BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

NHỚ NHÀ ĐỌC THƠ - Lê Văn Trạch



Người xưa, xem chuyện thưởng thức Thơ như một nghệ thuật, được chuẩn bị kỹ lưỡng về không gian cũng như cách thức bày biện: có hoa, có rượu, hương trầm, tri kỷ và đôi khi cả người đẹp nữa!  Cố tạo nên một cảnh quan thanh thoát, ở đó chỉ có tâm hồn và ý Thơ.  Cái sảng khoái họ đạt được lên đến đỉnh cao của sự hoà nhập giữa thân -tâm và nhịp điệu Thơ ca…  Ngày nay điều kiện có khác, không cần thiết phải bị ràng buộc bởi những cung cách rối rắm, chỉ cần một nơi chốn tĩnh lặng và một tấm lòng…

Hoàn cảnh lịch sử đã bứng chúng ta ra khỏi đất nước, một quá khứ bị chặt đứt, bỏ lại với nhiều hệ luỵ.  Mỗi người bằng một cách nhìn, một cảm xúc, trăn trở khác nhau nhưng có chung một hoài niệm về nơi chốn đã một thời gắn bó.  Quê hương là một cái gì bao la diệu vợi, nhưng khi gợi nhắc không phải là núi cao, sông dài mà chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt.  Tám năm trước câu thơ của Nguyễn Vô Cùng đã làm tôi nhức nhối:
 
Nhớ Xuân xưa về rộn rã bên thềm,
Lạt bánh chưng Anh tìm Tre Khẳm Lá
 
Chỉ có sống ở vùng quê Quảng Trị mới biết thế nào là Tre Khẳm lá.
 
Và cả Phan Khâm nữa:
 
Nhớ con ốc gạo vàng xanh
Quê hương ơi hỡi lênh đênh tháng ngày
 
Ta cũng quặn thắt với cái đằm thắm và tình người của Lê Thị Đông Phương – ta như được trở lại cái thời hồng hoang, chưa bị hoen ố bởi lề thói bạc tiền mua bán:
 
Em xa quê từ khi còn tuổi nhỏ
Chắc quên rồi chồng bánh ướt Phương Lang
Ngày mùa lên giữa đồng ruộng thênh thang
Lúa đổi bánh ngọt bùi hương gạo mới
Ngọn gió chiều hôm đường đi mát rượi!
 
Một nhánh tre khẳm lá, một con ốc gạo, một gánh bánh đổi lúa trên nẻo đường quê; chỉ là những bình thường vụn vặt, nhưng giờ đây nghe, nhớ lại sao thấy xốn xang và bồi hồi thật lạ!
 
Tình yêu, muôn đời đã là đề tài bất tận và sẽ tiếp nối đến ngàn sau.  Ngôn ngữ của nó chung nhất nhưng rất riêng giữa hai người: là thẹn thùng e lệ bên vành nón che nghiêng, nhưng cũng rất mãnh liệt để độc quyền chiếm hữu.  Ta hãy nghe người con gái Chợ Kẻ Diên kể lể:
 
Xưa gặp Anh, em ngây thơ má đỏ
Tóc thề buông vành nón lá Hải Văn
Tóc thề buông vấn vít trái tim anh
Em trói buộc một đời anh phiêu lãng
 
Nụ tình được vun xới, tưới tẩm bởi những lối về rợp bóng, trăng khuya đầu ngõ, se lạnh đông tàn hay nắng vàng hè tới, là cả một khung trời của những ngày tháng cũ:
 
Ôi quê cũ những ngày xuân áo lụa
Rét tháng giêng se sắt nụ mai vàng
Làng quê nghèo chim én cũng không sang
Lòng cứ vẫn xôn xao như mở hội
 
Dù nên thơ đầm ấm bao nhiêu cũng không thể giữ chân được những tâm hồn đầy mộng mơ, kiếm tìm, khám phá. “Quê hương là đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương” từ đó ta cất bước. Hãy nghe Lê Thị Đông Phương chia sẻ: Tôi xa xóm làng từ nhỏ, luôn tưởng đến một vùng đất nghèo đã được sống những tháng ngày thơ mộng êm đềm nhất trong cuộc đời, cho nên nhiều khi nhớ thương quê hương đến nao lòng… những căng thẳng của đời thường nó hành mình quá, đôi khi muốn có những phút giây bầu bạn với nàng Thơ cũng thật khó...
 
Tuy thế Cô vẫn diễn bày cảm xúc của mình bằng những ước muốn mênh mông…
 
Như nước cuốn trôi ngàn kỷ niệm
Bao mùa xuân đến vẫn chia phôi
Biết về hái hết rừng sim chín
Uống cạn dòng sông chẳng thấy người!
 
Trong một lần chia sẻ với Nguyễn Vô Cùng sau khi đọc tập Thơ của Anh tôi có viết:  Đọc “Vườn Xưa” mọi người mới chợt nhận ra ngôi vườn của mình, có những cái thật đơn giản nhưng không cảm nhận, diễn đạt được mà phải đợi đến Nhà Thơ với giác quan bén nhạy…
 
Bằng những bước chân nhè nhẹ dò dẫm của ngày mới lớn, Anh cho ta thấy cái ngại ngùng duyên dáng muôn thuở của buổi đầu hò hẹn:
 
Giờ hẹn bồn chồn con bóng đổ
Phong thư cuống quít nhịp tim dồn
Đôi tà áo mỏng thời non dại…
 
Tuổi trẻ, xóm làng, trường cũ là sự gắn bó máu thịt, khắc ghi đậm nét một quãng đời đẹp, không thể tách rời, muôn đời vẫn là những lưu luyến:
 
Cuộc sống êm trôi như làn gió nhẹ
Đất và người cuốn chặt mối tình quê
Mặt đất rưng rưng mỗi chuyến đi về
Sân ga nhỏ còi tàu vương vấn lạ
 
Rồi cũng như tất cả người cùng thời, Anh phải bỏ lại đàng sau những nét đẹp ấy để lên đường… Nhưng vận nước đổi thay, bao ước mơ với bầu nhiệt huyết của “chàng tuổi trẻ” không thành, “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”.  Anh cúi đầu tạ tội với núi sông như nhà thơ Hà Huyền Chi đã bộc bạch: “Mẹ ơi con mẹ chưa già – giữ quê, quê mất, dựng nhà, nhà tan”

Niềm đau tiếp nối niềm đau, cơn cuồng phong lịch sử đẩy Anh đi xa hơn và dù ở đâu, trong lòng cứ là những khắc khoải:
 
Mưa gió thêm tràn nỗi đắng cay
Càng xót quê nhà đêm khổ nạn
Sao vui xứ lạ cảnh lưu đầy
 
Tâm trạng của Nguyễn Vô Cùng là nỗi lòng của kẻ sĩ trước đêm dài đen tối của Sơn Hà Xã Tắc, là niềm cô đơn của Hiệp Khách nửa đường gãy kiếm:
 
Tiếng cuốc dài theo từng dặm khách
Nỗi hờn ứ đọng một phương trời
 
Và cứ thế ngay cả ngày xuân, đất trời vẫn không chuyển đổi được những nung nấu trong lòng:
 
Gom chua xót dựng cành nêu mới
Kết nhớ nhung treo chuỗi pháo dài
Phải chăng ý Tết nhiều cay đắng
 
Từ đó Anh quay trở lại thủ thỉ với mình, bầu bạn với túi Thơ:
 
Ưu phiền xin gởi theo dòng nước
Dệt mái lều Thơ ấm một miền
 
Tuy thế, đi vào nội tâm, vào cõi Thơ, Anh vẫn không giải quyết được những trăn trở luôn ray rứt:
 
Mực thẹn đêm dài chưa sáng tỏ
Bút sầu canh trắng vẫn mông lung
 
Bước vào Vườn Xưa của Nguyễn Vô Cùng, qua mọi ngõ ngách, ta cảm nhận được cái dung dị đằm thắm pha chút xót xa.  Tất cả tâm sự ấy đã được chuyển tải trong chỉ mấy câu thơ:
 
Bên trời thiên lý xa xăm
Hồn sông xưa vẫn nghe gần tấc gang
Nhớ dòng sông, tủi vầng trăng
Nhớ sông trăng cũng võ vàng héo hon
 
Con người dù ở trong hoàn cảnh bi đát nào, vẫn luôn có những hoài vọng, và như ai đó đã nói: “Trong đêm dài lúc tối nhất là lúc trời sắp rạng đông”!  Anh mơ một ngày trở lại:
 
Rồi mai ta lại về quê cũ
Hát khúc đoàn viên ứa lệ vui!
 
Đất trời, quê hương rồi cũng đổi thay, trong niềm hoan lạc của mọi người:
 
Mơ ngày hội ngộ hoa còn thắm
Ước buổi đoàn viên bóng chưa tà
Cho bến đò xưa Ông lái cũ
Câu hò nghe mới những lời ca
 
Phan Khâm yêu cuộc sống bằng tất cả cái đam mê của một nghệ sĩ.  Ở môi trường nào, Anh cũng trải rộng tấm lòng và như muốn ôm trọn vào bằng cái rạo rực của trái tim không phải đời thường.  Đọc thơ Anh ta hình như thấy mờ ảo trong mỗi khung trời bao phủ bằng những triết lý được rút ra từ những trải dài năm tháng của tình yêu, tình người, quê hương, thế sự…
Cách biểu hiện những động thái tình yêu của Anh rất… Phan Khâm, không là những bày tỏ đơn điệu của ngôn ngữ thế gian.  Anh yêu bằng những cảm xúc thanh thoát diệu vợi:
 
Xin em chút nợ đèo bồng
Cõi mơ cõi mộng, cõi lòng đang mơ
 
Không chỉ dừng lại ở đó, Anh đưa ta đi về một miền cổ tích xa xăm và người tình huyền ảo như một vầng trăng, một ánh sao:
 
Em long lanh sáng dìu ta dậy
Cứ ngỡ còn ngàn lẻ một đêm
 
Và nếu có đối diện với người tình trong gang tấc, Anh cũng chỉ tận hưởng những tinh tuý chắt lọc qua cái mơ mộng, lãng mạng ngàn đời…
 
Em cười như vỡ thuỷ tinh
Ta ôm hồ rượu một mình ta say
 
Khi trở về với con người thực, Anh muốn giữ tất cả những điều ấy lại, như bao giờ mai sau cũng như bây giờ, nguyên trạng. Bởi tình yêu là chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống.
 
Lưng đồi nắng xuống rưng rưng
Níu tay em lại xin đừng hoàng hôn
 
Tình yêu đã bay đi muôn phương, trái tim có thể đã nhiều miền rung động, nhưng người tình đích thực của Anh vẫn là “Người Tình Trăm Năm”, đi trọn cuối đời cho dù qua bao ghềnh thác:
 
Thương chén đầy, nhớ chén vơi
Mảnh tình tròn trịa, mảnh đời nghiêng nghiêng
Và đôi ta một con thuyền
Theo dòng sông nhỏ về miền cuối xuân
 
Có một điều ít ai để ý là niềm tin tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ trong ý thơ của Anh.  Anh tin vào Nghiệp Duyên. Sự ràng buộc với người tình không phải là điều tự nhiên mà đã có sự sắp xếp từ một kiếp nào đó:
 
Nửa đời đắm mấy cơn mê
Chắc trong tiền kiếp lạc về phương đông
Thương em duyên nợ đèo bồng
Thương Anh hồ thỉ tang bồng phù vân
 
Anh hoan hỷ chấp nhận cái lý nhân quả đã được thể nghiệm ngay trong đời mình và nhìn thật sâu để hiểu, không phản bác, chối từ:
 
Gập ghềnh vạn lý nhiễu nhương
Xuân qua xuân tới cuối đường còn xuân
Trái đắng nào lại không nhân
Vẫn xin nuốt trọn mười phân vẹn mười
 
Trôi lăn trên dặm dài nhân thế, Anh vẫn giữ cái phong thái ở một miền quê hương đã nuôi dưỡng, sự gắn bó ấy là một phần đời, một phần sự nghiệp thi ca của Anh. “Mùa xuân nào mình về thăm Quảng Trị”, đã đi vào lòng mọi người.  Giáo sư Vũ Ký cho đó là “một điệp khúc ái tình giữa con người gió bụi với nơi cội nguồn vĩnh hằng” và mặc dầu không phải là người Quảng Trị, Ông …ngâm nga hoài trong lòng khúc ca sầu luyến Mùa Xuân nào mình về thăm Quảng Trị mà cảm thấy ứa lệ trong im lặng vô cùng.
 
Mỗi người cảm thấy gần gũi và tâm đắc với một đoản khúc quê hương của mình trong đó, tôi không thế, vốn mơ mộng, tôi yêu những dáng nét lãng mạn thanh thoát của một thời tuổi trẻ:
 
Mùa Xuân nào về Đâu Kênh, Chợ Cạn
Đường trăng xưa qua An Trú, Đạo Đầu
Một thuở nào cùng năm ba bè bạn
Ăn bánh dầy nếp dẻo quết mo cau
 
Phan Khâm cũng sẽ trở về để làm “người hát rong” cạnh “người tình trăm năm” đi qua những cồn cát dài của bờ biển trong xanh, khu chợ quê nho nhỏ, một bến lội còn in nét diễm tình, một phế tích vương hầu không còn dấu vết… và cứ thế Anh đi, trong tận đáy lòng vương mang một điều gì chưa đạt, chưa thể hiện, còn nằm ở vùng mơ ước:
 
Hát tiếng hát tự do thời đã hát
Tiếng hát không ai bắt bớ tù đày
 
Ba nhà thơ Quảng Trị ở ba vùng quê hương khác nhau, có cách diễn bày nghệ thuật khác nhau, nhân sinh quan khác nhau, nhưng cùng chung điểm hẹn hoài cố huơng mà Giáo Sư Vũ Ký trích lời Martin Heidegger cho rằng:“..là nỗi đau xót nhất hoài hoài gây nên bởi nhớ thương không dứt trước cảnh ly cách thường xuyên”.
Cả ba đều sẽ trở về tuy mỗi người một cách, để cùng mọi người ôm nhau mà cười, mà khóc, mà nhìn trời với ánh sao mai vằng vặc đón ánh bình minh, cùng nắm tay nhau bắt đầu lại…
Đọc thơ, không phải hết nhớ nhà.  Qua thơ, tôi như được thấy cả khung trời quê hương đang ở quanh mình, để nhận diện và sống sâu sắc với sự có mặt của từng bụi cây ngọn cỏ, nắng sớm mưa chiều, đường đi lối lại… mà cảm nhận một nỗi nhớ thương, trăn trở, xót xa.
 
Cám ơn các Anh Chị, bằng những cảm xúc tâm huyết đã cùng chia sẻ với mọi người những gì đã nhìn đã nghe mà mắt thường không thấy được.
Để bù lại những thiệt thòi trời đất đã ban cho, chúng ta có những nụ hoa thật đẹp trổi lên từ sỏi đá, cát vàng…
 
                                                                                  Lê Văn Trạch

Không có nhận xét nào: