BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

NHỚ CHUYỆN TRÂU – Ugno.Vn (Nguyễn Phước Yên)



Đầu năm con trâu 2021, tình cờ nhẩm câu ca dao “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” bổng dưng có ông già nhớ lại chuyện con trâu từ những thuở nào. Dấu hiệu của người đến kì lẩn thẩn! Ông già tự nhủ thầm: "Thì ra mình cũng đã già rồi chăng"? Ông tuổi con gà. Bà tuổi con trâu. Lão thầy tướng số ngày xưa bảo tuổi ông bà thuộc cung tam hạp Dậu, Sửu, Tị... tốt lắm! tốt lắm!... Đúng là chỉ tốt phần ông. Phần bà đã hơn 70 còn phải làm kiếp "đi bừa" như trâu để phục vụ con gà lười bươi móc, nghèo xác xơ.


Ông nhớ về ngày xưa đã chịu kiếp yêu trâu nên trời đưa trâu đến với ông từ ngày còn thơ bé.
Có thằng bé đi mới cứng chân, sáng tối cứ theo bố vào chuồng trâu. Bố thì vuốt ve sống lưng con trâu. Chú bé con thì bắt chước sờ sịt chân trâu. Con trâu tơ da còn màu đen sáng phơn phớt nhiều lông tơ vàng óng. Nó phì phò ngúc nguẩy cái đầu có cặp sừng chỉ bằng cái tù và của ông mõ làng. Miệng nó nhai trệu trạo. Nhai mãi… Nhai mãi…  Rồi vẫy đuôi… Ông bố đắp cái gì đó vào vết xước rướm máu trên da cổ con trâu khiến nó phì phò và cong đầu ngúng nguẩy mạnh. Vết tập cày với cái ách cày oan nghiệt! Ông đặt chú bé lên lưng trâu, tập cho bé mấy tiếng họ, rì, tắt… 


Mấy tháng sau, ông bố đi đâu mãi không về. Chú bé có cái mũ vải trắng đội đầu. Con trâu có dải vải trắng buộc vòng hai sừng chạy ngang đầu. Khi vết loét trên cổ trâu da lành da thì có người đến dắt trâu đi. Chú bé khóc đòi giành lại thì được mẹ bảo bán trâu này để mua con nghé khác về cho chú. Thế là từ đó, hằng ngày chú bé con ra vườn, trồng từng bụi cỏ dại chờ con nghé về ăn. Đôi lần bị mẹ mắng nhưng ngoại can ngăn. Bà ôm cháu vào lòng.
 

Sáng hôm ấy, cả làng dậy sớm thăm hỏi nhau sau trận ca nông dội xuống làng đêm qua. Có nhà lo mai táng người chết. Xóm trên xẻ thịt con trâu trúng đạn toác hông, lòi ruột. Thằng bé đến xem. Con trâu chưa chết, nằm úp lưng. Nước gì ươn ướt khóe mắt trâu thật tội nghiệp. Bà nó đến kéo về. Nó phụng phịu bước theo khóc tức tưởi. Nhà nó không ăn thịt trâu. Bà nó không muốn cho nó nhìn người ta giết trâu. Chỉ có thế! Và nó nhớ mãi đến già mỗi khi đi qua các quán đặc sản thịt trâu cho dù bạn bè níu kéo.
 
Cậu thiếu niên xa làng, qua phố đi học. Mỗi tuần về quê, cậu cứ theo mãi đám trẻ chăn trâu ngoài bãi. Mặc cho đám trẻ chơi bi, chơi đáo, đá kiện… cậu chỉ ngồi lưng trâu nghe tiếng trâu gặm cỏ rào rào, nhai vội vã  để nuốt đến căn bụng. Hoàng hôn, cậu nằm trên lưng trâu ngửa mặt nhìn những đám mây, những cánh chim theo chiều vào tối. Học những bài thơ trong “Lục Súc Tranh Công” cậu chỉ thích bài “Trâu kể công” và thương chú trâu “…Trước cổ đã mang hai cái niệt. Sau lưng thêm một cái cày. Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây. Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn. Trâu mệt đà thở dài, thở ngắn. Người còn hăm hét mắng ngược, mắng xuôi. Liệu vừa đứng bóng mới thôi. Đói hòa mệt bước khôn rời bước…”. Cậu không biết cày ruộng nhưng thích mân mê những nông cụ gắn bó với chú trâu: Cái cày. Cái bừa. Cái bộn. Cái cày nặng trịch gắn lưỡi cày sắt sáng bóng suốt mùa cày. Cái bừa vuông chữ nhật với mấy thanh gỗ gắn hai hàng răng bừa bằng tre vót nhọn. Răng bừa được thay mãi mỗi vụ mùa khi chiều dài răng mòn còn bằng kín tay nắm cầm vào. Cái bộn tròn nửa hình trụ rỗng ruột, có những cái lỗ tròn bằng quả cau, quả cam. Cày để xới lật đất. Bừa làm tơi nhỏ đất. Bộn chỉ dùng ở đồng đất khô, để lùa đất bừa còn lớn cục và lùa xác cỏ. Sợi thừng chạc trâu mang vào “sẹo mũi” để người điều khiển kéo trâu đi được tết bằng những sợi lạt mỏng tre non quấn lại như dây dừa. Cái ách quàng vào cổ trâu kéo cày, bừa thường được làm bằng gỗ mít. Những sợi mây song buộc từ ách cổ trâu, kéo cày, bừa, bộn to bằng ngón cái chân. Tất cả là kiếp trâu. Oan nghiệt quá!
 

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Người nông dân quí trâu như quí người. Con trâu là cả một gia sản. Khát vọng có trâu của nông dân nghèo đôi khi gắn họ lại, chung sức tậu trâu. Bốn người góp nhau thì mỗi người có một chân trâu. Ba người thì người “giàu” hơn góp hai chân trâu. Có bài ca dao hai cặp câu lục bát mà một số người chỉ thích cặp sau. Theo họ cặp trước là xem thường người thương quá. Ai lại ví người thương với con trâu! Hiểu thế là họ chưa phải nông dân và chưa sống đời sống nông dân:
 
“Tìm em như thể tìm trâu
Non xanh đất đỏ biết đâu mà tìm
Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc, anh tìm bể Nam”
 
Lại có bài Tập đọc trong sách giáo khoa thư ca ngợi: “Ai bảo chăn trâu là khổ. Không! Chăn trâu sướng lắm chứ…”. Bài văn được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào một bản nhạc ca ngợi “Em bé quê” nhiều người thích hát. Cứ về quê làm thử việc em bé quê đi ở đợ chăn trâu nhà người vài hôm thì biết “sướng lắm chứ” là thế nào. Tinh mơ, khi gà mới gáy xả, bé ngồi trên lưng trâu ngủ gà ngủ gật, thứ ngủ của tuổi còn háu ăn thích ngủ, dẫn trâu xuống sông nẹp sáng, cho trâu tắm. Sáng trời, lên nhà, bé ăn qua quít vài miếng cơm khoai dằn bụng để dẫn trâu theo ông chủ ra đồng. Trâu mang ách vào cổ cày ruộng. Cậu bé gánh hai cái bội (sọt) đi lùng cỏ cắt đầy mang về. Trâu nghỉ trưa, nằm nhai cỏ trệu trạo dưới bóng râm hàng tre trên đê thì cậu lại lùng hai bội cỏ khác chuẩn bị cho trâu ăn tối. Xế trưa bớt nắng, trâu cày buổi chiều thì cậu dọn quét chuồng trâu, thu vén phân trâu. Trâu nghỉ cày, cậu dẫn trâu ra bãi đê gặm cỏ, ra bến nẹp buổi chiều. Bến nẹp toàn thứ đỉa trâu, có con to bằng ngón chân cái, khiếp thì có khiếp nhưng cậu vẫn phải lội xuống kỳ cọ thân trâu. Trâu là loài thích nước, nẹp dai. Câu lại thích chơi, túm tụm bày đủ trò, chơi mãi. Có lẽ “sướng lắm chứ” là giây phút này. Nhưng phải lên thôi trâu ơi! Trời tối lâu lắm rồi.
 
Làng quê ngày ấy còn dùng trâu đạp lúa. Lúa gặt về xếp một lớp dày đầy kín mặt sân. Những bông lúa chín xếp dựng đứng như thế đứng khi còn ở chân ruộng, ken kín bên nhau chỉ thấy toàn hạt với hạt. Một hoặc hai con trâu được người cầm chạc mũi dẫn đi vòng trên thảm lúa. Lúa rụng hạt lắng xuống rơm. Hết lớp hạt này lại “xảy rơm” đạp lại lớp khác. Mấy lần như thế thì rơm chỉ còn cọng rơm. Hạt  túm theo hạt thành đống lúa. Trâu đạp lúa thì cậu bé phải chuẩn bị một chiếc ki trải lá chuối tươi, lót rơm dày, túc trực ngoài sân. Khi nghe người dẫn trâu kêu: “Trâu ẻ” to tướng và hai tay ông ta đè mạnh cái đuôi trâu vào chỗ ấy, không cho những thứ quý của trâu, cả nước lẫn xác rơi ra lúa thì cậu bé phải tức tốc mang ki vào hứng. Thế đó!... Nhưng mà đạp lúa có những bữa ăn đêm với bánh gói, bánh tày, chè đậu… dưới trăng khuya bên đống lúa mới ngai ngái mùi rơm tươi. Cảnh quê sao mà tình tự thế!
 
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Mai này cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
 
“Trâu ơi”, “Trâu này” tiếng gọi biết bao thân thương trìu mến. Trâu và ta đều là nông gia vốn nghiệp cấy cày, cùng sống, cùng làm, cùng hưởng. Cánh đồng cho ta bông lúa thì cho trâu ngọn cỏ. Ta và trâu ai mà quản công sức khó nhọc. Tình người với trâu là thế thì “Tìm em như thể tìm trâu” có gì là xúc phạm. Tình yêu vật nuôi gắn bó như thế thì có gì nhân văn hơn! Nhà cậu bé không ăn thịt trâu. Bà cậu bé không cho cậu xem cảnh giết trâu đã như là một tín ngưỡng là thế. Có sao đâu!
 
Thế mà!... Mấy chục năm đã trôi qua rồi đấy! Làng quê của ông bây giờ không còn một con trâu nào. Máy cày, máy gặt đập đã chiếm hết việc của trâu. Trâu đen ăn cỏ không còn đã được thế bằng trâu đỏ uống xăng và ăn luôn tiền vòi vĩnh của mấy ông chăn lái trâu hiện đại. Người nông dân ngày nay không còn biết con trâu. Nhiều nơi nuôi trâu chỉ để giết thịt. Phố phường ngày xưa ít biết trâu thì nay biết nhiều hơn vì đây là món đặc sản mắc tiền. Có một lão già da mặt nhăn nheo nhiều sợi bún trên vầng trán cằn cỗi đi ngang quán đặc sản ấy, ông nhìn cái hình đầu trâu màu đỏ vẽ trên tấm bảng hiệu cứ ngỡ như thấy lại con trâu của bố ngày xưa nhà mình. Ông cúi mặt bỏ đi, lủi thủi về nhà ra vào với con trâu già gắn bó hẩm hiu những tháng ngày còn lại.
 
                                                         Ugno.Vn (Nguyễn Phước Yên)

Không có nhận xét nào: