BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

CHU GIANG PHONG TIẾNG LÒNG HÀO PHÓNG – Tâm Nhiên


Hình bìa CHU THỊ THI TẬP. Thơ Chu Giang Phong
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 12. 2021 (150 trang)
 
 
Áo vải khòm lưng duyên bút mực
Giày rơm vẹt gót phận thi thư
Sách đọc ngàn pho đà vẫn thiếu
Lời buông nửa tiếng đã như thừa...
 
Đó là bài thơ mở đầu Chu Thị Thi Tập của Chu Giang Phong, một thi sỹ vừa mới xuất hiện trên văn đàn.
 Sự xuất hiện bất ngờ, mang đến cho thi ca Việt Nam một luồng sinh khí, tuy cổ điển nhưng rất tân kỳ mới lạ.
“Áo vải, giày rơm” gợi lên hình ảnh kẻ sỹ, biết phận đèn sách thanh bần, cần phải thận trọng, tự trọng.
Dù có đọc hết Đông Tây kim cổ nhưng vẫn khiêm tốn, không dám lên giọng dạy đời, lộng ngôn phát biểu điều chi, vì e sợ dư thừa chăng?
Cho nên, lặng lẽ nhìn hoa nở, ngắm sương bay hay nghe tóc cựa mọc trên đầu mà cảm thán cuộc đời trong từng hơi thở, sát na:
 
Trà sáng nhìn hoa nở
Nghe tóc cựa trên đầu
Trăm năm hay chốc lát
Nào có khác chi đâu...
 
Chốc lát, phút giây hay trăm năm, ngàn năm là khái niệm về thời gian. Thời gian vốn không có thực, vì vậy hãy an nhiên với một nụ cười tươi tắn, lăn trôi thư thả qua muôn bến sông đời:
 
Trăm năm dự cuộc lăn trôi
Tài sản chỉ có nụ cười an nhiên...
 
Với bọn phàm phu tục tử, tài sản lớn nhất là tiền bạc, vàng ngọc, nhà cửa, xe cộ, vô số của cải vật chất, còn thi nhân thì chỉ có một nụ cười thanh thản, an nhiên.
Một thứ tài sản vô giá, không thể nào có thể bị trộm cắp, mất mát chi được. Vì tài sản ấy vô tướng, thường hiện hữu một cách diệu dụng, phát sinh từ chữ Tâm, chữ Tình:
 
Chữ Tâm viết hẩy lên trời
Chữ Tình lại viết dâng người dửng dưng...
 
Tâm Tình linh diệu, thần diệu, muốn hiểu hết chữ Tâm thì cần phải đọc lại toàn bộ tam tạng kinh Phật, từ Nguyên thủy đến Đại thừa.
Nói đến cái tâm của chúng ta cũng như hư không chẳng ngằn mé, vốn là thanh tịnh trong sáng, chẳng có hình dạng, chẳng có nơi chốn, vốn là bất sanh bất diệt, bất động bất biến.
Tuy bất biến mà cũng tùy duyên, vì tùy duyên mà sinh động, linh hoạt và sáng tạo vô cùng giữa cuộc sống khôn dò có không, còn mất:
 
Đã có gì đâu mà sợ mất
Không giàu hà cớ phải lo nghèo
Mãn cuộc trăm năm về với đất
Hai bàn tay thõng chẳng gì theo
Em ạ, nên chừ ta hãy sống
Giản đơn như cỏ lẫn như hoa
Mọc dại bên đường vui sinh diệt
Mỉm cười vô úy giữa ta bà...
 
Sống trong cõi trần sa đầy hỗn độn, xô bồ này với tinh thần không sợ hãi, đó là thái độ vô úy của người tự tri.
Nhận biết rõ cái thiên lương của mình, dù thịnh hay suy, được hay mất...vẫn hân hoan nhận như hoa cỏ mọc hoang bên lề đường cát bụi kia, sớm nở tối tàn vẫn tưng bừng trổ hết sắc màu rực rỡ.
Vâng, có sá chi đâu những chuyện thế sự vô thường, phù du, hư huyễn, một khi mình đã hiểu thấu đáo “tất cả do tâm tạo” rồi.
 
Liễu ngộ rốt ráo một chữ Tâm, một chữ Tình là thấu thị ý nghĩa cuộc tồn sinh giữa trùng trùng sinh diệt, trên ngõ về im lặng cùng hòa âm thâm thiết:
 
Chuyện mình nghĩ cũng ly kỳ
Tôi thì chọn chữ em thì chọn tôi
Và rồi kết bái làm đôi
Chữ trôi với nghĩa người trôi với tình...
 
Như vậy, thấy ra cõi giới tâm hồn, tâm thức, tâm linh, tâm tình là nền tảng căn bản cốt yếu, quan trọng nhất của mỗi một người trong tất cả chúng ta.
Chỉ cần thông suốt, thấu hiểu Tâm với Tình là thấu triệt đạo lý vi diệu muôn đời của thế nhân:
 
Nửa đời dạo chốn phong trần
Nửa đời phản phác quy chân mà cười...
 
Cười hồn nhiên Thiện Tài, cười hoan hỷ Di Lặc, cười tự tại Duy Ma Cật, cười hào sảng Tuệ Trung Thượng Sỹ hay cười vang ha hả Tế Điên phá chấp là phong thái phiêu nhiên, tiêu dao của người thi sỹ tài hoa, đã phát hiện ra giữa cuộc chơi sinh tử một điệu cười như không, như thị:
 
Ngày sau còn lại chút gì
Cũng cười phất áo mà đi nhẹ lòng.
Đến duyên, ở tạm, đi không
Trăm năm nhẹ tợ lông hồng bám vai...
 
Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi. Đi là đi mất, về lại cõi không tịch, không hư.
Trần gian chỉ là cõi tạm, nên chi thi nhân xem chuyện đến đi giữa cuộc trăm năm chẳng khác gì huyễn mộng, nhẹ tợ lông hồng.
Lòng như mây trắng bay qua sáu cõi không sắc, chẳng hình giữa sương mờ mênh mang vạn cổ:
 
Khi buồn lảy một câu thơ
Khi vui khẽ dốc hồ lô nhíu mày.
Chẳng còn nghĩ chuyện đông tây
Lòng riêng đà cũng như mây trên đầu.
Không hình, chẳng tướng trước sau
Tụ tan nhiên mặc ngó màu khói đưa.
Ngồi đây chẳng dạ không thưa
Nghe trong sáu cõi rất vừa một tai.
 
Thái độ vô vi, tùy duyên diệu dụng nên chẳng kẹt vào hình danh, sắc tướng. Tương dung tương nhập cùng đối tượng, thấy gì cũng thuận, nghe chi cũng hòa và đương nhiên không còn mâu thuẫn, xung đột, đối nghịch bất cứ điều chi nữa cả.
Tha hồ nhập cuộc lăn trôi theo cuộc lữ thứ phong trần, mặc kệ cho trò đời dẫy đầy những long đong, ấm lạnh:
 
Em ạ, mười năm nơi đất khách
Gió sương chung cất rượu ba đào
Ta dốc đời ta và uống cạn
Chén thanh xuân mộng những thanh tao...
 
Em ạ, mười năm nơi đất khách
Bàn chân Giao Chỉ bặm bê tông
Ta bám móng trần lên vết vữa
Khoanh tay nghe gió tạt qua lòng...
 
Em ạ, mười năm nơi đất khách
Hồn ta vẫn lọn gió Sông Chu
Mắt vẫn nghiêng viền nơi Núi Mục
Cắn rơm nghe đất hát lời ru...
 
Em ạ, mười năm nơi đất khách
Công danh kim nhật tựa lông hồng
Hắt chén rượu đời mưa rát mặt
Cả cười thảy mặc những long đong...
 
“Cả cười thảy mặc những long đong...” vì đã thấy ra ngay giữa  ba đào sinh tử của cuộc tồn lưu một nụ cười vô sở trụ bát ngát, thênh thang:
 
Mãn hồi giáp ất bính đinh
Ta về mậu kỷ nhắc mình canh tân.
Kệ cho nhâm quý xoay vần
Ưng vô sở trụ, sắm thân chữ Nhàn...
 
Nhàn cư, nhàn nhã là tự tại, là an nhiên đến đi vô sự, là không sinh tâm vướng kẹt, mắc dính vào đâu...
Tuyệt nhiên không chấp trước hình tướng, chẳng trói cột, lệ thuộc vào danh từ, khái niệm, lập trường, quan điểm, tôn giáo, chủ nghĩa, tư tưởng chi chi nữa hết.
Tất cả những thứ danh lợi tình ấy đều là cặn bã trong đáy lòng tham lam, làm chướng ngại cho sự tự do.
Người thi sỹ trầm hùng cứ thung dung nhẹ buông bỏ một cách tự nhiên và ngồi thinh lặng, lắng nghe từng nhịp thở:
 
Giờ ngồi như tượng. Im thinh
Thở đều thay mõ ru kinh bên chùa...
 
Một tâm hồn rốt ráo, thưởng thức được cái tuyệt hảo vô ngôn trong từng hơi thở như vậy thì cần chi phải nhờ tới lời kinh tiếng kệ để nhắc nhở mình nữa phải không? Nếu cần, thì:
 
Chỉ cần có đủ lòng yêu
Thì dù rộng hep bao nhiêu cũng vừa...
 
Yêu thương là tiếng hát toàn mỹ của cuộc sống, là bài thơ toàn thiện của cuộc đời, như Krishnamurti phát biểu vào một chiều xa xưa bữa nọ, tận bên xứ miền Ấn Độ:
 
“ Cái mà Chúa nói là Thiên đàng, Phật nói là Niết bàn, cái đó, tôi gọi là Cuộc sống.
Cuộc sống là tình yêu thương. Người có tình thương mới thật là tâm đạo, vì đạo chân chính không dựng trên tín ngưỡng, giáo điều.
Người có tình thương mới thật có đạo tâm, dẫu thương một người hay thương nhiều người.
Tình thương là cái hiện tiền, cái tột cùng, cái tất cả, cái không thể đo lường được.”
 
Thương yêu diệu dụng vô cùng giữa mọi sinh hoạt, giao lưu, tương ứng thường nhật, ngay trong từng phút giây:
 
Thưa em, trong sát na này
Hương hoa từ huệ vẫn ngây ngất lòng
Trăm năm không lại hoàn không
Ồ, chùm mây tía ẩn trong khói chiều...
 
Yêu thương như đóa hoa lòng, trổ bông trí tuệ, ngát hương từ bi, hỷ xả.
Đóa tâm hoa ấy, vẫn bừng trổ ngạt ngào giữa bao khổ lụy, điêu linh, khiến cho nhân thế đi về nẻo thiện thiên lương.
Vượt ngoài mọi so sánh, phân biệt, vì thấy ra chuyện hơn thua, cao thấp, đố kỵ, thị phi, trí ngu, cao thấp đều như thị, hòa hài:
 
Này em, dẫu đúng hay sai
Cũng đều trật lất trong tai người phàm...
 
Phàm phu hay quân tử cũng đều thấy nghe như vậy, bởi vì đúng sai, phải trái là tùy theo sự hiểu biết, trình độ nhận thức của mỗi người.
Tuy nhiên, bọn phàm phu thì chấp thật có phải trái, đúng sai nên cứ mãi cãi cọ um sùm, còn bậc trượng phu thì không chấp thật, cất bước rong chơi chẳng cần luận bàn chi nữa hết:
 
Đến thân tứ đại còn coi nhẹ
Thì nhẽ phù du há phải bàn...
 
Cả hàng ngàn triệu năm rồi thiên hạ vẫn còn lải nhải bàn luận mãi về chuyện có không, sống chết, đến đi, còn mất...còn thi nhân thì phất áo thong dong:
 
Trăm năm một sợi lông hồng
Bận lòng chi chuyện có không làm gì!
Vui thì ở, chán thì đi
Cả trăm nghìn kiếp thiếu gì việc chơi...
 
Theo Phật giáo Đại thừa, con người không phải sống chỉ một kiếp này thôi mà còn tồn tại mãi đến vô lượng kiếp nữa.
Tâm Kinh Bát Nhã nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm...”
Nghĩa là tất cả vạn pháp đều không có hình tướng chắc thật, cố định, không sinh cũng không diệt, không dơ cũng không sạch, không tăng cũng không giảm...
Bởi vì vạn pháp trùng trùng duyên khởi ấy chỉ là hiện tượng nổi lên trên bản thể Chân Như mà thôi:
 
Người về thủ thỉ cùng nhau
Từng lời Bát Nhã từng câu Nhân Từ.
Ta về thinh giữa Chân Như
Niệm vô thanh một chữ “Ừ”. Rồi im...
 
Chân Như là tự tánh thanh tịnh, là Diệu Tâm, Phật Tánh, là Tánh Không hay bản lai diện mục vốn có sẵn trong tâm mình
đây rồi.
Cái bản tâm đó như hư không, dung chứa cả vũ trụ và nhân sinh từ vô thủy đến vô chung... Biết được như thế, để cùng em tiếp tục cuộc rong chơi qua sáu cõi luân hồi:
 
Bao giờ mãn kiếp lăn trôi
Mời em bỏ cuộc luân hồi với ta.
Bây chừ kẹt giữa sa bà
Ngồi thinh vẫn thấy thừa ra chính mình...
 
Chân Như tự tánh thanh tịnh vốn là đích thực của mình nhưng oái ăm thay, mình lại bỏ quên mà nhận lấy cái bản ngã đầy vọng tưởng, cố chấp này là mình, nên thi nhân nói thấy mình thừa ra là vây. Ấy thế mới gọi là cùng dự cuộc sinh tử lăn trôi:
 
Dự mình vào nỗi đau người
Để nghe và được khóc cười với nhau
Mỗi người một kiểu khổ đau
Mảnh thân tứ đại ai nào khác ai?
 
Đồng cảm rung cùng nỗi đau quằn quại, niềm thống khổ điêu linh của nhân loại nên thật thà sống hết lòng hết dạ với nhau:
 
Mai này cát bụi đẩu đâu
Bây giờ cứ sống với nhau thật thà
Biết đâu trong cõi người ta
Nhân duyên gặp gỡ cũng là viễn ly...
 
Gặp gỡ rồi ly biệt, mỗi lần tao phùng, trùng ngộ đều là nhân duyên tốt lành, đều là một bài học quý giá, cho nên mình cần phải trân quý khi tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, học hỏi, chia sẻ để hiểu biết nhau hơn trong cuộc tương giao:
 
Có người đã hỏi tại sao
Lời nhân gian nói thế nào cũng: Vâng!
Tôi “Dạ” một tiếng thưa rằng:
Vì ai cũng đã và đang dạy mình!
 
Quẩn quanh trong cõi vô minh
Những điều trông thấy chỉ hình tướng thôi!
Hiểu ra để dưỡng nụ cười
Trong hoan hỷ với mọi người quanh ta
 
Những lời mà họ nói ra
Đều đúng với họ, chẳng qua chỉ là:
Điều ấy chưa đúng với ta
Nên nghe cho hết để mà hiểu nhau!
 
Đạo học chẳng có thấp cao
Tùy duyên ai đến bậc nào cũng vui
Thế nên mọi sự với tôi
Đều không sai đúng trong lời mình nghe!
 
Nghe chỉ là nghe thôi chứ không phản ứng, không tranh cãi hơn thua, rạch ròi sai đúng. Đó là hạnh Lắng Nghe trên ngõ về im lặng, để lòng trầm tịnh thẳm sâu:
 
Đâu là đúng, đâu là sai
Cả sai và đúng cả hai đều nhầm.
Về thinh trong lặng mà câm
Anh em sáu cõi phù trầm cũng thinh...
 
Thinh lặng, lắng nghe tiếng hát, giọng sầu hay phẫn nộ lời mắng nhiếc, chửi rủa của thế nhân với thái độ bao dung, thông thoáng...
Mỉm cười không chấp chặt, chẳng mắc dính vào âm thanh ngôn ngữ, thi nhân bước đi vững chãi, thong dong, thõng tay chơi giữa vô thường:
 
Nửa đời bạc áo phong sương
Lại về trổ nụ nhịn nhường trên môi
Nghe trong độ lượng đất trời
Tiếng chuông Bát nhã vọng lời khiêm cung...
 
Khiêm cung, nhường nhịn trước cuộc đời giữa ba đào sinh tử chập chùng, vì mình chưa hiểu mình từ đâu đến rồi sẽ đi về đâu. Cái ta là ai, là cái gì?:
 
Ta về hỏi đá vô tri
Trăm năm rốt cuộc cái gì là ta?
Đá im phăng phắc như là
Ta im thin thít dọc ba đào buồn...
 
Tự hỏi rồi tự đáp, chàng thi sỹ âm thầm bước đi bi tráng trên con đường không lộ.
Dừng gót phong trần giữa sa mạc mang mang, lấy thi ca dựng lên một ngôi chùa Lục Bát bằng thơ để trì tụng bài kinh em suốt đêm ngày:
 
Tôi đem rừng thả lên cây
Rồi đem lành lặn thả trầy trật tôi
Xây chùa Lục Bát giữa đời
Tụng kinh em, cả đám người nam mô...
 
Nam mô là quay về, trở về sau những ngày tháng lang thang, lạc lối.
Ngồi trầm tư bên thềm trăng tháng bảy, thấy chạnh lòng thương cảm, xót xa nhớ chư bằng hữu đã từng gặp nhau trong sáu nèo luân hồi, ngậm ngùi nơi đầu sông cuối bến:
 
Đêm tháng bảy ngồi trơ giương mắt ếch
Nhìn không trung nhớ bạn dọc luân hồi
Nghìn triệu kiếp trôi lăn ai còn mất
Hãy về đây uống cạn chén tương bôi.
 
Khắp sáu cõi đâu chẳng là cõi mộng
Thì kể chi sống chết dự phương nào
Ta đã ở trong nhau từ vạn kiếp
Sắc hay Không cũng xin chắp tay chào!
 
Bạn về trước với hình hài đổi tướng
Ta ngồi đây thân tứ đại vô thường
Nhắp chén rượu nghe sóng tràn qua miệng
Chỉ muốn hất tung mời bạn khắp muôn phương.
 
Đâu kể hết đói no hay sướng khổ
Và buồn vui, thành bại dọc nhân sinh
Đâu trả hết nợ nần trong một kiếp
Thì ta ơi, mặc kệ, cứ đa tình!
 
Đêm tháng bảy ngồi trơ giương mắt ếch
Rượu mùa ngâu tưới mộ khắp trăm miền
Bạn bè hỡi, hồn về xin hãy cạn
Chén ân tình chia hết những nhân duyên...
 
Tuyệt diệu, tuyệt trần một trận uống rượu với bạn bè trong thiên vạn cổ xong, thi nhân thõng tay vào chợ hát ca cùng mây gió cỏ cây, say khúc đại hòa điệu chơi cùng cát bụi, phù vân:
 
Đã nghe vẹt gót phong trần
Đã nghe tóc cựa mấy phần làm mây
Ta về bạn với cỏ cây
Hát câu xuống chợ thõng tay mà cười...
 
Tiếng cười, giọng cười của thi nhân vẫn vang lên trên khắp nèo đường ngược xuôi sinh tử:
 
Từ ta rũ bỏ hình hài
Chuyện đời cũng để ngoài tai chả phiền
Bấm tay đếm bạn vong niên
Giật mình thấy vắng tuổi tên bao người...
 
Gặp nhau nói nói cười cười
Mừng sinh thần bạn mà vui hơn mình.
Cùng trong hàng ngũ chúng sinh
Vịn nhau rũ bớt vô minh để cười...
 
Điệu cười hân hoan yêu đời, từ thuở đầu tiên mới lọt lòng sơ sinh ra cho đến ngày hắt hơi thở cuối cùng, vĩnh biệt trần gian đi về cõi chết, giọng cười hỷ lạc, thanh tân vẫn đồng vọng quanh đây:
 
Này em, dọc thế gian buồn
Loanh quanh mấy chuyện thiệt hơn làm gì.
Đâu là thị, đâu là phi
Hoàng thiên biết cả, có chi bận lòng.
Gắng tu cho bớt kiêu ngông
Mai này đắp chiếu còn mong mỉm cười...
 
Diệu lý cuộc tồn sinh vốn linh động giữa đang là, luôn luôn mới mẻ, mới lạ.
Chỉ cần mở tuệ nhãn ra là thấy đầy vi diệu “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” ngay trước mắt đây thôi.
Không cần mất thời gian, bươn bã chạy khắp đông tây tìm kiếm, truy cầu chi thêm nữa chuyện ngàn năm trước, ngàn thu sau, có với không, thực với mộng:
 
Không sớm cũng không muộn
Chẳng trước cũng chẳng sau
Vạn sự tùy duyên cả
Sao em vẫn truy cầu?
 
Tùy duyên là phương tiện thiện xảo nhất, cứ để lòng như nước chảy dung thông. Không tiếc nuối quá khứ, chẳng vọng tưởng tương lai là sống trọn vẹn với thực tại, bây giờ, ở đây.
Ở đây, bây giờ vốn đầy đủ yêu thương rồi với điệu thở tinh khôi thì còn mong ước, nguyện cầu chi thêm nữa, phải không em, nàng thơ diễm tuyệt phiêu bồng?
Không cần phải thêm vào mà là bớt đi, buông bỏ đi những tham lam, sân hận, si mê và nhất là biết mỉm cười chấp nhận, khi những chuyện bất trắc xảy đến như tai nạn, đau ốm, bệnh tật...
Chấp nhận với một nụ cười vô úy, không sợ hãi là thái độ của người đã ngộ ra lý vô thường, tường tận nghĩa phù du:
 
Dự mình trong cuộc lăn trôi
Này em, buông nhé, mình cười với nhau.
Nếu mà chẳng ốm, chẳng đau
Đời thành chán ngắt chứ đâu thú gì...
 
Phải chăng, đó là cái nhìn hoàn toàn mới lạ về sinh lão bệnh tử? Chuyện tử sinh ai cũng lo âu, sợ sệt. Nói đến chết, đến đau ốm, bệnh tật là run rẩy toàn thân rồi.
Thế mà thi nhân lại bảo: “Nếu mà chẳng ốm, chẳng đau. Đời thành chán ngắt chứ đâu thú gì...”
Vâng, đúng là như vậy, cho chúng ta thấy ra một sự thật, nhờ đau khổ mới có hạnh phúc, ngay sinh tử là Niết bàn, chính phiền não là Bồ đề.
Cũng như nhờ sình lầy mới tỏa ngát hương sen, nhờ hư không mà vạn vật, núi sông rừng biển mới được dung chứa, hiển bày ra trọn vẹn:
 
Chữ trắng chẳng có bảng đen
Làm sao có thể hiện lên từng dòng?!
Cũng như Có bởi nhờ Không
Hiểu được Tính ấy thì lòng tự vui...
 
Tính là Tính thể, Bản thể, là nguyên lý vi diệu của nhân sinh và vũ trụ. Cái mà Huệ Năng gọi là Tự tánh thanh tịnh hay Bản lai diện mục của chính mình. Khi thấy được Tính thể ấy thì cứ tự tại ngay lúc thấy và nghe:
 
Nghe sóng tấu bài: Sao Cũng Được
Dòm mây múa khúc: Kệ Cho Xong
 
Ừ thì cứ như vầy, như thế, cứ như thị, như nhiên. Không cần biết từ đâu đến cũng chẳng hỏi sẽ về đâu mai này, mốt nọ giữa dâu bể bồng bềnh:
 
Không rõ từ đâu đến
Chẳng biết sẽ đi đâu
Ở Đây ngày hai bữa
Với đầy đủ vui sầu...
 
Trôi lăn từ vô thủy
Luân kiếp đến vô chung
Một sớm mai thức giấc
Tiếng chuông vọng trong lòng...
 
Còn nghe được tiếng chuông, tiếng nhạc ngân vang giữa trời đất vô cùng thì cũng đủ tuyệt diệu rồi.
Vì thế, người thi sỹ trầm hùng lấy núi sông, trời đất làm bằng hữu tương giao trong cuộc lữ long lanh, tiêu dao du lấp lánh:
 
Trời đất có lời mời làm khách
Núi sông kia cũng ngỏ ý tương giao
Ừ, thì đến, sống tràn dăm bảy bữa
Rồi ra đi như chẳng dự hôm nào.
 
Phất tay áo cả cười dòm được mất
Hắt rượu suông hò hẹn với tiên ma
Càn khôn đó bạn cùng ai chả được
Sáu cõi mênh mông đâu chẳng là nhà.
 
Sớm mở mắt thấy mặt trời còn mọc
Thì vươn vai với vạn vật chung vui
Nếu một bữa sáng chẳng còn dậy nữa
Thì em ơi, chớ có sụt sùi.
 
Ta đã đến và sẽ đi không hẹn ước
Một đoạn nhân duyên chia hết thảy bụi đường
Thì em nhé, rảnh xin cùng ta bước
Cuộc lăn trôi vạn đại gió đưa hương...
 
Dường như từ thiên thu vạn đại, thi nhân đã cuốn theo cuộc trôi lăn qua sáu cõi luân hồi giữa trùng trùng duyên khởi rồi tấp dạt về bến bờ thực tại này, ngay bây giờ và ở đây lai láng ngát chan hòa:
 
Và trong phút hiện sinh này
Ta thinh thở với mình hay với người...
 
Lặng thinh, tịnh hồn sâu lắng để thở nhẹ nhàng, cười thanh thản, an nhiên, an lạc với một chữ Nhàn:
 
Ta khờ chả biết lo toan
Cả đời chỉ sắm chữ Nhàn để chơi...
 
Chơi thôi, chơi trên cung bậc tân kỳ của Thi Ca quá cùng thênh thang, sáng tạo tuyệt vời. Chơi theo thể điệu Trang Tử, hý lộng bồng phiêu tiêu dao du lãng đãng...
Thoát vượt lên trên sự nhàm chán, thơ Chu Giang Phong thật phóng khoáng, đạt đến cảnh giới thượng thừa, vừa trầm sâu ẩn mật ý thiền vừa xuất thần nhập cốt nghĩa đạo.
Thần hồn tiêu sái bay nhàn nhã qua khắp ba nghìn thế giới, diệu vời một trời thơ bát ngát.
Hoàn toàn mới mẻ, Chu Thị Thi Tập độc đáo từ hình thức đến nội dung. Tất cả những bài thơ trong tập đều không có đề, chỉ được đánh số từ 1 đến 127. Đây là bài thơ 127 cuối thi tập:
 
Chợ đời anh bán thơ anh
Những bài thơ ngỡ chỉ dành cho em...
 
Em đây là nàng thơ, hình ảnh của cuộc đời, là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân từ muôn thuở đến muôn nơi.
Chơi thân với Chu Giang Phong chừng như đã lâu lắm rồi, kể từ buổi đầu tiên gặp gỡ tại nhà Hoài Thu Tử ở Duy Xuyên.
Sau đó, tao phùng trùng ngộ ở Đà Nẵng, Hà Nội, du sỹ này từng lưu trú lại nhà bạn dăm ba lần tại phố xa Hà Nội, nên thưởng thức được những bức thư pháp chữ Hán, chữ Việt tuyệt đẹp của bạn hiền.
Ngoài công việc làm lương y, xem mạch, bốc thuốc cứu chữa
bệnh nhân, Chu Giang Phong chăm chú đọc sách, viết lách suốt đêm ngày.
Đầy năng lượng trong một thân tâm thảnh thơi, vững chãi, bạn nhiệt thành ứng cơ tiếp vật với một nụ cười thanh thản, an nhiên.
 
Trong chuyến hành phương Bắc năm trước, du sỹ này có ghé về thăm quê nhà Chu Giang Phong ở Thọ Long, Thọ Xuân, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Một vùng quê yên ắng, lặng lẽ bên dòng Sông Chu thơ mộng bồng bềnh...
Chiều bữa ấy, tự nhiên cảm thấy chạnh lòng nao nao nên liền viết vội mấy dòng lục bát Chiều Qua Bến Sông Chu, gởi lại bờ cây bụi cỏ cho bến sông chiều phiêu lãng đọc chơi:
 
Rời Chợ Giáng qua Chợ Đầm
Dừng chân Chợ Đón gặp thâm cảm lòng
Sực nhớ rằng Chu Giang Phong
Quê làng Xuân Tín bên dòng sông Chu
 
Lớn lên bến nước sương mù
Sớm reo xanh mía chiều ru lúa vàng
Lũy tre sà bóng trưa vang
Những đêm trăng vọng cung đàn rung ngân
 
Từ đi theo sóng phong trần
Cố hương gởi lại Thọ Xuân chốn này
Lên đường rộng mở bàn tay
Giúp người chữa bệnh quên ngày tháng năm...
 
                                                                                        Tâm Nhiên

Không có nhận xét nào: