đây
một dạ một lòng
với vợ
“Tớ chưa hề
nghĩ đến chuyện ăn phở
thay cơm (1)
phở dù có thơm ngon nóng hổi
dọn lên bàn
tớ vẫn quyết để bụng chờ cơm
dù là …cơm nguội”
 
Tôi có hai cô con gái
bênh mẹ mọi bề
“Ba mà trổ mòi thả dê
tụi con
sẽ tống ba vào nursing home (2)
khi tuổi già bóng xế”
 
Còn mụ vợ
bạn thân của Hoạn Thư (3)
“Cái ấy của em
là của riêng tư
cho ai mượn xài
là em ...cắt”
 
Riêng tôi tự nghĩ
chẳng phải phường bội bạc
có vợ rồi
đâu muốn rước bóng hình lạ vào tim
ngoài nỗi sợ con, sợ …vợ
sợ mất mái ấm gia đình
còn thích sống sao cho có tình, có nghĩa
 
Nhưng hễ gặp các cô, các bà
người ta thì để ý
dáng điệu thướt tha
tóc thề
mặt trái soan
mũi dọc dừa
còn tôi
mắt chỉ thao láo
nhìn vào ...chỗ khác
 
Thật tình mà nói
vợ tôi “hàng” cũng còn khá tốt
nhưng nhìn…. của lạ vẫn… khoái hơn
ăn cơm mãi thấy phở cũng… thèm
chỉ tội kéo cái rờ-moọc sau lưng
các cô các bà thường tránh né
 
May thay!
Cũng có những người phụ nữ
đến với đàn ông
không nhất thiết để kiếm một tấm chồng
mà có khi
chỉ tìm vui trong chốc lát
 
Nên khá nhiều lần
những lời ỡm ờ
đẩy đưa, ngọt nhạt
lại gặp ánh mắt thuận tình
 
Ôi thôi!
Lúc ấy mái ấm gia đình
sự nghiệp công danh
nhân cách, uy tín… gì gì nữa
tôi cũng quên, quên hết
ngày mai có trở thành homeless (4)
cũng bất cần
cứ cùng nàng lặn hụp
trong bể ái ân
lúc hết cơn say tình
toát mồ hôi, giật mình,
hoảng sợ
thấy đang nằm bên… vợ
mới biết mình… mơ
 
Thỉnh thoảng đọc tin
thấy những ông tai to mặt lớn
tan nát gia đình
mất hết thanh danh
sự nghiệp
chỉ vì cái lỗ “xâu xâu mấy cũng vừa” (5)
 
Tôi không dám a dua
phẩm bình lên án
bởi tôi biết
Trư Bát Giới khôn lắm (6)
chờ Tề Thiên đi vắng (7)
mới ra tay
hắn cứ mật ngọt rỉ tai
nào phải thánh nhân
nên ít ai cưỡng nổi lời cám dỗ
 
Phúc đức cho tôi
lỗi lầm ngày xưa (nếu có)
vợ bỏ qua
tuổi tuy chưa già
nhưng có vẻ như
“dưới đã không nghe lời trên bảo”
 
Bởi vậy
có thể dõng dạc
giơ tay tuyên hứa:
“Từ nay
sẽ là người chồng
nhất dạ thủy chung.”
 
Chú Thích
 
   1/ Cơm: vợ; Phở: người đàn bà khác
   2/ Viện dưỡng lão
   3/ Nhân vật trong Truyện Kiều, ghen khủng khiếp
   4/ Không nhà, vô gia cư
   5/ Thơ Hồ Xuân Hương
   6/ Nhân vật trong Tây Du Ký, bản năng của con người
   7/ Nhân vật trong Tây Du Ký, lý trí của con người
 
                                             Viết xong đầu tháng 11 năm 2011
                                                               Phạm Đức Nhì
 
 
TRÚNG GIÓ
 
Buổi chiều
mặc phong phanh
lại ngồi gần cửa sổ
không may phải cơn gió độc
nàng nằm ngay đơ
mặt tái xanh
mắt nhắm nghiền
môi tím ngắt
 
Các con tôi la hoảng
bà con lối xóm tới đầy nhà
rồi người cạo gió, kẻ giật tóc mai
người bôi dầu xoa nóng gan bàn chân
 
Một lúc lâu sau nàng hồi tỉnh
tay chân cử động
mặt đã đỡ xanh
mắt đã long lanh
môi đã có chút mầu hồng
có điều khi được hỏi
nàng ú ớ chẳng nên lời
cơn gió quái ác đã khiến nàng á khẩu
 
Tôi thức dậy
trời vừa rạng sáng
không có tiếng chửi chó mắng mèo
như mọi khi
cũng không có tiếng ca cẩm
than thân trách phận
 
Thay vào đó
là tiếng chim hót
trên cành bưởi trước nhà
tiếng dế xa xa
tiếng đàn gà con
tíu tít kiếm ăn ngoài ngõ
tôi nghe được cả tiếng xào xạc
của mấy tầu lá chuối
đong đưa trong gió
 
Ôi! Đã lâu, lâu lắm
tâm hồn tôi mới đủ thanh thản, nhẹ nhàng
để nghe được những âm thanh dễ thương như thế
 
Tôi bước ra ngoài
các con tôi đang học bài
cũng đưa mắt nhìn tôi
mỉm cười ý nhị
 
Ôi! Thật lạ! Cuộc đời!
nỗi bất hạnh của một người
có khi là hạnh phúc của nhiều người khác
 
 
VỀ NGAY EM NHÉ
 
(Đoạn viết thêm của bài Trúng Gió)
 
Tháng trước nhạc phụ ốm nặng
vợ bay về Việt Nam
tôi ở lại đi làm
và chăm nom hai đứa con ăn học
 
Phải đi chợ, phải chui vào bếp
kho thịt, chiên cá, nấu canh
tối đến
nằm một mình
chiếc giường bỗng rộng thênh thang
trống trải
 
Tiếng chim hót, tiếng dế, tiếng gà
nghe mãi
cũng nhàm
và tiếng xào xạc của lá chuối
cũng không còn dễ thương
như ngày đầu nàng trúng gió
 
Hai đứa con hôm nào
cùng phe với bố
giờ bắt đầu thèm nghe tiếng mẹ trên phone
ba bố con ngồi ăn cơm
mặt buồn rười rượi
 
Đứa lớn buông đũa mếu máo
“Bố gọi về xem ông ngoại khỏe chưa?”
đứa bé khóc òa
“Con muốn mẹ về với con.”
(nó nói trong tiếng nấc)
 
Em ơi!
dù biết rồi sẽ lại phải nghe
đủ những tiếng chì, tiếng bấc
đón em về nhà
anh vẫn rất hân hoan
bấc chì
thôi thì… cũng phải… cố quen.
 
                    Tháng 7 năm 2011
                       Phạm Đức Nhì
 
                          
BỆNH NAN Y
 
Bác sĩ khám tổng quát cho nhân viên một công ty
thấy hầu hết mắc một chứng bệnh lạ kỳ
bệnh teo hòn dái
 
Người bệnh ăn ngủ ỉa đái
vẫn bình thường
không nhiễm trùng, không sốt, không nhức xương
không đau bắp thịt
đi đứng nằm ngồi cũng giống như bao người khác
 
Chỉ thỉnh thoảng trong lúc làm ra hoặc giới thiệu sản phẩm
mặt lại tái xanh
tim đập nhanh
mắt nhìn quanh lấm lét
lúc ấy hòn dái teo đét
chỉ bằng hạt tiêu
trên người
mồ hôi vã ra như tắm
 
Công ty ấy không sản xuất hàng công nghệ
không kinh doanh hàng ăn
mà chỉ làm ra tượng, tranh
và các mặt hàng liên quan đến chữ viết
Đó chính là Hội Nhà Văn Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
 
Trên đường giao lưu thơ văn
gặp các cây bút từ Hội Nhà Văn Việt Nam
các bạn tôi bắt tay bác này khen chữ dùng sang cả
vỗ vai anh kia khen ý hay tứ lạ
có sáng kiến làm mới thể thơ
riêng tôi gặp họ
chỉ thích nắn sờ hai hòn dái.
 
                                                               Phạm Đức Nhì
                                                          nhidpham@gmail.com
                                                 Blog: phamnhibinhtho.blogspot.com

Không có nhận xét nào: