BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

CHUYỆN TÌNH CỦA NHÀ VĂN VŨ BẰNG VÀ CÔ VỢ HƠN 7 TUỔI

Nhiều nhà văn nổi tiếng có câu chuyện tình yêu khiến người ta phải xuýt xoa sao mà lãng mạn quá, văn thơ thế. Tuy nhiên, cũng có những chuyện tình còn khiến người ta phải xót xa thật nhiều.
Trai tân quyết cưới bằng được người vợ qua 1 đời chồng
Mở đầu cuốn sách Thương Nhớ Mười Hai, nhà văn Vũ Bằng viết: "Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngàn nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu".


Nhà văn Vũ Bằng sinh năm 1913 tại Bình Giang, Hải Dương. Năm 16 tuổi, ông được in bài báo đầu tiên và bắt đầu hành trình cầm bút.
 
Năm 22 tuổi, ông kết hôn. Người vợ mà ông chọn là bà Nguyễn Thị Quỳ - đến từ miền quê Quan họ. Bà Quỳ hơn Vũ Bằng 7 tuổi, đã có một đời chồng và 5 đứa con riêng.
 
Chồng trước của bà là một nhà buôn nổi tiếng tại Hà Nội. Ông đam mê nghe hát cô đầu. Cũng vì mê một cô đầu mà ông hắt hủi bà Quỳ, dẫn đến ly hôn. Một thời gian sau, bà gặp Vũ Bằng và hai người nảy sinh tình yêu.
 
Vì sự chênh lệch ấy nên đương nhiên, mối quan hệ này đã bị hai bên họ hàng phản đối. Tuy vậy, Vũ Bằng đã quyết phải cưới được bà Quỳ làm vợ.
 
Sau này, người ta vẫn đặt câu hỏi lí do vì sao một người phụ nữ có 5 con riêng lại khiến nhà văn tên tuổi, phong lưu mê như điếu đổ. Cần phải nói thêm rằng, những năm tuổi trẻ, nhà văn Vũ Bằng là một văn sĩ Hà thành nổi tiếng ăn chơi. Tuy nhiên, cuối cùng ông phải dừng chân khi tìm thấy người phụ nữ mình muốn gắn bó dài lâu.
 
Nói về tình yêu của cha dành cho mẹ, con trai Vũ Hoàng Tuấn của nhà văn Vũ Bằng từng chia sẻ: "Phải nói cha tôi yêu mẹ tôi với một tình yêu đặc biệt. Một tình yêu vượt lên mọi định kiến 'trai năm thê bảy thiếp/gái chính chuyên một chồng' thời ấy. Không những xinh đẹp, mẹ tôi còn là một người phụ nữ tinh tế, thờ chồng, yêu chồng và có một tình yêu văn chương rất mực".
 
Vợ chồng nhà văn Vũ Bằng.

Ngoài ra, bà Quỳ còn có khả năng nấu ăn tuyệt ngon. Bạn bè thân hữu của Vũ Bằng khi gặp cũng khen tài đảm đang của bà Quỳ và nói với ông: "Chính toa nhờ có vợ toa, toa mới viết được đấy".
 
Nhà văn Tô Hoài khi viết chân dung Vũ Bằng cũng đùa rằng vì ông thích ăn ngon nên đã lấy bà Quỳ.
 
Bản thân Vũ Bằng cũng không ít lần nhắc đến tài nấu ăn đó: "Thương nhất người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy, không bao giờ đợi cho chồng phải nói lên sự mơ ước".
 
Bà Quỳ còn một tay lo toan công việc nhà, vun vén hạnh phúc và chăm lo cho con cái để chồng yên tâm với sự nghiệp sáng tác.
 
Nấu nướng ngon tuyệt, thấu hiểu tâm lý chồng và trên hết chính là sự thu vén, chu toàn mà cho dù người vợ hơn đến 6 tuổi, nhà văn Vũ Bằng vẫn yêu sâu sắc.
 


Thời gian xa cách đằng đẵng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay

Đến năm 1954, Vũ Bằng vào Nam. Cuộc chia tay của cả hai cứ ngỡ chỉ hai năm nhưng sau đó kéo dài đằng đẵng.
 
Cũng chính vì quãng thời gian dài xa cách đó mà ông đã viết nên tác phẩm Thương Nhớ Mười Hai vô cùng xuất sắc. Đầu sách, ông đã dành nó như một món quà để gửi tặng người vợ phương xa.
 

Trong một tác phẩm khác, ông cũng thoải mái kể về nỗi nhớ nhung dành cho vợ: "Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này, em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú đậu ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy?".
 
Những tác phẩm tùy bút ông cũng nhớ lại các kỷ niệm bên cạnh người vợ của mình. Ông không ngại gọi bà là "người vợ bé nhỏ" một cách thân thương, âu yếm và trang trọng.
 
Vũ Bằng nhớ về kỷ niệm cùng bà Quỳ đi xem hát trống quân, khi hai vợ chồng đi ném còn, đi lễ hội Chùa Hương hay cùng nhau đi trên đường rợp bóng cây…
 
Đối với Vũ Bằng, người vợ hơn 6 tuổi vẫn như tình nhân nhỏ bé. Tình yêu sâu sắc khiến cho ông phải thốt lên: "Yêu sao yêu quá thế này! Nhớ sao nhớ quá thế này".
 
Sự xa cách của đôi vợ chồng người Nam kẻ Bắc đã khiến cả hai thương nhớ nhau da diết. Sau này, bà Quỳ đã sinh bệnh vì cuộc sống khắc nghiệt và sự chờ đợi vô vọng khiến bà chẳng thể gượng thêm nữa.
 
Tháng 4/1967, bà qua đời và được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang Văn Điển.
 
Được biết, trước khi qua đời, bà vẫn bảo con trai mua cho mình vài quả chanh và đọc cho bà nghe thêm vài trang cuốn Thuyền tình bể ái mà ngày xưa hai vợ chồng bà đều thích đọc.
 
Suốt đêm ấy, ngoài trời mưa to. Biết lúc đó sắp đi xa, bà giở từng tờ bưu thiếp có chữ của chồng đọc lại. Rồi bà khóc nói với con: "Không thể chờ đợi được nữa con ạ, mẹ phải đi thôi"...

Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, có lẽ điều tiếc nuối duy nhất trong lòng bà Quỳ là không thể gặp lại được người chồng yêu dấu.
 
 *
Nguồn:
https://afamily.vn/bat-chap-phan-doi-trai-tan-cuoi-bang-duoc-vo-hon-7-tuoi-tung-co-chong-va-5-con-rieng-truoc-khi-qua-doi-nguoi-dan-ba-noi-12-tu-xot-xa-tan-cung-20220419192359245.chn

Không có nhận xét nào: