Nguồn:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61037070?
(Gửi
cho BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Úc)
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc
công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng nhiều lần cứ đến tháng
Tư tôi lại nghĩ về nhạc sĩ Phạm Duy và thân phận nổi trôi của cá nhân ông và
qua đó của quê hương mình. Tôi đã may mắn (hay bất hạnh?) "gặp mặt" nhạc sĩ Phạm Duy (5/10/1921- 27/1/2013) tất cả
4 lần, mỗi lần trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Lần thứ tư và cũng là lần
cuối cùng, tôi mới thực sự gặp lại ông, hiểu theo nghĩa trực tiếp đối diện,
trong một tình huống có thể nói là bẽ bàng cùng cực.
Bốn lần gặp là trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc
đời người nghệ sĩ kiệt xuất, trôi nổi theo vận mạng nổi trôi của đất nước. Cả 4
lần "gặp" đều diễn ra ở những nơi khác nhau, có những lần cách
xa cả ngàn vạn dặm, ở ba quốc gia, nằm trên ba lục địa của thế giới, từ Á sang
Úc rồi đến Âu Châu.
Lần
gặp thứ nhất
Năm đó tôi học lớp Đệ Lục (lớp 7 hiện nay), năm học
1964-65, ở Đà Lạt. Chiều tối hôm đó một anh người quen, học tại Viện Đại Học Đà
Lạt và ở cùng khu nhà, chở tôi đi xem Phạm Duy và ban nhạc của ông trình diễn.
Trong trí nhớ của thằng bé khoảng 11,12 tuổi còn đọng
lại hình ảnh Phạm Duy cùng mọi người trong ban nhạc, trong đó có một người Mỹ
trẻ, tất cả đều mặc đồ bà ba đen, say sưa đàn hát trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt
tán thưởng của các anh chị sinh viên ngồi chật kín trong giảng đường rộng.
Bài hát tôi nhớ mãi kể từ tối lần đầu tiên được xem và
nghe Phạm Duy cùng ban nhạc trình diễn là bản Tình Ca với giai điệu và ca từ
"hớp hồn" cậu bé vừa qua 10 tuổi:
"...
Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời.
Người
ơi!
Mẹ
hiền ru những câu xa vời.À
ơi!
Tiếng
ru muôn đời! ..."
Sau này tôi đã bật khóc trong nỗi xúc động không thể
kiềm chế khi nghe lại nhạc phẩm này trên đảo tỵ nạn Galang đầy gió lộng ở
Indonesia nhiều năm sau đó.
Lần
gặp thứ nhì
Lần này tôi đang học ở Viện Đại Học Đà Lạt. Khác với lần
trước đi cùng với ban nhạc, lần này, vào khoảng năm 1973-74, Phạm Duy lên thuyết
trình về một đề tài nào đó, dĩ nhiên là có phần trình diễn ca hát của ông.
Ấn tượng rất đậm nét lần này, không phải là chủ đề của
buổi thuyết trình hoặc các nhạc phẩm do chính ông trình bày, mà là phần sau đó:
khi ra ngoài ông được bao quanh bởi đông đảo nam nữ sinh viên, mỗi người chen
chúc cố gắng đến gần để đưa cho ông một cái gì đó, ví dụ một bản nhạc, một tập
nhạc hay một tác phẩm nói về Phạm Duy... để xin ông chữ ký.
Tôi cũng... bon chen thủ sẵn một bản nhạc nhưng vì người
đông quá và vì tôi mắc công chuyện nên phải bỏ cuộc trong nỗi tiếc nuối vì
không xin được chữ ký của ông.
Lần
gặp thứ ba
Lần này Phạm Duy tới thuyết trình tại trường Đại Học
Victoria ở tiểu bang Victoria, nước Úc, vào khoảng năm 1992. Giảng đường rộng
thênh thang nhưng đông nghẹt người tham dự. Ông say mê nói, có lúc tôi có cảm
tưởng ông đang phát biểu trong cơn mê sảng kỳ lạ, xuất thần về nhiều vấn đề
trong đó có phần đề cập tới chiều hướng sáng tác sau khi phải bỏ nước ra đi hồi
tháng Tư năm 1975.
Ông nói nguyên nhân khiến ông phải đi tỵ nạn năm 1975
cũng như lý do ông "dinh tê"
về Hà Nội năm 1951 rồi sau đó di cư vào Nam năm 1954 chỉ là vì hai chữ Tự Do.
Ông trình bày nhiều đề tài đa dạng, từ Ngục Ca, Tỵ nạn Ca ... và ông cũng kể về
những lần đi cùng các ca nhạc sĩ khác sang hát cho đồng bào ở các trại tỵ nạn
người Việt tại Đông Nam Á.
Tất cả 3 lần kể trên, kể cả ở Úc là nơi có đông đảo đồng
bào tỵ nạn ra đi từ miền Nam, Phạm Duy đều được đón tiếp hết sức trân trọng và
vô cùng nồng nhiệt.
Lần
gặp thứ tư: bẽ bàng
Năm đó, khoảng cuối 1995 hoặc trong năm 1996, giai đoạn
tôi đang làm việc tại Ban Việt Ngữ đài BBC ở thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc. Hôm đó
là một ngày Chúa Nhật, hai vợ chồng tôi xem lễ tại một nhà thờ ở Luân Đôn, nơi
giáo dân đa số là đồng bào mình ra đi từ miền Bắc.
Lúc thánh lễ sắp kết thúc, một người trẻ là trưởng một
đoàn thể của giáo xứ (hình như Đoàn Thanh Niên Công Giáo?) lên mời toàn thể mọi
người trong nhà thờ ở lại để gặp và xem Phạm Duy trình diễn. Tuy nhiên ngay sau
thánh lễ mọi người trong nhà thờ lũ lượt ra về hết, chỉ còn lại đúng 4 người:
trưởng và phó đoàn của xứ đạo và vợ chồng tôi.
Anh trưởng đoàn tay cầm bó bông trao cho Phạm Duy nói
vài câu xã giao trong đó có lời xin lỗi vì không có người tham dự. Phạm Duy đáp
từ ngắn, chỉ độ vài chục giây, đại khái bày tỏ sự thông cảm. Khi nhìn nét mặt
và lời đáp hết sức ngượng nghịu của ông (hoàn toàn khác hẳn vẻ linh hoạt và rất
sinh động của 3 lần trước, mỗi lần nhiều giờ đồng hồ), tôi có cảm tưởng mình đã
phần nào cảm nhận được sự bẽ bàng của người nhạc sĩ kiệt xuất của quê hương.
Sau khi nhìn ông một mình tay ôm bó bông lầm lũi ra khỏi
nhà thờ, tôi hỏi 2 người trưởng và phó đoàn của xứ đạo rằng các em có biết Phạm
Duy là ai không? Cả hai đều trả lời họ nghe nói đó là một nhạc sĩ nổi tiếng của
miền Nam trước năm 1975.
Những ngày Chúa Nhật sau đó tôi hỏi rất nhiều người
giáo dân trong xứ đạo ra đi từ miền Bắc, cả trẻ lẫn trung niên và già, tất cả đều
cho biết họ chưa hề nghe nói tới tên Phạm Duy hoặc chỉ nghe, biết "loáng thoáng". Ngay cả những
người nói họ "nghe, biết loáng
thoáng" thực ra cũng không biết gì ngoài việc "nghe nói" ông là một nhạc sĩ ở miền Nam.
Tôi nghĩ nỗi bẽ bàng của Phạm Duy càng tăng thêm gấp bội
vì chỉ mới chiều tối hôm thứ Bảy trước, theo lời một người bạn từng tham dự cho
tôi biết tại một hội trường cách nhà thờ không bao xa và cũng ở Luân Đôn Phạm
Duy đã được đông đảo đồng bào tỵ nạn ra đi từ miền Nam tiếp đón vô cùng nồng
nhiệt.
Chỉ mãi tới sau này, tức sau khi Phạm Duy trở về ở
luôn trong nước từ năm 2005, người dân Việt trong nước nói chung, đặc biệt giới
trẻ cả nước và đồng bào miền Bắc nói riêng, mới bắt đầu biết đến tên tuổi Phạm
Duy, nhất là sau khi một số nhỏ trong tổng số cả ngàn bài ca do ông sáng tác,
phổ nhạc hoặc viết lời được nhà cầm quyền cho phép phổ biến.
Qua bốn lần "gặp
gỡ" Phạm Duy, dù chỉ là những cuộc "gặp"
có tính cách và cảm nhận hoàn toàn cá nhân và có thể nói là "lặt vặt",
từ góc nhìn của một người rất đỗi bình thường, tôi nghĩ mình có thể hiểu phần
nào sự nổi trôi của cuộc đời Phạm Duy.
Qua trôi nổi, vinh quang và bẽ bàng đan xen lẫn nhau của
cá nhân Phạm Duy và nhất là qua số phận của bộ gia tài cực kỳ đồ sộ và phong
phú của ông, chúng ta có thể phần nào thấy được thân phận của quê hương Việt
Nam với:
"...
bốn ngàn năm ròng rã buồn νui.
Khóc
cười theo mệnh nước nổi trôi.
Nước
ơi!
Ƭiếng
nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Ƭhoắt
nghìn năm thành tiếng lòng tôi.
Nước
ơi".
Bảo Vũ
*
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một cựu
nhà báo hiện sống tại Melbourne, Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét