BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

“CHẠM VỪA THÁNG TƯ” THƠ VÕ MIÊN TRƯỜNG, CHẠM VÀO TIM THƠ - Châu Thạch


   
               Nhà thơ Võ Miên Trường


CHẠM VỪA THÁNG TƯ…
             
Với tay chạm nắng lưng trời
Màu buồn đổ sóng xuống đời an nhiên
Mùa đang son những ngọt mềm
Tháng tư vừa chạm đã nghiêng phía chiều…
                  
                                       Võ Miên Trường

 
 Nhà bình thơ Châu Thạch 


“CHẠM VỪA THÁNG TƯ” THƠ VÕ MIÊN TRƯỜNG, CHẠM VÀO TIM THƠ
                              Châu Thạch
 
Chữ chạm là một động từ có nhiều nghĩa: Khắc đục lên vật cứng, gặp nhau một cách bất ngờ, gây tổn thương tinh thần hay vật chất cho người khác. Trong bài thơ “Chạm Vừa Tháng Tư” của Võ Miên Trường, có lẽ ta phải hiểu theo nghĩa Chạm chỉ là đụng nhẹ vào mà thôi. Tác giả dùng chữ “Chạm” như để bày tỏ sự trân trọng một tháng tư mà mình quý mến. Nhà thơ đã chạm vào tháng tư nhưng chỉ “chạm vừa” là một cử chỉ mang nhiều trân trọng, e dè, nâng niu, yêu thương và ngại ngùng.
     
Bài thơ chỉ có 4 câu, câu thơ đầu tiên đã đưa người đọc bay bổng như một cánh diều lên cao dưới bầu trời quang đãng: “Với tay chạm nắng lưng trời”.
    
Đọc câu thơ nầy, ai có một chút đồng cảm với thi nhân sẽ hình dung, tưởng tượng được nơi Võ Miên Trường đang đứng để viết câu thơ. Chắc chắn nếu nhà thơ không đứng trên núi cao thì cũng đứng ven bờ biển, ven con sông, hoặc giữa một cánh đồng rộng mênh mông. Bởi vì Võ Miên Trường không phải là Tề Thiên Đại Thánh biến hóa được mình cao lên đến mây để có thể “Chạm vừa ánh nắng lưng trời”. Lưng trời là lưng chừng trời, “chạm vừa ánh nắng lưng trời” là chạm vào ánh nắng trên cao.
    
Nhìn ảnh đại diện trên trang facebook, ta thấy Võ Miên Trường là một phụ nữa đẹp. Đọc câu thơ nhập đề ta tưởng tượng ngay hình tượng một mỹ nhân đứng giữa trời đất bao la, với tay hứng ánh nắng trên cao rọi xuống. Tất nhiên bàn tay nàng chỉ chứa ánh nắng từ trên cao chiếu xuống, nhưng tâm hồn nàng hóa thân trong tưởng tượng để chạm được thứ ánh nắng ấm áp, tinh khôi, thứ ánh nấng giữa lưng chừng trời, Đây là một câu thơ không chỉ lảng mạn, mà còn thầm lặng miêu tả bức tranh đẹp tuyệt vời cho những ai có sự liên tưởng để cảm nhận rõ nét bức tranh đó, hay cảm nhận mơ hồ hình ảnh tuyệt đẹp ẩn chứa trong câu thơ.
    
Qua câu thơ thứ hai, Võ Miên Trường tặng người đoc một câu thơ mang hơi gió se lạnh, đem hương vị hạnh phúc cho giây phút bình an giữa đất trời: “Màu buồn đổ sóng xuống đời an nhiên”.
   
Đọc câu thơ, ta tưởng ánh nắng như vạn ngàn tia sáng tràn xuống thế gian. Nhà thơ đứng tắm mình trong những con sóng đó, tâm thiền bình tịnh an nhiên. Trước cảnh bao la cô tịnh, nhà thơ tất nhiên không thể có niềm vui như ở chổ đông người, mà ngược lại, nhà thơ chiêm nghiệm một màu buồn nhẹ do thiên nhiên đem đến.
Màu buồn đó chính là màu dịu dàng của nắng, màu vô biên quyến luyến của phong cảnh nơi thi nhân đang đứng, tất cả là không khí trầm lắng trong bầu trời cao rộng dưới ánh nắng thơm. Màu buồn đó chính là màu niềm vui không thái quá lan tỏa trong không gian, trong vạn vật, thấm đượm trong tâm hồn mà chỉ có thi sĩ bằng sự nhạy cảm đã thấy được sắc màu của nó.
    
Thế rồi câu thơ thứ ba: “Mùa đang son những ngọt mềm”
    
Vì sao tác giả nói mùa đang son? Nên nhớ tựa đề bài thơ là “Chạm Vừa Tháng Tư”. Tháng tư là tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Ta nhớ đến khổ đầu bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn Mạc Tử như sau:
 
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.
  
Hàn Mạc Tử đặt tên cho bài thơ là Mùa Xuân Chín để nói về cảnh sắc thiên nhiên của mùa xuân đang ở thời kỳ tươi đẹp nhất.
Võ Miên Trường đã dùng chữ “Son” để nói thay chữ “Chín” và dũng câu thơ “Mùa đang son những ngọt mềm” để tả trọn vẻ đẹp của Mùa Xuân Chín, diễn tả bằng câu thơ gọn nhẹ nhưng không khác chi những câu thơ của nhà thơ có bút danh chữ đầu là Hàn. Thay vì chữ chín, tác dùng chữ son làm cho tháng tư đầu hè tươi thắm như mùa xuân đầy hoa, chữ “ngọt mềm” làm cho tháng tư vẫn còn đây trái chín thơm ngon. Võ Miên Trường viết một câu thơ, chứa cả mùa bông trái xanh tươi vào đó!
    
Ở câu thơ cuối, khác với Hàn Mạc Tử tả mùa xuân chín ở buổi bình minh mà không biết ở tháng nào, nhà thơ Võ Miên Trường tả mùa xuân chín trong khung cảnh buổi chiều tháng tư tuyệt đẹp: “Tháng tư vừa chạm đã nghiêng phia chiều…”
 
“Vừa chạm” đây có thể để chỉ đầu tháng tư, “Vừa chạm” đây cũng có thể là tác giả vừa cảm nhận tháng tư của vũ trụ, “vừa chạm” đây cũng có thể tác giả nhớ về một tháng tư nào đó của năm xưa. “Nắng chiều” cũng vậy, có thể thiên nhiên chỗ đứng đã về chiều, có thể tác giả cảm nhận thời gian qua mau, cũng có thể tác giả chưa vui hết trước cảnh đẹp thiên nhiên thì lại nhớ một tháng tư đau lòng nào đó của quá khứ xa xưa. “Tháng tư vừa chạm đã nghiêng nắng chiều…” là môt câu thơ than thở, một câu thơ trách móc, một câu thơ se buồn với nhiều ý nghĩa hàm chứa trong thơ cho mỗi tâm hồn con người tùy nghi hiểu về nó.
    
Kết luận:
 
“Chạm Vừa Tháng Tư” là một bài thơ ngắn nhưng mỗi chữ trong thơ đều được chọn lọc tinh vi, mỗi câu thơ cô đọng sâu xa nhiều ý nghĩa. Đọc “Chạm Vừa Tháng Tư” cho ta một hình tượng nghệ thuật người đẹp đứng giữa thiên nhiên, cho ta cảm xúc về một mùa xuân chín trong tháng đầu hè, cho ta se buồn về một sự nghiêng của ngày tươi đẹp như sự nghiêng của cuộc đời hay thế sự.
 
Bởi thế bài thơ “Chạm Vừa Tháng Tư” của Võ Miên Trường đã chạm vào tim thơ của tôi và chắc chắn của nhiều người!
                                      
                                                                                       Châu Thạch
 

Không có nhận xét nào: